TNc: Ngày mai 20/10/2017, Hội nghị Nhà văn Việt Nam với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc khai mạc. Trang nhà đưa lại bài viết về một nhà văn vốn là sỹ quan quân đội Sài Gòn đã đọc và nhớ bài thơ của Trần Nhương cách đây 40 năm...
Thật bất ngờ trên Facebook của cháu Nguyễn Thanh Hương, người quen của gia đình chúng tôi tại khu Thịnh Quang, Đông Đa, Hà Nội, (nay mẹ cháu và cháu định cư tại Boston Hoa Kì) có đưa bài liên quan đến bài thơ tôi viết năm 1977. Bài thơ đó có nhan đề "Có lẽ nào em đã đi xa", cùng năm đó Báo Văn nghệ in trên trang nhất. Xin cóp bài của cháu Thanh Hương và bài của người sĩ quan đó với nick Nhorung Ho . Thế mới biết văn chương hóa giải sự cách biệt đáng buồn này...(Trần Nhương)
Thứ Hai gần Boston, MA.
Cuối tuần rồi, nhà mình có "khách văn đến nhà". Mà khách văn thì chỉ có cụ bà mẹ mình là tiếp được vì mình thì nhố nhăng chẳng có tư cách gì tiếp, lăng xăng cười góp thì ok. Bác khách văn này vốn là một sĩ quan quân lực VNCH, viết văn làm thơ, bên hải ngoại này trong giới cũng nhiều người biết. Mẹ mình vốn là một cô giáo dạy văn cấp 3 trung học dưới mái trường XHCN; 40 năm trong nghề. Chuyện xa chuyện gần, chuyện xã giao bóng bẩy rồi thì cũng quay về với chuyện Bắc-Nam: ngôn ngữ, văn chương, thơ phú và tất nhiên là phải xoay quanh cuộc chiến tranh ấy. Có lúc cao trào cả đôi bên đều cố tỏ ra thản nhiên nhưng chắc hẳn trong lòng bên này hay bên kia cũng có ấm ức, nghe giọng nói của mẹ thì mình biết. Còn bác kia thỉnh thoảng lại xin lỗi rằng tôi nói gì ko phải chị thông cảm.
Có một chi tiết trong câu chuyện mình muốn nói hôm nay là câu chuyện của bác nhà văn. Bác ấy kể rằng lần đầu tiên bác biết một bài thơ "miền bắc" về chiến tranh là khi ở trong tù (Yên Bái hay Tuyên Quang gì đấy), trên một nửa trang báo nhặt được trong...cầu tiêu. Khi đó khát đọc lắm và các bạn tù truyền tay nhau mẩu báo đó. Đó là một bài thơ của nhà thơ Trần Nhương. Bác đọc mấy câu:
"Sau trận bom tiếng hát em còn đấy
Cánh rừng cháy và bầu trời cũng cháy
Chỉ con đường còn đó đón xe qua"
và câu cuối cùng "em ở nơi đâu, ngơ ngẩn rừng già".
Bác đã rất thích và ấn tượng với bài thơ ấy, mặc dù đó là bài thơ ca ngợi cô gái TNXP miền bắc mở đường Trường Sơn! Đến bây giờ sau 30 năm bác vẫn còn nhớ đoạn thơ trên và tác giả, và luôn đánh giá cao nhà thơ Trần Nhương.
Lúc này mẹ mình phấn khởi lên ngay, bảo "Trần Nhương là hàng xóm nhà tôi, tôi chơi với vợ ông ấy"...hehe. Mình thì bảo "chú Trần Nhương là bạn FB của cháu đấy, để cháu kể chú ấy nghe có một người "ngưỡng mộ" chú hơn 30 năm nay mà chú ko biết".
