Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÀNH NGÀN THU GỌI

Nguyễn Thị Hồng
Thứ năm ngày 26 tháng 3 năm 2020 9:36 AM



Kết quả hình ảnh cho nhạc sĩ Xuân Oanh


Nhớ nhạc sĩ Xuân Oanh- Kỷ niệm 10 năm nhạc sĩ rời xa cõi tạm

Tôi được biết đến nhạc sĩ và nhạc sĩ biết đến tôi nhờ nghề biên tập ở Nhà xuất bản Phụ Nữ.( Tuy nhiên trước đó từ lâu tôi đã rất yêu thích những ca khúc của nhạc sĩ như bài 19 tháng Tám, Bình minh trên đất nước không bao giờ tắt, Ca ngợi chế độ ta tươi đẹp… Tuổi thiếu nhi chúng tôi thường hát tập thể những bài hát ấy. Riêng bài Quê hương anh bộ đội thì ngày bé tôi được nghe mẹ tôi thỉnh thoảng lại ngâm nga ). Chẳng là các em biên tập viên của phòng dịch rất có con mắt tinh đời. Dàn cộng tác viên của các em toàn là những cây đại thụ trong làng dịch, trong đó có dịch giả Xuân Oanh mà bác thường lấy bút danh Anh Thư- tên một cháu gái nội yêu của bác. Tôi thường đi cùng các em đến nhà bác mỗi khi các em đi thăm bác hoặc có việc liên quan đến sách vở. Thỉnh thoảng bác đãi chúng tôi món mì Ý Spaghetti tự tay bác làm. Món đồ nhắm táo tây kẹp pho ma bây giờ tôi còn thực hành mỗi khi nhà có khách nhậu và rất được thực khách hâm mộ chính là học từ bác. Nhưng chỉ khi tập thơ đầu tiên “Em ra đi” của tôi ra đời (1990 ), tôi tặng bác và bác đọc, lập tức bác thích bài thơ mà tập thơ mang tựa đề. Bác bèn phổ nhạc rồi sau đó bỏ công ra dàn dựng in băng, do ca sĩ Tuyết Tuyết trình bày. Khi tập thơ được giải thưởng của Hội văn học nghệ thuật Hà Nội, cũng chính bác đọc báo rồi gọi điện báo cho tôi. Có lẽ đó là một trong những bài tình ca đầu tiên mà sau khi nghỉ hưu, bác đã nuôi cảm hứng để sáng tác một vệt ca khúc trữ tình.

Năm 1992 tôi in tập thơ “Gọi thu”. Tôi dành tặng bác một bản bởi khi đó bác đã rất quí tôi và tôi cũng vậy. Và bài “Gọi thu” trong tập đã lọt vào “mắt xanh” của nhạc sĩ. Rồi bác mời tôi đến nhà bác là căn tầng hầm 53 Tràng Thi. Bác long trọng ngồi trước chiếc đàn piano và chơi bài “Gọi thu” mà bác vừa sáng tác. Những giai điệu dịu dàng thánh thót ngân nga khiến tôi như bắt gặp tuổi thơ chân trần của mình trên cánh đồng buổi sớm tinh sương, cũng khiến tôi như trở lại tuổi thanh xuân với tình yêu đắm say ban đầu…Âm nhạc thấm vào tôi, những ngón tay như múa trên phím đàn đang ở trước mắt tôi, và nữa, gương mặt của người nhạc sĩ tài hoa như đắm chìm vào từng cảm xúc của nốt nhạc do chính ông sáng tạo ra…Tất cả đều thăng hoa thành từng chuỗi âm thanh ngọt ngào day dứt như cái đẹp, cái tuyệt đẹp đã ở phía sau rồi…

Phải một thời gian dài những lần tôi đến chơi nhà, bác đều cho tôi nghe bản nhạc đó và bác bảo bác gái rất thích bản nhạc này. Có lần tôi và bác gái cùng ngồi nghe bác chơi đàn, cũng có lần bác gái bận làm việc gì quanh đó, còn tôi thì ngồi yên nghe bác chơi. Dĩ nhiên sau bản nhạc đó bác thường cho tôi thưởng thức nhạc cổ điển…Tôi biết bác rất tâm đắc với bài thơ và bản nhạc bác phổ bài thơ đó. Rồi như lần trước, bác lại bỏ công sức ra dàn dựng và in đĩa. Lần này bác chọn ca sĩ Đức Long hát “Gọi thu”.Giọng ca sĩ Đức Long ấm áp và đầy gợi cảm, đã truyền cảm được những nhạc cảm và lời thơ lúc trong


