Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN 10 NĂM TRƯỚC

Xuân Ba
Thứ năm ngày 24 tháng 5 năm 2018 2:16 PM




Chuyện về nhà báo bị bắt,
nhà thơ bị giam và ông tướng bị khởi tố

Những ngày thường tháng 5 năm Tý ( 2008) đã không thường đã cháy lên ( chữ của nhà văn Xuân Cang) bởi ba nhân vật của tháng, nhà thơ nhà báo Nguyễn Việt Chiến ( Báo Thanh Niên), nhà báo Nguyễn Văn Hải ( Báo Tuổi trẻ) bị bắt và thiếu tướng Phạm Xuân Quắc bị khởi tố.
I
... Khi tôi đến thì nhà Nguyễn Văn Hải đang có khách. Ông bố lẫn bà mẹ với vóc dáng nhỏ thó như đang lọt thỏm trong những chiếc ghế tựa. Bà cụ hàng xóm đang nhẩn nha nhai trầu và chuyện chi đó với bà bác vợ của Hải mới ở Hải Phòng lên thăm cháu tối qua. Đoán cái nhìn dò hỏi của khách, bà mẹ Hải nói vợ Hải vừa đưa mẹ cũng dưới quê ngoại Hải Phòng lên tối qua đến chơi chỗ Toà soạn Báo Tuổi Trẻ. Ba ngày đã qua đi từ thời điểm Hải bị bắt nhưng vẻ ngơ ngác lẫn phiền muộn vẫn còn như lẩn quất trên gương mặt mỗi thành viên gia đình này. Ông bố Hải, mới sáu mấy mà gương mặt đã chằng chịt nếp nhăn, giọng rầu rầu cho hay cũng chưa có thông báo chi về việc tiếp tế thăm nuôi... Biết nói hay đưa đẩy thêm những thông tin chi trong mấy ngày đã chật cứng những chuyện buồn khó hiểu lẫn phẫn nộ trên mặt báo cùng dư luận? Câu chuyện lúc đầu còn dè dặt nhưng dần dà đã xôm tụ những năm xa ông bố Hải rời cái làng nghèo Quỳnh Tiến của Huyện Quỳnh Lưu địa đầu xứ Nghệ vào bộ đội. Chuyện ngẫu nhiên gặp mẹ Hải ở Trường Mỏ Địa chất này rồi hai người nên vợ nên chồng cũng do một bàn tay của tổ chức khi ấy đã bố trí sắp xếp. Thế mà tình chồng vợ từ thời điểm tác thành ngẫu nhiên giữa anh bộ đội xứ Nghệ với cô gái mảnh mai quê ở Đức Thọ Hà Tĩnh này bền chặt suốt từ ngày ấy đến bây giờ! Sinh ở Thái Nguyên... Tò mò trích ngang mấy dòng trong lý lịch của Hải thì được người nhà của Hải góp thêm chuyện. Chuyện về những ngày Trường Mỏ- Địa chất sơ tán lên Thái Nguyên. Chuyện ông bố Hải khi đó chuyển ngành về làm ở một nhà máy cơ khí tại Phố Cò… Tính khí anh cu Hải từ bé đã ngang. Ngang thẳng chứ không phải bướng. Chuyện của bà mẹ Hải khiến tôi liên tưởng đến việc Hải như có thừa hưởng chút chi đó cái gien của cụ cố đằng ngoại? Cụ cố vốn là người phụ trách về quân lương của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Nghe các cụ kể lại rằng cụ tính cũng ngang và thẳng lắm. Hàng bao nhiêu năm vất vả khốn đốn ở khu căn cứ rừng núi Vụ Quang, cụ đã tháo vát ra sao để khơi để nối được nguồn lương thực cho nghĩa quân. Rồi nhiều ngày bị vây hãm tuyệt lương, cụ đã giảm khẩu phần ăn của quân sĩ bằng cách tự mình nhịn trước! Không tường tận lắm, nhưng tôi có nghe cánh đồng nghiệp lứa cùng Hải kháo nhau chán cái chuyện Hải can thiệp hơi bị thô bạo công việc của vợ?! Vợ Hải tốt nghiệp một sinh ngữ đang được coi là thời thượng và không khó khăn chi lắm để vào làm trong một liên doanh với nước ngoài. Nhưng Hải ( có thể là lúc mềm lẫn khi cứng?) thuyết phục Minh, vợ Hải ra sao đó rằng nghề báo của anh, biết đâu đấy lại có ngày sẽ đụng chạm đến liên doanh ấy không chuyện dở này thì việc không hay khác! Liệu lúc ấy biết ăn nói ra làm sao?! Thế là nghe chồng, Minh chọn cho mình nghề dạy học, cái nghề mà bà bác vợ Hải (mới từ Phòng đáp tàu lên tối qua cùng với bà em - mẹ vợ Hải, cốt lên để coi thực hư cái chuyện Hải bị bắt ra sao... Lên trên này hỏi nhiều nơi gặp nhiều người lẫn coi nhiều báo thấy cái việc thằng cháu rể chả phải tự dưng vướng vòng lao lý như thói thường của thiên hạ hay vì lý do bẩn tưởi này khác mà là vì cái tội chống tham những! Bà bác cũng bộc bạch rằng chuyện thì buồn đấy những vẫn có chút chi đó tự hào bởi dư luận tốt của cả nước và thiên hạ đã đứng về phía cháu bà, bênh vực việc làm đúng của cháu bà. Bà nói rằng bà đã không nhầm khi nghe tin cháu bà bị bắt chắc có chuyện chi đó ngoài cái lẽ thông thường? Rằng từ lâu bà đã đặt niềm tin vào thắng cháu tính khí thẳng thắn mà từ cái năm đang học ở Trường báo chí đã được kết nạp vào Đảng) bằng chất giọng tự hào nói rằng có vất vả và chẳng dư dả mấy hột tiền nhưng mà thanh thản! Trong năm sáu anh chị em bên ngoại có đến bốn người theo nghề giáo viên. Nghe chuyện ấy tôi hơi giật mình chưa phải là quyết định của Hải lẫn nguyên tắc và quy ước có thể là bất thành văn nơi cơ quan báo của Hải mà giật mình vì một lẽ khác. Đã có một vài cơ quan báo (có thể là sáng tạo năng động chăng?) đã làm cái việc liên danh liên kết với nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong việc phối hợp tuyên truyền! Nói dại mồm, ngộ nhỡ trong số những tập đoàn ấy có chuyện chi đó lình sình thì liệu ký giả của báo ấy có dám quyết liệt để mà tận bờ sát góc với những chuyện tiêu cực ấy không ? Chao ôi, điều lo xa của Hải có chút chi đó lạc lõng lạ xa trong thời buổi kinh tế trường nghiệt ngã lẫn khó lường này không nhỉ?