Hỏi anh Gú gồ thì ra là bài thơ sau đây của nhà thơ Trần Nhương:
Có lẽ nào em đã đi xa
Có lẽ nào em đã đi xa
Sau trận bom tiếng hát em còn đấy
Cánh rừng cháy và bầu trời cũng cháy
Chỉ con đường còn đó đón xe qua
Có lẽ nào em đã đi xa
Đêm suối lũ giữa ngầm em đứng đó
Suối rộng quá mà dáng em lại nhỏ
Bao xe đi cửa kính nước mưa nhòa
Có lẽ nào em đã đi xa
Ngọn đèn nhỏ đỉnh đèo vẫn sáng
Như bình minh giữa một vùng chạng vạng
Cho người qua yên tĩnh ngỡ quê nhà
Có lẽ nào em đã đi xa
Tay con gái khéo đường kim mụn vá
Áo đồng đội trăm thứ mồ hôi lạ
Xe chỉ luồn kim câu hát mặn mà
Có lẽ nào em đã đi xa
Tóc lá sả thơm suốt đường con gái
Phong lan ngụy trang hoa cuối mùa nở mãi
Nụ cười em gửi lại trong hoa
Có lẽ nào em đã đi xa
Vầng trăng hỏi vào đêm, bông hoa hỏi vào ngọn gió
Đều như thấy em vừa đến đó
Vết chân in đẹp lối em qua
Có lẽ nào em đã đi xa
Ngày toàn thắng biết bao người đều hỏi
Con đường đỏ cháy lên như tiếng gọi
Em ở nơi đâu? Ngơ ngẩn rừng già
Có lẽ nào em đã đi xa...
1977
...
Và mình muốn chia sẻ câu chuyện lên đây, đặc biệt cho chú Nhương Trần và bác Nhorung Ho. "Mọi con đường rồi cũng đến La mã" chả nhớ ai nói thế!
Nhorung Ho
(Cựu sĩ quan VNCH)
(......)
Trong hoàn cảnh bi đát ấy, Nhất là không được đọc bất cứ điều gì liên quan đến chữ nghĩa. Chúng tôi trở thành những người “khát đọc” (nói theo kiểu Thanh Hương Nguyễn).
Một ngày, có anh bạn tù được gọi lên “khung” để làm công tác quét dọn cầu tiêu cho cán bộ chỉ huy trại tù. Anh nhật được nửa tờ báo người ta dùng để lau chùi khi đi vệ sinh. Anh đem về lán, chúng tôi chuyền tay nhau đọc như muốn nuốt từng con chữ. Trang báo chỉ còn một nửa, không biết tên báo là gì. Trong ấy, ngoài vài bài văn xuôi đứt đoạn, may mắn còn được một bài thơ trọn vẹn. Tôi đọc qua vài lần là thuộc. Xin miễn bình luận khen chê, bởi trên quan điểm chính trị không dễ gì chúng ta có thể ngồi lại với nhau. Nhưng qua bài thơ (văn học), mình dễ dàng cùng cầm tay nhau thân thiện.
Mấy mươi năm qua rồi. Bao nhiêu vật đổi sao dời. Tâm trí tôi cũng nhoà dần theo ngày tháng. Bài thơ tâm đắc năm xưa, bây giờ chỉ còn nhớ tên tác giả Trần Nhương, và loáng thoáng mấy câu in đậm hình ảnh bi hùng thơ mộng của một người con gái:
..../Sau trận bom tiếng hát em còn đấy/ Cánh rừng cháy và bầu trời cũng cháy/ Chỉ con đường còn đó đón xe qua.
Và:
.../ Em ở nơi đâu? Ngơ ngẩn rừng già.
Hôm ngồi nhà Thanh Hương, chúng tôi nói về một giai đoạn văn học hai miền Nam Bắc. Vô tình tôi kể lại trường hợp đọc bài thơ của Trần Nhương với nhiều ái mộ tác phẩm cùng người làm thơ. Và cho biết đó là bài thơ đầu tiên mà tôi tiếp xúc với văn học miền Bắc. Không ngờ, hai mẹ con Thanh Hương mặt mày rạng rỡ, cho biết nhà thơ Trần Nhương là người thân cận láng giềng. Cô Thanh Hương lục ngay trên NET ra bài thơ ấy với tựa đề: Có lẽ nào em đã đi xa.
Bây giờ, đọc lại toàn bài vẫn thấy hay như thuở nào. Cám ơn nhà thơ Trần Nhương đã cho đời một bài thơ đẹp
(Bài đã in trong tập Kim kổ kỳ kuặc kí NXB Hội Nhà văn năm 2016)