Trang chủ » Tin văn và...

LÒNG DÂN LÀ "NHÂN" - VẬN NƯỚC LÀ "QUẢ"

TÔ VƯƠNG, HƯƠNG SEN, CÚC PHƯƠNG, NINH NGUYỄN, LÊ
Thứ hai ngày 17 tháng 4 năm 2017 10:03 PM


TNc: Báo Đảng nói đúng quá, vậy mà các cấp dưới một số nơi làm chệch hết. Thấm nhuần lời dạy của tiền nhân, của Cụ Hồ thì tốt đẹp lắm !

Nguồn: BÁO NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

Tư tưởng tiến bộ bậc nhất của Nho giáo: “Dân là gốc” đã được cha ông ta, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tiếp thu, sáng tạo theo đúng bản sắc dân tộc mình. “Dân là gốc của nước nhà, gốc có vững thì nước mới yên”, “Cái gì dân muốn thì trời cũng phải thuận theo”..., Trần Hưng Ðạo phút lâm chung đã đúc kết những triết lý nền tảng đó thành lời dặn dò Ðức vua Trần Anh Tông: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Nguyễn Trãi, qua thực tiễn 10 năm theo phò Lê Lợi kháng chiến chống giặc Minh, đã minh định, sáng tỏ: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Lật thuyền mới biết dân như nước”...
Trong thời đại Hồ Chí Minh, “Lấy dân làm gốc” càng được Bác Hồ diễn giải giản dị, gần gũi, để dễ dàng trở thành kim chỉ nam trong mỗi hành động của Ðảng, của chính quyền, của các cấp cán bộ: “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”... Dõi theo người xưa, nhìn vào thực tại, trong tiết xuân đang về trên mọi miền Tổ quốc, cùng đàm luận về chủ đề “Lòng dân - Vận nước”.

Sao cho được lòng dân...

Nhà báo Hữu Thọ

Nhà báo Hữu Thọ: Xét ở bình diện thế giới, từ cổ chí kim nói đến chính quyền người ta mặc định ngay đến chức năng cai trị và quản lý. Nhưng gần đây, các nhà chính trị học đề cao chức năng cơ bản nhất là phục vụ. Khi đã xác định phục vụ thì phải lấy sự hài lòng của người được phục vụ làm mục tiêu. Ở ta, ngay từ ngày lập nước, trong thư gửi chủ tịch ủy ban các kỳ, tỉnh, huyện, làng..., Bác Hồ đã nhấn mạnh: Chính phủ từ Trung ương tới địa phương đều là công bộc của dân. Vào tháng 10-1945 Bác cũng viết một bài đăng trên báo Cứu quốc lấy tiêu đề: “Sao cho được lòng dân”. Ðược lòng dân với một nhà nước cầm quyền là phải có những quyết sách đúng, chủ trương chính sách đúng và tổ chức thực hiện chủ trương chính sách ấy cho đến nơi đến chốn. Khi có một chủ trương chính sách hợp lòng dân thì người dân cũng hết lòng ủng hộ và ào ào thực hiện, làm theo.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan: Tôi hoàn toàn đồng ý. Dân đã đồng tình thì việc gì cũng xong. “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Lòng dân là “nhân”, vận nước là “quả”. Nhân nào quả ấy. Lòng dân đồng thuận thì nước hưng thịnh. Lòng dân trăm mối thì nước suy vong. Vận nước là do chính chúng ta tạo ra. Khi ta làm tốt, xã hội đi lên thì gọi đó là thời vận đang đến.

Nhà thơ Việt Phương: Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước ta, việc gì dân đã thông tỏ thì kết quả thể nào cũng tốt đẹp. Còn nói đến vận nước, tôi lại nghĩ yếu tố quan trọng nhất là thời gian, phải nhìn tới thời gian xa, vận nước mới rõ rệt chứ không thể soi chiếu ở thời gian gần. Nhưng lòng dân thì có thể nói được, nắm bắt ngay được. Ý nghĩ từ lâu của tôi là thế này: Tất cả các thời đại, các nước, số người không cầm quyền chiếm từ 95 đến 97% dân số. Còn những người cầm quyền ở tất cả các cấp, từ cơ sở, địa phương đến cấp quốc gia, quốc tế (từ làng xã đổ lên) mới chỉ chiếm từ 3 đến 5% dân số. Vai trò của lòng dân thế nào thì tùy thời, tùy nước, không bao giờ có mức độ cố định về tầm quyết định vận nước của dân. Ngay trong một nước, có những thời kỳ mà vai trò quyết định của dân lớn lắm, được đề cao lắm nhưng cũng có giai đoạn vai trò này bị kiềm chế, lép vế nên tác dụng thấp đi.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Thiếu tướng Lê Văn Cương (Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an): Chủ đề mà chúng ta đang bàn rõ ràng ngày càng cuốn hút sự quan tâm của nhiều cá nhân, xâm chiếm suy nghĩ của rất rất nhiều người Việt Nam. Nhưng trước hết phải nói rõ, quan điểm của tôi luôn trước sau thế này: Chúng ta cần tôn trọng hai điều, xem như nguyên tắc: Một, suy nghĩ gì thì suy nghĩ, kiến nghị gì thì kiến nghị nhưng phải giữ Ðiều 4 Hiến pháp. Mọi người phải đứng trên mẫu số chung này. Chỉ trên cơ sở cùng thừa nhận sự tồn tại của Ðiều 4 Hiến pháp chúng ta mới có thể bàn luận những vấn đề khác. Nếu phủ định thì không còn gì để bàn. Mỗi người tư duy khác nhau, trăn trở khác nhau, cách tiếp cận vấn đề có thể đối lập nhau nhưng phải gặp nhau ở nền tảng căn bản này. Tất cả những tìm tòi và suy nghĩ phải làm cho Ðảng mạnh lên, dân tin Ðảng hơn, người dân tự giác xác nhận Ðiều 4, tức là thừa nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng. Vấn đề thứ hai là chúng ta không chỉ trích cá nhân và nhìn nhận lại lịch sử bằng con mắt khoa học, bình tĩnh, giàu tinh thần xây dựng. Có đứng trên “hai chân” này mới gặp được nhau và cùng nhau nhìn về phía trước.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Tôi thấy chúng ta không cần phải căng thẳng quá. Như tôi, xung phong đi bộ đội năm 14 tuổi. Từ đó sống với người lính, sống với lòng dân, tôi đi khắp nơi. Trong những năm đầu của Cách mạng, người lính phải xác định dựa vào dân, dân nuôi mình. Cho đến giờ phút này, trong tôi luôn đầy ắp hoài niệm về làng quê đó, người dân ở đó. Ði miền tây trong chiến tranh, thấy nông dân đúng là tuyệt vời. Lúc đánh giặc Pháp và giặc Mỹ luôn luôn là dân, lấy dân làm mặt trận. Có coi dân là gốc thì cái gốc đó mới càng ngày càng phát triển, mới thành cây cổ thụ. Tiếc là hòa bình, những cán bộ cũ ít về thăm dân. Vùng sâu, vùng xa như Rạch Giá, Ðồng Tháp, U Minh... kể cũng khó đi, nhưng quyết tâm thì đi được. Ngày xưa đi xuồng, đi ghe, đi bộ còn đi được huống hồ giờ đã có ô-tô, máy bay.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai: Tôi chắc chắn là, người dân hiện đang có nhiều tâm tư. Nhưng đúng như các anh nói, quan trọng nhất vẫn là niềm tin. Niềm tin ấy không tự dưng mà có, ngược lại được dựa trên những yêu cầu rất cụ thể. Ðó là quan điểm, thái độ của Ðảng, Nhà nước đối với những vấn đề của chính người dân, trong việc quan tâm thật sự đến đời sống thiết thân của họ và vận mệnh của đất nước. Mỗi một ý kiến của người dân phải được lắng nghe trong quá trình hoạch định, ban hành chính sách với thái độ công bằng. Người dân hiểu và luôn chia sẻ khó khăn của đất nước, nhưng chẳng thể chấp nhận những chính sách thiếu công bằng, không thiết thực và tổ chức thực hiện lại kém hiệu quả. Niềm tin của người dân còn phải được xây dựng thông qua mối quan hệ thật sự vì dân, giữa các cơ quan công quyền, của mỗi cán bộ Ðảng, cán bộ Nhà nước đối với dân.