Chuyện của bố mẹ Hải chừng như nối thêm những điều ấm áp khác. Ông bà đang nói đến cái buổi ông thủ trưởng của Hải đến thăm nhà. Sau này tôi được biết thêm, ông Tổng Biên tập của tờ báo Hải đang say mê theo đuổi nhiều năm nay với chức danh phụ trách mảng nội chính của cơ quan thường trú, khi tin chẳng lành liền bay gấp từ thành phố Hồ Chí Minh ra đã trực tiếp đến nhà Hải. Ánh mắt của Tổng Biên Tập Lê Hoàng ngập ngừng đọng lại trên khuôn mặt người mẹ 64 tuổi mà đã sâu hoắm những nếp nhăn mà sau này Lê Hoàng nói lại như thấy mình có lỗi. Trong một mớ những thông tin đầy ắp mà ông có, khi ấy ông chỉ rành rẽ lẫn tóm tắt những điều cần nói phần nào để vơi vợi bớt nỗi buồn lẫn sự hoang mang bỗng dưng úp chụp xuống mái nhà ấm của người phóng viên của ông. Ông cũng không quên cái việc thông báo với gia đình rằng em Hải như đang thực hiện một chuyến công tác xa! Rằng trong thời gian công tác ấy chế độ quyền lợi của phóng viên nội chính Nguyễn Văn Hải, toà soạn vẫn giữ nguyên. Ông cũng bộc bạch rằng, trong số hơn hai ngàn điện và thư gởi về Toà soạn của bạn đọc bày tỏ sự đồng cảm bảo vệ việc làm đúng chính đáng của PV Nguyễn Văn Hải, đã có không ít người tự nguyện đóng góp tiền bạc vật chất ngõ hầu để động viên và trợ giúp phần nào khó khăn cho gia đình Hải nhưng anh em trong Toà soạn đã bàn bạc và xin cảm ơn không nhận sự tiếp tế giúp đỡ cụ thể ấy trong khi Toà soạn báo đang có điều kiện để lo được! Tôi chợt nhớ thời điểm nhà báo Lan Anh bị khởi tố với tội danh hơi bị ngớ ngẩn là lộ bí mật khi Lan Anh phanh phui một việc làm khuất tất bất lương của bọn đầu cơ kinh doanh thuốc chữa bệnh trên nỗi đau của người bệnh ( sau này cơ quan có tách nhiệm đã đình chỉ điều tra tội danh này) Lê Hoàng cũng đã bay gấp từ Thành phố Hồ Chí Minh ra. Đến nhà riêng của Lan Anh, ông cũng tâm sự những điều tương tự và khẳng định quyết tâm Toà soạn báo sẽ có những phương cách để bảo vệ PV Lan Anh đến cùng như bảo vệ lẽ phải và những quan điểm đúng đắn hợp pháp mà Toà soạn đã nêu ra trên mặt báo. Tôi nhớ khi kể lại buổi đến thăm ấy, nhà báo trẻ Hữu Khôi đang tòng sự ở chỗ tôi, chồng của Lan Anh đã khóc nức lên như một đứa trẻ... Những phút yếu lòng? Có thể... Nhưng tôi đọc trong những giọt nước mắt biết ơn ấy sự can đảm là quyết tâm của một lớp nhà báo trẻ dám xông pha vào hòn tên mũi đạn của trận đồ chống tiêu cực. Rằng trong trận tuyến quyết liệt phức tạp và nguy hiểm đó, mỗi lúc phóng viên gặp nạn vì đấu tranh bảo vệ lẽ phải, có những vị Tổng biên tập biết hành xử tức khắc như thế như là phản xạ tất nhiên của lòng trắc ẩn lẫn nghề nghiệp thì luôn là hồng phúc cho anh em trực tiếp làm báo.
