Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỘI THẢO ĐỔI MỚI TƯ DUY TIỂU THUYẾT

Vũ Xuân Tửu
Thứ sáu ngày 2 tháng 3 năm 2018 5:55 AM




Cách đây 16 năm, vào năm 2002, Hội Nhà văn Việt Nam đã hội thảo đổi mới tư duy tiểu thuyết lần 1, ngày 28/2/2018, tại Hà Nội, HNV VN lại tổ chức hội thảo lần 2. Các nhà Lý luận phê bình Lê Thành Nghị và Bùi Việt Thắng điều hành hội thảo. Tham dự hội thảo có đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương và đông đảo các nhà văn, nhà lý luận phê bình. Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Liên hiệp các HVNNT VN, Chủ tịch HNV VN chỉ đạo hội thảo.

 

Với tiểu thuyết lịch sử,

không phải mọi sự thật đều được viết ra,

và cũng không phải, mọi điều viết ra đều là sự thật...

(Hội thảo Đổi mới tư duy tiểu thuyết,

do hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, tại Hà Nội, 28/2/2018)

Tham luận của Nhà văn Vũ Xuân Tửu

1/ Đổi mới tư duy sáng tác là công việc thường ngày:

Nhìn chung, đổi mới tư duy trong sáng tác văn chương, cũng như đổi mới tư duy trong quá trình viết tiểu thuyết, đã được các nhà văn trăn trở từ lâu và thường xuyên. Bởi vì, quá trình sáng tác chính là quá trình tự đổi mới, nếu không, sẽ sa vào lối mòn. Nhà văn không tự cách tân là báo hiệu sự già cỗi.

Đổi mới tư duy tiểu thuyết là vấn đề rất rộng lớn và cấp thiết, trong phạm vi bản tham luận này, tôi xin đề cập một vài suy nghĩ trong quá trình viết tiểu thuyết lịch sử, mà bản thân cũng chỉ hiểu biết trong phạm vi hạn hẹp.

Nước ta, tiểu thuyết lịch sử thì nhiều nhà văn lớn đã viết, chẳng hạn, về nhà Trần có Bão táp triều Trần của Nhà văn Hoàng Quốc Hải, về nhà Hồ có Hồ Quý Ly của Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, vv... Một điều dễ nhận ra, qua các bộ tiểu thuyết ấy, người đọc thấy hiện lên trong tâm trí mình, cả một triều đại, có khi kéo dài hàng thế kỷ. Những nhân vật chính có thực, hiện ra một cách sinh động, với hình thể, tâm lý, tính cách và bối cảnh sinh hoạt xã hội đa dạng, phong phú, giúp người đọc hiểu thêm về nhiều góc cạnh của lịch sử. Tất nhiên, cũng có những cuốn tiểu thuyết lịch sử chỉ viết về một vài khía cạnh xã hội, hoặc nhân vật nào đó, mà khái quát lên.

Tiểu thuyết lịch sử dù bối cảnh, sự kiện đã lùi xa, nhưng nhà văn lại muốn nói điều gì đó với xã hội đương thời. Bởi thế, nếu bản lĩnh không vững vàng, và kiến văn nông cạn thì dễ sa vào lối mượn xa nói nay, một cách sống sượng. Nhưng nếu chỉ viết về chuyện xưa cũ, để minh họa lịch sử thôi, thì bạn đọc không cẩn, thà đi đọc sách lịch sử còn hơn. Bởi thế, dù là câu chuyện xa xưa, thậm chí vừa mới diễn ra, nhưng tiểu thuyết lịch sử bao giờ cũng có hơi thở của cuộc sống, giúp bạn đọc soi chiếu vào xã hội đương thời, rút ra điều tâm đắc về nhân tình thế thái. Và chính đó, mới là điều gửi gắm của nhà văn.

