Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÙI HOÀNG TÁM - NHÀ BÁO NÓI LỜI DÂN

Kim Uyên
Thứ bẩy ngày 25 tháng 7 năm 2020 10:04 AM



Nhiều bạn đọc nhớ tên ông, thậm chí, chỉ cần đọc tít và vài dòng đầu là đoán được tên tác giả. Đặc biệt, mảng đề tài phòng chống tham nhũng, nói về cái xấu, cái ác nhằm đấu tranh bảo vệ chân lí, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, ngày một tốt đẹp hơn - đó chính là nhà thơ, nhà báo Bùi Hoàng Tám...

Cuộc đời không được suôn sẻ như nhiều người. Bùi Hoàng Tám kể, 15 tuổi, ông bỏ học để đi bộ đội, nhưng vì yếu không đủ tiêu chuẩn nên ông được chuyển sang làm công nhân xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Lần hai ông xung phong đi bộ đội nhưng chẳng có đơn vị nào chịu nhận ông, vì lí lịch thành phần “chậm tiến”. Bùi Hoàng Tám lại chuyển qua làm nhiều công việc khác nhau từ nhuộm vải, làm kem, cắt tóc đến… bán hàng ăn.

Bùi Hoàng Tám làm thơ không nhiều nhưng nếu đã đọc thơ ông, người ta khó có thể quên. Do thấy tố chất của ông nên nhiều nhà văn, nhà thơ có tên tuổi đã khuyên ông lên Hà Nội để có điều kiện học hành và phát triển hơn.

bui hoang tam nha bao noi loi dan
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám

Con đường binh nghiệp không có số, đường học cũng lắm gập ghềnh, nên rất muộn ông mới có bằng cấp 3 và sau đó, ông lên Hà Nội để thi đại học. Năm 1998, Bùi Hoàng Tám đăng kí thi vào Trường viết văn Nguyễn Du.

Ai cũng chắc chắn một điều là ông sẽ đỗ. Vậy mà, chẳng giống như 20 năm trước, Trường Nguyễn Du khi đó chủ trương sáp nhập thành một khoa của Đại học Văn hóa nên tuyển sinh theo quy chế tuyển sinh đại học.

Thế là dù về năng khiếu, Bùi Hoàng Tám đỗ “á khoa”, nhưng môn Lịch sử lại ăn điểm liệt (1,5/2 điểm). Năm đó, không chỉ Bùi Hoàng Tám mà nhiều “sĩ tử” có tên trong làng văn chương trượt thẳng, “dành chỗ” cho nhiều học sinh phổ thông vào trường này.

Thi trượt, nhưng đã lên Hà Nội rồi, quyết không quay về Thái Bình nữa, Bùi Hoàng Tám thi vào học tại chức Khoa Báo chí, Trường đại học Khoa học, Xã hội & Nhân văn.

Bùi Hoàng Tám kể: “Khi đó câu nói của nhà thơ Võ Bá Cường cứ ám ảnh tôi: Làm thằng đàn ông, tài năng không hơn nhau bao nhiêu, nhưng ai có chí thì người đó thành công. Điều đó đã góp phần thôi thúc tôi dấn thân vào nghề báo”.

Cuộc đời làm báo của Bùi Hoàng Tám bắt đầu từ đó.

Ông vừa đi học, vừa phụ trách trang văn hóa - văn nghệ của “Nhà báo và Công luận” và cộng tác với nhiều tờ báo khác, với mục đích duy nhất là kiếm nhuận bút nuôi ba bố con ăn học. Ông kể, có đêm viết xong tới 7 bài cho chuyên mục “Sau lũy tre làng” cộng tác với Báo Tiền phong.

“Cái may mắn lớn nhất của tôi là được tiếp xúc với các đại nhà báo như các cụ Hữu Thọ, Phan Quang, Hoàng Tùng… Họ không những là nhà báo lớn, là những thư kí của thời đại, họ còn là những nhà văn hóa có tầm tư tưởng. Ở họ, tôi không chỉ học được về nghề mà còn học hỏi rất nhiều về thái độ sống cũng như cách đối nhân, xử thế…”.

