Giờ thì trên khắp đất nước hầu như tỉnh nào cũng có tượng đài. Không chỉ hàng tỉnh, nhiều huyện cũng có tượng đài riêng của mình. Không chỉ địa phương, nhiều ngành nghề cũng xây tượng đài của mình. Cuối cùng thì tư nhân một ai đó cũng bắt đầu xây dựng tượng đài của riêng mình. Tuỳ theo túi tiền mà độ to nhỏ khác nhau. Tuỳ theo tín ngưỡng tâm linh mà chọn nhân vật hoặc sự vật khác nhau.
Lịch sử tượng đài Việt Nam không ngờ đã có đến hơn một thế kỷ kể từ bức “Tượng thần công lý” của Frederic Auguste Bartholdy, người Pháp mang sang xứ thuộc địa Đông Dương năm 1887 để tham dự Hội chợ Đấu Xảo. Người Hà Nội gọi nó bằng cái tên rất dân dã “Bà đầm xoè”. Đại khái nó được làm bằng đồng hình ảnh một đàn bà Tây mặc váy lòe xòe tay giương cao bó đuốc. Bức tượng đài thứ hai là tượng vua lê Thái Tổ đặt trên đường Lê Thái Tổ cạnh hồ Hoàn Kiếm được dựng vào năm 1889 đời vua Thành Thái triều Nguyễn.
Bẵng đi quãng gần nửa thế kỷ dưới chế độ thuộc địa, Hà Nội là thủ đô của xứ Đông Dương đã gần như không có một tượng đài nào ra đời ngoài bức tượng viên Tổng trú sứ người Pháp Paul Bert được mang từ Pháp sang đặt ở vườn hoa Chí Linh. Tiếp theo đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài hơn 20 năm nữa, cũng chỉ có thêm tượng đài Lý Tự Trọng bên Hồ Tây và tượng đài Nguyễn Văn Trỗi trong công viên Thống Nhất. Chỉ đến sau ngày thống nhất đất nước, phong trào xây dựng tượng đài mới trở nên rầm rộ. Bắt đầu là bức tượng đài hình “củ khoai” đặt cạnh hồ Trúc Bạch nơi viên phi công Mỹ John McCain bị dân làng ngũ Xã bắt sống. Rồi đến tượng đài “Căm thù” ở đầu phố Khâm Thiên ghi dấu đêm 26-12-1972 máy bay Mỹ đã dội bom xuống con phố này. Tiếp đến là tượng đài “Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh” đặt bên cạnh Đền Bà Kiệu ven Hồ Gươm. Và sau đó liên tiếp hai tượng đài nữa cũng cùng đề tài ca ngợi các chiến sĩ cảm tử quân Hà Nội bảo vệ Thủ đô những ngày mùa đông năm 1946. Một là cụm phù điêu cạnh chợ Đồng Xuân. Một nữa ở vườn hoa Hàng Đậu. Hà Nội có hơn 1000 năm lịch sử nhưng có vẻ như không nhiều sự kiện lắm. Để đến nỗi chỉ một sự kiện mùa đông năm 1946 thôi đã phải có đến ba tượng đài? Tiếp đến là tượng đài vua Quang Trung nằm trong khu di tích Gò Đống Đa. Tiếp theo nữa là tượng đài vua Lý Thái Tổ nằm trong vườn hoa Chí Linh. Cũng ven hồ Hoàn Kiếm. Và tiếp nữa là những nhân vật huyền thoại được mang ra làm chủ đề cho tượng đài như Thánh Gióng, An Dương Vương...Hà Nội đã có đến 28 tượng đài tính đến năm 2014. Và còn dự kiến xây dựng thêm 35 tượng đài nữa tính đến năm 2030.
