Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI NÉT CHẤM PHÁ VỀ NHÀ THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU

Dương Đức Quảng
Thứ hai ngày 20 tháng 2 năm 2017 10:59 AM


Ngày 13-2-2017 vừa rồi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tròn 60 tuổi. Hôm ấy tôi đã viết mấy dòng gửi vào Facebook của Nguyễn Quang Thiều để chúc mừng ngày sinh của Thiều: "Chúc mừng sinh nhật của Nguyễn Quang Thiều nhé! Chúc Thiều bao giờ cũng là Thiều, một con người trung trực, bản lĩnh, thông minh và đầy tình cảm mà anh được biết từ nhiều năm nay", nhưng chưa có dòng nào trên Fb này để chúc mừng Thiều, một người tôi rất quý mến. Hôm nay xin có vài dòng viết về Nguyễn Quang Thiều, một người bạn, người em thân quý của tôi.
Tôi quen biết rồi dần dà trở thành thân quý Nguyễn Quang Thiều dễ cũng đã ngót nghét 20 năm nay, từ ngày tôi còn làm công việc báo chí ở Văn phòng Chính phủ, còn Thiều đang làm cho tờ báo điện tử Vietnam.net và đứng ra cùng một số nhà báo tổ chức bài vở cho một số tờ phụ trương của các báo đang rất ăn khách lúc đó. Lần đầu tiên tôi gặp Thiều là ở phòng chơi bi-a trên gác 5 của Tòa soạn báo Công an Nhân dân và chuyên đề An ninh Thế giới cuối tháng ở 100 Yết Kiêu khi cả Thiều và tôi đều được Nguyễn Hữu Ước, khi đó còn đang là Đại tá, Tổng Biên tập báo, rủ đến chơi bi-a. Hồi đó tôi cũng chỉ mới biết chơi còn Hữu Ước và Nguyễn Quang Thiều đều chơi khá giỏi, nhất là Nguyễn Quang Thiều thì đã là tay cơ có hạng. Trước khi gặp, tôi đã biết Nguyễn Quang Thiều là một nhà thơ hiện đại nổi tiếng, có nhiều cách tân và đổi mới trong thơ và là một nhà báo sắc sảo được nhiều người biết đến. Nguyễn Quang Thiều không chỉ là nhà thơ mà còn là nhà văn viết đủ các thể loại từ tản văn, bút ký, truyện ngắn...đến tiểu thuyết và kịch bản phim. Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản 7 tập thơ, 15 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Ngoài giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1993 (giải A cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa), Nguyễn Quang Thiều còn nhận được hơn 20 giải thưởng văn học khác trong và ngoài nước. Tôi biết đến Nguyễn Quang Thiều nhiều nhất không phải là từ những tập thơ được giải thưởng của anh, vì tôi không thuộc "tip" người hâm mộ loại thơ cách tân, "thơ không để hiểu..." (mà là để tưởng tượng!) của anh như nhà thơ Nguyễn Chi Hoan từng có bài ca ngợi. Tôi biết tới Nguyễn Quang Thiều và có ấn tượng nhất về anh là khi được xem bộ phim Chuyện làng Nhô trên Truyền hình Việt Nam. Chuyện làng Nhô được chuyển thể từ tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng của Nguyễn Quang Thiều, viết về những câu chuyện đòi đất có thật của nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ từng gây chấn động dư luận những năm cuối của thế kỷ 20 mà nay vẫn còn tính thời sự của nó. Bộ phim được chiếu đã khá lâu và không thấy chiếu lại nhưng ấn tượng mạnh mẽ trong tôi khi được xem bộ phim này, nhất là đối với nhân vật phản diện Trịnh Khả nhẫn tâm, tàn ác và đầy mưu mô, xảo quyệt do diễn viên Nguyễn Hải đóng đến hôm nay vẫn nguyên vẹn. Khi quen biết Thiều rồi tôi còn biết thêm khả năng ngoại ngữ vào loại siêu của Thiều và cả tài vẽ tranh của Thiều nữa. Tôi đã nghe Thiều nói tiếng Anh qua điện thoại với người nước ngoài "nhanh như gió" và được ngắm những bức tranh vẽ tĩnh vật khá đẹp và cả những bức tranh vẽ theo trường phái ấn tượng mà thú thật tôi không đủ "trình" để hiểu và cảm về nó!
