Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XUẤT XỨ BÀI THƠ ĐỀ SAU TRANH CÁ CỦA HOÀNG HỮU

Nguyễn Thị Hồng
Thứ hai ngày 24 tháng 2 năm 2020 9:51 AM




 

Ngày ấy, những năm giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, gia đình tôi ở căn phòng vẻn vẹn 9 mét vuông nơi tầng hầm ngôi nhà 90 Thợ Nhuộm. Khách văn chương suốt ngày tấp nập, bạn gần bạn xa có cả. Trong số đó có nhà thơ Hoàng Hữu ở Vĩnh Phú. Mỗi khi có dịp về Hà Nội, anh lại ghé chơi với chúng tôi. Dáng người anh gày gò, nước da tai tái, lại hay ngồi trầm tư mặc tưởng. Trong căn phòng 9 mét vuông ấy có cả giá sách, có cả chiếc bàn xinh xinh để tiếp khách, có cả chiếc máy quay đĩa của chú em ở Nga về tạm gửi anh chị nên cả chủ và khách đều được nghe nhạc, nhất là nhạc cổ điển còn hiếm được thưởng thức lúc bấy giờ. Và, vẫn còn có chỗ để treo bức tranh “Lý ngư vọng nguyệt” ( cá chép trông trăng ) của một nghệ nhân dân gian vẽ tự bao giờ. Chiều dài bức tranh khoảng hơn hai mét, treo gần chạm từ trần đến nền tầng hầm. Bức tranh lâu ngày mầu đã chín, chú cá chép trông rất sống động, đang nghiêng ngó vầng trăng dưới nước ẩn hiện trong đám rong rêu. Khoảng trên cao, vầng trăng treo mờ ảo.

Bức tranh cá đã lọt vào “tầm ngắm thơ” của nhà thơ- họa sĩ Hoàng Hữu. Thế rồi gia đình tôi nhận được lá thư anh gửi từ nơi anh- Hội văn học nghệ thuật Vĩnh Phú. Thư không đề ngày nhưng dấu tem ngoài phong bì là ngày 10-11-1978. Lá thư bây giờ giấy đã ngả mầu, ố vàng, nhưng nét chữ còn rõ ràng. Để tưởng nhớ người bạn thơ- họa sĩ tài hoa sớm xa người thân, bè bạn nhưng đã để lại cho đời những bài thơ hay còn sống mãi với thời gian như bài “ Hai nửa vầng trăng” hay bài “Thơ đề sau tranh cá” này, chúng tôi xin chia sẻ nguyên văn bức thư trên cùng bài thơ “Thơ đề sau tranh cá” của anh.

Anh Hoàng Quốc Hải quý mến,

Hữu rất cảm động khi nhận được thư anh, cũng chẳng biết nói với anh thế nào nữa, mọi lời dễ thành khách sáo anh Hải ạ.

Đối với Hữu thì thơ và bạn bè không thể thiếu được, nhất là trong những ngày đau ốm này. Những hôm gặp Vũ Duy Thông và Nghiêm Văn Tân, tôi rất vui.

Ở viện rộng dài ngày tháng nghĩ ngợi được nhiều điều. Đấy là lúc mình lùi xa một chút để có thể nhìn rõ hơn những gì mình đã qua và những gì đang chờ đợi. Hóa ra, mình cũng còn có ích và ham sống, anh Hải ạ.

Tôi rất buồn vì phải mang một quả tim đau. Không biết nó sẽ vỡ ra vào lúc nào. Đã thế, lại chọn lấy cái nghề dễ vui, dễ buồn và khó có thể chừng mực trong công việc. Tất cả những cái đó chẳng có ích lợi gì cho quả tim đã mổ của tôi, anh Hải ạ.

Thôi thì, “đã mang lấy nghiệp vào thân…”. Hiện nay thì tim tôi có khá hơn chút ít. Lo nhất là những ngày gió mùa đông bắc tới. Tôi hy vọng là có thể qua khỏi cái rét giá của năm nay.

Thôi, vài dòng tâm sự với anh, Hữu chép gửi anh Hoàng Quốc Hải và chị Hồng đọc cho khuây.( Âu cũng là 1 chút tâm sự của H. )

THƠ ĐỀ SAU TRANH CÁ*

Vầng trăng rất thật kia cũng mới chỉ vầng trăng

Cá quẫy sóng cho tan rồi lắng lại

Để hiện giữa rong rêu chói lói

Một vầng trăng cho cá suốt đời tìm.

Hoàng Hữu

( chữ ký của anh )

* Tranh dân gian Hàng Trống “ Lý ngư vọng nguyệt”

( cá chép trông trăng )

Thật không thể có lời nào nói về mối quan hệ giữa hiện thực và nghệ thuật ( tức cái tôi sáng tạo của người nghệ sĩ ) lại tài tình, tinh tế hơn mấy câu thơ của nhà thơ- họa sĩ quá cố Hoàng Hữu. Xin thắp một nén nhang trên tình bằng hữu và tình nghệ sĩ lên linh hồn anh nơi “thế giới người hiền”.

Nguyễn Thị Hồng