Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỐI THOẠI VỚI NHÀ BÁO, BLOGGER TRẦN NHƯƠNG

Tiến Toàn
Thứ năm ngày 21 tháng 6 năm 2018 8:56 AM



Suốt cuộc đời làm văn, Trần Nhương luôn tự nhận mình là “người đi ngang sườn đồi”. Nhưng tôi thấy, chẳng riêng lĩnh vực văn chương đâu, mà cả báo chí cũng vậy. Có người nói báo chí có “lề phải, lề trái”, còn Trần Nhương thì một mực khẳng khái: “Đừng chia báo chí thành lề trái, lề phải”. Và rồi ông cứ giữa đường mà đi…
Doi thoai voi Nha bao, Blogger Tran Nhuong
 


Tôi có duyên … chào hàng

Có vẻ như hiện nay việc lập website, blog cá nhân không chỉ là trào lưu của giới trẻ mà còn là trào lưu đối với các nhà văn, nhà thơ. Ông có thấy vậy không?

Cách đây dăm ba năm, khi công nghệ thông tin bùng nổ, các trang cá nhân ồ ạt ra đời thì cũng có thể nói nó là một cái “mốt”. Nhưng cuộc sống tự sàng lọc, người đọc cũng có những chọn lựa của riêng mình. Bây giờ những website, blog văn chương cá nhân gọi là có “thương hiệu”, có hồn cốt, được người đọc yêu thích không còn nhiều. Tôi thấy đếm trên đầu ngón tay chỉ có như: Lethieunhon, Phongdiep.net, nguyentrongtao.org, blogquechoa của Nguyễn Quang Lập, blog của Phạm Viết Đào, Vannghesongcuulong, nhavantphcm (Hội nhà văn tp Hồ Chí Minh), Vanchuongviet.org…

Và trannhuong.com cũng là một website cá nhân còn tồn tại sau sự “sàng lọc” ấy?

(Cười). Cũng vầy vậy. Đúng là trong nó cũng có đôi chút cốt cách.

Tôi mở web trannhuong.com chỉ đơn thuần muốn có một cánh cửa, một sân chơi, một nơi giao lưu với đồng nghiệp. Nhưng giới thiệu về mình, về tác phẩm của mình thì có gì nhiều để nói đâu? Trong khi tôi thấy trước mắt mình có những vấn đề cần phải phản biện, cần phải đóng góp ý kiến, đóng góp tiếng nói để đồng hành với nhân dân, đồng hành với đất nước. Và tôi viết thôi.

Có lẽ tôi cũng có cái “duyên” chào hàng của người bán hàng nên được bạn bè quan tâm ghé qua thăm web. Tôi vẫn luôn coi trannhuong.com như một hợp tác xã mà những người bạn văn, bạn báo đã làm nên tên tuổi của nó. Còn tôi chỉ là một “ông chủ nhiệm” vui tính.

Dân tình bây giờ nhiều người không còn thích báo giấy. Họ bảo nhau đọc thông tin trên mạng. Mà những website, blog cá nhân người ta lại càng “khoái” hơn. Ngoài 70 tuổi vẫn lọ mọ gõ máy tính, làm web, ông cũng là người biết thức thời đấy chứ?

Đúng là tôi thấy website, blog cá nhân có nhiều cái hay nên đã tìm đến nó. Thông tin trên những loại hình này đa dạng, nhiều chiều, thậm chí có những thông tin còn hấp dẫn hơn trên báo. Những trang viết của những blogger, chủ website cá nhân chính là những tiếng nói nóng hổi của cuộc sống. Họ lăn lộn với cuộc sống, nhìn nó, nghe nó, cảm nhận nó và chuyển tải nó lên những trang viết. Vì thế nó đa chiều, sống động, nhiều màu sắc nhưng cũng rất chân thực.

Cách đây mấy hôm, tôi gặp nhà thơ Vũ Quần Phương. Ông ấy vừa đi Mỹ về và nói: “Rất cảm ơn những trang mạng cá nhân của các bạn, nếu không tôi cảm thấy sống như bị cô lập. Nhờ những blog, website cá nhân của các bạn mà những người Việt xa quê như chúng tôi biết được hơi thở văn chương, hơi thở cuộc sống nơi quê nhà”.

