Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGHIÊM CA LINH 严歌苓: LỪA DỐI, MAN TRÁ, BỊP BỢM

Nghiêm Ca Linh
Thứ tư ngày 18 tháng 3 năm 2020 6:24 AM




LỜI CHỦ NHÀ: Đại dịch coronavirus Vũ Hán gây chấn động thế giới, khiến nhiều nhà văn người Trung Quốc bất bình lên tiếng. Nhật kí Vũ Hán của Phương Phương đã làm xúc động không ít bạn đọc Việt Nam. Hôm chủ nhật, đọc NKVH của PP thấy bà đưa tin, nhà văn Nghiêm Ca Linh có viết một bài với tựa đề "man (trá), man, man" làm mạng Weibo lên cơn sốt, nhưng liền sau đó bị chặn và bị gỡ. Tôi tìm thấy Nghiêm Ca Linh trên mạng Bo xun xin dịch đưa lên để bạn Fber tham khảo. Đầu đề để cho bạn đọc dễ hiểu tôi xin đặt mới. Cũng xin giới thiệu đôi dòng về nhà văn này.
Nghiêm Ca Linh, nhà văn nữ, sinh ngày 16 tháng 11 năm 1958 ở Thượng Hải, hiện mang quốc tịch Mỹ, sống ở CHLB Đức. Chị là nhà văn, nhà biên kịch chuyên nghiệp của Hollywood. Từ khi còn niên thiếu, Nghiêm Ca Linh đã ra nhập quân đội, làm diễn viên múa. Ra quân chị đi du học đỗ thạc sĩ nghệ thuật ở Mỹ. Tiểu thuyết truyện ngắn của Nghiêm Ca Linh được dịch nhiều thứ tiếng. Nhà văn cũng giành không ít giải thưởng danh giá: "Giải thưởng vàng" của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ, Giải thưởng kịch bản hay nhất của Liên hoan phim quốc tế châu Á - Thái Bình Dương, Giải thưởng kịch bản hay nhất của Giải thưởng phim Kim Mã Đài Loan.

*****

Nhớ Vũ Hán, như thấy gió xuân đang nhuộm xanh đôi bờ Hán Giang. Nhưng nơi đây có bao người chẳng hề có mùa xuân để chờ đợi. Có bao nhiêu người ra đi không có mùa xuân đưa tiễn. Mùa xuân này, mười ba triệu người Vũ Hán không có xuân.

Tôi đang ở Berlin, chia sẻ với người Vũ Hán từ xa, bằng cách tự giam mình trong hàng rào sắt của sân nhà, cho qua những ngày đầu xuân. Trong và ngoài vườn, những bông hoa dại đang nở rộ, những bông hoa "đừng quên em" cũng vừa nở. Những bông hoa tuy nhỏ bé, nhưng xanh một màu, xanh lặng lẽ và thương cảm: "Đừng quên em", "đừng quên em", dường như hoa hiểu rằng nhân gian xét cho cùng là bạc tình và dễ quên. Vậy thì kêu ai đừng quên? Nếu dân tộc chúng ta có được trí nhớ tốt, nhớ được những kiếp nạn nối tiếp nhau thì kho trí nhớ của chúng ta đã nổ tung rồi.

Đây là tuần thứ ba gia đình chúng tôi tự giam mình ở nhà để chia sẻ với người dân Vũ Hán, người dân Hồ Bắc, với những người dân, những đồng bào ở đâu đó đang bị cách li, và với bạn nhà văn Phương Phương của tôi. Thứ bảy tuần trước, trên sân vận động Olympic, cách nhà chúng tôi nửa dặm, đã ầm vang tiếng hò reo của cổ động viên, trận đấu bóng đá vẫn được tổ chức như thường lệ. Tiếng reo hò của đám đông vạn người buộc tôi phải tự giam mình trong hàng rào sắt. Đứng trong hàng rào, nhìn người dân Berlin mặc trang phục cổ động viên đi qua ngoài tường rào nhà tôi, thả vỏ những lon bia và túi đựng khoai tây chiên suốt dọc đường. Đối với những việc làm như thế của các cổ động viên bóng đá trong ngày nghỉ cuối tuần, mọi người ở mọi quốc gia đều mỉm cười và cho qua. Huống chi đây là lần tụ họp hò reo cuối cùng của mùa xuân để đợi sang hè. Bởi vì sau đó, ở Berlin, tất cả các hoạt động đông người sẽ bị hủy bỏ. Rất đơn giản, tôi cảm thông với họ. Tính cách hướng nội, trầm lặng và phản kháng của người Đức chỉ có thể được bộc lộ trong những dịp như vậy.

Vào cuối tháng 12 năm ngoái, một người bạn ở trong nước đã gửi cho tôi tin nhắn đầu tiên về virus. Đó là ảnh chụp màn hình của một bác sĩ khuyến cáo "chị em y tá". Tôi liền nhắn cho bạn gái tôi là người Vũ Hán đang sống ở Berlin. Cả mẹ và anh chị của chị ấy đều đang ở Vũ Hán, nhưng tôi nghi ngờ tự hỏi, không biết chị ta có thông tin kịp thời về sự lo lắng của tôi cho gia đình không. Người Trung Quốc hễ gặp việc là "man", "man", "man" (man trá, che giấu, nói dối). Tôi đã từng nói dối, bạn đã từng, chị ấy/ ông ấy/ người ấy cũng đã từng; chúng ta cùng đã từng, không đúng sao? Nói dối 1, ấy là không muốn bị mang tiếng, thực ra cũng chẳng mấy có ý tốt. Nói dối 2, là sợ rắc rối; là sợ đối mặt với nỗi sợ hãi, hoảng loạn, đau buồn và thậm chí là hiềm khích của người phải nhận tin xấu; là sợ sau này sẽ khó sống đàng hoàng, chỉ có người không sợ những thứ đó mới dám gánh vác. Nói dối 3, đối với tôi là một mớ bùi nhùi, không hiểu là vì cái gì? Để ai đó yên ổn ăn một bữa cơm, trước tiên hãy giấu tin xấu với người đó, để đón một cái tết vui vẻ thì hãy giấu tin xấu trên qua tết; để tất cả mọi người có thể vui vẻ, không lo sợ như những kẻ đần độn, ngớ ngẩn thì che giấu được đến bao giờ thì cứ che giấu, làm như không biết rồi sự việc sẽ bung ra. Việc xấu che giấu mãi rồi có thể qua, việc xấu lớn thì rồi thành nhỏ, cứ che giấu đi. Nhưng con virus này chỉ có ba micromet. Bàn tay nào có thể che được? Virus này mạnh và nhanh đến mức vượt qua mọi sự che giấu. Có bao nhiêu người đến chết vẫn bị che giấu. Nhưng bằng cái chết của họ nói với bạn rằng, sự thật không bao giờ che giấu nổi.

Trước khi bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời, người bạn gái Vũ Hán của tôi thông qua những người bạn đang ở Vũ Hán, giúp tôi theo dõi anh ấy trong vài giờ. Trong những giờ đó, tôi thầm cầu nguyện cho bác sĩ Lý, và tự hẹn: Nếu bác sĩ Lý có thể qua khỏi, tôi sẽ bỏ món rượu vang đỏ yêu thích của mình. Sau đó người ta phát hiện ra rằng, video clip mấy giờ ấy là làm giả.
(còn tiếp)

nguồn FB Hà Phạm Phú

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, cận cảnh