Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN KHÔNG THỂ MANG CON BỎ CHỢ

Nguyễn Văn Thọ
Thứ tư ngày 29 tháng 6 năm 2016 2:49 PM



Nhân sự kiện bản quyền tiểu thuyết Quyên với công ty Waka

Cách đây ba ngày vô tình leo mạng, tôi được biết trên mạng một công ty có tên Waka có rao tiểu thuyết Quyên bán VỚI GIÁ 0 đ Việt Nam; nếu đăng kí làm thành viên của họ.
Tôi giật mình bởi cho tới giờ nhiều quầy sách ở Việt Nam và nhà sách Hàn Thuyên vẫn phát hành bán Tiểu thuyết Quyên; tái bản lần thứ 6 với giá bìa 100 ngàn; mà thực chất tại phố sách Nguyễn Xí vẫn bán giá 70 ngàn 1 cuốn. Như vậy việc tôi sẽ ăn nói ra sao với Nhà sách Hàn Thuyên?
Sự phát hiện trên làm tôi vô cùng bất ngờ, bất ngờ tới bức xúc. Tôi đã phản ứng Waka một cách dữ dội, dùng những ngôn từ nặng, cho rằng công ty waka tự động dùng bản quyền sách của tôi tùy tiện. Bởi trong thâm tâm; tôi chưa khi nào mang bán đứa con của tôi một cách rẻ rúng như thế.
Công ty Waka THIỆN CHÍ VÀ LỊCH SỰ; lập tức liên hệ với tôi qua điện thoại, chân thành trình bầy rằng, họ không tùy tiện mà đã mua bán bản quyền, không chỉ của nhà văn NVT, tiểu thuyết Quyên và đã trả tiền cho Trung tâm bản quyền HNV Việt Nam (VLCC).
Tôi lại giật mình lẫn nữa vì chưa hề nhận được thông tin gì của Trung tâm bản quyền VN (VLCC)
Tôi đề nghị Waka cho bằng chứng. Waka, mà đại diện là chị Thúy Hằng hẹn sau đó vài tiếng. Và 1 tiếng sau, Waka lại thông báo bên VLCC không đồng ý cung cấp hợp đồng cho nhà văn.
Ngồi binh tĩnh lục lại trí nhớ, nhớ rằng tôi đã từng như nhiều nhà văn khác Ủy quyền cho VLCC bảo hộ bản quyền cho mình. Liệu có phải đó cũng là 1 hợp đồng cho phép VLCC buôn bán các tác phẩm chăng? Cũng ngay chiều đó tôi có cú điện thoại của nhà văn Đỗ Hàn với tư cách phó chủ tịch VLCC gọi điện thông tin tóm tắt, rằng VLCC có hợp đồng Khai thác TT quyên của tôi và ông đề nghị tôi tới làm việc.
Trước hết tôi lại lên mạng viết đính chính và chân thành xin lỗi công ty Waka rằng họ không ăn cắp bản quyền.
Chiều hôm sau tức hôm qua ngày 28-06-2016 tôi đã đến trụ sở HNV Việt Nam để gặp nhà văn Đỗ Hàn, phó chủ tịch Trung tâm bản quyền HNV VN.
Chúng tôi, hai nhà văn làm việc cởi mở thiện tín và thẳng thắn để tháo gỡ sự kiện này.
Nhà văn Đỗ Hàn cho tôi xem hợp đồng ủy nhiệm kí kết giữa tôi và nhà văn Nguyễn Thị Thu huệ, ngày 10-03-2015, mà trong đó tôi đã trao cho VLCC vấn đề quan trọng nhất: Tôi- nhà văn NVT ủy quyền cho VLCC quản lí, khai thác và bảo hộ.
Nhà văn Đỗ Hàn cung cấp thông tin cho tôi rằng, VLCC đã bán tác phẩm của 189 nhà văn theo yêu cầu bên mua ( Waka), chỉ ra đích đích danh từng tác phẩm theo Waka yêu cầu mua, trong đó có tiểu thuyết Quyên. Giá bán 189 tác phẩm này là 50 triệu trong 1 năm 2016.