Những trang mạng cá nhân không chỉ có người Việt ở Việt Nam đọc đâu, mà cả những người Việt ở nước ngoài họ cũng quan tâm lắm. Chính vì thế 4 năm nay ông già như tôi đây vẫn kẽo kẹt để “nuôi” trang web của mình.

Sao họ không tìm thông tin trên báo chí chính thống mà lại “khoái” những trang mạng cá nhân?

Bây giờ mở báo ra, tờ nào cũng giống tờ nào. Một báo đưa tin về cụ Rùa, thì các báo khác cũng đưa về cụ Rùa. Cùng một bài hát, cùng một chất giọng… tất cả đều giống nhau, không có bản sắc riêng. Có lẽ đó là một phần khiến công chúng thấy nản. Cho nên họ tìm tới những trang mạng cá nhân, nơi họ bắt gặp những góc nhìn cuộc sống đa chiều hơn, tươi mới hơn giống như là rau tươi chứ không phải rau tủ lạnh.

Doi thoai voi Nha bao, Blogger Tran Nhuong
 


Cần phải nhúng bút vào sự thật!

Nhà văn Nga Vasili Shukshin đã nói “Nhân dân luôn biết rõ sự thật. Muốn trở thành một nhà văn lớn hãy nhúng ngòi bút của mình vào Sự thật”. Phải chăng ông đã nghe lời Vasili, đã nhúng ngòi bút vào sự thật và trở thành nổi tiếng đúng như Bọ Lập (nhà văn Nguyễn Quang Lập) từng nhận xét?

Trước đây tôi làm lính 28 năm. Mười mấy năm công tác tại cơ quan Hội Nhà văn. Tôi vẫn tự nhận mình là người đi ngang sườn đồi. Không trên đỉnh nhưng cũng chẳng đến nỗi phải đi dưới chân đồi. Chính vì thế mà tôi hòa vào số đông. Từ khi có trang web, tôi bộc lộ cái cá nhân nhiều hơn, mạnh dạn hơn với những điều mình nói ra được số đông ủng hộ. Có lẽ vì thế anh Lập mới nói tôi nhúng bút vào sự thật nên nổi tiếng. Anh ấy mang sách vở mà áp vào như vậy, nhưng đúng là nhà văn cần phải nhúng vào sự thật. Bác Hồ nói: “Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong”, chẳng phải Bác khuyên chúng ta nâng cao sức chiến đâu bằng ngòi bút đấy thôi? Bác còn dạy “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Ðồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy” (HCM toàn tập tập 7, tr.118).

Với tư cách nhà báo ông có thực hiện phương châm “nhúng vào sự thật” rồi đặt trên tờ báo nơi ông làm việc cũng như các tờ báo khác?

Tôi cũng viết nhiều bài như Loa ơi đừng kêu nữa; Giảm điểm bắn pháo hoa ở Hà Nội trong dịp đại lễ Nghìn năm Thăng Long hay các bài trong chuyên mục Trong mắt người già, Bố tôi bảo thế…… đấy chứ.

Nhưng hình như nó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi? Phần “chìm” còn lại ông vẫn dành viết trên trang web của mình?

Báo chí chính thống bây giờ có quá nhiều vùng “nhạy cảm”, nên đôi khi tôi cũng ngại.

Tức là blog, website cá nhân là khu vực để dành cho những thông tin… nhạy cảm?

(Cười lớn). Cái gì báo chí chính thống ngại thì website đôi khi vẫn có thể nói được vì đó chỉ là tiếng nói mang tính cá nhân thôi. Và những nhà quản lý họ cũng… “ít chấp” những người như vậy.

Thói thường, người ta vốn chỉ thích nghe những lời xuôi tai, chẳng ai thích những lời chỉ trích…

Tất nhiên, ở đời nói thế nào cho vừa lòng nhau cũng là một sự lựa chọn. Bạn có biết câu “Trung ngôn nghịch nhĩ” không? Nghĩa là lời trung thực, nói thẳng khó lọt tai. Tuy nhiên, nói quá dữ dằn, nói đến mất lòng, người ta không nghe thì nói cũng không có tác dụng gì cả. Phải để người ta thấy được mình nói đúng là mang tính xây dựng, mình có cái tâm để mọi thứ tốt đẹp lên chứ không phải mình muốn xóa bỏ hay phản đối, phản động. Nói kháy, nói chọc tức, dè bỉu, chì triết là không nên. Cần tiếng nói chân thành, xây dựng để xã hội chúng ta dân chủ, công bằng hơn như cương lĩnh mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.

