Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÔI LỜI CÙNG NHÀ THƠ TRẦN HUY TẢN

Phạm Xuân Trường
Chủ nhật ngày 19 tháng 2 năm 2017 11:31 AM


(Về chữ “víu” và chữ “vùi”)

Tôi đã đọc tạp chí Nhà văn và tác phẩm (số 21 tháng 01-02 năm 2017 xuân Đinh Dậu). Trong bài “Nâng con người lên các cõi Chư Thiên”. Ở trang 121, nhà thơ Đỗ Minh Tuấn viết, nguyên văn “Trong bài Mẹ, tác giả Phạm Xuân Trường đã mô tả tình thương của người mẹ với con bằng những sợi liên tưởng thật đắt, độc đáo:

Sợi buồn vùi nhớ vào quên

Cuốc kêu khản giọng gọi tên... con mình”

Nhưng con mắt tinh tường của Trần Huy Tản đã phát hiện ra sự mâu thuẫn giữa hai hình tượng đắt:

Bình rằng: Đã đem vùi nhớ vào quên

Lại còn tưởng cuốc gọi tên con mình.

Vừa dọn vườn một mâu thuẫn thi ca, vừa nhấn vào cái hay của tứ thơ “vùi nhớ vào quên” để làm sáng lên, làm rõ cái thân phận đầy mất mát, khổ đau và nghịch lý của người mẹ Việt Nam trong chính câu thơ ấy. Nói cách khác, lời bình của Trần Huy Tản nhắc khéo nhà thơ rằng: Anh đã có được câu thơ hay đến thế về người mẹ, vậy mà lại dùng câu dưới xóa đi! Thế là chê trách để mà khen!

Nguyên văn bài thơ của tôi như sau:

MẸ

Mẹ ngồi bứt cỏ bông may

Khâu năm vào tháng vá ngày vào đêm

Sợi buồn VÍU nhớ vào quên (*)

Cuốc kêu khản giọng gọi tên con mình.

(Trang 92 tập thơ Cỏ cháy, NXB Hội Nhà văn 5-2006)

(*) Chữ VÍU là tôi nhấn mạnh.

Câu kết tôi viết liền mạch “Cuốc kêu khản giọng gọi tên con mình” chứ không tách bạch ba chấm “Cuốc kêu khản giọng gọi tên... con mình” như nhà thơ Trần Huy Tản trích. Anh Trần Huy Tản đã không đọc kĩ bài thơ của tôi hoặc do anh “sáng tạo” ra. Trong bài tôi dùng hình tượng “cỏ bông may” là gợi đến kim chỉ, khâu vá. Nên từ “víu” nó mới ăn nhập vào nội dung. Còn như “vùi” thì khác gì mặc com lê mà chân đi dép lốp. Thơ bình của anh không sai nếu tôi viết vùi nhớ vào quên, nhưng tiếc là anh không đọc kĩ hoặc làm sai sự thật để rồi dè bỉu chê bai tôi. Giá như trước khi đưa vào sách anh có thể gọi điện hỏi tôi thì hay biết mấy. Vì anh cũng từng ở Hải Phòng. May mà bài thơ của tôi không phạm húy. Thứ “án văn tự” từ những suy diễn nông cạn dẫn đến “vụ án nhân văn giai phẩm” vẫn còn nhỏ máu ròng ròng cả nửa thế kỷ nay từ ấp “Thái Hà” không ai quên được. Qua đây tôi vẫn nhớ khoảng trưa tháng 5/2002 nhà thơ Thi Hoàng ở cơ quan Hội về, sang nhà tôi hỏi: “Trường đã đọc bài xã luận ở báo VN chưa?”. Tôi bảo “chưa” và khôi hài “Đến huyện luận, tỉnh luận em còn chả đọc nói gì đến xã luận. Báo VN tí chết đấy”. Thi Hoàng bảo “Viết về một cụ lãnh tụ, chữ cụ chúng nó thiếu dấu nặng, lão tổng biên tập lo sốt vó, may mà qua, viết lách phải cẩn trọng đấy”.

Còn trong giai thoại cố thi sĩ Nguyễn Bính có câu thơ nguyên văn: “... Mẹ làm một bức thành đồng cho con”. Không hiểu nhà in sách sắp chữ sai hay cố tình, câu thơ được in ra “Mẹ làm một bức thành đồng che con”. Thi sĩ vỗ đùi khen nức nở chữ “che”. Giỏi thật, quần chúng thật tài.

Trong lịch sử, còn có việc Chu thần Cao Bá Quát đã cùng quan Nhạ (người Hà Tĩnh) cùng chấm sơ khảo thấy bài của thí sinh hay quá nhưng bị phạm húy nên đã dùng muội đèn mà chữa, vì tiếc cho một tài năng. Vua Thiệu Trị đã không bắt tội chết mà cho “ba tháng bị giam cầm, tra tấn đến dã man ở ngục Trấn Phù, ngày 21 tháng giêng năm Nhâm Dần (1842). Cao Bá Quát được giảm án, chỉ bị phạt tù rồi bị giải sang ngục Thừa Thiên. Khoảng tháng 7/1843 được ra tù cho về thăm gia đình ít ngày rồi lại gọi về kinh...

(Trang 12 Thánh thơ Cao Bá Quát, (Tinh tuyển, dịch thơ và bình giải) NXB HNV 2014, Vũ Bình Lục)...