trẻo, lúc day dứt của nhạc phẩm “Gọi thu”…Nhưng sau sự ra đi của người bạn đời vào năm 1996, bác như một người khác. Tôi nhớ mấy tháng sau sự mất mát đau thương đó của gia đình bác, tôi đến thăm bác với tập thơ “Biển đêm” mới ra dành tặng bác, nhưng bác như thờ ơ với tất cả mọi thứ trên đời này, tôi ra về lòng trĩu nặng vì cảm nhận được những ngày đơn lẻ phía trước của cuộc đời bác, dù con cháu đông đủ nhưng các cụ xưa đã nói “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”…

Ấy vậy mà rồi vào năm 1998, một hôm bác gọi tôi đến và tặng tôi một món quà bất ngờ : một bức tranh sơn dầu vẽ một cô gái tóc thả sau lưng, đang tung tăng gót chân trần trên đồng cỏ, với những viên sỏi nhỏ phía sau; Phía trên, khoảng trước mặt là bầu trời mầu thanh thiên với những cánh chuồn đỏ thẫm, dáng thanh tân của cô gái lẳn trong tà áo dài màu trắng tinh khôi…Cô gái như vừa bước ra từ những vần thơ trong bài “Gọi thu” : Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng/ ngày em còn nhỏ gót trần lang thang/ bầu trời thì xanh chuồn chuồn thì đỏ/ lúa vàng dệt lụa giăng trên đồng làng. Sau bức ảnh bác đề “Gót trần lang thang” và kí tên X.O .Tôi sung sướng đem về nhà treo và với tôi đó là bức họa đẹp nhất vì thật nhiều chữ “tâm”, chữ “tài” và chữ “tình” trong đó…Cũng năm đó, có lẽ vào một ngày mùa thu, bác gọi điện báo cho tôi biết bác và các bạn bác sẽ đến nhà tôi “mừng nữ sĩ có nhà mới”.Tôi bất ngờ quá vì tôi đã dọn về chỗ ở mới khoảng một năm và cũng không hề nói chuyện đó với bác, chẳng là tôi thấy chuyện đó cũng bình thường, chẳng có gì đáng khoe với bác. Ai ngờ bác thực sự quan tâm đến tôi, muốn chia sẻ với “nữ thi sĩ” của bác từ những niềm vui đời thường…

Buổi chiều hôm ấy, cả tôi và anh Hải, chúng tôi thật xúc động được đón mấy cây đại thụ của nền âm nhạc nước nhà là nhạc sĩ Xuân Oanh, nhạc sĩ Huy Du, nhạc sĩ Trần Chung, Thiếu tướng Bắc Việt, người có giọng ca trầm và hát “Gọi thu” rất truyền cảm…Toàn các vị cao niên. Các bác ôm cả rượu Tây và đàn ghi ta đến, còn tôi thì chuẩn bị vài món nhắm , tất cả kéo lên sân thượng vừa ca hát ,vừa trò chuyện thật vui vẻ huyên náo cả một khoảng không gian trên cao chót ...Hôm đó mọi người đều cảm thấy hạnh phúc với âm nhạc, với thơ, mà hơn cả là tình nghệ sĩ với nhau, bất chấp tuổi tác. Rồi mọi người còn bàn đến những cuộc liên kết giữa nhạc và thơ cho có quy mô và lâu dài… nhưng rồi mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở những sự liên kết riêng lẻ…