Những đóng góp ấy, ý kiến ấy… theo ông có đem lại hiệu quả như ông mong muốn?

Mình cũng chỉ là một cá nhân trong cộng đồng. Mình thấy những vấn đề bức xúc trong xã hội, trong đời sống thì mình phải nói. Tiếng nói của mình được đến đâu, người ta đón nhận đến đâu thì chấp nhận đến đấy. Tôi đã từng viết trong bài “Thư gửi ông Phạm Quang Nghị” là nếu ông trúng Bí thư thành ủy khóa này, chỉ cần ông chỉ đạo xây dựng được hệ thống đèn xanh đèn đỏ cho thật chuẩn thì đã là thành công lớn rồi. Bao nhiêu năm nay, Hà Nội tắc đường một phần vì cái hệ thống đèn xanh đỏ ấy. Vì đèn hỏng, vì không có đèn nên dân mới chen nhau, mới dàn hàng ngang thành ra chẳng ai tiến lên được bước nào. Tất nhiên, dân Việt nhiều người ý thức còn kém. Nhưng nếu chúng ta thực hiện luật nghiêm thì dần dần ý thức của họ cũng thay đổi. Tôi tin mưa dầm thấm lâu.

Nhiều ý kiến cho rằng các bloger, chủ website cá nhân đang lợi dụng tự do của trang mạng cá nhân để nhìn nhận nhiều vấn đề mang tính chủ quan, cảm tính. Nếu cảm tính thì liệu có công bằng? Liệu có làm ảnh hưởng đến sự nghiệp chung?

Tôi nghĩ điều ấy cũng đã xảy ra ở một số trang mạng nhưng với tôi, tôi không có bức xúc cá nhân gì cả. Tôi chỉ đóng góp ý kiến thông qua văn học nghệ thuật, báo chí mong cho tốt đẹp hơn. Chẳng có ai yêu nước Việt bằng người Việt ta. Có yêu nước mới dằn vặt vì đất nước, góp ý và xây dựng để đất nước tốt đẹp hơn. Mà người đọc bây giờ họ cũng tinh lắm. Họ đủ tỉnh táo để phân biệt được đâu là tiếng nói tư thù, đâu là tiếng nói của số đông, của xây dựng thiện chí.

Doi thoai voi Nha bao, Blogger Tran Nhuong
 


Hãy làm một nhà báo có bản ngã

Ông có nghĩ blog, website cá nhân như trannhuong.com, nguyentrongtao.org, Blog của Phạm Viết Đào, blog Quêchoa… là một loại hình báo chí?

Ở nước ta chưa có báo chí tư nhân. Nhưng thực ra đó có thể coi là những loại hình mang tính chất “báo chí công dân”.

Thế những bloger, những chủ website cá nhân, liệu có thể coi họ là nhà báo?

Ở nước mình chưa chấp nhận nhà báo tự do. Nhà báo chính danh thì phải có thẻ nhà báo chứ!

Nhưng những trang viết của họ đậm tính… báo chí?

Cùng lắm họ cũng chỉ được coi là giống với những “nhà báo” hay “nhà báo công dân” mà thôi.

“Nhà báo công dân”?

Đó là những tiếng nói cá nhân nhưng cũng đóng góp được cho xã hội những vấn đề về đời sống, về những việc hàng ngày xảy ra, những chế độ, chính sách… Tôi nghĩ những “nhà báo công dân” ấy là tiếng nói để các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo… có thêm một kênh thông tin tham khảo.

Ở nước ngoài họ rất trọng thông tin dư luận. Ở nước mình cũng có hẳn một cơ quan chuyên điều tra dư luận nhưng không được mạnh mẽ. Chính vì thế blog, website cá nhân chính là cách thức để chuyển tải những tiếng nói từ dân mà lên. Thời gian vừa qua nhiều ý kiến đóng góp của mạng cá nhân có tác dụng, các cơ quan có thiếu sót đã tiếp thu sửa đổi.

