Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỀ NGHỊ CẤM CÁC ĐỊA PHƯƠNG SÁNG TÁC RA LỊCH SỬ

Nhà thơ Trần Nhuận Minh
Thứ năm ngày 30 tháng 3 năm 2017 2:41 PM





TIẾNG NÓI NHÀ VĂN


Nghị quyết Trung ương V khóa VIII của Đảng, vào cuộc sống rất có hiệu quả, đã tạo nên một đời sống phong phú về văn hóa tâm linh cho các tầng lớp nhân dân, làm giầu thêm các giá trị tinh thần và đạo lí của dân tộc. Nhưng sự biến tướng của nó, đã đến mức trắng trợn, tỉnh thành nào cũng có, huyện thị nào cũng có, chỉ có nhiều hay ít, qui mô lớn hay nhỏ mà thôi. Nó bất chấp tất cả, mà trước hết là bất chấp sự thật lịch sử… Các địa phương muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói. Đó là sự thương mại hóa để kiếm tiền, dưới các hình thức sang hèn khác nhau, mà thực chất là sự gian trá và lừa bịp. Rồi biến sự gian trá và lừa bịp đó thành các trang báo, các sách thần tích, các chương trình truyền hình, các kịch bản sân khấu hoành tráng cho khách du lịch trong và ngoài nước, vào sách giáo khoa dạy cho trẻ con học… và ở một số trường hợp, vào cả lịch sử Đảng địa phương… Nghĩa là đã thành một thứ dịch… mà tôi gọi là nạn “ sử thổ phỉ ”. Đã đến lúc mọi người cần phải lên án, các cơ quan chức năng cần phải can ngăn. Vì thế, rất muốn Thủ tướng Chính phủ vào cuộc như Thủ tướng đã từng vào cuộc dẹp bỏ nạn “ than thổ phỉ ” những năm 90 của thế kỉ trước. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nhận ra điều này, giao cho Ban Tuyên giáo tìm hiểu và nhờ kiểm tra qua các cơ quan chuyên môn, nhưng tôi biết là rất khó, vì người ta ngại liên can đến tín ngưỡng và trong một số trường hợp đã để quá lâu thành ra một thứ “thuyền thống” mất rồi. Trong tình hình ấy, tôi trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ một lần nữa vào cuộc, giao cho các cơ quan chức năng xem xét, hạn chế và dẹp bỏ, tùy từng trường hợp cụ thể, để trả lại sự thật cho lịch sử, trả lại sự trong sạch cho đạo pháp, trả lại giá trị tinh thần cao quí và trường cửu của dân tộc cho văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và các lễ hội. Nói một cách đơn giản, nó cũng tương tự như dẹp bỏ mọi cái lôm nhôm để trả lại vỉa hè cho người đi bộ, đã và đang được thực hiện rất có hiệu quả ở TP Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội hiện nay.

Bởi vì bây giờ không có buôn gì lãi hơn là buôn thần thánh.