Như vậy về lí, việc bán 189 tác phẩm trên không có gì vi phạm bản quyền vì đã có hợp đồng ủy nhiệm.
Việc Waka bán 0 đồng hoàn toàn nhà văn Đỗ Hàn không được biết, chỉ tới khi tôi phản ứng trên FB ông mới tường.
Đỗ Hàn cũng thừa nhận rằng (có phóng viên tuổi trẻ cùng nghe trong buổi làm việc này) sau khi bán các tác phẩm của 189 nhà văn mà VLCC không thông báo cho nhà văn có tác phẩm được bán là 1 thiếu sót, để sự kiện đáng tiếc xảy ra như tôi đã nói trên.
Như vậy thực ra các nhà văn đều thiếu chuyên nghiệp trong việc buôn bán này.
1- Khi kí kết hợp đồng ủy nhiệm cho VLCC tôi đã không nghiên cứu kĩ, trao cho VLCC một quyền lực, sử dụng tác phẩm chung chung Trói trong từ Khai thác (được phép thay mặt buôn bán) mà Hợp đồng này không hề có phu lục ràng buộc, rằng các tác phẩm ấy được bán ra sao, giá và thời gian cũng như các quyền kiểm xoát của nhà văn.
2 Cũng chính từ cách làm thiếu chuyên nghiệp này, khi ở hợp đồng giữa nhà văn với VLCC thì thiếu điều khoản rằng buộc để nhà văn theo dõi đứa con của mình thì ở hợp Đồng giữa VLCC cũng có sơ hở để xảy ra hiện tượng mà lãnh đạo VLCC không hề biết Waka đã "bán" với giá 0 đồng, cho không, các tác phẩm của VLCC, khi nhà văn ủy thác cho VLCC.
Đây là 1 hợp đồng thiếu chuyên nghiệp của VLCC, khi nhìn nó, việc bán 189 tác phẩm này với Giá bèo bọt, với tư cách chức năng chính VLCC là cơ quan trực thuộc Hội NV, Bảo hộ, mang lại quyền lợi vật chất cũng như tinh thần của nhà văn ( số tiền 50 triệu cho 189 tác phẩm hoàn toàn thiếu ý nghĩa về mặt vật chất.)
Bán trọn gói Khai thác 50 triệu, 189 tác phẩm trong 1 năm cho 1 cơ sở kinh doanh mạng mà lãnh đạo VLCC cũng không hề biết đối tác, Waka, đã Sử dụng các tác phẩm như thế nào, cũng là một việc thiếu sót. ( bình quân 1 tác phẩm khai thác 1 năm giá 264 ngàn).
Nhà văn chỉ tin vào thỏa thuận miệng, rằng VLCC sẽ bán tác phẩm trên mạng mang lại quyền lợi cho Hội viên, mà kí vào 1 văn bản, không có những điều khoản ràng buộc, cũng là sự tin cậy cảm tính thiếu sự thận trọng, nên đã xảy ra việc đáng tiếc nói trên giữa nhà văn với Waka.
Sự sử dụng khai thác như Waka đang làm thực tế không mang lại quyền lợi thiết thực cho từng nhà văn, bởi nếu thụ hưởng bình quân việc bán tác phẩm như vậy thì giá trị khai thác 1 năm của các tác phẩm của 189 nhà văn thực phũ phàng, nhất là khi mà có nhiều tác giả vẫn bán đều đặn tác phẩm của họ trong hình thức sách in giấy. Và, với cách thức bán trọn gói 50 triệu cho 189 tác giả và tác phẩm như thế, để Waka cho không tác phẩm, nhằm mang lợi tức dưới hình thức nào khác cho Waka, sẽ tổn hại tới sức mua và quyền lợi thực chất, khi nhà văn còn có thể thụ hưởng tiền bạc từ việc bán sách in. ( nói thêm rằng, Waka "bán" không đồng gọi là thử nghiệm này, khi dùng nó để khai thác những lợi ích khác mà nhà văn không rõ, vô tình làm tổn thương tác giả và tác phẩm khi Waka là đơn vị kinh doanh chứ không phải là 1 cơ quan từ thiện)
Cho nên cách làm hiện nay của VLCC trong việc Khai thác tác phẩm và tác giả không thiết thực mang lại quyền lợi thực tế cho nhà văn. Đấy là nói về giá trị vật chất. Bởi vì nhà văn phải sống bằng viết là đói nghèo thật, nhưng bình quân 260 ngàn cho 1 nhà văn trong 1 năm thì là chuyện thu nhập cười ra nước mắt.