Sau khi nghỉ hưu ở Văn phòng Chính phủ, tôi được Hữu Ước mời về làm cố vấn cho Báo, trực tiếp đọc bài cho tờ phụ trương An ninh Thế giới cuối tháng do Hồng Thanh Quang, lúc đó là Đại tá, Phó Tổng biên tập báo Công an Nhân dân trực tiếp phụ trách. Về đây tôi mới biết, tờ phụ trương An ninh Thế giới và sau này cả tờ phụ trương Cảnh sát toàn cầu của báo ra đời là do đề xuất của Nguyễn Quang Thiều và một số nhà báo khác, được Tổng Biên tập Hữu Ước nhiệt tình ủng hộ và quyết định xin phép xuất bản. Bây giờ, ngoài ấn phẩm chính, hai ấn phẩm phụ trương đó, cùng với một số ấn phẩm khác đã trở thành "thương hiệu" của báo Công an Nhân dân, được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Suốt mấy năm cùng làm việc với mấy anh em ở tờ phụ trương An ninh Thế giới và hay cùng chơi bi-a với Hữu Ước và Nguyễn Quang Thiều, tôi hiểu thêm về Thiều, một con người thông minh, rất có bản lĩnh, cũng từng trải qua không ít thăng trầm trong cuộc đời, nhưng bao giờ cũng vững vàng, nhiệt tình, chu đáo đối với bạn bè, đồng nghiệp. Dần dần chúng tôi thân quý nhau, tôi trở thành một người bạn đồng nghiệp, một người anh, được Nguyễn Quang Thiều quý trọng. Một hôm, trong lúc cùng chơi bi-a Thiều nói với tôi:
- Em rất quý anh. Bây giờ anh còn đang đi làm, còn có thu nhập nên em không dám nói, nhưng sau này khi anh không còn đi làm nữa em xin được biếu anh mỗi tháng 5 triệu đồng để anh có tiền vui chơi với anh em. Lúc đó, khi nào anh cần đi thành phố Hồ Chí Minh anh báo với em, em sẽ mua vé mời anh đi.
Tôi hơi bất ngờ trước câu nói trên của Thiều, cảm ơn tình cảm Thiều dành cho tôi, nhưng tế nhị từ chối lời đề nghị đó của Thiều. Một lần gặp anh Nguyễn Phong Doanh, nguyên Tổng Biên tập báo Thiếu niên Tiền phong, sau khi về hưu cùng về làm cho tờ Vietnam,net cùng Thiều, tôi kể lại chuyện này, anh Phong Doanh nói với tôi:
- Điều đó là đúng với tính cách của Nguyễn Quang Thiều. Thiều đã nói là làm, không phải là lời nói đãi bôi với anh đâu!
Sau này, có lẽ cũng xuất phát từ tình cảm quý mến đó mà Nguyễn Quang Thiều nói tôi tập hợp toàn bộ những bài thơ tôi đã làm rồi đưa bản thảo cho Thiều để Thiều lo xuất bản giúp tôi. Và Nguyễn Quang Thiều đã nhờ họa sỹ Văn Sáng vẽ bìa, tự mình xin giấy phép của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tự bỏ tiền in tập thơ "Đôi điều với con" của tôi rồi thuê xe đưa sách đến tận nơi trao cho tôi, coi đó là "món quà tình cảm em tặng anh". Thiều đã dành tình cảm quý mến để viết lời giới thiệu tập thơ của tôi, đưa in trên báo Văn Nghệ và in trong tập thơ của tôi.
Hôm nay tôi xin được đăng lại bài viết "Tản mạn những câu thơ của một nhân cách" của Nguyễn Quang Thiều dành cho tôi và cho thơ rôi.
Rất cảm ơn Nguyễn Quang Thiều và một lần nữa nhân dịp tròn "60 năm cuộc đời" anh chúc Thiều "trẻ mãi không già", chúc em và gia đình mọi điều tốt lành.
TẢN MẠN VỀ NHỮNG CÂU THƠ CỦA MỘT NHÂN CÁCH
Nguyễn QuangThiều
Trong bản thảo tập thơ Một chút ông đưa cho tôi trước kia và bây giờ là bản thảo tập thơ Đôi điều với con (sửa chữa và bổ sung) bài thơ được đề đầu tiên như là một lời tâm sự thật xúc động và một thái độ thật rành mạch. Tôi đã đọc bài thơ ấy và dừng lại rất lâu ở hai câu cuối:
Nếu ai đó đọc thơ tôi
Đọc xong vô cảm thì tôi rất buồn.
Lúc này, tôi đang hình dung một cái gì đó vượt qua cả thi ca. Đó chính là cuộc đời với sự chia sẻ của những con người. Theo tôi, Dương Đức Quảng đã viết những bài thơ trong cuộc đời mình với nhiều mục đích. Nhưng có một mục đích rất quan trọng là tìm kẻ tri âm. Đôi khi, ta lại trở thành người tri âm của chính ta. Trường hợp này thấy rất rõ trong sáng tạo thi ca. Với tất cả những gì ông viết trong tập thơ: ký ức về người thân, về chiến tranh, nỗi buồn nhân thế, sự cảm nhận thân phận… thì người đọc không thể vô cảm. Hai câu thơ thật giản dị. Giản dị như thể làm thơ chẳng có khó khăn gì. Nhưng điều khó khăn rất lớn đối với người đọc là có khả năng dừng lại ở hai câu thơ đó và suy ngẫm.