Các bài bản sáng tác ra lịch sử nhiều không kể xiết, ở rất nhiều nơi. Tôi phải nói điều này là không thể im lặng mãi được. Tôi chỉ xin nói xoay quanh có 1 vấn đề mà 20 năm nay, tôi cố gắng bạch hóa, đó là danh tướng Trần Quốc Tảng, một trong các cụ tổ anh hùng của dòng họ tôi. Thờ các danh tướng anh hùng có thể ở khắp nước, như nhiều nơi thờ anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù nơi đó, Hưng Đạo vương chưa từng qua và Bác Hồ chưa từng đến. Tôi đã từng đứng dưới tượng đài Trần Hưng Đạo tại TP Hồ Chí Minh và rất xúc động khi đi thuyền trên sông, nhìn thấy đền thờ Bác Hồ ở gần chót Mũi Cà Mau… Các danh tướng thời Trần cũng thế. Lập đền thờ, dựng tượng đài Trần Quốc Tảng ở Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh là rất hợp lòng người, hợp cả Đạo Trời, nhưng bịa ra là Đền này ở Cửa Ông được xây từ thời Trần, thờ Trần Quốc Tảng sau khi Trần Quốc Tảng mất năm 1313 ở đây, thì không ổn. Vì bản đồ của Pháp năm 1888 vẽ từng làng xã, chưa có tên Cửa Ông, và theo sách thống kê tư liệu địa chí thời Nguyễn là Đại Nam nhất thống chí, thì đến năm 1883 ở tỉnh Quảng Ninh hiện nay, chưa có một nơi nào ghi thờ Trần Quốc Tảng. Ông chủ đền Cửa Ông từng giới thiệu với khách là Trần Quốc Tảng ức quá, vì bị cha đày xuống đây đã thắt cổ chết, dây thừng đứt rơi xuống đất. Dân vào làng tìm gỗ đóng quan tài cho ông thì mối đã xông lên thành mộ. Năm 1994 mộ xây thành Lăng, đến nay vẫn nghi ngút khói hương, và không biết từ năm nào, còn làm lễ tế ông tại Lăng mộ, trong khi đương thời, ông được phong Đại Vương khi còn tại vị, vì là anh vợ vua cha, thượng hoàng Trần Nhân Tông, bố vợ vua đương triều Trần Anh Tông… Rồi làm phim hoành tráng, dựng sân khấu có qui mô lớn, quay phim quảng bá cho cả khách du lịch trong và ngoài nước, là Trần Quốc Tảng đã đóng quân ở đây và năm 1288, đã cho quân thủy đánh ngược nước ở ngoài hàng cọc Bạch Đằng vào trận Bạch Đằng… (* ) Rồi ghi vào sách giáo khoa dạy trẻ con học, vân vân… Trong khi sách truyền thuyết thời Nguyễn, đến năm 1900 mới có, ghi Trần Quốc Tảng về thăm nơi đóng quân cũ rồi “ hóa” ở đó, trên phiến đá, ở làng Trắc Châu huyện Thanh Lâm ( huyện Nam Sách, mới nhập vào TP Hải Dương). Bảo tàng Hải Dương đã tìm thấy phiến đá đó ở làng Trắc Châu và tôi đã công bố trên báo. Vài nhà viết sử và mấy vị quản lí địa phương, đã “ đạo” sự tích này và “đánh tráo” luôn cho mùi mẫm, viết luôn vào sách là làng Trắc Châu huyện Thanh Lâm nay là Cửa Ông, Cẩm Phả và trong Lễ hội, rước tượng Trần Quốc Tảng vi hành về nơi ông đã mất cách nơi tượng ông hiện đang đứng một đoạn đường. Thực ra Miếu Cửa Suốt, tiền thân của Đền Cửa Ông bây giờ, theo bia đá thời Nguyễn năm 1853, hiện vẫn còn, chỉ thờ duy nhất một người địa phương là Hoàng Cần. Khoảng sau năm 1910, bà vợ quan chủ mỏ Pháp xây đền trên đồi cao ở vị trí hiện nay và đưa Trần Quốc Tảng vào thờ năm 1916. Theo một nguồn tin mà tôi biết thì ông chồng bà, quan chủ mỏ kiêm mật thám Pháp, đã bỏ tiền cho bà xây với mục đích chính trị… của đặc vụ Pháp. Vậy đền xây thời Pháp chứ đâu phải thời Trần. Gần đây, một người bạn điện cho tôi, cần bật xem ngay kênh VTC 14, đang giới thiệu Lễ hội đền Cặp Tiên, gần đền Cửa Ông, mà rằng, con gái Trần Quốc Tảng, tức vợ vua Trần Anh Tông, hoàng hậu rồi hoàng thái hậu nhà Trần chết đuối ở giếng trong đền này, nên nhân dân đang tranh nhau múc nước giếng về thờ. Tôi vội bật truyền hình thì phóng sự này đã hết, chưa rõ thực hư đến đâu. Và có đúng như vậy không? Mấy ngày gần đây, Móng Cái xây lại chùa Xã Tắc và trùng tu đền Linh Sơn ở vùng biên giới, dĩ nhiên là việc rất hay, rất đáng được ngợi ca, nhưng báo Quảng Ninh và báo Quảng Ninh điện tử, cập nhật ngày 12/ 3/ 2017 lại đăng là: “Theo tư liệu lịch sử… thì đền Linh Sơn do đức ông Trần Quốc Tảng… xây từ thế kỉ thứ XIII” tức là trước năm 1300, năm Trần Quốc Tuấn mất, thì tôi thấy khiếp quá…

