Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“ĐÒ CHỜ”, MỘT THIÊN TÌNH SỬ ĐƯỢC HUYỀN THOẠI HÓA...

Đặng Văn Sinh
Thứ ba ngày 21 tháng 7 năm 2020 7:40 AM




(Đọc truyện ngắn “Đò chờ” của Nguyễn Hải Yến, rút trong tập HOA GẠO ĐÁY HỒ, NXB VĂN HÓA VĂN NGHỆ, thành phố HCM, tháng 7 năm 2020, vừa phát hành)

MẤY LỜI PHI LỘ

Nguyễn Hải Yến từng tâm sự với tôi, trước khi “Đò chờ” xuất hiện trên “Nhà văn và Tác phẩm”, chị đã gửi truyện ngắn này đến dự thi ở một số tạp chí văn chương nhưng đều bị loại ngay từ vòng đầu vì lí do “nó à ơi lắm” và “chưa biết cách viết truyện”. Lúc ấy chị thực sự hoang mang và nản không biết mình sẽ học như thế nào để “biết cách viết” vì không phải chỉ có “Đò chờ” mà những truyện khác của chị, khi gửi đi dự thi cũng được trả lời như thế.

Thật may, Ban Sơ khảo tạp chí “Nhà văn và Tác phẩm” có con mắt xanh, chẳng những dùng “Đò chờ” không bỏ một dấu chấm dấu phẩy mà còn đăng liên tiếp 6 truyện ngắn nữa của Nguyễn Hải Yến trong các số 32, 36 và 39. Cho đến ngày hôm nay, theo tin chính thức, nhà văn nữ Xứ Đông đã có 2 tác phẩm được đưa vào chung khảo cuộc thi truyện ngắn của tạp chỉ “Nhà văn và Tác phẩm (2018-2020) là “Hoa gạo đáy hồ” và “Cửa sông thiên đường”.

Tất cả những truyện ngắn này đều đăng tải trước khi tác giả được Hội Nhà văn trao Giải thưởng cho tập truyện “Quán thủy thần” và kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019.

Gần đây, nhà văn Nguyễn Hải Yến gọi điện cho tôi cảm ơn về bài phê bình “Quán thủy thần như là mỹ học của ngôn từ” trên tuần báo Văn nghệ số 10 năm 2020, có bật mí, nếu tạp chí “Nhà văn và Tác phẩm” cũng không dùng như các báo khác thì chị hết kiên nhẫn, buông bút không viết nữa, trở về làm một cô giáo bình thường như nhiều người khác. Cuối cùng, tác giả “Quán thủy thần” tâm sự, chị thật sự xúc động và vô cùng biết ơn tạp chí “Nhà văn và Tác phẩm” đã làm sống dậy cảm hứng sáng tạo của mình...

Đ.V.S.

Ngay ở tập “Quán thủy thần”, ngòi bút của Nguyễn Hải Yến đã định hình bởi hai phong cách hiện thực và hiện thực huyền ảo qua những truyện ngắn gây ấn tượng mạnh đối với người đọc như “Nhân gian một cõi”, “Lục bát về gõ cửa mùa xuân”, “Đi giữa trời xanh mây trắng”, “Trước nhà có giàn mơ dại” hay “Dành dành cánh kép”... Tuy nhiên, hiện thực của Nguyễn Hải Yến là một hiện thực khác, hiện thực “tâm trạng”, không nương theo lịch sử mà bổ khuyết cho lịch sử, nhất là vào thời điểm “những khúc quanh”. Tại đó, người ta có cách nhận diện lịch sử bằng những quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược với quan điểm chính thống. Nhưng cũng ở thời điểm này, người cầm bút rất dễ tìm được những cốt truyện giầu tiềm năng khái quát, và nếu biết xử lý, rất có thể trở thành tác phẩm lớn. “Nhân gian một cõi” là truyện ngắn đã vươn tới tầm tư tưởng thời đại bởi nó dám “đối thoại” với lịch sử, và, ở mức độ nào đó, đã làm nổi bật được thân phận con người giữa những cơn biến động nhân gian bằng hình tượng văn học.