Ông kể lại, vào những năm 2002, để viết một bài báo bàn về công tác cán bộ, ông phải qua hai kì Quốc hội để phỏng vấn các vị lãnh đạo cao cấp. Viết nhiều, viết khỏe luôn đề cập đến những vấn đề nóng của xã hội, những điểm trọng tâm của nghị trường, nhiều nhức nhối vì tham nhũng của quan chức… nhưng Bùi Hoàng Tám luôn giữ ba nguyên tắc trong nghề để tránh “tai nạn”, bởi với ông, nghề báo là nghề “nghiệt ngã” (chữ của nhà báo Nguyễn Uyển) nên tai nạn có thể đến với bất cứ ai: “Thứ nhất, tôi luôn đặt cho mình một nguyên tắc là không được nói sai sự thật. Mọi thông tin, số liệu đều phải có từ nguồn tin cậy. Thứ hai là nói trên tinh thần xây dựng có tình, có lí. Còn nếu nói ở những động cơ khác nhau thì sẽ đón nhận những thái độ khác nhau. Nguyên tắc thứ ba, đó là không vụ lợi. Nói trên tinh thần cảm thông, chia sẻ nhưng cũng rất rạch ròi sai đúng…”.

Ngoài đời sống có thể đơn giản, bỗ bã nhưng Bùi Hoàng Tám luôn nghiêm túc trước trang viết của mình. Ông luôn trăn trở, cân nhắc thấu đáo các vấn đề rồi đưa ra quan điểm bằng sự sắc sảo với giọng nói riêng mà qua đó, người đọc thấy thấu tình, đạt lí.

Năm 2019, ông cho ra mắt tác phẩm “Nói lời dân” - Tập I - NXB Chính trị Quốc gia Sự thật dày gần 800 trang gồm hơn 200 bài báo được chọn lọc từ khoảng 1.000 bài báo, thời điểm từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2016. Ông cười, bảo: “Mỗi năm, chỉ riêng mục BLOG Dân trí, tôi đã viết ít nhất là 200 bài báo thì hơn 9 năm, nếu sử dụng tất cả, có lẽ phải in tới 7 - 8 tập, mỗi tập khoảng 800 trang”.

Tuổi đời chưa già nhưng không còn trẻ nữa, nhà thơ Bùi Hoàng Tám chủ yếu làm việc ở nhà. Ông thường dậy từ 2 giờ sáng để biên tập bài, duyệt comment, lấy thông tin…

Ông tâm sự, “Hơn 9 năm nay bác Hoàn (Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn, Báo Dân trí) cho tôi làm việc qua mạng tại nhà. Mỗi tuần chỉ phải lên cơ quan họp 2 lần nhưng tôi thường… trốn”. Lí do, ông rất thích nhà thơ Nga Vladimir Maiakovsky, đặc biệt là bài thơ “Những người loạn họp”.

Đến với nghề báo khi tuổi đời không còn trẻ nữa, nhưng lại nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình trong lòng bạn đọc qua nhiều bài viết sâu sắc. Cái tên Bùi Hoàng Tám trên Dân trí đến nay luôn gần gũi, thân thiết với bạn đọc cả nước.

Ông khoe: “Với tôi, bài báo dưới 50.000 view và 100 comment là bài báo chưa thành công. Này, có mấy bài tôi nhận được cả triệu view đấy”!

Có lẽ, đấy chính là phần thưởng không nhỏ mà bạn đọc yêu quý dành tặng ông. Và cũng là niềm hạnh phúc to lớn của người luôn “nói lời dân” với tâm thế “trọng người, trọng nghề và trọng mình” của nhà báo, nhà thơ Bùi Hoàng Tám

Kim Uyên