Đấy là chưa kể tới sự tổn thương về mặt tinh thần. Tôi viết tiểu thuyết Quyên trong sự tan nát 2 lần gia đình, trong sự sẻ chia với hàng ngàn gia đình tan vỡ ở nước Đức và nhiều số phận bi thương của bè bạn tôi ở trong quá trình di dân, điều ấy đã được sự tôn trọng của độc giả và sự tưởng thưởng của Hôi Nhà Văn VN bấy nay...Và nó, cần được định giá dù có khi chỉ 1 ngàn đồng.
Còn cũng có thể khi nào đấy, tôi đồng ý cho không, tặng không độc giả lại là chuyện khác. Nó cũng giống như việc tôi còng lưng tự đi bán sách, gom góp từng đồng trên chặng đường tha hương, không quản sương tuyết, tuổi cao, tới bất cứ nơi nào có bạn đọc, nhưng cũng sẵn sàng tặng sách cho nhiều bè bạn, hay khá nhiều độc giả khi tôi và họ đã bầy tỏ mến mộ một nàng Quyên.
Sau cú xa xảy này, rôi tự nhận mình ấu trĩ và sai lầm khi thò kí vào 1 hợp đồng trao quyền như nói trên mà không đọc nó kĩ càng và, tôi cũng mong là 189 nhà văn cũng như các nhà văn khác hãy thận trọng khi kí vào các văn bản liên quan tới các đứa con của mình. Không thể mang con bỏ chợ.
Cũng nhân đây tôi công bố rằng, sẽ viết giấy đề nghị VLCC hủy bỏ hợp đồng với tôi đã kể trên, khi nó không ràng buộc trách nhiệm của VLCC với tác phẩm và tác giả, bảo đảm cho cá nhân nhà văn những quyền lợi chính đáng và thiết thực. Tôi như hủy sự ủy nhiệm bảo trợ và quản lí tác phẩm của cá nhân NVT.
Viết những dòng này tôi rất đau lòng chứ ko hàm ý bôi nhọ Hội nhà văn VN mà đại diện là cơ quan VLCC, bởi Hội là nơi tôi kính trọng và yêu mến, bản thân các nhà văn như Nguyễn Thị Thu Huệ hay nhà văn Đỗ Hàn không hề có ân oán và thái độ làm việc hôm qua của nhà văn Đỗ Hàn cũng thực sự chân thành cầu thị, tôn trọng cá nhân tôi. Nó phải chăng là bài học cần sớm nhận ra trong các thủ tục có tính pháp lí mà mỗi nhà văn cần biết. Nó là một việc lỡ dở xảy ra không phải từ động cơ xấu mà do khiếm khuyết về lề lối làm việc cả biện pháp tổ chức kĩ thuật, trong đó có cả tôi. Nhà văn Lơ mơ là chữ của báo Tuổi trẻ dùng cho vụ việc này.
Cũng nhân đây xin một lần nữa, đính chính công ty waka không vi phạm luật bản quyền. Tôi thêm 1 lần, chân thành xin lỗi Công ty waka về những ngôn từ chưa chuẩn xác và vội vã tren 1 note ở FB cách đây ba ngày.
Vĩ Thanh: Việc bán sách trên mạng, trên thế giới, ở các nước tiên tiến, là hình thức phát hành thuận tiện và thực sự mang lại những giá trị vật chất lớn lao cho nhiều nhà văn. Một cuốn sách ở Đức bán trung bình 25 eu, có thể bán trên mạng chỉ vài eu, nhưng nhờ thông tin mạng, hàng triệu độc giả đã mua nó bởi sự thuận tiện phát hành ( trong sự quản lí nghiêm cẩn) thực tế đã mang lại quyền lợi cho nhà văn và chính là 1 hình thức phát hành văn hóa phẩm văn minh cần ủng hộ nó.