... Câu chuyện trong ngôi nhà mới xây tạm coi là khang trang trên cái nền cũ nhà cấp 4 của khu tập thể đại học Mỏ- Địa chất rề rà thế nào mà toàn trở lại những khúc nhôi buồn buồn... Căn nhà mà Hải đã góp phần lớn vô đó bằng cả những đồng nhuận bút còm qua nhiều năm tích góp... Chuyện hiếm muộn của vợ chồng Hải, mấy năm kể từ khi cưới chưa có con có lẽ chỉ là chuyện thường của thiên hạ nhưng với bà mẹ Hải thì là những cái chép miệng buồn. Bà dẫn ra những trường hợp khác cùng xây dựng với Hải thì họ đã có cháu bế! Biết làm sao được, có lẽ phải có rất nhiều sự xẻ chia đồng cảm với một người mẹ đang phải nếm trải những ngổn ngang nỗi buồn dồn tụ ... Ánh mắt buồn bã của bà trong câu chuyện thi thoảng lại ngước lên gác... Căn phòng trên đó khuôn hình hằng bao nhiêu năm cô con gái út em gái của Hải 24 năm Hải đã trải bao thiệt thòi vì chứng tai biến não. Bệnh tật nặng là vậy nhưng có cái lạ là mỗi chiều Hải đi làm về như thế là cô em út tật nguyền cũng đủ một chút tỉnh táo xăng xái xếp cặp cùng túi cho anh mình!
Nửa muốn nán lại thêm nửa muốn rời thật nhanh cái ngôi nhà đang trong những ngày như có giông bão ấy là khi bà cụ hàng xóm ( trước cùng công tác với mẹ Hải) năm nay cụ gần 80 tuổi khi cụ nhìn thẳng vào tôi là tôi hỏi thật nhá, sau cái việc của cháu Hải, nhà báo các anh có dám viết những bài chống tiêu cực không?...
Lại chợt nhớ thêm gương mặt mếu xệu của nhà thơ Trần Nhương đã ứng tác tức thì cái buổi hai nhà báo bị nạn Dù làm ngàn việc linh tinh/ Chớ mần nhà báo tận tình điều tra/ Tội đồ khi nó xổng ra/ Kéo quân đòn ngược ai mà cứu con!
II
Người ta nói nghề chọn người, chứ không phải người chọn bừa nghề nào cũng được? Có lẽ đúng với trường hợp Nguyễn Việt Chiến? Dạo Nguyễn Việt Chiến còn làm ở Báo Văn Nghệ, không nhiều người lắm trong đó có tôi biết nhà thơ Nguyễn Việt Chiến thảng hoặc có xuất những bài thơ in trên báo nhà hoặc rải rác đâu đó. Xôm tụ hơn là những tập thơ. Mà thơ Chiến lại kén người đọc. Phần nhà báo của Chiến hình như chìm lút đâu đó trong những mẩu tin hay bài tường thuật tằng tằng có cũng được mà không có cũng chẳng sao như trên nhiều mặt báo khi ấy lẫn bây chừ! Có lẽ bạn đọc cũng chả nên khó tính lẫn riết róng đòi hỏi những tờ báo Văn phải quyết liệt lẫn đậm đặc này khác về những tin bài điều tra chống tiêu cực. Chức phận từng báo có lẽ đã tạm an bài? Những năm đầu 90 của thế kỷ trước tự dưng nẩy nòi ra một Nguyễn Việt Chiến với những tin bài sắc lẹm về mảng điều tra chống tiêu cực trên tờ Thanh Niên. Rất đông các thi sĩ mần báo. Nhưng thường nhà thơ mà rẽ ngang như thế đa phần người ta ký một bút danh khác. Nhưng nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vẫn trần thùi lụi cái tên khai sinh khi mần thơ trên những trang báo của tờ Thanh Niên. Tôi đồ rằng tiềm ẩn trong Nguyễn Việt Chiến khả năng làm báo cụ thể là mảng chống tiêu cực bởi do cái máu mà nói chữ là tính cách? Giang sơn dị cải bản tánh nan di. Sông núi dời đi ( có thể thay đổi) dễ dàng nhưng tính cách thì khó lắm! Thẳng hay nóng? Tôi cũng không rõ nữa... Nhưng trong đám trà hay rượu chuyện vặt hay đọc thơ mà có Chiến là khó mà kìm được cái chất giọng hơi bị đậm. Lần cái đêm Duyên dáng Việt Nam không biết lần bao nhiêu tôi quên rồi, nhà thơ Đỗ Trung Quân được phân vai làm MC một khúc nào đó. Thi sĩ Đỗ Trung Quân đi lại trong hội trường đông chật sao đó sơ ý dẫm phải chân của một khán giả. Mà ông này có lẽ không được mát tính cho lắm liền phản ứng bằng cách túm cổ áo nhà thơ kiêm emxi kia nhấc bổng lên. Mọi người khi ấy chưa biết phản ứng truớc tình thế ấy ra sao thì Nguyễn Việt Chiến lù lù xuất hiện kèm tiếng quát như sấm cứ để cái thằng ấy cho tôi.... Người thì tong teo chứ vậm vạp gì nhưng tay khán giả nóng tính kia liền buông cổ áo nhà thơ Đỗ Trung Quân ra bởi cái động thái chĩa nắm đấm kèm nét mặt dữ dằn của Chiến. Đận Chiến phản ứng quyết liệt đòi trang WEB của Hội nhạc sĩ Việt Nam phải tháo ngay bài Mưa tháng Giêng, một ca khúc khá nổi dạo ấy được thể hiện bởi giọng hát của ca sĩ Trần Thu Hà bởi Mưa tháng Giêng phổ thơ Nguyễn Việt Chiến và nhạc sĩ quên không đề tên tác giả! Nhiều người coi phản ứng của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khi ấy hơi bị căng quá vì thông thường tác giả xin lỗi nhà thơ là xong những Chiến cho rằng cái bệnh quên cố hữu của nhiều nhạc sĩ như thế đã thành tiền lệ làm khổ và xúc phạm không ít đến các nhà thơ nên Chiến phải hành xử quyết liệt để góp phần dẹp cho đến cùng nạn đạo nhạc!? Nhiều người nói, người bạn đời- tác phẩm 2 của Chiến bây giờ cũng là chuyện tất yếu của một ứng xử sòng phẳng một thái độ không lập lờ mà thiên hạ vẫn thường là chấp nhận là có bồ nhí?! Tôi biết cuộc hôn nhân mới này đã mang cho Chiến không ít những phiền toái và thua thiệt nhưng bản tính của Chiến là phải sòng phẳng... Mà để sòng phẳng trong địa hạt tình cảm như thế chắc hẳn là phải gánh chịu chả ít nhiêu khê?
Trong sáng tác của mình, Nguyễn Việt Chiến được giới thơ coi là một trong những tên lính xung kích của sự tìm tòi cách tân. Nhưng tiêu chí của Chiến lại giản dị trần thùi lụi thế này Cái mới trong thơ không phải là sự trình diễn sự cấu trúc mới lạ mà điều phải hướng tới là một phát hiện về tính suy tưởng ( trích trả lời phỏng vấn Báo Văn Nghệ Trẻ) Trong phạm vi bài viết này, tôi không bàn và đề cập chi nhiều đến địa hạt cách tân với đổi mới ấy mà chợt nhận ra mạch liên hệ ấy khi Chiến hành xử ở một lĩnh vực rất khác ấy là báo chí. Hình như Chiến bê nguyên xi sự quyết liệt thẳng thắn ấy sự thật khắc nghiệt mà họ phải nếm trải đã dội đập vào họ đến tức ngực ( trích phỏng vấn trên) làm âm hưởng chủ đạo trong những bài viết chống tiêu cực? Chiến phác hoạ sự vô cảm như thế này Chúng ta hay ngồi dưới bóng râm/ và thường nói những điều ồn ào nóng nực/ Nhưng khi lê bước dưới mặt trời chói gắt/ Chúng ta thường không nói gì! Không dừng lại những đóng góp về tính suy tưởng như thế, Nguyễn Việt Chiến rạch ròi cụ thể bằng thể loại báo chí mà G. Marquez từng ưa thích nhất nó tự nhiên và hữu ích nhất. Đó là phóng sự. Nó không chỉ gần đời sống mà còn thực hơn đời sống nữa. Nó cũng có thể giống như một truyện ngắn hoặc một cuốn tiểu thuyết vơí một khác biệt duy nhất và cũng là thiêng liêng mà những người làm báo chân chính không thể vi phạm: Trung thành với sự thật đến dấu chấm cuối cùng!
Hàng trăm tin bài qua những vụ lớn nhỏ như Khánh trắng, Năm Cam, PU18... đã bầu lên một Nguyễn Việt Chiến xông xáo một cái tên không dễ chuội trong bạn đọc! Vụ PU18, hơn một năm trước trên mặt báo lẫn công luận người ta vẫn coi đó là vụ tham những nổi cộm nhất được phát hiện và đang được các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt. Nhưng rất ít người biết chân trời đã có những dạng chớp báo hiệu những giông gió bất thường!
Ấy là dạo tháng ba, tôi với Chiến nhập vào đoàn nhà báo đi Cà Mau. Tôi chung phòng với Chiến. Đêm đó mãi khuya không thấy Chiến về phòng, tôi lang thang sang mấy buồng bên thì thấy Chiến đang ngồi với một người bạn đồng nghiệp. Mà giữa họ đang có vẻ gì đó mặn chuyện lắm. Thấy tôi, Chiến cười và buông cái chất giọng oang oang cố hữu tao đang tham khảo ý kiến thằng này ít kinh nghiệm xem nhỡ mai kia có bị vào tù để mang ra mà xài... Tôi quát Chiến rằng mày chỉ phỉ phui cái mồm! Thằng này tức là phóng viên báo L. hơn mười năm trước viết bài về một vụ chia chác tiêu cực trong ngành dầu khí đã từng bị gọi lên thẩm vấn hàng chục lượt vì cái tội lộ bí mật quốc gia! Cái đêm nằm ở Cà Mau ấy, cũng như chán vạn thiên hạ, tôi đâu biết rằng bằng việc tướng Phạm Xuân Quắc, tổng tư lệnh đánh vụ PU18 đột ngột nghỉ hưu đã mở đầu cho một giai đoạn khác của vụ PU18 mà cánh báo chí đã nói là bắt đầu cho những chương mới của vụ án ly kỳ này khác. Không biết Chiến nghe được ở đâu rằng, Chiến nằm trong số những phóng viên sắp bị gọi hỏi? Về Hà Nội ít ngày, hoá ra cái sự phong thanh đêm ấy Chiến nói lại là việc thật. Hàng chục phóng viên nội chính của nhiều báo viết về vụ PU.18 lần lượt được gọi lên cơ quan có trách nhiệm để thực thi việc thẩm vấn trong đó có Chiến! Hằn lâu hơn trong chuyến đi Cà Mau ấy không phải là những phập phồng lo lắng này khác cái việc thẩm vấn thẩm viếc mà là đêm ấy vào bồn cầu toalet, bật đèn lên mắt nhắm mắt mở, tôi hoảng hồn kinh hãi khi thấy cả một bồn cầu loang đỏ! Sắc đỏ này đích thị là máu rồi còn gì? Mà máu này ở đâu ra? Hai thằng đực rựa là tôi với Chiến cùng phòng từ tối đến giờ nào có ai lai vãng? Tôi hốt hoảng quày quả quay vào phòng bật điện lên. Dưới ánh đèn ống xanh lét, cái hình hài dong dỏng của Chiến như càng thêm xám ngoét đét lẹt dính xuống nệm. Thấy bộ dạng hốt hoảng kiêm thông báo khẩn của tôi, Chiến thở dài như người có lỗi tao bị trĩ nặng mấy năm nay. Hễ đi xa ngồi xe lâu là vãi máu ra như thế...