Bà Trương Thị Mai.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh: Nói đến lòng dân - vận nước, chúng ta còn phải nghĩ đến bộ phận bà con người Việt ở xa Tổ quốc. Sau hơn ba mươi, gần bốn mươi năm, người Việt Nam ở nước ngoài đã chuyển dịch thay đổi, không còn một mà là nhiều thế hệ. Thế hệ sinh ra ở nước ngoài có khi không biết tiếng Việt, chưa hề biết đất nước của bố mẹ ông bà, họ chỉ có quốc tịch nước ngoài, nên sợi dây liên lạc với đất nước mong manh, thậm chí là không có. Họ lại là một bộ phận ngày càng đông của cộng đồng. Thế hệ thứ nhất mỗi ngày teo tóp đi do tuổi cao, do thời gian. Ðể cho thanh niên gốc Việt thế hệ thứ ba ở bên ngoài tự hào về gốc gác, nguồn cội, mình phải nêu ra được cái hay của dân tộc mình. Ðâu là đức tính tốt đẹp, cốt lõi của dân tộc Việt, nguồn gốc Việt. Cũng vui là người Việt ở nước ngoài đã sớm thoát khỏi vị thế thấp của cộng đồng mới nhập cư, thích nghi và hội nhập tốt vào xã hội họ sống.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh.

Chống tham nhũng là mệnh lệnh của dân

Nhà báo Hữu Thọ: Trong xã hội hiện đại, mỗi tầng lớp khác nhau lại có ý muốn khác nhau. Ý muốn của ông chủ cũng là người dân, ý muốn của người thợ cũng là người dân, người nông dân cũng là người dân, hay chủ trang trại cũng là dân. Thế nên chủ trương chính sách muốn hợp lòng dân phải có tầm trí tuệ, đúng quy luật, sát thực tiễn và cả ứng xử tốt... Chúng ta hay nói ý Ðảng lòng dân. Tôi nghĩ nên nói ngược lại: Lòng dân ý Ðảng. Ý Ðảng cần phù hợp với lòng dân, lòng dân định hướng cho mọi chủ trương, đường lối của Ðảng. Cũng khẳng định luôn là không thể có chính sách nào được 100% số người dân đồng tình. Tư tưởng khác nhau, lợi ích khác nhau khó mà dung hòa hết. Người già muốn tăng tuổi về hưu, đâu còn chỗ cho thanh niên. Thế là xung đột lợi ích. Hiện tại lòng dân còn chưa yên, vì có tình trạng một số chính sách không mang lại lợi ích cho toàn dân mà chỉ đem lại lợi ích cho nhóm người, một vài người hoặc chính sách không hoàn toàn đúng. Có một câu hỏi mà người dân muốn gửi tới nhiều cán bộ, nhưng sẽ rất khó có câu trả lời: Sao anh giàu thế, lương anh bao nhiêu, anh lấy tiền đâu mà giàu thế? Tình trạng tham ô lãng phí tràn lan, không được ngăn chặn, làm sao dân không bức xúc? Vì tiền là tiền thuế của dân. Các nhà khoa học nói “tham ô là bóc lột phi kinh tế”. Bác Hồ gọi là “giặc nội xâm”. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm mất lòng dân hiện nay là tình trạng tham ô lãng phí tràn lan, không bị đẩy lùi, việc xử lý thiếu nghiêm minh “nhẹ trên nặng dưới”.