Tôi chỉ nêu vài mẩu đại khái thuộc dòng họ tôi, vậy thôi, nhưng cũng đủ để thấy vấn đề đã đến hồi “ báo động đỏ”…và những người có lương tri thấy cần sự “lên tiếng” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, như ông đã làm một số việc gần đây, rất hợp lòng dân, được nhân dân hài lòng, tôn trọng và tin cậy. Tôi trân trọng đề nghị Thủ tướng, cấm các địa phương trong cả nước không được sáng tác ra lịch sử như thế, và giao cho các cơ quan chức năng xem xét xử lí từng trường hợp cụ thể … Tôi rất tin là Thủ tướng sẽ không bỏ qua điều hệ trọng này. Ngay cả nơi linh thiêng thờ phụng mà còn gian trá… thì làm sao có được lòng tin của dân đây. Nguy hại của cái điều bịa tạc này, không thể lường được, không chỉ đời này mà còn rất nhiều đời sau…

--------------------------------

(*) Trong phim truyền hình về Lễ hội Đền Cửa Ông năm 2017, phần Lễ hội thì rất tốt và đẹp. Nhưng phần lịch sử, thì trước đây vẫn nói Trần Quốc Tảng đã đóng quân ở Cửa Ông rồi đánh đường thủy ngược nước ngoài hàng cọc Bạch Đằng vào trận Bạch Đằng, như trên đã viết, chắc vì thấy vô lí quá, nên lần này đã thay vào bằng việc Trần Quốc Tảng cùng Trần Khánh Dư đánh chìm đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ ở vùng biển Vân Đồn Cẩm Phả ( huyện Vân Đồn từ trước đến cách đây khoảng 15 năm, có tên là huyện Cẩm Phả). Đại Việt sử kí toàn thư ( 1497) tập II, nxb Khoa học xã hội, 1985, trang 58, ghi trong trận này, chỉ có một tiểu tướng là “ Phán thủ thượng vị Nhân Đức hầu Toàn ” ( không ghi họ của ông Toàn, ông chức chỉ là “phán thủ thượng vị” nhưng có tước “hầu” ( Nhân Đức hầu) thì rất có thể ông họ Trần – như có tài liệu đã ghi là Trần Toàn) đón đánh giặc từ cửa biển Móng Cái, rồi Trần Khánh Dư đánh chìm chúng ở Vân Đồn. Theo ĐVSKTT, tuyệt đối không có Trần Quốc Tảng tham gia. Cũng tuyệt đối không có bất cứ tư liệu lịch sử nào khác nói Trần Quốc Tảng đánh chìm thuyền lương Trương Văn Hổ ở cửa biển Cẩm Phả - Vân Đồn. Tôi đoán, sắp tới, tượng đài Trần Quốc Tảng đã dựng, tay giữ đốc gươm ( như sắp sửa rút gươm ra) nhìn về kinh thành Thăng Long, nay sẽ chuyển lên đồi cao nhìn ra biển Đông, nên mấy nhà viết sử nào đó đã sáng tác ra chi tiết này để chuẩn bị dư luận(?). Tôi nghĩ, việc chuyển tượng Trần Quốc Tảng lên đồi cao là việc nên làm, nhưng không cần phải bịa thêm điều đó cho “ hợp lí” (?).

Vậy ông đánh giặc ở đâu ? ĐVSKTT chỉ thấy ghi lần thứ 2 ông cùng cha và anh em chặn giặc tuyến mạnh nhất của giặc Nguyên là kị binh, do Trấn Nam vương Thoát Hoan, con vua Nguyên dẫn đầu, cùng các thái soái và đại tướng giỏi nhất của nhà Nguyên, đánh từ Lạng Sơn vào Vạn Kiếp và Kinh thành Thăng Long, để bảo vệ kinh thành Thăng Long. Còn việc tế lễ vẫn như cũ, cử hành ở nơi ông mất và mai táng ông vẫn ở Lăng mộ ông sau đền Cửa Ông hiện nay và đền này, vẫn nói là do vua Trần Anh Tông cho xây ở nơi ông mất, từ năm 1313 (? ? ? ).

Bài báo trên và điều MỚI ghi vào chú thích này ( tôi có bổ sung một hai câu chữ, so với bản gốc) trước khi gửi cho báo Văn Nghệ, tôi đã gửi ( thay báo cáo) tới Tỉnh ủy Quảng Ninh và sau đó gửi cho Sở Văn hoá và thể thao Quảng Ninh và đại biểu Ban Văn hóa và xã hội HĐND tỉnh Quảng Ninh để biết ( TNM).