... Bên bộ salon bàn nước nhà Chiến, sao tôi có cảm giác lành lạnh thế nào? Tính đến bữa nay là 3 ngày nhà này vắng người đàn ông trụ cột. Đành một nhẽ nghề của Chiến là hay đi nhưng đi ít bữa rồi lại về. Thằng cu Bi ốn tuổi không hề hay biết chi chuyện bố bị bắt cứ bi bô tụt lên trồi xuống trong lòng mẹ. Tôi chợt nhớ đến những dòng trên tờ Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Phong - Phó tổng biên tập đã phản ứng gay gắt hôm khám xét nơi làm việc của Chiến tại trụ sở Báo Thanh Niên: Tại sao lại đọc lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam ở nhà, trước mặt vợ và những đứa con còn nhỏ của anh Chiến mà không đọc tại Báo Thanh Niên - cơ quan quản lý của anh Chiến và cũng là nơi anh Chiến thực hiện các công việc có liên quan? Đọc quyết định như vậy có phải là một việc làm hợp tình người không? Cô giáo Ngọc vợ Chiến mắt có quầng nghẹn ngào cho chúng tôi biết, thằng cu Bi chặp tối nào cũng hỏi mẹ rằng bố Chiến đi đâu với chú công an lâu thế sao không về hả mẹ? Mà sao bố không gọi điện về hả mẹ? Chả là hôm bị bắt, Chiến còn cười gượng với mấy anh em đồng nghiệp rồi cười với thằng cu con rằng bố đi công tác với chú công an mấy hôm bố về. Từ hồi thằng bé biết nói, mỗi khi đi công tác đâu xa hoặc bận việc ở Toà báo về muộn, Chiến có thói quen gọi điện về nói chuyện với con. Lệ ấy ba ngày nay bị bỏ đột ngột, mà chẳng có ai dám cắt nghĩa hay lý giải thấu đáo cho thằng bé cả...
Cô giáo Ngọc cho hay cô nghỉ dạy ba hôm nay rồi bởi căng thẳng quá. Cô nói may mà môn cô dạy là tiếng Anh. May nữa là đồng nghiệp của trường ai cũng thấu hiểu và cảm thông với việc làm anh Chiến cũng như hoàn cảnh của cô. Thày giáo hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang hôm anh Chiến bị bắt đã cùng với nhiều giáo viên của trường đến ngay nhà động viên an ủi... Bữa nay có nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng vừa đến thăm mấy mẹ con. Qua nhà thơ, cô giáo cũng được biết ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng vừa có công văn đề nghị cơ quan chức năng cho nhà thơ Nguyễn Việt Chiến được tại ngoại và ông Chiến sẵn sàng có mặt ngay nếu cơ quan điều tra có yêu cầu. Cô giáo giọng rầu rầu được thế thì may các anh ạ bởi anh Chiến nhà em lắm bệnh lắm. Ngoài bệnh trĩ ra còn đại tràng và loét dạ dầy nặng. Anh ấy ăn uống khổ sở lắm. ăn đã ít nhưng vớ phải thức gì lạ là bệnh hành liền. Một ngày anh ấy đi hết một bình xăng đầy là thường. Em có cảm giác là từ ngày lấy anh Chiến ít hôm thấy anh ấy ngồi với vợ con ăn uống cho yên hàn từ đầu đến cuối. Không điện thoại thì lại giở tài liệu hay báo ra. Miệng nhai nhưng mắt thì nhìn, tay thì vỗ nựng con. Ăn uống mà như thế thì làm sao mà lại ngưòi được. Mà này các anh có biết trong tù người ta cho ăn như thế nào? Em trữ sẵn mấy đồ tiếp tế đây cả thuốc chữa bệnh nữa nhưng đợi mãi vẫn chưa nhận được lệnh cho tiếp tế...
Tôi thầm nghĩ, dạng người như Chiến làm sao mà yên hàn được? Chẳng máy điều hoà nào có thể cứu nỗi một sa mạc/ Đang phổng phao lớn dần những khao khát trong tôi... Viết ra những thứ đại loại như thế chẳng phải là tuỳ hứng? Lại thoáng nhanh những dòng nhận xét của lãnh đạo tờ báo Thanh Niên hôm Chiến bị bắt như một thứ sơ kết như một dạng lý lịch trích ngang.
Nguyễn Việt Chiến là nhà báo nhiệt huyết, chín chắn, và có nhiều bài viết dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, đặc biệt trong vụ án "Năm Cam và đồng bọn", được dư luận đánh giá cao. Ngoài lĩnh vực báo chí Nguyễn Việt Chiến còn là nhà thơ có tài. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng thơ của Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và gần đây được giải thưởng thơ của Hội Nhà văn.
