Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

DANH HIỆU KHÔNG PHẢI HÀNG HÓA ĐỂ NGỒI ĐÓ MÀ BAN PHAT

Bùi Hoàng Tám
Thứ sáu ngày 24 tháng 2 năm 2017 7:13 AM




 Người tốt thường có lòng tự trọng nên không đi xin bằng khen. Chúng ta phải tìm đến họ để khen thưởng kịp thời, các cơ quan chuyên môn phải làm việc này”. Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương ngày hôm qua ( 23/2).


 (Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Có lẽ trong tiếng Việt, hiếm có từ nào đa nghĩa và được sử dụng “muôn màu, muôn vẻ” như từ “chạy”. Nào là chạy đi - chạy về, chạy nhanh - chạy chậm, chạy tàu - chạy xe, chạy pin - chạy điện, chạy thày - chạy thuốc, chạy ăn - chạy làm… gần đây còn có thêm chạy chức - chạy quyền và cả chạy bằng khen - danh hiệu.

Vào trang tìm kiếm Google lúc 14g42 phút ngày 23/2/2017 với cụm từ “chạy danh hiệu” cho ra hơn 7.600 kết quả (0,41 giây) cho thấy chuyện này phong phú đến mức nào.

Tuy cho đến thời điểm này, hình như chưa có vụ việc “chạy danh hiệu” nào bị phát hiện nhưng trong dư luận, nó không còn xa lạ. Điều này cũng đúng thôi bởi chưa phát hiện không có nghĩa là không có mà chỉ chưa (hoặc không) “bắt tận tay, day tận trán”. Song, sự hoài nghi về chuyện này trong dư luận thì không ít.

Vụ việc lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thăng tiến vù vù, khen thưởng tới tấp, dồn dập. Chỉ trong vòng khoảng 3 năm (2009 - 2010 - 2011), PVC hai lần nhận Huân chương Lao động, một hạng Nhì, một hạng Nhất rồi cả danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới…

Tuy chưa (hoặc không) biết rõ có hay không chuyện “chạy” nhưng không khỏi khiến dư luận hoài nghi Và càng hoài nghi hơn, khi bà Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà khẳng định như “đinh đóng cột” rằng, việc phong tặng các danh hiệu trên “rất thỏa đáng và đầy đủ” để giờ đây, sự việc thế nào chắc mọi người đều đã rõ.

Trở lại với lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông đã rất thấu hiểu tâm tư bởi những người có tài năng, giàu tự trọng họ không bao giờ xin xỏ. Thậm chí với không ít người, việc xin cho còn là sự xúc phạm danh dự cá nhân. Nhớ lại cách đây ít lâu, trong qui chế xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật qui định các tác giả phải có đơn và có một người đã giữ vững quan điểm không làm đơn “xin” giải thưởng.

Đó là Nhạc sĩ Phạm Tuyên, tác giả của những ca khúc nổi tiếng như “Đảng đã cho ta một mùa xuân”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Như có Bác trong ngày đại thắng, “Đêm trên Cha Lo”, “Tiến lên Đoàn viên”, “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”…

Tuy nhiên sau đó, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã gửi Công văn đề nghị đặc cách và cuối cùng, năm 2012, ông vinh dự được trao tặng danh hiệu cao quí này.

Trong lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm qua, Thủ tướng không chỉ nói rõ “người tốt thường có lòng tự trọng nên không đi xin bằng khen” mà còn đặt ra một nhiệm vụ cho những người làm công tác thi đua, khen thưởng, đó là “phải tìm đến họ để khen thưởng kịp thời, các cơ quan chuyên môn phải làm việc này”.

Quá đúng bởi việc khen thưởng là hình thức tôn vinh nên phải “tìm đến họ để khen thưởng kịp thời” chứ không được ngồi đó chờ họ đến “xin” rồi “cho” như một hình thức ban phát. Càng không để họ “chạy” vì khi đó, danh hiệu sẽ thành mặt hàng và khi đã là hàng hóa thì đều có giá “đắt” hay “rẻ”.

Trong khi, danh hiệu là tài sản vô giá. Mặt khác, nếu như có tình trạng “chạy” danh hiệu thì những ai đó tham gia chắc chắn là ít lòng tự trọng và không xứng đáng bởi nếu xứng đáng và có lòng tự trọng, họ không bao giờ “xin xỏ”, “chạy chọt”.

Khen thưởng những người không xứng đáng không chỉ làm “rẻ rúng” danh hiệu mà còn xúc phạm đến những người chân chính, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám