Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀ KHÉP RỒI LẠI MỞ CUỐN GIA PHẢ LÀNG CỦA VŨ TỪ TRANG

*Hoàng Minh Tường
Chủ nhật ngày 12 tháng 7 năm 2020 4:20 PM



Chi tiết văn học nghệ thuật - Báo Bắc Ninh

Nhà thơ Vũ Từ Trang phung phí văn quá thể. Có ai đó nói rằng chỉ những người sống nhiều, đi xa, trong mắt chất chứa trăm sông ngàn núi, trăm nghìn cảnh đời, thân phận… mới đủ văn mà phung phí trên những trang viết. Lại có người bảo rằng, viết bút ký, tùy bút, là tốn văn nhất. Các nhà văn hư cấu, thường cấu xén một cách dè sẻn từng mảng sống để tạo thành tác phẩm. Ernest Hemingway, chỉ có mỗi một chuyến câu cá trên biển vài ngày mà bôi ra thành thiên tiểu thuyết Ông già và biển cả bất hủ.

Cuốn tiểu thuyết Và khép rồi lại mở của Vũ Từ Trang, với ngót trăm nhân vật vạm vỡ, đầy thân phận, với ngồn ngộn đời sống của cái làng Trung vùng Kinh Bắc, trải mấy chục năm biến động, trôi nổi cùng đất nước… nếu vào tay một tiểu thuyết gia tài năng cỡ như Ma Văn Kháng, chắc chắn văn đàn sẽ có vài bộ tiểu thuyết đồ sộ ngàn trang.

Thế mà Vũ Từ trang dồn nén, cô đặc lại, như người ta chưng cất từ hàng tạ gạo nếp cái hoa vàng ủ với men thuốc bắc đặc hiệu để chỉ chắt lấy một chum rượu Vân thượng thặng. Chưa uống đã say. Uống vài chén đã say đứ đừ.

Tôi có vinh hạnh cùng nhà văn Nam Ninh, bạn tôi, đã mất, được nhà thơ Vũ Từ Trang dắt về thăm ngôi nhà tổ phụ ở làng Trang Liệt, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc quê ông. Người làng vẫn gọi tên khai sinh của ông là Vũ Công Đình. Ông ghép tên làng, tên phủ thành tên văn. Ngôi nhà được bố mẹ ông gây dựng nhờ nghề buôn bán đồng từ những năm 193o, đã được Vũ Từ Trang tu sửa lại nhưng vẫn còn nguyên dáng vẻ trăm năm trước, với nếp ngói mũi hài ba gian hai trái, ban thờ chính giữa, với hoành phi câu đối, phản gỗ, tủ chè, tràng kỷ… và cái sân gạch với cây hoa mộc,hàng cau, chum sành hứng nước…, tất cả tỏa ra mùi ẩm mốc thời gian, nỗi bâng khuâng hồi tưởng… Vũ Từ Trang đưa tôi đi trên con đường làng lát gạch nghiêng ra đình, vào đền. Một làng quê trù phú và cổ kính, hao hao giống như các làng Quan họ Đình Bảng, Phù Lưu, Đồng Kỵ, Nội Duệ cận kề, nghĩa là cũng những mái đình đao cong vút, những ngôi chùa u tịch, những ngõ lát đá xanh hoặc ken gạch Bát Tràng, những cổng làng bề thế, những cây đa, giếng nước vài trăm tuổi…

Các cụ ngoài đình và đền Trang Liệt kể rằng, tên làng có từ thời Lý, tức là cũng ngót nghét nghìn năm.

Đại Việt Sử ký Toàn thư chép:

Năm Nhâm Thìn,(Kiến Trung] năm thứ 8, [ 1232]. Phong con của Thượng hoàng (tức Trần Thừa -HMT] là Bà Liệt làm Hoài Đức Vương…. Xưa, Thượng hoàng còn hàn vi, lấy người con gái thôn Bà Liệt (thuộc huyện Tây Chân] (nay là Nam Trực, Nam Định,-HMT]. Người đó có mang thì bị Thượng hoàng ruồng bỏ. Đến khi Bà Liệt ra đời, Thượng hoàng không nhận con. Lớn lên Bà Liệt khôi ngô, giỏi võ nghệ, xin xung vào đội đánh vật. Một hôm Bà Liệt đánh cầu với người trong đội, người kia vật ngã Bà Liệt, bóp cổ Liệt đến xuýt tắc thở. Thượng hoàng thét lên: Con ta đấy. Người ấy sợ hãi lậy tạ. Ngay hôm ấy, Thượng hoàng nhận Bà Liệt làm con, cho nên có lệnh này.

Vậy là, Trần Bà Liệt, anh em cùng cha khác mẹ với Trần Cảnh, lấy tên làng của mẹ làm tên khai sinh, là trang nam nhi hảo hán chứ không phải là nữ (bà]. Và từ triều vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh], trang ấp vua Trần phong cho Hoài Đức Vương đã có tên Trang Bà Liệt. Đọc Và khép rồi lại mở, tôi đồ rằng, không, phải khảng định rằng, cái làng Trung trong tiểu thuyết của Vũ Từ Trang, chính là làng Trang Liệt chôn rau cắt rốn của tác giả. Cái làng ấy, ngay từ thuở lập làng, đã có một cánh rừng Sặt cổ thụ, nên còn gọi là làng Sặt, Kẻ Sặt, về sau có nghề đúc đồng, chế tác đồng, thu mua đồng , nên còn có tên là Sặt Đồng. Và thành hoàng làng thờ Trần Bà Liệt ở đền và đình, lễ hội vào tháng ba, ngày sinh của Bà Liệt, có hội vật và hát của đình, hát ca trù, hát quan họ…