Trong đống thư và quà của bạn đọc gửi đến nhà cô giáo Ngọc, hơn chục bức thư bày tỏ tình cảm khâm phục anh Chiến và động viên cô giáo Ngọc cố gắng vượt qua khó khăn. Tôi thoáng nhanh những dòng của ba người xin tình nguyện chữa trị bệnh trĩ và đại tràng miễn phí cho Nguyễn Việt Chiến. Hay ngắn gọn đơn giản chỉ mấy dòng kính chuyển gia đình anh Chiến. Việt Nam chiến thắng. Một độc giả Hà Nội. 15 hộp thuốc đại lão hoàn và một hộp sâm của hai độc giả giấu tên khác. Một tập photocopy cuốn Suối nguồn tươi trẻ ( Lê Thành dịch, NXB Trẻ ấn hành. Một cuốn sách hướng dẫn cách tập Thiền nhằm tránh những phiền muộn vượt qua khủng hoảng tinh thần) kèm 2 triệu đồng của hai cha con nhà thơ Hoàng Hưng và Lê Hoàng Ly thân mang đến tận nhà. Nhà thơ Hoàng Hưng hy vọng cuốn sách này sẽ đến được tay Chiến sớm nhất... Cuối cùng, có lẽ những dòng mộc mạc tức thì của nhà thơ kiêm hoạ sĩ Trần Nhương phần nào cũng khắc hoạ được chân dung những người làm báo như Chiến Ôi cái nghề tưởng như có hào quang/ Thực ra với không ít người nó là cái nghiệp/ Không vì lợi quyền chỉ mong được đi và viết/ Chỉ mong được đồng hành cùng chân lý với nhân dân...
Ra đến đường lớn Ngã Tư Sở tôi phải nép vào lề đường để đợi một đám rước dài dặc đang chầm chậm diễu qua chào mừng đại lễ Phật Đản vừa khai mạc ở Hà Nội. Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai một hội nghị tôn giáo lớn như thế... Trên chiếc xe đi đầu, một vị hoà thượng hồng hào đứng nghiêm cẩn bên cạnh những đoá sen hồng. Phấp phới một giải phướn màu giăng ngang xe mà tôi loáng thoáng đọc được mấy chữ khoan hoà bao dung vị tha ... gì gì đó. Chắc nhà cô giáo Ngọc tận trong hẻm nhỏ không thể nghe lẫn thấy được tiếng nhạc rộn rã của đám rước lẫn những dòng chữ này?
III
Thi thoảng, tôi cũng bám theo đám phóng viên nội chính coi họ hành nghề và cũng biết luôn cả tư gia của tướng Quắc.
Có cảm giác, cánh phóng viên nội chính mà triệt nguồn tin thi thoảng được hé ra từ cơ quan chuyên trách đánh tham nhũng là C14 mà tướng Quắc phụ trách này thì việc vụ mùa tin bài vẫn thường giăng trên nhiều báo có nguy cơ thất thu? Cũng phải thôi, khá nhiều lần, cánh nhà báo vẫn thường được quán triệt và thấm cảm sâu sắc cái ý của một lãnh đạo ngành công an từng tuyên bố trước báo chí, đại để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong cuộc đấu tranh chống tham những là trách nhiệm của ngành. Chúng ta là anh em cùng chung chiến hào chống tội phạm và tham nhũng...
Giữa ánh ngày của buổi chiều, hoá ra cơ ngơi của tướng Quắc cũng không được khang trang như mặt tiền của nhiều quan chức khác bởi nhà ẩn sâu trong một con hẻm trên đường Đào Tấn lúc nào cũng nườm nượp những người. Cái chiều muộn tôi ghé nhà tướng Quắc cũng vừa trọn một ngày ông tướng nhận được trát khởi tố với tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 281 BLHS.
Cái ngõ hẹp dẫn vào nhà ông tướng chiều nay ken đặc xe máy. Đích là nhà ông có nhiều khách? Chén trà nóng của bà chủ quán mà chúng tôi ghé tạm chừng như cũng nóng như câu chuyện lúc đứt lúc nối rằng chả biết cơ sự gì nhưng sáng rồi trưa và cả chiều nữa, không biết nhà báo ở đâu mà tụ tập đông thế? Họ lỉnh kỉnh túi xách máy ảnh ngồi kín cả mấy quán nước đây này... Tôi chợt nghĩ ngay cánh báo chí sáng qua không biết nghe được ở đâu đã rỉ tai và truyền nhau cái tin, tướng Quắc khởi tố thì đã đành nhưng có thể bị bắt?! Chả biết có đích xác không nhưng cứ kéo nhau phục sẵn cho chắc! Nhưng rồi chuyện đó đã không xảy ra như với Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải cùng thượng tá Đinh Văn Huynh.