Qui mô và thể thức xây dựng
Trong vòng độ 30 năm nay, qui mô tượng đài ngày một mở rộng đến mức khổng lồ và chiếm những vị trí đắc địa trên khắp các tỉnh thành cả nước. Người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tượng đài không chỉ đơn thuần là bức tượng đặt ngoài trời nữa. Nó bao giờ cũng phải gắn với một quần thể kiến trúc đồ sộ được khoác lên một mục đích nhẹ hều: Khu vui chơi, sinh hoạt văn hoá. Số tiền bỏ ra xây dựng nó từ chỗ vài trăm triệu nay đã có những cụm tượng đài, phù điêu, nhà lưu niệm, sân chơi, vườn hoa lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Đầu tư rất lớn như vậy nhưng nhiều nơi tượng đài đã bị bỏ quên một cách oan uổng. Tượng đài Đinh Tiên Hoàng chi phí hết hơn 1500 tỉ là một ví dụ. Nằm ngay trung tâm hành chính của tỉnh Ninh Bình nhưng bức tượng trên diện tích gần 10ha đã không được sử dụng như mục đích ban đầu mà nó đặt ra. Thậm chí còn trở thành bãi cỏ hoang cho dân nghiện hút dùng làm nơi “vui chơi” tập thể. Con số 1500 tỉ tiền nhà nước đã đầu tư và chuẩn bị đầu tư cho quần thể tượng đài các tỉnh hình như đã trở thành mục tiêu chính của việc xây dựng tượng đài. Nhiều khi bức tượng chỉ còn là cái cớ. Nó chẳng tiêu tốn bao nhiêu tiền cho chính bức tượng ấy.
Nhân vụ việc bức “Tượng đài chiến thắng” ở Bắc Cạn bị trẻ con leo trèo gãy đổ vừa qua ta mới biết bức tượng chỉ có giá 2 tỉ trong toàn bộ công trình trị giá 14 tỉ. Đó là thông tin do chính ông Hoàng Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao-Du lịch Bắc Cạn cho dư luận biết qua báo chí. Giá của bức tượng “Chiến thắng” này là quá rẻ so với cồng kềnh 12 tỉ mà nó cõng trên lưng để hạch toán.
Tượng đài không chỉ phát triển về qui mô chiều cao, chiều rộng mà còn có xu hướng đi vào chiều sâu. Đó là đề tài cũng như nhân vật, sự kiện, sự vật ngày càng có xu hướng đơn lẻ cho từng địa phương nhỏ. Thậm chí cho đến từng cá nhân. Nếu như không kể đến ca sĩ dòng bolero tự dựng tượng mình ngoài mặt tiền ngôi biệt thự của mình thì ta còn bắt gặp khá nhiều tượng Phật cỡ lớn trong vườn nhà của vài đệ tử nhà Phật. Tân tòng hay truyền thống cũng là. Có tượng đài cá basa được dựng ở Châu Đốc như một niềm tự hào của An Giang với nghề nuôi cá mới phổ biến độ hai chục năm nay.
Vài chục năm trước thời chiến tranh bao cấp trên miền Bắc đi đâu cũng thấy những tấm biển đề “Hợp tác xã vận tải Ngô Quyền”, “Nhà trẻ Trần Hưng Đạo”, “Trường mẫu giáo Quang Trung”…Kẻ có học thường chỉ dám tủm tỉm cười. Hình như cho đến tận bây giờ vẫn chưa có qui định nào về việc đặt tên cho những cơ sở như vậy. Tượng đài mấy năm gần đây cũng thế. Vua chúa ngày xưa có công dựng nước và lãnh tụ bây giờ dù giỏi giang đến mấy cũng không thể đặt chân lên mọi miền tổ quốc. Thế nhưng nhu cầu dựng tượng ghi nhớ công lao của các vị lại là có thật trên khắp đất nước. Ngay đến cả anh nông dân Tống Hồ Phương ở Lâm Đồng cũng có nhu cầu dựng tượng đài thờ Trần Hưng Đạo trong vườn nhà mình. Ta không còn lạ với việc tượng Trần Hưng Đạo, Quang Trung được xây dựng ở hầu khắp cả nước. Điều này đặt ra một vấn đề rất khó nghĩ. Đại khái đã không bao giờ có một hình ảnh nào thống nhất có tính qui định cho chân dung các vị tiên hiền. Thế là sinh ra những so sánh hài hước. Trần Hưng Đạo ở Hải Dương không đẹp bằng Trần Hưng Đạo ở Nam Định. Quang Trung ở Gò Đống Đa trông cao lớn hơn Quang Trung ở Qui Nhơn…
Cách đây nhiều năm, nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân có sáng kiến đề nghị dừng xây dựng tượng đài vài chục năm để suy nghĩ thấu đáo về vấn đề này. Ý kiến của ông không được ủng hộ vì nó đụng chạm đến “bát cơm” của khá nhiều người làm nghề. Giờ đây chắc chắn ý kiến ấy của ông còn đụng chạm thêm đến không chỉ “bát cơm” mà cả “nồi cơm” của một số đông những người khác. Những người đang miệt mài ngày đêm vẽ ra các dự án tượng đài.
Đỗ Phấn - 8-2017
Nguồn: nico-paris