Càng đọc, càng nhận ra bóng dáng, hồn cốt của làng Trang Liệt. Càng đọc càng thấy đây là truyện ký chứ không hẳn là tiểu thuyết như nhà văn định dạng thể loại. Nhà văn nữ tài danh Lê Minh Khuê viết trong lời giới thiệu:”Thông thường, một cuốn tiểu thuyết truyền thống có nhân vật chính, có xung đột, có những tình tiết thật gay gắt. Nhưng với cách viết của anh, cuốn sách đã đi gần tới cách xây dựng tiểu thuyết hiện đại. ” Nhận xét này mở ra một cách nhìn về khả năng biến hóa của nhà văn. Nhưng tôi vẫn thiên về thể loại truyện ký trong Và khép rồi lại mở, với những trang viết thấm đẫm hồn cốt làng quê Trang Liệt với lễ hội, đám cưới, đám tang, những đêm liêu trai trong rừng Sặt, những ban chạ, ban khánh tiết, nghi lễ hằng tâm xây lại cổng Né của làng, những cảnh con giết bố, anh giết em, cán bộ ép sư hành lạc, rồi thù hận, bỏ làng, rồi trở thành ông to bà lớn, doanh gia vênh váo trở về làng… Không thổn thức với ký ức, không đau đáu với hồn quê, làm sao viết nổi những trang văn đẹp đến lung linh, đau đớn, da diết đến thắt lòng như thế… Huống chi, ngồn ngộn trong suốt gần bốn trăm trang sách là bao nhiêu thân phận, cảnh ngộ, nhân vật nào cũng sống động, phập phồng hơi thở hôm qua, hôm nay. Tôi đoan chắc, nếu có nhiều thời gian, chỉ riêng bộ ba Thướng, Trường, Tý, những đứa trẻ sinh ra từ làng Trung, đứa con của Mõ làng, đứa con nhà khá giả, đứa thất học, được các anh vệ quốc cưu mang… sau người hy sinh ở mặt trận Điện Biên, người vào Nam thành tư sản, rồi vượt biên thành Việt kiều ở Mỹ, người thành vị tướng cô độc về làng… đã đứng riêng thành một cuốn tiểu thuyết đồ sộ. Rồi sư An với thân phận éo le đầy bi kịch, rồi Thịnh,rồi Tổng Quyết, lý Hoạch, rồi Thụ bạn thân của tác giả, rồi Quý, vị thứ trưởng… Những nhân vật có tên và không tên của làng Trung lần lượt diễu qua cổng Né của làng, như một cuộc trình diện… Gấp cuốn sách lại, có cảm giác cái làng Trung trong tiểu thuyết của Vũ Từ Trang cũng chẳng kém gì làng Vũ Đại của Nam Cao, với những gương mặt đủ loại, với hỉ nộ ái ố kiếp người. Và xin thưa với đại văn hào Nam Cao, hình như viết cuốn tự truyện này, Vũ Từ Trang cũng gần như thầy giáo Thứ của làng Vũ Đại, muốn hồi tưởng lại, ghi chép lại để lưu giữ, để ký thác với hậu thế của làng Trang Liệt quê ông rằng, ông đã có một di sản tinh thần giàu có, khốc liệt, đau thương nhưng đẫm hương sắc, tinh hoa…

Vũ Từ trang thực sự là một thi sỹ tài năng không chỉ của xứ Kinh Bắc. Thơ ông, ngay từ tập trình làng (Nắng lên cao, 1977] đã gây ấn tượng. Đến các tập Những vòng tròn không đồng tâm (2o11], và nhất là tập Cây chuyển mùa (2o16] càng nhuần nhị, đa thanh, biến ảo. Vũ Từ Trang thuộc số ít các nhà thơ thời kỳ đổi mới gây ấn tượng bởi những khám phá, cách tân thi pháp và sự hòa trộn nhuần nhuyễn thơ Việt cổ điển và trào lưu hiện đại. Không dừng lại ở thơ, ông viết tiểu thuyết, chân dung văn học. Nhưng kì khu và tâm huyết với nghề truyền thống cha ông mà những năm tháng làm báo đã được ông sưu tầm khám phá, phải kể đến các tập khảo cứu Nghề đẹp Kinh Bắc (1981], Hoa tay đất Việt (2o17], Nghề cổ nước Việt, từ truyền thống đến hiện đại (2o19]. Ông viết như một lực điền trên cánh đồng chữ, như nghiệp chướng, như trao gửi tình yêu và sứ mệnh.

Cho nên, Và khép rồi lại mở là món nợ quê hương, món nợ văn chương, món nợ đời không thể không trả trước khi quá muộn…Chúng ta hãy trở lại trang đầu sách với lời đề tựa của tác giả, để biết rằng đây đâu phải là chuyện bịa, chuyện hư cấu. Ghi thể loại tiểu thuyết chỉ là một cách ”chơi ”của ông thôi:

Cuốn sách này , con xin được dâng lên Thầy Đẻ của con!

Và tôi, một độc giả, xin được cám ơn nhà thơ, nhà văn Vũ Từ Trang, đã cho tôi được thụ hưởng một văn sản sáng giá của một người hiền tài Kinh Bắc.

4.7.2o2o.

HMT