Tâm trí tôi ngược về cái làng Song Động vùng vải thiều cổ đất Thanh Hà quê tướng Quắc. Hình như miền quê yên bình ấy lại phát về đường võ? Nơi chung đúc linh khí sinh ra những Yết Kiêu, Dã Tượng những Quận He Nguyễn Hữu Cầu. Gần hai mươi năm trước, Hải Hưng bùng phát dịch đổi thóc dự trữ quốc gia, Phó giám đốc Sở công an Hải Hưng Phạm Xuân Quắc nổi lên như là thứ khắc tinh của bọn tội phạm. Nhiều nhân vật có chức có quyền đã phải dẫn nhau vô nhà đá bởi sự mạnh tay kiên quyết của ông PGĐ được phân công phụ trách trấn dẹp tội phạm trong vụ đổi thóc dự trữ quốc gia mang mật danh A.34 này. Mà khi ấy, đụng đến đám chức quyền cho dù chỉ là hàng tỉnh cũng đã là những việc động trời! Dẹp yên nạn A34, Hải Hưng lại bùng phát tiếp việc dân một xã bắt giam cán bộ rào làng đòi yêu sách. Tỉnh thấy kẹt đã đành. Cấp trên lại cũng lúng túng... Người ta lại phải dùng đến tài điều tra đánh án của ông Quắc. Quả khi ông Quắc ra tay, nạn ấy được dẹp yên thật. Cái ngày Bộ Nội vụ rút ông Giám đốc Sở công an Phạm Xuân Quắc về Hà Nội, Bí thư tỉnh uỷ Phạm Văn Thọ ( sau này là Phó Ban tổ chức TW) đã phải đắn đo mãi liệu địa phương có nên để xổng một cán bộ có năng lực lẫn bề dày công tác mà lại xôm tụ nhiều chiến tích như thế đi không? Có thể ông Bí thư tỉnh uỷ khi ấy đã có khiếu lẫn mắt xanh về công tác tổ chức? Phải lên Hà Nội, Phạm Xuân Quắc có lẽ mới có đất lẫn rộng đường dụng võ. Mà dụng mà múa võ theo nghĩa thực của từ ấy! Năm 1993, ông Quắc được điều về làm Cục phó C14. Tôi cũng chưa rõ vì sao lại mang cái mật danh ấy và thời điểm ông Quắc về C14, Cục ấy đã mang cái tên hơi bị dài Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội như bây giờ không nhưng mà tội phạm hình sự lẫn sâu mọt bọn tham nhũng cứ là dờ hồn khi nhắc đến C14. Thử kê biên ra đây những vụ việc đồng thời cũng là chiến tích mà ông Quắc cùng quân mình đã thực hiện Triệt phá băng nhóm tội phạm nguy hiểm có tổ chức có tên là Tin Palet. Chuyên án bắt giữ trùm tội phạm Khánh trắng. Triệt phá băng nhóm tội phạm xã hội đen Phạm Đình Nên ( còn gọi là Cu Nên) và Lâm già tại Hải Phòng. Triệt phá băng nhóm tội phạm Minh Samasa Khánh Hoà. Triệt băng nhóm tội phạm Dũng chim xanh Hoàng lựu đạn. Triệt phá vụ Hai Chi Bình Thuận. Là phó trực cho tướng Nguyễn Việt Thành đánh vụ Năm Cam vv... Và mới đây nhất là Trưởng ban chuyên án đánh vụ PU 18. Lon Thiếu tướng mà ông Quắc mang trên vai năm 2002 quả là y phục xứng kỳ đức. Lại có chi đó như người xưa nói là nhất tướng nhị thanh. Thanh là tiếng tăm đánh tham nhũng nổi như cồn. Tướng là nước da đồng hun tóc cước phơ phơ trong bộ đồng phục thiếu tướng nom khá bắt mắt...
Đánh và triệt phá... Cứ liên miên công việc với chiến tích như thế đùng cái, ông tướng lẫm liệt chuyên đánh tội phạm tham nhũng ấy lại có động thái sàm sỡ với vợ của một đối tượng trong vụ PU.18 khi khám nhà?! Anh bạn đồng nghiệp thì thào rằng đơn tố cáo đứng tên có địa chỉ hẳn hoi chứ không phải nặc danh! Rồi đùng cái nữa, tướng Quắc nhận quyết định nghỉ hưu! Cái tối áp Tết năm ngoái, dùng dắng mãi, anh bạn mới dẫn tôi đến nhà tướng Quắc... Có lẽ thời điểm mà anh bạn dẫn tôi đến cũng vừa đúng lúc bởi thanh tra Bộ đã làm rõ lá đơn tố cáo ấy. Và kẻ tố cáo tướng Quắc đã phải xin lỗi, đơn giản là một ông tướng chỉ đạo chuyên án không khi nào lại trực tiếp đi làm cái việc khám nhà một tội phạm. Nhưng cái đêm lạnh ấy tướng Quắc đã làm nóng đầu anh bạn đồng nghiệp chuyên theo mảng nội chính bằng chất giọng rủ rỉ chứ không hề gay gắt... Mãi đến lúc trên đường về, anh bạn mới hé cho tôi thứ logic được chắp nối đại loại thế này: khám nhà tội phạm là cuối tháng 11 năm 2006 nhưng mãi đến cuối tháng 12 mới có đơn tố cáo. Thời gian hơn một tháng ấy có những âm mưu đạo diễn nào không? Anh bạn cũng chắc nịch với tôi cái điều không thể moi được ở tướng Quắc điều chi khuất tất về pháp luật lẫn kinh tế nên đành vu, mà là vu vơ cho khía cạnh đạo đức của tướng Quắc!? Rồi tiếp nữa là quyết định về hưu? Có chi đó không bình thường?
Không bình thường? Có lẽ phải bắt cái chứng bệnh ấy từ thời điểm tướng Quắc đã hé ra tâm sự mà một tờ báo từng đăng mà tôi nhớ không chính xác lắm nhưng đại loại nếu tướng Quắc còn trẻ và chẳng sắp về hưu thì ông đã không nhận phụ trách chuyên án PU.18 (!?) Nhưng câp độ không bình thường ấy còn có thể hiểu lờ mờ và thể tất được nhưng tới mức không bình thường như cái việc khởi tố này?
... Dòng xe máy nối vào con hẻm trước cửa nhà tướng Quắc vẫn không dứt.