Tiểu thuyết lịch sử được hư cấu trên cơ sở các sự kiện và nhân vật chính có thực. Từ đó, nhà văn sáng tạo nên tác phẩm văn chương. Có chỗ trùng khít với lịch sử, có chỗ bay bổng, thăng hoa. Thậm chí, có những tình tiết khác lạ so với lịch sử, do ý đồ của tác giả trong quá trình xây dựng tác phẩm muốn như thế, nhằm đề cao vai trò nhân vật, hoặc thể chế nào đó. Ví dụ, trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã cho Khổng Minh dùng mưu kế, bày binh bố trận hỏa thiêu gò Bác Vọng, làm món quà ra mắt ba anh em Lưu, Quan, Trương. Nhưng thực tế, Lưu Bị đã đánh thắng trận này, trước khi vời được Gia Cát Khổng Minh. Hoặc như, Tào Tháo là người văn võ song toàn, nhưng lại hóa thành kẻ đa nghi, phản Hán...

Trong tiểu thuyết lịch sử, thường thấy các nhân vật va chạm bộc lộ tính cách là chủ yếu. Nhưng bên cạnh đó, bối cảnh, phong tục, tập quán, văn hóa vùng miền, dân tộc như là cái nôi nuôi dưỡng nhân vật, khiến nó sống động bước từ tiểu thuyết ra đời thực, chứ không bị khô cứng đóng khuôn như trong lịch sử. Muốn có được điều đó, đòi hỏi nhà văn phải công phu sưu tầm tư liệu và phải có đầu óc tưởng tượng phong phú, để các nhân vật ăn khớp vào nhau, vận động nhuần nhuyễn trong cả một hệ thống, thì quả là không đơn giản. Có vấn đề cần tôn vinh, nhưng cũng có chuyện phải viết lại, chứ không phải viết về nhân vật lịch sử theo kiểu sùng bái cá nhân, và cũng không thể tư duy như tác phẩm trong Tủ sách "Người tốt, việc tốt"...

Tiểu thuyết lịch sử là tác phẩm văn chương. Như vậy, Tiểu thuyết lịch sử là phải có văn, chứ không phải thống kê sự kiện. Sau khi sưu tầm tư liệu, tôi thường làm Biên niên sự kiện, nhưng đó không phải công trình khoa học xã hội, mà nó lại là cái khung sườn tiểu thuyết.

Viết tiểu thuyết lịch sử về cả một triều đại thì nên dài hay vắn? Có người nói, viết ngắn mới khó. Lại có người bảo, dài hay ngắn không quan trọng bằng hay. Viết dài, viết nhiều mà hay thì càng tốt chứ sao? Chúng ta không thể cứ đặt vấn đề một chiều, mà cần xem xét trên nhiều khía cạnh, như bản thân cuộc sống vốn có. Thực tế, tác phẩm tiểu thuyết lịch sử thường dài, có khi gồm nhiều tập tạo thành.

Tôi xin lấy ví dụ về bộ tiểu thuyết dài, nhiều tập. Đó là, Chiến tranh và Hòa bình, bốn tập, khoảng 2000 trang của Lép Tôn-xtôi; trong đó, nhà văn miêu tả chi tiết, như sau: Buổi tiếp tân: 50 trang; Cuộc rượu: 9 trang; Mừng lễ thánh: 31 trang; Xin việc: 8 trang; An-đrây từ biệt ra trận: 54 trang; Ku-tu-dốp điểm binh: 20 trang; An-đrây trong doanh trại: 12 trang; Rô-xtốp bị thương: 3 trang; Cuộc đấu súng: 6 trang; Na-ta-sa bỏ An-đrây, toan trốn theo A-na-tôn: 150 trang. (Riêng đoạn này, có thể tách ra thành truyện, hoặc tiểu thuyết riêng cũng được); vv...