Nếu ai đó vô cảm trước những câu thơ của ông thì không chỉ ông mà chính bản thân tôi cũng thấy trong lòng dâng lên một nỗi buồn. Bởi trong những bài thơ của ông, cao hơn cả ngôn từ là hiện thực của một đời sống ông đã trải qua với máu của những đồng đội đã hy sinh, với nước mắt của những mất mát và tan hợp, với tình yêu trong bom đạn của chiến tranh và trước thách thức của cuộc đời, với những ký ức ám ảnh như mộng mị, với những trống vắng trong lòng mà ta không lấp nổi và với những suy tưởng về nhân thế. Lẽ nào chúng ta đi qua những điều ấy với một trái tim giá lạnh? Nỗi buồn của ông ở đây không phải nỗi buồn về cái gọi là Thơ mà là nỗi buồn về Tình người. Hai câu thơ ấy không chỉ cho tôi thấy ông có những khoảnh khắc thảng thốt về cái Tình người đang có nhiều vô cảm trong đời sống hiện đại của chúng ta. Với hiện thực đời sống trong những năm tháng này, tôi thực sự cảm thấy hai câu thơ đó là một bức thông điệp. Tôi tin sẽ rất nhiều người khi đọc hai câu thơ đó sẽ cùng mang một cảm nhận như tôi.
Tôi quen biết ông đã lâu. Ông là một con người giản dị và chân thành. Từ ông luôn luôn mang lại cho chúng ta cảm giác của sự gần gũi và tin tưởng. Điều làm tôi rất kính trọng ông là sự im lặng của ông. Chính sự biết im lặng ấy đã cho ông những câu thơ, những bài thơ mà tôi giật mình. Tôi giật mình không phải vì những thủ pháp ông dùng trong ngôn ngữ hay hình ảnh thi ca. Bởi ông làm thơ không phải là việc làm thơ của một nhà thơ. Ông làm thơ với nhu cầu tự thân, như tiếng cười vang lên khi vui, nước mắt rơi xuống khi buồn, như xa xôi thì thương nhớ, cách biệt thì tái tê… Cái ông làm tôi giật mình là những suy ngẫm và bản lĩnh sống của ông. Trong bài thơ Thử khác mình, ông thực sự làm tôi lúng túng. Tôi không bao giờ nghĩ một con người đã ở tuổi sáu mươi như ông, đã và đang giữ những vị trí sang trọng trong xã hội như ông, đã có một gia đình thật hạnh phúc như ông lại mang nỗi giày vò về một sự thay đổi như thế. Sự thay đổi ở đây vừa là do ông nhận biết sự nhàm tẻ của đời sống và vừa được sống như chính mình. Thực ra, bài thơ này là một cuộc đối thoại khó khăn nhất đối với mỗi con người chúng ta. Cuộc đối thoại giữa ta và một cái mang danh ta nhưng không phải là ta. Vậy ta sẽ thuộc về ai: Ta hay cái mang danh ta. Thách thức này là thách thức lớn nhất với mỗi người khi đang sống. Ông đã nhìn thẳng vào bản chất của con người với hai phần sáng tối tự nhiên thông qua chính bản thân ông dù chỉ trong một khoảnh khắc. Bài thơ ấy là bài thơ đắc đạo. Bởi khi con người đi đến tận cùng của sự chân thành và công bằng với chính cái tôi của mình thì đã đến với đạo rồi.
Thơ ca là trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hoá. Dương Đức Quảng đã chứa đựng trong tâm hồn mình hai trải nghiệm ấy. Chính thế mà ông đã viết ra những câu thơ đầy tính triết lý nhân gian.
Có phải càng bình dị
Cuộc đời càng lớn lao

Hay:
Bất chợt thấy đời lặng lẽ
Trong tiếng hò reo vang trời

Những câu thơ giản dị nhưng sâu sắc như thế cho thấy ngay một điều: Ông là người đã thấu được lẽ đời. Bởi thế mà ông là người tránh được cái phù du, cái hão huyền và sự ồn ào trong đời sống. Tôi quen biết ông nhiều năm, tôi nhận thấy ông đã sống như thế và bây giờ quan niệm sống và hành động sống của ông đã đúc kết bằng những câu thơ như vậy. Khi người ta thấu được lẽ đời thì người ta thoát được những hư danh, người ta biết được đâu là cái đẹp và đâu là giá trị thực của đời sống. Điều ấy viết ra đôi khi chỉ trong vài dòng thậm chí vài chữ, nhưng để đến được gốc rễ của những điều ấy, có khi đến chết mà nhiều người vẫn không nhận ra.
Dương Đức Quảng làm thơ không để trở thành nhà thơ. Ông không hề có ý thức ấy. Tôi quen biết ông đã nhiều năm nhưng gần đây mới biết ông có làm thơ. Và bây giờ, ông in thơ cũng không phải để trở thành tác giả của một cuốn sách văn chương mà chỉ là một hình thức lưu lại những ký ức, những sự kiện trong tâm hồn ông. Ông không hề có ý định đóng góp điều gì đó cho nền thi ca của chúng ta. Nhưng những câu thơ như vậy của ông, nếu chúng ta suy ngẫm kỹ sẽ thấy rằng: Những câu thơ ấy đóng góp cho sự tồn giữ và phát triển nhân cách con người trong thế giới hiện đại.
N.Q.T