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Những bất bình đẳng hay sự tha hóa của một bộ phận cán bộ trong cơ quan công quyền không phải mới có mà tồn tại hai, ba chục năm nay rồi. Thử đọc lại Nghị quyết Ðại hội VI, trang 139, 140 đã ghi: Với lương tâm của người cộng sản, mỗi cán bộ đảng viên hãy nghiêm khắc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa? Anh Hữu Thọ đặt vấn đề hoàn toàn hợp lý, người dân có quyền thắc mắc: Cán bộ của ta những ai sống bằng lương? Với lương tâm của người cộng sản, mỗi cán bộ đảng viên phải tự kiểm tra xem mình đã sống bằng đồng lương của mình hay chưa? Ðảng không cho phép bất cứ một người nào đặt đặc quyền đặc lợi cho mình, coi lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích tập thể. Chuyện này đã được Ðại hội VI cảnh báo, đưa ra một tâm nguyện làm nức lòng dân. Nhưng gần 30 năm qua, chúng ta đã giải quyết được tồn đọng này hay nó càng nhức nhối, gay gắt hơn?

Bà Trương Thị Mai: Có thể nói, sự trông ngóng và yêu cầu cao của người dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng cần phải được quan tâm thấu đáo hơn nữa, thông qua những hành động thật cụ thể, thật quyết liệt của Ðảng, Nhà nước. Có như vậy, niềm tin của người dân đối với Ðảng, Nhà nước mới được củng cố vững chắc. Dù cho còn những khó khăn, nhưng Ðảng và Nhà nước có được niềm tin của người dân, chúng ta sẽ vượt qua để tiếp tục phát triển đất nước trong sự đồng thuận của toàn dân.

GS Lê Văn Lan: Nhìn lại các triều đại phong kiến của ta, từ thời nhà Lê trở đi, mỗi khi dân đói, mất mùa, loạn lạc thì ông vua luôn đứng ra nhận lỗi, trai giới sửa mình, lập đàn cúng tế, cầu đảo... Bởi ông vua là “thiên tử”, “thế thiên hành đạo” nên khi “đạo” không được thực hiện, dẫn tới tai ương cho dân, cho nước, ông vua phải là người đầu tiên chịu lỗi, phải nhận trách nhiệm và xin lỗi trước dân. “Mánh lới” ấy, tuy lắm khi mang màu sắc mị dân nhưng cũng gỡ gạc lại tình hình rất hiệu quả. Dân khổ cực nhưng nghe lời vua là hạ cờ khởi nghĩa, vui vẻ trở về nhà. Lòng dân nhờ vậy mà cũng yên ổn đôi phần...

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Cái khó bây giờ là thiên tai lũ lụt ở miền trung, quét làng, quét mùa màng, quét luôn cả con người nữa. Thiên tai thì vậy, các nhà máy thủy điện xả lũ bừa bãi. Nhìn cảnh người dân miền trung di cư đến thành phố Hồ Chí Minh bán vé số mà buồn. Làm sao để người dân có cuộc sống tốt ngay trên quê hương mình. Ðã vậy người có công còn bị bỏ rơi, bỏ sót nhiều lắm. Dân người ta nuôi nấng bao nhiêu cán bộ, đảng viên, mà giờ đất đai lại cũng bị xâu xé, cưỡng chế. Trong chiến tranh họ đã mất nhà, mất cửa, mất người, mất con. Nạn tham nhũng dữ quá, dân buồn lòng cũng đúng. Tôi thấy xã hội mình có cái lệ làm báo cáo cũng dối, dối cho đến cả cái lặt vặt... Vào Hội Nhà văn cũng có người chạy chọt thì xấu hổ quá... Chỉ có thể giải quyết bằng việc ban hành những chính sách có lợi cho dân, cán bộ cơ sở phải hiểu dân và luôn đứng về phía dân. Có dân là có tất cả, vận nước sẽ vô cùng thuận lợi.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Nhà thơ Việt Phương: Nhiều năm làm thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, tôi được chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động. Phủ Chủ tịch vốn rộng, có lần Bác Hồ xuống tìm Thủ tướng. Một đồng chí bảo vệ đạp xe mời Thủ tướng đang họp về, đưa xe cho Thủ tướng đạp trước còn mình chạy bộ sau. Thấy vậy Bác Hồ trách: “Sao chú không đèo chú bảo vệ”. Thủ tướng xin lỗi Bác ngay: “Vội về gặp Bác nên quên mất”. Ông vua nào chả nói chuyện yêu dân, thương dân, nhưng yêu thương nhân dân phải từ trong bản năng tự nhiên như thế, và thể hiện như một phản ứng tự nhiên của mình. Những con người vì dân phải từ những chuyện nhỏ.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Ðứng về phía dân, lo cho dân phải nghĩ đến cả những người dân ở xa Tổ quốc. Chúng ta đang có một thế hệ phụ nữ Việt lấy chồng nước ngoài. Ðó là hậu quả không thể dự đoán được của thời mở cửa. Nếu họ lấy được một tấm chồng đàng hoàng thì cũng là may mắn. Họ không phải sính ngoại mà chỉ vì kinh tế, đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Thành thử đối với chị em, trước hết phải bảo vệ họ về mặt pháp lý. Các cơ quan nước ngoài phải quan tâm đến họ, cử các tổ chức từ trong nước sang, để tránh tình trạng chính trị hóa. Theo tôi được biết có những hội nhóm ở nước ngoài gắn trực tiếp với một tôn giáo nào đó, vừa giúp chị em nhưng cũng vừa truyền đạo. Tôi cho đó là không công bằng, là thế yếu của chị em. Chị em đâu có muốn đổi tôn giáo. Nếu có sự quan tâm kịp thời của bộ máy nhà nước thì chị em đỡ bị động, đỡ thiệt thòi phần nào.