Tác phẩm này có tới 500 nhân vật, cốt truyện xoay quanh hai gia đình quý tộc Nga: Công tước An-đrây và Bá tước Rốt-tốp, thuộc nước Nga, thế kỷ XIX, với những nhân vật có thực, như Hoàng đế Na-pô-lê-ông (Pháp), A-lếch-xan (Nga) và vị tướng lừng danh Ku-tu-dốp...

Nhiều nhà văn viết tiểu thuyết ngắn, chừng vài ba trăm trang, ít có tiểu thuyết dài từ dăm trăm trang trở lên, hoặc các bộ tiểu thuyết. Đối với tiểu thuyết lịch sử và trường ca thì không thể quá ngắn được. Vấn đề đặt ra, nhiều người viết dài thường đuối về sau, bộc lộ bút lực chưa dồi dào, kiến văn thiếu phong phú. Phần đông tác giả có thể viết rất nhiều bài thơ, thậm chí xuất bản nhiều tập thơ, nhưng viết trường ca thì chưa. Nếu trong văn xuôi, tiểu thuyết được ví như cỗ đại bác, thì trong thơ, có thể coi trường ca là binh chủng hợp thành. Dung lượng lớn của tiểu thuyết và trường ca giúp cho nhà văn có đất rộng rãi, để tổ chức tác phẩm với chiều kích lớn. Tôi thiển nghĩ, đã là nhà văn thì nên có tiểu thuyết và đã làm thơ thì cần viết trường ca. Chỉ có tiểu thuyết và trường ca mới vắt kiệt cùng bút lực tác giả, và như vậy, nền văn chương đất nước mới vạm vỡ, sinh sôi.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải viết bộ tiểu thuyết Bão táp Triều Trần, thực đồ sộ; gồm 6 quyển, ngót ba nghìn trang. Để thấy sức làm việc của một nhà văn già, tôi xin mạn phép lấy số liệu so sánh: một hội văn nghệ địa phương, với chừng dăm chục hội viên chuyên ngành văn học, viết 30 năm, xuất bản 150 cuốn sách, tổng cộng số trang in cũng chỉ gấp đôi bộ tiểu thuyết Bão táp Triều Trần).

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly, hơn 800 trang. Tác giả viết về các nhân vật như kiểu những "Bức tranh tứ bình", hết nhân vật này mới chuyển sang nhân vật khác. Đó cũng là cách viết lạ, nhưng dễ lặp lại sự kiện. Ví dụ, vua Trần Nghệ Tôn đã chết ở phần IV, nhưng rồi lại xuất hiện ở các phần sau, vì các nhân vật tiếp nối đều có liên quan. Theo tôi, viết tiểu thuyết lịch sử theo lát cắt ngang thời gian (đồng hiện), thì tiện lợi hơn viết theo lối bổ dọc.

Đây là một cuốn tiểu thuyết rất đáng chú ý, nhưng tôi còn phân vân về tên tác phẩm. Tuy mang tên Hồ Quý Ly, nhưng thực ra mới đề cập được một phần ba cuộc đời nhân vật mà thôi. Hồ Quý Ly gồm ba vấn đề chính: một- tiếm ngôi nhà Trần; hai- chính sách chấn hưng cải cách; và ba- chuyện mất nước rồi bị đi đày hải ngoại. Nhưng tác phẩm lại kết thúc ở Hội thề Đốn Sơn. Như thế, chưa thấy chính sách cải cách và chuyện mất nước bị lưu đày. Người đời đề cao vai trò của Hồ Quý Ly chính là cải cách kia mà? Có thể, phải thêm hai tập nữa, mới thỏa mãn tên tác phẩm chăng? Hơn nữa, phần đầu tác phẩm lại viết nặng về nhà Trần, phần sau hụt hẫng về nhà Hồ. Nếu chỉ viết về một phần cuộc đời nhân vật, thì có thể lấy tên tác phẩm là Hội thề núi Đún, chẳng hạn. (Núi Đún tức Đốn Sơn). Tất nhiên, tôi rất khâm phục lão nhà văn với nhiều tác phẩm nổi tiếng; trong đó, tôi được nhà văn gửi tặng cuốn Đội gạo lên chùa...