Ngược về quá khứ. Ngô Tự Lập trong cuốn “Minh triết của giới hạn”, NXB HNV 2005 đã viết: “Có thể thấy rõ qua phong trào thơ mới hồi thế kỷ XX. Bài Yêu của Xuân Diệu chẳng hạn, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bài Khúc Rông Đô giã biệt của nhà thơ Pháp Edmond Haraucourt (1856 - 1941) YÊU: “Yêu, là chết trong lòng một ít/ Vì mấy khi đã yêu mà chắc được yêu/ Cho rất nhiều, song chẳng nhận được bao nhiêu/ Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết...”. Chắc chắn bạn đọc nhận ra ngay sự tương đồng đáng ngạc nhiên giữa hai bài thơ này. Không chỉ tứ thơ mà cả về hình thức thể hiện: cả hai bài đều có 3 khổ, câu đầu tiên được lặp lại ở cuối khổ 2 và cũng là câu cuối. Điều đáng ngạc nhiên nữa là ngay cả cách sử dụng các dấu của Xuân Diệu và Edmond Haraucourt (Ét-mon Ha-ro-cót) cũng rất giống nhau. Nhất là trong câu mở đầu cũng là cấu tạo của chủ đề: Sau từ “partir” (ra đi) và từ “yêu” là dấu phẩy. Nếu đọc hai bản tiếng Việt và tiếng Pháp. Mặc dù hai ngôn ngữ rất khác nhau nhưng ta không thể không cảm thấy cái âm hưởng chung rất gần gũi mà ngay cả sự khác biệt ngôn ngữ cũng không thể nào xóa được (trang 219). Và trong Tạp chí Thơ nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên còn nói lại về bài thơ YÊU của Xuân Diệu.

Cũng xin nhắc lại báo Pháp luật và đời sống trang 17 số ra ngày 10/7/2013 nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã trả lời phóng viên Loan Thanh phần mở đầu “Vừa ăn cắp vừa la làng”, xin được trích nguyên văn ... “Mới đây, nhà văn - dịch giả Ngọc Châu (sinh 1948, hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng) lại bị nhiều cây bút làng văn lên án vì bài thơ Phơi trăng của ông đã đạo hai câu thơ trong bài Sẻ chia (chứ không phải gửi Đỗ Trọng Khơi và Trần Văn Thước) của tác giả Phạm Xuân Trường. Khi sự việc bại lộ ông Châu còn tỏ ý nghi ngờ câu thơ cuối cùng “Nỗi đau đau đứng, nỗi buồn buồn nghiêng” không phải của nhà thơ Phạm Xuân Trường mà là của một tác giả khác”. Và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã thẳng thắn trả lời nguyên văn ...“Hiện nay việc đạo văn, đạo thơ mới tranh cãi về mặt nhân cách còn đặt ra luật pháp hay xử phạt hành chính chúng ta chưa có biện pháp cụ thể. Ví dụ tôi ăn cắp một bài thơ, một truyện ngắn hay một chương sách chúng ta mới xử một cách đơn giản là bằng lương tâm còn xử bằng pháp luật là phải đền bù bao nhiêu, ngồi tù bao lâu thì chúng ta chưa làm được...”.

Thực ra bài thơ Sẻ chia ấy tôi viết năm 2004, khi đi trại sáng tác đồng bằng Sông Hồng ở Thái Bình. Sang thăm Khơi mà có bài thơ ấy. Bài thơ được in trong tập Cỏ cháy trang 66 NXB Hội nhà văn 2006. Còn bài Phơi trăng của Ngọc Châu hình như in chung trong tập thơ nào đó vào năm 2011, tôi không có để đọc. Chỉ khi Ngọc Châu đưa tôi lên trang mạng Trần Nhương tôi mới vỡ lẽ, thì ra nghịch lý ở đời có câu ca dao “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”.

Còn như bài thơ “Đêm mưa” in năm 1988 - 1989 của nhà thơ Tô Hoàn đã in vào tuyển tập Lục bát Việt Nam. Tuyển thơ Quân khu 3 có 2 câu kết “Con đi đánh giặc suốt đời/ Vẫn không che nổi một nơi mẹ nằm” thì nhà thơ Trịnh Anh Đạt trong tập thơ CHỒI LỘC BIẾC in chung gồm Bùi Quang Thanh và Đỗ Minh Tọa, NXB Hội nhà văn 2005, anh đã in ở trang 5 kê khai giải thưởng của anh... “Năm 2005 được Bộ Văn hoá thông tin Việt Nam và mạng Google vinh danh là nhà thơ tiêu biểu của thế kỷ XX. Nhưng trong bài “Mẹ” (kính dâng mẹ tuổi 85) trang 8 có một câu lục bát như sau: “Lăn trong cát bụi tơi bời/ Không che lành nổi cái nơi mẹ nằm”, xét về thời gian và năm tháng xuất bản quá xa nhau nhưng hai câu lục bát đọc xong thấy như rất gần nhau...

Vài lời với nhà thơ Trần Huy Tản, như cổ nhân đã dạy “Bút sa gà chết”, “Giấy trắng mực đen”, khi đã thành văn tự thì nên nhớ thêm rằng “Ngôn xuất tứ mã nan truy” (lời đã nói ra bốn ngựa không đuổi kịp), mong anh cẩn trọng từ cả dấu chấm, phẩy và dẫn trích. Sách đã in rồi, mong anh phải đính chính lại. Cảm ơn!

Phạm Xuân Trường

17.02.2017