Lòng dân yên thì vận nước tốt

Nhà báo Hữu Thọ: Lúc này ai cũng băn khoăn về chuyện lòng tin. Ðúng thôi, vì mất lòng tin là mất tất cả. Nhưng lòng tin cũng là một trạng thái tâm lý nên dẫu bền vững đến đâu cũng có thể thay đổi. Tuy nhiên lòng tin chỉ thay đổi qua quan sát thực tiễn, ở sự đúng đắn của chính sách, ở hành động cụ thể chứ không thể thay đổi bằng nghị quyết, bằng lời hứa hẹn. Ðấy là sự minh bạch công khai tài sản của các cán bộ, xử phạt thật nghiêm người mắc tội tham nhũng, lãng phí, mà Bác Hồ từng gọi là “giặc trong nhà, giặc nội xâm”. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Ðảng và Nhà nước cũng đã dành những lời lẽ mạnh mẽ nhất, nặng nề nhất để lên án, như tham nhũng lãng phí sẽ đe dọa sự tồn vong của chế độ, của Ðảng. Nói thế đủ rồi, giờ là cần những liều thuốc hiệu nghiệm. Bệnh nặng không thể chữa bằng thuốc thông thường, mà phải thuốc đặc trị.

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi không đồng tình lắm khi cho rằng, nhân dân đang phân tâm, lòng dân đang rời rạc, không tụ không kết thành một khối. Lòng dân đối với đất nước, đối với Ðảng như một dòng suối không bao giờ cạn. Không một lãnh đạo nào được nói lòng dân không yêu Ðảng. Nói như vậy là vô ơn. Chúng ta hãy nhìn vào đám tang Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Tình cảm của hàng chục triệu người với Ðại tướng là cái gì? Trong không khí xã hội xô bồ, ngổn ngang..., 90 triệu người Việt Nam vẫn nhận chân ra giá trị thực, quý trọng thương nhớ Ðại tướng tự đáy lòng... Ðó không chỉ do công lao của Ðại tướng, mà hơn nữa, do nhân cách của Ðại tướng, tấm lòng của Ðại tướng với dân, với nước... Yêu quý Ðại tướng tức là yêu quý dân tộc này, trân trọng mảnh đất này. Ðó cũng chính là lời răn đe, cảnh tỉnh bất kỳ kẻ ngoại bang nào muốn xâm lược Tổ quốc Việt Nam, hãy coi chừng. Tôi thấy cũng cần phải nói, như ở Liên Xô (trước đây) có nhà xã hội học A.Di-nô-vi-ép. Năm 1978, ông ta cảnh báo tệ quan liêu tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong nội bộ Ðảng Cộng sản Liên Xô. Ông viết kiến nghị, phê phán những người nhân danh chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhân danh Ðảng Cộng sản để mưu lợi riêng mình. Di-nô-vi-ép bị coi là kẻ phản bội Tổ quốc và chuyển sang sinh sống tại Cộng hòa liên bang Ðức. 21 năm sau, năm 1999 ông về Nga. Năm 2005, Di-nô-vi-ép viết một loạt bài, hồi tưởng lại thời Xô-viết, bằng thực tiễn 21 năm sống ở cái nôi của chủ nghĩa tư bản, ông chiêm nghiệm và khẳng định: Những vấn đề an sinh xã hội của người dân vẫn được giải quyết tốt nhất trong chủ nghĩa xã hội chứ không phải chủ nghĩa tư bản. Ðâu phải vô cớ mà đến bây giờ vẫn còn 59% số người dân Nga nuối tiếc thời Xô-viết.