2/ Đổi mới tư duy phải đồng bộ:

Nhà văn thì trăn trở đổi mới tư duy tiểu thuyết, nhưng nhà quản lý, nhà xuất bản có ủng hộ không, hay đang xiết chặt lại? Nếu không có sự đồng bộ, tác phẩm sẽ bị đắp chiếu, thậm chí nhà văn còn dính hệ lụy khôn lường. Thực tế, xã hội mới dừng ở mức đổi mới tư duy kinh tế, mà chưa đụng đến đổi mới tư duy chính trị, nên nhà văn dù có bứt phá thì cũng bị câu thúc. Tôi nói "nhà quản lý" là ở phạm vi rộng, kể cả các cơ quan chức năng liên quan. Có câu chuyện cũ, nhưng còn mang tính thời sự, cần phải nhắc lại. Đó là, nhà văn sợ nhất những "chú gà" cứ ngỡ mình là "hạt thóc"...

Như vậy, đổi mới phải là sự chuyển mình của cả một hệ thống. Sự chuyển biến đó thường nặng nề và chậm chạp. Vậy, nhà văn phải đi tiên phong, chí ít là trong lĩnh vực văn chương? Tiểu thuyết viết ra như một hồi chuông cảnh báo, hay là một đốm sáng soi chiếu trên con đường phát triển của đất nước?

Một hôm, thấy VTV1, tường thuật Lễ trao Huân chương Sao vàng cho Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu, từ nay, các nhà văn sáng tác không cần phải tự biên tập nữa. Nếu được như vậy, tác phẩm của chúng ta sẽ sớm hội nhập thế giới, thỏa lòng mong ước bấy lâu nay.

3/ Tôi mới viết được hai cuốn tiểu thuyết lịch sử và đang viết cuốn thứ ba:

- Chúa Bầu, Nxb Quân đội nhân dân, năm 2006, ngót 500 trang; viết về hai anh em ruột Khánh Dương Hầu Vũ Văn Uyên và Gia quốc Công Vũ Công Mật, "phò Lê cự Mạc", vùng Tây Bắc, thế kỷ XVI.

- Đinh Tiên Hoàng, Nxb Công an nhân dân, năm 2018, hơn 500 trang; viết về Đinh Hoàn thôn tính 12 sứ quân, lập nước Đại Cồ Việt, xưng đế, thế kỷ X.

- Từ năm 2014 tôi bắt tay sưu tầm, phân tích tư liệu, để viết viết cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ ba, Võ Nguyên Giáp; viết về vị tướng được mệnh danh là "Người anh cả của Quân đội nhân dân", nhưng lại có óc canh tân đất nước, thuộc thế kỷ XX-XXI. Tất thảy chừng 400 nhân vật và tên người liên quan. Hầu hết các nhân vật đều mang tên thật, chỉ có vài nhân vật phải đổi tên và hơn chục nhân vật gọi tên theo nghề nghiệp cho đỡ phức tạp; Sau khi làm Biên niên sự kiện hơn 100 năm cuộc đời nhân vật trung tâm, đến khi viết lại xé ra, bằng thủ pháp: hồi ức, phục bút, bỏ ngỏ... Tác phẩm đa chiều, để ngỏ cho người đọc cùng tham gia sáng tạo. Qua đó, họ có thể đặt thêm giả thuyết, hoặc có cách xử lý tình huống khác với tác giả. Cuốn này, dự định đến 2020 hoàn thành.

