Sau ca phẫu thuật chiều 26-11, nhà thơ Ngô Minh hôn mê cho đến chiều nay 3-12 thì trút hơi thở cuối cùng.
Sinh năm 1949, nhà thơ Ngô Minh đã sống với cuộc đời 70 năm. Dự cảm về sức khỏe của mình đã cạn, nên ba năm trước, nhà thơ Ngô Minh đã tự mình tuyển chọn và xuất bản bộ sách Ngô Minh Tác Phẩm, như là tổng kết cuộc đời cầm bút của ông.
Bộ sách gồm 5 tập: thơ, chân dung văn nghệ sĩ, ký - phóng sự, tiểu luận - phê bình, các bài viết về Ngô Minh. Đó là tuyển những tác phẩm Ngô Minh đã viết trong hơn 40 năm cầm bút, với 14 tập thơ, hơn 14 tập bút ký - phóng sự, tiểu luận, phê bình, hàng chục giải thưởng văn chương và báo chí.
Bộ sách Ngô Minh Tác Phẩm xuát bản năm 2015 - Ảnh: M.TỰ
Trong lời thưa đầu bộ sách, nhà thơ Ngô Minh trần tình: "Văn chương ở trong lòng người là niềm hạnh phúc lớn nhất của nhà văn". Ông cho biết, đã có nhiều người đọc thuộc cả tập thơ hoặc hàng chục bài thơ của Ngô Minh.
Ngô Minh sinh ra ở làng biển Thượng Luật, xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Sau năm 1975, ông vô Huế sinh sống, làm thơ, làm báo (phóng viên báo Thương Mại) và định cư hẳn ở cố đô. Ngô Minh trở thành một gương mặt thơ riêng biệt của Huế, với chân dung tự họa là một "Đứa con của cát".
Trong bài thơ có nhan đề như thế, nhà thơ viết về mình: "Đứa con của cát/ mắt quen mở ngang tầm gió sắc/ để nhận trong mắt biển một chân trời/ kết tinh thành hột muối hồn tôi...".
Ngô Minh không chỉ nổi tiếng là nhà thơ mà còn là một nhà báo với bút lực mạnh mẽ và những tập bút ký đã xuất bản: Văn hóa kinh doanh thời đổi mới, Cổ tích tàu không số, Tướng Giáp trong tôi, và mới đây là cuốn bút ký "Sống thời bao cấp" tái bản lần 2 vào giữa năm 2018 này.
Ông từng là trưởng văn phòng đại diện báo Thương Mại tại miền Trung, và là cây bút cộng tác nhiều năm của báo Tuổi Trẻ.
Nhiều bạn bè của ông chiều nay đã nhắc lại câu thơ của Ngô Minh như một lời tiễn biệt:
"Mai rồi đời cát vùi quên/ biển còn hột muối nhặt lên, thưa rằng..."