GS Lê Văn Lan.

GS Lê Văn Lan: Ðúng vậy, cách người dân bày tỏ tình cảm với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã minh chứng cho chân lý: thước đo lòng dân chính là người lãnh đạo. Ðại tướng từ trần, người dân ngậm ngùi: “Người cuối cùng của thế hệ lãnh đạo vàng đã ra đi”. Ngày xưa, Vua lên ngôi nhấn mạnh “thuận thiên” - theo ý trời. Người lãnh đạo thời nay phải biết chuyển từ thuận ý trời sang ý dân, ý nước. Ông được dân bầu, được dân tín nhiệm giao nhiệm vụ thì phải làm cho tốt công việc, phải biến sự tín nhiệm ấy thành những chính sách, chủ trương ích nước lợi dân. Dân có khen ngợi, tin cậy, đánh giá cao vị lãnh đạo đó không là do nhìn cách làm, lắng nghe điều người ấy nghĩ có hợp trí tuệ, công tâm, vô tư hay chỉ là đục nước béo cò, mưu cầu trục lợi? Chân lý rất đơn giản: Lãnh đạo tốt, đưa ra những chính sách phù hợp, thuận lòng dân thì được dân nhất trí, tin yêu. Ngược lại thì tất loạn. Lòng dân yên thì vận nước hưng thịnh, đất nước sẽ giàu mạnh, hùng cường...

Nhà thơ Việt Phương.

Nhà thơ Việt Phương: Tôi cũng thấy thế. Bao nhiêu gắn bó, quý mến, cảm thông, yêu thương, nhân dân dồn tụ hết cho Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông được nhận toàn bộ ưu đãi dành cho người cuối cùng của thế hệ những công thần lập quốc. Việc đó diễn ra trong thời buổi những con người lương thiện, tốt đẹp cần đất nước phải có một cái gì đó trong sáng, lành mạnh để đạt niềm tin. Nhân dân đang khao khát được biểu thị lòng quý mến, kính trọng, họ khao khát vì hiện nay nó là của hiếm. Tuy nhiên thực tế thì không có con người nào là hoàn hảo cả. Những người kiệt xuất cũng không thể hoàn hảo cả về mặt phẩm hạnh lẫn tài năng. Chỉ có điều sự thiếu hoàn hảo đó không lớn, và họ biết mình có tật để luôn giữ gìn. Dân tộc mình có nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp. Nhưng tầng lớp tôi yêu mến, quý trọng nhất là tuổi trẻ (lứa từ 30 đến 50 tuổi). Trong lứa tuổi ấy có người này người kia chưa đẹp nhưng không phải số đông. Số đông là tốt và đẹp, đẹp rạng rỡ, lộng lẫy. Tôi có thể gặp những người, những việc như thế hàng ngày nên rất yên tâm, rất lạc quan và luôn tự tin về vận nước, về tương lai tốt đẹp của đất nước chúng ta.

Ðược lòng dân với một nhà nước cầm quyền là phải có những quyết sách đúng, chủ trương chính sách đúng và tổ chức thực hiện chủ trương chính sách ấy cho đến nơi đến chốn.

TÔ VƯƠNG, HƯƠNG SEN, CÚC PHƯƠNG, NINH NGUYỄN, LÊ NGÂN (Thực hiện)