Thế còn trách nhiệm công dân của một nhà báo thì sao ạ?

Phải phản ánh những vấn đề nóng hổi và đi đến tận cùng của sự thật. Nếu anh né tránh sự thật, vì sức ép nọ kia mà không đảm bảo sự thật thì theo tôi dù là nhà báo chính thống cũng chưa làm tròn nhiệm vụ, chưa bộc lộ được hết cái bản ngã của mình. Một mặt khác - nói như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - là nhà báo không được bẻ cong ngòi bút của mình. Cũng hơi buồn có số ít nhà báo viết vì bổng lộc, hám lợi cho riêng mình nên phản ánh sai bản chất sự việc. Chỉ có sự thật mới thuyết phục được bạn đọc. Dù là người viết báo chính thống hay viết báo tự do thì khi đi được đến tận cùng của sự thật họ cũng xứng đáng là những nhà báo chân chính, những nhà báo có bản ngã.

Đôi khi chính những nhà báo cũng có sự giằng xé giữa việc trở thành nhà báo có bản ngã và… mưu sinh?

Tôi biết chúng ta có rất nhiều nhà báo giỏi, nhưng vì lý do này hay lý do khác mà không đi đến tận cùng sự thật, lại gọt rũa hoặc làm nó đẹp lên. Mà tôi cũng cảm thấy có nhiều nhà báo bức xúc bởi họ không được làm đúng cái tâm của nhà báo, bởi toàn phải đưa những chuyện vụn vặt của đời sống mà không viết được bài nào gây tiếng vang trong công chúng. Và vì vậy, chính bản thân họ cũng chán nản…

…Là bởi công chúng đang rất quan tâm tới những thông tin như shock, sex và scandal?

Đúng là nhiều bạn đọc thích những chuyện giật gân, nhưng tôi nghĩ đó không phải là số đông. Nhiều tòa soạn bây giờ có vẻ xuôi theo hướng chiều theo bạn đọc thiểu số. Đó là điểm chưa hay và là điểm tụt hậu của chúng ta so với báo chí thế giới. Ở nước ngoài họ có những tờ chuyên lá cải, nhưng có rất nhiều tờ chính luận đặt và nêu ra những vấn đề lớn của xã hội. Hoàn toàn không có sự lẫn lộn nửa nạc nửa mỡ. Báo chí của chúng ta mới chỉ hớt váng chứ chưa đi vào bề sâu.

Những website hút người đọc như trannhuong.com có bao giờ phải dùng tới chiêu giật gân, câu khách?

(Cười). Những website cá nhân như của tôi có dùng chiêu PR thì cũng chẳng câu được gì nhiều lắm và cũng chả để làm gì. Bản thân tôi cũng không đặt vấn đề người truy cập nhiều hay ít. Tôi viết là để thoải mái cái tâm của mình, được nói tiếng nói của mình, và nếu tiếng nói ấy đồng điệu với nhiều người thì tất nhiên là tôi thấy vui. Nếu mình viết chán, mình không đồng điệu với bạn đọc, chả chóng thì chày họ cũng “chào bác em ngược” mà thôi.

Ông vừa làm báo chính thống vừa làm chủ website trannhuong.com vậy có sợ chẳng may “lỡ chân” bước chệch sang lề trái?

Tôi không thích cái cách chia lề trái, phải. Bởi nếu thế thì ngay trong nội bộ báo chí nước nhà đã phân hóa thành ta với địch. Đó là một cách nhìn chưa khoáng đạt. Làm sao mà nói trong một gia đình đứa con cãi bố một câu thì nói con ở lề bên kia? Không phải đi làm báo chính thống là lề phải, đi viết blog là lề trái. Tôi không chia. Chúng ta chỉ có một con đường chung thôi đó là bảo vệ sự thật. Cùng một trận địa nhưng là cánh quân bên này và cánh quân bên kia, chiến đấu bảo vệ sự thật mà thôi. Tôi làm ở báo Người cao tuổi với tâm niệm vì sự thật, vì người dân. Tôi viết blog, website cá nhân cũng với cùng một tâm niệm như thế…

Tiến Toàn