Cũng phải nói rằng cả tôi và anh Hải đều rất trân trọng chữ tâm, chữ tài, chữ tình nơi con người bác, được thể hiện qua các nhạc phẩm của bác, qua trường ca “Đi tìm mùa xuân ở khoảng giữa” mà bác tặng cho đọc chứ chưa thể in ( lúc đó, những tư tưởng trong trường ca còn quá mới mẻ); qua các tác phẩm dịch thuật của bác. Tôi ấn tượng nhất với tác phẩm “Mãi mãi xanh”- một tiểu thuyết trữ tình của văn học Mỹ mà bác dịch.Từng từ, từng câu văn long lanh như những viên ngọc. Tiếc rằng có một sự lơ đễnh ở khâu nào đó của Nhà xuất bản mà bản thảo bị thất lạc. Bác đã không thể dịch lại lần thứ hai( ngày ấy chưa có máy vi tính, bản thảo bác viết tay) và vì thế câu chuyện tình cảm động cũng như những câu văn long lanh như những chuỗi ngọc đó đã không đến tay bạn đọc được. Còn những nhạc phẩm, đặc biệt hùng ca “19 tháng Tám” của bác mà cũng là của cả dân tộc đã khiến chúng tôi rất kính trọng bác. Chúng tôi vô cùng cảm phục một nhà ngoại giao Đỗ Xuân Oanh biết 7 thứ tiếng, năm 1951 đã tham gia Ủy ban Bảo vệ hòa bình Thế giới của Việt Nam, từng là Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban đó. Trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị đàm phán Paris, bác đã tham gia và góp công sức của mình vào kết quả Hội nghị. Bởi vậy mà thỉnh thoảng chúng tôi lại chơi thăm bác vào những dịp có sách mới ra của gia đình. Tôi nhớ anh Hải đã tặng bác cuốn tiểu thuyết lịch sử “ Bão táp cung đình”, bác


đọc và rất thích. Rồi bác dịch thử vài chương ra tiếng Anh. Bác bảo bác muốn loại sách

này được phổ biến ra nước ngoài. Nhưng rồi mọi việc cũng chưa đến hồi kết…Và, mỗi năm đến dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, chúng tôi đều tự hào khi thấy âm thanh bài hát “19 tháng Tám” của bác vang lên. Có năm chúng tôi đem hoa đến tặng bác, có năm gọi điện chúc mừng bác, kể cả mỗi dịp Tết đến, xuân về….

Còn bác, mỗi lần hội bạn bè của bác tụ họp với nhau và hát hò là bác lại gọi điện kể tôi nghe cuộc gặp có những ai, ai hát bài “Gọi thu”... Lần ấy bác gọi điện cho tôi nói rằng vừa có cuộc gặp gỡ của một số bạn bè ở nhà bác. Bác bảo trong cuộc gặp,Tướng Bắc Việt hát “Gọi thu” làm mọi người xúc động, nghệ sĩ Lê Dung đã khóc ngon lành rồi nói sẽ tập bài đó để hát. Tôi hiểu các anh chị xúc động vì đã gặp lại thời tuổi trẻ của mình, cái thời tuổi trẻ một đi không trở lại ấy, và bây giờ ai cũng đến tuổi “…như viên cuội rơi rồi dưới đáy” nhưng tìm đâu ra cố nhân để “vớt mùa thu lên”…Tuổi đã tàn, người tri kỉ thì khuất bóng, bạn bè rơi rụng dần, rồi chính mình chẳng mấy chốc cũng đến thời khắc rơi rụng…Và quả nhiên, chỉ mấy tháng sau cuộc gặp gỡ đó, nghệ sĩ nhân dân Lê Dung đã đột ngột ra đi…

Và cuộc sống thật khắc nghiệt, vô thường, để ngày đưa tiễn bác về cõi vĩnh hằng, những cây đa cây đề trong làng nhạc sĩ bạn bác đến chơi nhà cháu bữa nào, đã chẳng còn ai cùng cháu tiễn bác đi trên con đường mà như ai đó đã viết :

Nghĩa trang cổng nhỏ hiện ra

Sinh linh bao vạn đã qua chốn này

Hết rồi khát vọng cao dày

Không nóng lạnh với mưa đày biển sông

Mẹ ơi cánh võng hư không

Đặt con nhè nhẹ bềnh bồng mẹ ru…

Thưa anh hồn nhạc sĩ Xuân Oanh, lúc sống bác đã rất mê bài thơ “Gọi thu” của cháu và đã sáng tác nhạc phẩm “Gọi thu”, còn bây giờ không chỉ “làm sao tìm lạị mùa thu dịu dàng” đâu bác ạ, mà là :

Một thu gọi nữa cũng không

Đành ngàn thu gọi hư không vĩnh hằng…

Xin thành kính và muôn vàn tiếc nhớ thắp nén tâm hương này lên anh hồn bác- nhạc sĩ , dịch giả, nhà thơ, nhà ngoại giao nhân dân Xuân Oanh đa tài, hữu tình…

Hà Nội, ngày đưa tiễn bác, 31-3-2010

Nhớ lại, ngày 20-3-2020


NTH- tháng 3 năm 2020