Không bình thường! Chẳng biết tự khi nào tôi đã nhiễm phải lối nghĩ trong cái đầu quen phản biện của anh bạn đồng nghiệp ( nhưng lần này thì là của riêng mình) rằng theo thông lệ cửa rả của những người bị bắt, bị cơ quan pháp luật sờ gáy như thế thường là im ỉm vắng hoe chứ đâu có tấp nập ( không phải rộn ràng) mà có phần huyên náo nữa là khác như tôi chừng chứng kiến trước cửa tư gia lẫn công sở của Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải mấy ngày qua và bây giờ là trước cửa nhà tướng Quắc? Chúng tôi đành rời quán nước theo cái kéo tay mạnh bạo của anh bạn rằng cứ phải vào chứ đợi đến bao giờ?
Tướng Quắc vẫn chĩnh chiện trên chiếc ghế salon như cái đêm lạnh hôm nào đã thấy... Trong bộ đồ thường mặc nhà, tướng Quắc vẫn không giảm bớt đi cái dáng vẻ bề ngoài, nói như thế nào nhỉ, có lẽ như tên các cụ đặt cho ông tướng, vẻ quắc thước! Lại nữa cái lệnh khởi tố kia chẳng lẽ lại không làm ông xao xuyến gì? Một chốc, hình như vẻ quắc thước của ông tướng hình như có thuyên giảm đi chút ít khi thằng cháu nội nhảy tót vào lòng ông vòi vĩnh thứ chi đó. Nghe ông giới thiệu tôi mới hay, sáu người và trên gác đang có mấy người nữa vốn là bạn bè lẫn người nhà... À, ông chỉ vào mấy người tre trẻ, mấy cháu ở đơn vị C14. Bất giác tôi hướng cái nhìn thiện cảm về mấy người tre trẻ ấy. Họ cũng na ná cái tình như đồng nghiệp anh em bạn bè của Chiến của Hải. Nhưng cấp độ tử tế ấy cao hơn thế hoặc khó hơn thế bởi thủ trưởng của họ đang bị khởi tố mà nhiều người vẫn lần lượt đến thăm như thế này?
Điện thoại. Chao ôi là điện thoại! Máy để bàn máy di động. Mà cấm có lúc nào tướng Quắc xin lỗi ra ngoài để nghe. Ông cứ chíp bằng như thế, di động thì ông bốc lên nghe luôn. Máy bàn thì cô cháu dong dây đến... Cả hai thứ ông nghe trước mặt khách đều oang oang trả lời như thế! Có vài cú ông cười khà khà rồi văng tục có vẻ thân ái lắm... Chả cần đến cái câu ông hào phóng tiết lộ cho chúng tôi rằng bạn bè người thân quen gọi đến... Thử chắp nối lẫn đoán mò, chúng tôi cũng biết được một ngày vừa qua ông đã tiếp nhận một khối lượng thông tin đáng kể sự xẻ chia động viên cả những băn khoăn thắc mắc của bạn bè người thân... Đang nghe chuyện cái nhà cũ của ông dưới quê hãy còn, ông với bà vợ ốm yếu đang khấp khởi với lứa vải non trăm gốc đang kỳ sai hoa đậu nhiều quả thì nhận được tin lên Hà Nội để nhận lệnh khởi tố đùng cái, chuông điện thoại lại réo! Đợi tướng Quắc nghe xong, một vị cưng cứng tuổi nhìn ông ngập ngừng rồi hỏi ông có ngạc nhiên và bất ngờ khi nhận được lệnh khởi tố không? Ông tướng cười, thủng thẳng, nói không bất ngờ thì là nói dối nhưng chắp nối lại sự việc mình thấy giật mình bởi cái bất ngờ lớn hơn kia! Còn anh bạn tôi mãi một lúc mới chen được vào cái băn khoăn lẫn tò mò của mình rằng trong 15 phút ở trụ sở cơ quan Cục ANĐT ở đường Nguyễn Đình Chiểu, ông đã viết gì vào tờ quyết định khởi tố? Tướng Quắc cho biết ngay rằng bản thân mình đã có hơn 40 năm công tác, cống hiến trong ngành CA, hơn 40 năm tuổi Đảng, và ông khẳng định mình không có bất cứ hành vi phạm tội nào theo như xác định của Cơ quan ANĐT Bộ CA.
Tôi không có tội! Có lẽ đó là phản xạ của hầu hết bị can bị báo lẫn người được tống đạt quyết định khởi tố? Nhà báo Nguyễn Văn Hải, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tướng Phạm Xuân Quắc đều nói thế! Có lẽ trừ toà án của lương tâm còn tất tật phải minh định xem xét dưới ánh sáng của công lý của Toà án. Có lẽ xin kính chuyển đến cơ quan điều tra lẫn các cơ quan pháp luật ý kiến của ông Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Bùi Thanh đăng trên tờ Tuổi Trẻ ra ngày 13-5-2008 được hầu hết báo giới Việt Nam tán đồng
… PMU18 - một vụ án chưa kết thúc và đang có những diễn biến kỳ lạ. Ai ở trong hậu trường vụ án này mới hiểu hết sự kỳ lạ và phức tạp của nó. Ai đó đã đúng khi nói rằng công lý dường như bị nhạo báng qua vụ án này và nhà báo đã trở thành nạn nhân.
Và cả ông tướng đánh tham nhũng Phạm Xuân Quắc nữa?
Tiết Tiểu mãn năm Tý 2008
X.B