Đã có nhiều tác phẩm viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thuộc nhiều thể loại, nhưng chưa có cuốn tiểu thuyết lịch sử nào. Duy cuốn Không phải huyền thoại của Nhà văn Hữu Mai, được ghi trên bìa 1: "Tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ". Nhưng theo tôi hiểu, đó là cuốn tiểu thuyết tư liệu, viết theo phương pháp Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, phản ánh về cuộc kháng chiến chống Pháp, hay còn gọi là cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ Nhất; trong đó, Đại tướng đóng vai trò quan trọng.

Tuy mỗi thể loại có đặc điểm, cấu trúc khác nhau, nhưng thực ra, sự phân chia thể loại cũng chỉ là tương đối mà thôi. Chiến tranh và Hòa bình là một thiên anh hùng ca, viết về cuộc chiến tranh vệ quốc, nhưng Nhà văn Lép Tôn-xtôi, tự viết: "Đó không phải tiểu thuyết, cũng không phải trường ca hay sử biên niên. Đó là cái tác giả muốn và có thể diễn tả trong hình thức mà cái đó đã được diễn tả". Về thể loại tác phẩm này, ông ghi dưới tên tác phẩm: "Sáng tác của Bá tước L.N.Tônxtôi".

Tôi nhận thấy, viết tiểu thuyết lịch sử có hai điều khó:

Một là, Sưu tầm tư liệu văn bản, phim ảnh và đi thực địa điền dã thực là gian khổ và tốn kém, nhưng đó lại là điều không thể thiếu đối với người cầm bút. Khi viết Chúa Bầu, tôi đã phải sang vùng Tây Bắc và về quê hương bản quán của nhân vật chính, ở làng Ba Đông (Hạ Trang và Thượng Trang) thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Viết Đinh Tiên Hoàng, phải đi nghiên cứu bốn mươi địa điểm, liên quan cả mười ba sứ quân, từ Phú Thọ tới Thanh Hóa. Viết Võ Nguyên Giáp, phải khảo sát bảy mươi địa điểm từ Cao Bằng đến Sài Gòn, thăm hai chục nhà bảo tàng, khu di tích, nghiên cứu hơn một nghìn đầu tài liệu, sách báo, năm mươi giờ xem phim ảnh, gặp gỡ ba chục nhân chứng. Đồng thời, lập sơ đồ quan hệ các nhân vật, bản đồ trận đánh, vv... Qua đó, có cái nhìn bao quát tổng thể và cũng rộng đường đi sâu các chi tiết liên quan.

Hai là, Sưu tầm tư liệu xong, coi như thành công một nửa, viết cảm thấy tự tin và chắc tay. Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, song khi viết, tôi luôn tạo ra không khí sáng tác hoàn toàn tự do. Bởi vậy, có nhiều chuyện phức tạp, dù nhọc công viết ra, nhưng biết chắc là chưa thể in, hoặc không được in. Vậy, phải xử lý sao đây? Với tiểu thuyết lịch sử, không phải mọi sự thật đều được viết ra, và cũng không phải, mọi điều viết ra đều là sự thật. Tuy nhiên, dù ngòi bút có thăng hoa đến mức nào đi nữa, thì cũng không được viết sai lệch bản chất lịch sử. Sự thật lịch sử không chỉ nằm trong sách giáo khoa, mà tồn tại khách quan trong xã hội, có khi ẩn hiện đâu đó, khiến người cầm bút phải tìm tòi, suy ngẫm.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: Lịch sử chỉ xảy ra một lần, nhưng có thể phải viết đi viết lại nhiều lần. Do đó, cùng một vấn đề, mỗi tác giả có cách xử lý khác nhau, dẫn đến những nội dung tiểu thuyết khác nhau.

Tôi nghĩ, một cuốn tiểu thuyết lịch sử thành công, là do nhà văn sáng tạo một nửa, phần còn lại thuộc về các nhà phê bình và độc giả. Những không gian mở, tư tưởng khai phóng, với thế giới đa chiều, đó là tư duy của tiểu thuyết hội nhập văn chương nhân loại...

Thành phố Tuyên Quang, 2/2018

VXT