Còn với phong cách huyền ảo, yếu tố huyền thoại giữ vai trò nền tảng. Huyền thoại cấp cho huyền ảo “công cụ”, “vật liệu” phi hiện thực hoặc “bán hiện thực”. Huyền ảo là phương tiện chuyển tải cái lõi huyền thoại. Những truyện như “Hoa gạo đáy hồ”, “Dành dành cánh kép”, “Trước nhà có giàn mơ dại”, “Cửa sông thiên đường”..., đều thấm đẫm tinh thần huyền thoại. Ở đó, người đọc rất khó nhận diện được bản chất các sự kiện vốn bị lớp sương mù ngôn ngữ lãng đãng bao phủ, nhưng lại có thể cảm nhận được bằng trực giác bởi cùng một không gian văn hóa như Roland Barthes đã viết: “huyền thoại biểu lộ ra những hệ ngữ nghĩa và hệ thống văn hóa nổi bật, nó cho phép những thành viên trong cùng một khu vực văn hóa có thể hiểu được nhau và có thể xoay sở với những điều chưa biết. Chính xác hơn thì huyền thoại là những văn bản có thể định nghĩa theo văn phong và chúng biểu đạt những thành phần bền vững của hệ ngữ nghĩa”.

Đến “Đò chờ” thì khác. Cấu trúc truyện ngắn “Đò chờ” không nằm trên nền tảng huyền thoại. “Đò chờ” cũng không có yếu tố siêu nhiên, không có những nhân vật thuộc “thế giới bên kia”, nhưng đã được tác giả “huyền thoại hóa”, qua đó, sử dụng bút pháp huyền ảo tạo nên một văn bản khác lạ, và nếu chỉ đọc lướt qua sẽ thấy kết cấu khá rối.

Có thể tái cấu trúc “Đò chờ” thành một văn bản “quen thuộc” theo trình tự thời gian tuyến tính như một biên tập viên nào đó gợi ý. Như vậy, nó sẽ dễ được tiếp nhận hơn với tầng lớp bạn đọc phổ thông, nhưng cũng có nghĩa là “khai tử” luôn thiên truyện. Lý do rất đơn giản, sáng tạo nghệ thuật vốn là tiêu chí hàng đầu của người nghệ sĩ. Không còn cái đó, tác phẩm sẽ như cơ thể thiếu máu, suy kiệt dần rồi chẳng bao lâu sẽ...quy tiên! Chính vì thế, những truyện ngắn viết theo hệ hình thẩm mỹ coi việc phản ánh hiện thực như khuôn vàng thước ngọc, bố cục cân đối, câu văn có đầy đủ các thành phần chính phụ, và ngôn ngữ diễn đạt mạch lạc, dễ hiểu, không còn là ưu tiên hàng đầu đối với công chúng, nhất là tầng lớp trí thức tinh hoa. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, một quốc gia có nhiều tác phẩm văn chương đỉnh cao, đóng góp cho nhân loại những giá trị trường tồn, chưa bao giờ là văn học của số đông.

Trở lại với “Đò chờ”. Cái hiện thực mà Nguyễn Hải Yến căn cứ vào đó để viết nên thiên truyện không phải là hiện thực trực tiếp hay hiện thực biểu kiến mà là hiện thực được tái tạo thông qua tâm trạng. Dùng hiện thực tái tạo làm hệ quy chiếu, đặc biệt là quy chiếu đối với lịch sử sẽ làm nảy sinh những giá trị mới ngoài văn bản. Lịch sử là ngẫu nhiên ở thời hiện tại. Các sử gia chỉ có thể đưa nó vào quy luật khi mà các sự kiện đã xảy ra ở thời quá khứ. Lịch sử là bất biến nhưng nhận thức về lịch sử là khả biến. Ở “Đò chờ”, chẳng những tác giả đối thoại với lịch sử mà còn ngầm truy vấn lịch sử như một động thái “giải ảo” để tìm cho được câu trả lời về vấn đề hòa hợp và hòa giải dân tộc sau một phần ba thế kỷ loạn lạc, phân ly.

Nhưng “Đò chờ” không tiếp cận lịch sử từ các sự kiện và con số mà đi theo cách riêng của mình bằng chuỗi hình tượng qua những con số và sự kiện ấy với những thủ pháp nghệ thuật như cấu trúc văn bản, hệ thống nhân vật, đặc trưng ngôn ngữ...

Đọc “Đò chờ”, ai cũng có thể nhận ra, ngôn ngữ truyện không phải là ngôn ngữ kể thông thường của loại văn chương hiện thực truyền thống vẫn đang thịnh hành trên văn đàn Việt. Đó là ngôn ngữ thuộc hệ hình văn học huyền ảo chỉ tương thích với những cốt truyện mang tính huyền thoại. Có thể nói, bao phủ khắp “Đò chờ” là một bầu không gian sương khói lãng đãng lớp ngôn ngữ nhòe mờ tạo cảm giác bâng khuâng hay buồn man mác. Thứ ngôn ngữ nặng về âm tính ấy lại được đặt vào bối cảnh kẻ ở người đi trên con đò dọc giữa dòng sông trong đêm thanh vắng càng làm cho người ta thấy nao lòng. Cảnh ấy, người ấy, há chẳng phải là huyền thoại?

Thay vì viết ra câu chuyện mùi mẫn về mối tình chia phôi của cặp trai gái trong sự khốc liệt của chiến tranh, Nguyễn Hải Yến biến nó thành huyền thoại dùng ngôn ngữ huyền ảo để “kể” như một cách thay đổi thi pháp. Đưa một lát cắt lịch sử trở lại huyền thoại, đặt nhân vật ở lằn ranh giới giữa hai bờ hư thực bằng lớp từ ngữ mông lung, huyền bí giầu chất thơ, vô hình chung tác giả đã tạo ra hiệu ứng kép, dẫn dụ người đọc nhận diện lịch sử như một hình thức đối thoại để tìm ra chân lý. Hiện tượng này từng được Alvin A. Lee khẳng định: “Cũng giống như các nhà khoa học, những người chế tác huyền thoại đã tạo nên các thuyết đồng cấu hình và cả hai đều làm phận sự của mình dễ dàng hơn bởi họ luôn luôn tách biệt một số chiều hướng”.

Về cấu trúc, “Đò chờ” là một văn bản được hình thành trên nhiều lớp văn bản tích hợp với nhau không theo trình tự thời gian mà lại xen kẽ giữa lời kể với những đoạn hồi ức đứt nối. Cách tư duy không liền mạch này luôn “đốt cháy” thời gian, thậm chỉ có những lúc còn kéo hai mảng không gian cách xa nhau xáp lại gần nhau chỉ bằng một câu văn. Không gian và thời gian tâm lý được tác giả sử dụng như một biện pháp nghệ thuật để nâng cao tính hiệu quả trong quá trình huyền thoại hóa. Đọc “Đò chờ”, chúng ta có cảm giác như hiện tại và quá khứ cứ xoắn xuýt lấy nhau, cũng như số phận các nhân vật bị cắt rời bởi hai vùng đất luôn hướng về nhau trong nỗi nhớ thương da diết. Hình ảnh cô bé con gái ông bác sĩ trên đảo Mui Rùa chia tay anh con trai người chở đò dọc trên dòng sông Sặt vào Nam theo gia đình trong buổi chiều buồn gây ấn tượng khá mạnh. Nó là tình riêng nhưng cũng là biểu tượng một thời hằn sâu trong ký ức dân tộc, là hằng số văn hóa, đau đớn, bi phẫn...

Hình ảnh con đò dọc cắm sào gần nơi cầu quán trên đảo Mui Rùa được được định hình ngay ở phần đầu có giá trị như một dấu hỏi mang tính biểu tượng xuyên suốt thiên truyện. Chờ đợi một một mối tình vừa hiện thực vừa lãng mạn bởi một lời hứa? Chờ đợi một cuộc sum họp gia đình sau những thăng trầm dâu bể? Và sau rốt, là chờ đợi sự hòa hợp, hòa giải dân tộc bởi xung đột ý thức hệ trên tinh thần nhân văn, nhân ái? Đây là câu hỏi truy vấn lịch sử nhưng xét đến cùng, lịch sử chỉ là nhân chứng, lạnh lùng, vô cảm. Chính con người, trong đó bao gồm cả mỗi chúng ta phải có trách nhiệm trả lời sòng phẳng.

“Đò chờ” là bức tranh toàn cảnh về một giai đoạn lịch sử bi tráng mà mỗi nhân vật đều tham gia như một vai diễn vào “tấn tròi đời”, một thành tố quan trọng làm nên giá trị tác phẩm. Như hầu hết huyền thoại ở “Quán thủy thần” hay “Hoa gạo đáy hồ”, các nhân vật trong “Đò chờ” đều không tên hoặc chỉ là phiếm chỉ. Chẳng hạn như “người đàn ông”, “cậu con trai”, “cô bé”, “người chủ đò”, “ông bác sĩ”, “ người con gái”, “ông thiếu tá”, “ông già”.... Chỉ duy nhất có một cái tên là bé Linh, con gái người sĩ quan quân đội Sài Gòn được “người con trai” mang ra Bắc về sống trên đảo Mui Rùa sau khi “bà thiếu tá” bị tử nạn trên đường ra sân bay di tản. Thật ra, nhân vật không tên hay phiếm chỉ cũng là một biện pháp nghệ thuật làm gia tăng hiệu quả thẩm mỹ của tác phẩm văn học. Nhưng nó có sức thuyết phục người đọc hơn cả ở những cốt truyện có yếu tố huyền thoại. Bởi vì, với huyền thoại, người ta không cần một danh xưng cụ thể mà cần theo dõi số phận những “danh xưng” ấy trong mối quan hệ với chuỗi sự kiện và trình tự diễn ngôn của tác giả. “Đò chờ” thể hiện một phong cách kể vừa có chiều sâu tư tưởng vừa mềm mại, uyển chuyển bằng lớp từ vựng gợi tả, gợi cảm. Đó là thứ văn giầu hình ảnh, nhịp điệu linh hoạt làm nên sự cân đối, hài hòa rất gần với thi pháp lục bát hay song thất lục bát, có năng lực truyền cảm, dễ dàng thấm vào tâm hồn...

Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến nói chung, và “Đò chờ” nói riêng, thường sử dụng hồi ức như một biện pháp nghệ thuật dùng cái gián tiếp để hiển lộ cái trực tiếp. Những đoạn hồi ức này thường là không tách bạch riêng rẽ, mà có khi lại kết hợp với lời dẫn như một sự “can thiệp” của chủ thể vào trình tự diễn ngôn. Đây chính là nét độc đáo của thiên truyện nhưng đồng thời cũng là “cái bẫy” nghệ thuật được giăng ra, nếu không đọc kỹ, rất dễ bị nhầm lẫn. Một trong những cái “bẫy” ấy là tác giả thường đưa phần sau chèn vào phần đầu hoặc giữa câu chuyện, có khi còn nói trắng ra, đại loại như “Chẳng ai có thể ngờ rằng một trong bốn người trong chuyến đò dọc đêm không trăng ấy, hai mươi năm sau, lại quay trở về bến cũ, ngồi bên cầu quán ngày xưa”. Cho dù như thế, người đọc vẫn phải suy đoán, tưởng tượng, bởi lẽ, cái “phần sau” ấy có thể là rất quan trọng, nhưng đã bị người viết “mã hóa” như một câu đố khó tìm lời giải.

Câu chuyện xoay quanh hai cặp cha con ngẫu nhiên gặp nhau ở đoạn sông vắng đôi bờ mọc toàn cây sặt trong một đêm không trăng. Có thể nói, ngòi bút tác giả đã dựng nên khung cảnh bến sông, cây cầu quán trên đảo Mui Rùa ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ vào thời kỳ đầu Cải cách ruộng đất vô cùng ấn tượng. Nó thê lương, heo hút và buồn thảm như chính tâm hồn con người vừa trải qua cơn “chớp bể mưa nguồn”. Con đò dọc lầm lũi trong đêm là hình ảnh tương phản giữa cái nhỏ bé của kiếp người với cái dữ dội vô lượng của cuộc đời đầy bất trắc.

Cả hai cặp cha con đều bị số phận đưa đẩy vào hoàn cảnh bất khả kháng. Họ gặp nhau như một mối lương duyên. Phía người chủ đò dọc, vốn theo đạo Thiên Chúa, một nửa gia đình đã đi Nam. Còn ông bác sĩ bệnh viện St Paul, vợ mất sớm, bố bị Đội Cải cách xử bắn, mẹ chết theo, gây nên cơn sốc phản vệ, rất có thể anh đã nghĩ đến việc quyên sinh nếu không có cô con gái nhỏ đi theo từ Hà Nội về.

Cũng như “Bồ kết về đồng” hay “Hoa gạo đáy hồ”, không gian truyện của “Đò chờ” luôn là những đại lượng biến động bất chấp quy luật tuần hoàn vũ trụ. Vì đã được chuyển hệ từ hiện thực sang huyền thoại nên không gian trong truyện chỉ mang tính quy ước. Lại nữa, các mảng không gian này luôn xê dịch, đảo chiều làm bối cảnh cho sự vận động của thiên truyện qua hành trạng các nhân vật. Đọc truyện, ta dễ dàng nhận ra, “Đò chờ” có 5969 chữ mà tác giả cắt ra đến 7 khúc, ít nhất là khúc đầu chỉ có 172 chữ. Nhưng ngay trong 172 chữ này đã gây ra sự “mù mờ” với người đọc về tính đa nghĩa của thông tin. Người đàn ông và đứa con gái nhỏ là hai cha con bác sĩ hay anh con trai người lái đò cùng đứa con gái nuôi trở về đảo Mui Rùa sau hai mươi năm xa quê?

