Nhân chuyến du hành thăm Cố Đô Thuận Hóa cách đây ít lâu, đứng trước khuôn viên lăng Tự Đức để lại cho hậu thế, cảm xúc vui buồn lẫn lộn, tự nhiên tôi nảy ra tứ thơ Đường luật.
Lăng Tự Đức (嗣德陵) khởi công vào năm 1864, là một quần thể công trình kiến trúc, cách trung tâm Cố Đô Huế 12 dặm (khoảng 6 km) về hướng tây nam, nằm trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ (萬年基), năm 1866, sau cuộc Loạn Chày Vôi (thợ giã vôi làm vật liệu kết dính xây lăng), Tự Đức bèn đổi tên thành Khiêm Cung(謙宮). Sau khi Tự Đức băng hà, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng (謙陵).
Là những người được học hành bài bản, thông kim bác cổ, các vị hoàng đế triều Nguyễn rất coi trọng thuật phong thủy nên tất cả lăng tẩm đều được xây dựng bên hữu ngạn sông Hương, cách xa kinh thành ít nhất là 12 dặm. Cẩn thận như thế, vương triều của Thế tổ Nguyễn Ánh cũng chỉ tồn tại được 143 năm (1802-1945). Trong khi ấy, Liên bang Xô viết, một nhà nước siêu cường, sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, từng có trạm không gian nghiên cứu vũ trụ nổi tiếng, vậy mà chỉ sau 74 năm (1917-1991) đã kết thúc vai trò lịch sử như một vật thí nghiệm thất bại của học thuyết đấu tranh giai cấp. Một trong những nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô liệu có phải do sự cố phong thủy bởi lăng V.I.Lenine tọa lạc ngay trên Quảng trường Đỏ, gần điện Kremli? Tôi không dám khẳng định điều đó mà xin dẫn ra đây hai câu thơ tiên tri của Trần Đăng Khoa trong tập "Khúc hát người anh hùng" để rộng đường dư luận.
"Cái còn thì vẫn còn nguyên
Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan".
謙 陵 前 有 感
鄧 文 生
謙 恭 記 在 石 碑 堂,
御 手留 名 一 帝 王
內 亂 京 城 人 餓 死,
外 侵 六 省 虜 封 疆
謙 恭 巧 語 欺 天 地,
嗣 德 自 誇 惑 四 方
聖 澤 頒 民 何 又 在,
回 頭 只 見 幾 災 殃.
順 化, 謙 陵 前, 丙 戌 年,仲 秋
Phiên âm :
KHIÊM LĂNG TIỀN HỮU CẢM
"Khiêm cung ký" (1) tại thạch bi đường
Ngự thủ lưu danh nhất đế vương
Nội loạn, Kinh thành nhân ngạ tử
Ngoại xâm, Lục tỉnh lỗ phong cương
"Khiêm cung" xảo ngữ khi thiên địa
"Tự Đức" (2) tự khoa hoặc tứ phương
Thánh trạch ban dân hà hựu tại?
Hồi đầu chỉ kiến kỷ tai ương.
(Thuận Hóa, Khiêm lăng tiền, Mậu Tuất niên, trọng thu)
Dịch nghĩa:
CẢM NGHĨ TRƯỚC KHIÊM LĂNG
Bài ký "Khiêm cung" đặt trong nhà bia
Là ngự bút lưu danh bậc đế vương
Nội loạn, tại Kinh thành người chết đói
Vùng Lục tỉnh, giặc ngoại xâm chiếm đóng
"Khiêm cung" là câu nói khéo nhằm dối trời đất
"Tự Đức" là lời khoe để mê hoặc thiên hạ
Ơn vua ban cho dân giờ ở đâu?
Ngoảnh đầu chỉ thấy biết bao nhiêu tai ương.
(Huế, trước Khiêm lăng, trọng thu, năm Mậu Tuất)
Dịch thơ:
CẢM NGHĨ TRƯỚC KHIÊM LĂNG
(Đường luật)
Khiêm cung sách đá dựng cao vời
Nét chữ vua lưu, "đệ nhất" rồi
Nội loạn, Kinh thành dân đói thét
Ngoại xâm, Lục tỉnh giặc "giùm" coi
Khiêm cung, ngón xạo, gian lừa đất
Tự Đức, tự khoe, dối mị trời
Ân trạch vua ban, giờ đâu nhỉ?
Ngoảnh đầu, chỉ thấy hoạ dân thôi!
Duy Phi
CẢM NGHĨ TRƯỚC KHIÊM LĂNG
Khiêm cung nào có khiêm gì?
Đế vương ngự bút để bia muôn đời
Kinh thành loạn,đói chết người
Ngoài kia sáu tỉnh làm mồi ngoại xâm
Lừa dân khéo đặt Khiêm cung
Lời khoe mẽ chẳng thể mong yên bình
Ơn Vua ban thật mong manh
Tai ương chiếu chỉ dân lành lầm than.
Nguyễn Đào Trường
CẢM NGHĨ TRƯỚC KHIÊM LĂNG
(Đường luật)
"Khiêm cung", sách đá tại Khiêm đường
Ngự bút lưu danh bậc đế vương
Nội loạn, Kinh thành dân chết đói
Ngoại xâm, Lục tỉnh giặc nhiễu nhương
"Khiêm cung" xảo biện khinh trời đất
"Tự Đức", tự khoe dối bốn phương
Ân trạch vua ban chừng mấy độ?
Ngoảnh đầu chỉ thấy những tai ương.
(Tác giả tự dịch)
CẢM NGHĨ TRƯỚC KHIÊM LĂNG
(Lục bát)
"Khiêm cung ký" tại Khiêm đường
Nổi danh ngự bút đế vương một thời
Kinh thành, chết đói khắp nơi
Nam Kỳ, giặc chiếm kiếp người nổi trôi
"Khiêm cung" khéo dối đất trời
"Tự Đức" ấy lời mê hoặc bốn phương
Ơn vua nào biết tỏ tường
Ngoảnh đầu chỉ thấy tai ương mấy đời.
(Tác giả tự dịch)
Chú thích
(1) Bài ký tỏ ý khiêm tốn, cung kính do vua Tự Đức soạn, được khắc vào bia đá để trong nhà bia tại Khiêm lăng
(2) Niên hiệu của Hồng Nhậm sau khi giết anh là Hồng Bảo rồi lên ngôi hoàng đế
5.8.2017
Đ.V.S.