Có thể nói, “Đò chờ” được hình thành chủ yếu từ những hồi ức của “người con trai” có sự tham gia của tác giả như một nhân vật trung gian sắm vai người dẫn chuyện. Người dẫn chuyện đứng phía sau nhưng là thành tố quan trong trong việc tổ chức văn bản, lựa chọn mô hình câu văn cũng như phong cách ngôn ngữ. Có một điều cần nói rõ là, tuy đã có sự chuyển hóa nhưng trình tự phát triển tuyến truyện lại không tuân thủ theo đúng quy luật huyền thoại. Ở huyền thoại, hầu hết cấu trúc văn bản đều đơn tuyến nhưng “Đò chờ” lại đa tuyến tạo nên một tập hợp những thành tố nghệ thuật, nếu không biết cách giải mã sẽ chẳng khác gì người đi đêm bị lạc trong rừng rậm, khó tìm được lối ra. Không phải ngẫu nhiên, mà ở phần kết của mỗi khúc đoạn, nếu đọc kỹ, ta sẽ nhận ra, Nguyễn Hải Yến thường “gài” lại một câu đầy ẩn ý. Chẳng hạn như: “Con đò mới qua một quãng, quay nhìn lại, hòn đảo và cây cầu quán đã khuất dạng vào sương”, và “Mãi sau này anh mới biết có những cuộc gặp gỡ như định mệnh làm thay đổi cả cuộc đời”, hoặc: “Bác nhớ cho thằng bé nhà tôi làm con rể. Chúng nó bay nhảy đâu tùy, mình về đây làm cái nhà ở đảo, đưa hai cụ sang... Rồi ta kiếm con đò”, và đây nữa: “Không bao giờ anh có thể quên cái dáng bé nhỏ chạy theo sau thuyền suốt dọc triền đê cho đến khi khuỵu xuống, rồi mờ lẫn vào cỏ. Dòng Thái Bình mở ra trước mắt, bờ xa xanh hút mắt người”...

Có thể xem, câu chuyện của người con trai ông chủ đò dọc với cô gái sau này trở thành bác sĩ quân y từng hai lần gặp nhau nơi chiến trường trong những hoàn cảnh cực kỳ khốc liệt là một thiên tình sử mang đậm màu sắc huyền thoại. Vẫn biết cái kết không có hậu của thiên truyện làm bạn đọc sững sờ bởi người con gái năm xưa không trở về hòn đảo Mui Rùa, nhưng bản chất của huyền thoại vốn là bi kịch cho dù đó là “bi kịch lạc quan”. Sự kiện cô bác sĩ không trở về nơi mà hai mươi năm trước đôi bạn trẻ đã từng cùng nhau trồng cây duối, được tác giả bỏ lửng như “dấu lặng” trong nhạc phẩm “Gửi người em gái...” của ông hoàng ca khúc mùa thu Đoàn Chuẩn. Đó là một “dấu lặng” đủ dài để chúng ta suy ngẫm về sự hữu hạn của kiếp người với cái vô cùng “mang mang thế sự”...

Thế nhưng, huyền thoại vẫn có ngoại lệ, giống như “Đò chờ” có một vĩ thanh, một vĩ thanh đầy cảm khái khi mà nhiều năm, sau khi đất nước yên hàn, ông thiếu tá Cộng hòa từ hải ngoại về đảo Mui Rùa, cùng với người cha nuôi bé Linh đóng một con đò dọc...

Hình ảnh hai ông già vốn sinh trưởng ở hai miền đất nước, với bé Linh, suốt tuổi ấu thơ, lúc nào cũng nhắn tìm người mẹ bác sỹ quân y, và con đò dọc cắm sào trên dòng sông Sặt như hai mươi năm trước, vừa là những số phận ngẫu nhiên đưa đẩy thành “bèo nước gặp nhau”, lại vừa như biểu tượng của sự hóa giải hận thù dân tộc sau những tháng năm dài lầm lỡ chĩa súng vào nhau. Con đò là nhân chứng lịch sử, đồng thời cũng là phương tiện của tương lai. Nó đưa con người vượt khỏi bến mê không phải bằng thứ ngôn từ cưỡng tình đoạt lý hay sáo rỗng ngụy biện của những kẻ độc quyền chân lý mà bằng tinh thần bao dung, vị tha của một cộng đồng cùng chung số phận...

Vì thế, có thể xem, tư tưởng thẩm mỹ của “Đò chờ” được khởi nguồn từ mối tình của người con trai ông chủ đò dọc với cô con gái ông bác sỹ bệnh viện St Paul. Giống như giọt sương trên ngọn cỏ lúc ban mai. Nhìn vào đấy, người ta có thể thấy được cả vũ trụ bao la...

Chí Linh, 14 tháng 7 năm 2020

Đ.V.S.