Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI LÊN THUNG RẾCH 45 NĂM TRƯỚC

Phạm Ngọc Chiểu
Thứ năm ngày 16 tháng 6 năm 2016 6:42 PM




Đó là Đào Khang Hải, mà tôi vẫn gọi thân mật là Đào Thi Nhân hoặc Đào Thi Sĩ. Không phải bây giờ, khi ông đã ở tuổi bát tuần (tuổi ta, năm Bính Thân 2016 này) tôi mới quý mến gọi ông cái biệt danh ấy, mà tôi đã thầm nghĩ và buột gọi thành lời ngay buổi đầu tiên tôi gặp ông và biết ông là tác giả bài thơ “ Lên Thung Rếch” tôi đã đọc và yêu thích từ trước đó mấy ngày.

Cái cơ duyên tôi được gặp Đào Khang Hải và những cây bút chủ chốt của văn chương tỉnh Hòa Bình tại Hội nghị Sáng tác Văn học do Ty Văn hóa Hòa Bình tổ chức là vào mùa hè năm 1972, tôi cùng một đại đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước về mở đường công cụ xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Bước vào phòng hội nghị, tác giả đầu tiên tôi được bắt tay là ông. Lúc ấy ông còn trẻ lắm. Nhìn người trai đất Hà Thành dỏng cao thanh thoát, khuôn mặt xương xương, mắt sáng, bàn tay với những ngón tay dài trắng nằm mát lạnh trong lòng tay tôi, thêm cách ăn vận thanh lịch rõ là trai Hà Nội, quả thật tôi không nghĩ ông đã 36 tuổi, cho dù tính theo tuổi ta. Và bàn tay ấy, thân hình ấy đã trực tiếp đi phát hoang trồng sắn tít trong núi rừng Kim Bôi để rồi viết nên bài thơ “Lên Thung Rếch” lột tả cái nhịp điệu khỏe khoắn, cái không khí hào hùng của mỗi ngày khai hoang trên thung lũng đá cao xanh thăm thẳm thật sao?

Chúng tôi dậy cùng mặt trời

Cuốc ngược trên vai

Dao dài, cơm vắt

Gậy tre, nón lá lên nương.

*

Lên thung, lên thung, lên thung Rếch

Đường đá tai mèo, dốc cao ngất

Lưng người đi trước đẫm mồ hôi

Tiếng cười phía sau vẫn không tắt

*

Lau xanh, lau xanh, lau xanh um

Một vùng mênh mông lau bát ngát

Tay trái vít lau, tay phải chặt

Ta phát từng bụi lau

Như chiếm từng đồn giặc

Xác lau dài ngả dưới chân ta

Hỏi anh, anh cười bảo: việc diễn ra đúng thế thật mà. Mình là cán bộ phòng Kế hoạch ngành Lương thực tỉnh Hòa Bình, công việc là ngày ngày đút chân gầm bàn, cầm bút vẽ ra những con số tạ, số tấn gạo, sắn, ngô khoai nuôi cả tỉnh, nhưng những con số ấy đâu nuôi nổi mấy vạn cán bộ và nhân dân Hòa Bình, vậy nên có chủ trương tất cả các

cơ quan phải cử cán bộ, nhân viên thay nhau lên núi khai hoang, lấy sắn lấy ngô đập vào cái 30 phần trăm còn thiếu. Trừ mấy vị lãnh đạo ngành, còn thì chia lượt đi hết. Sau đó mấy năm, khi tôi về làm biên tập Văn học ở Ty Văn hóa Hòa Bình rồi Hà Sơn Bình, đến lượt chính tôi cùng nhà văn Phượng Vũ, nhà thơ Vân Long, nhà thơ Bế Kiến Quốc lên tận vùng rừng bên trên Thác Bờ thuộc huyện Đà Bắc để phát hoang trồng sắn tự túc lương thực, tôi mới nghiệm ra Đào Thi Sĩ không tưởng tượng, đúng là anh thật sự đã trải những ngày “Lên Thung Rếch” đáng nhớ đó, và nó đã tác động mạnh vào tâm trí anh để anh viết bài thơ quý ấy. Bài thơ có chút ảnh hưởng ở cách gieo vần trong “ Anh Chủ nhiệm” của Hoàng Trung Thông, cả trong “Trưa Thịnh Lang” của Xuân Diệu (“Nắng chiều còn sáng ngọn tre/ Sóng lúa mênh mông cuộn đổ về/ Tôi cùng anh bước trên đê nhỏ/ Áo nâu bạc màu bay trước gió…” - Hoàng Trung Thông. “Cục tác/ Cục tác/ Đẻ trứng này rồi tôi còn trứng khác/ Trưa Thịnh Lang gà đẻ kêu vang/ Giữa lúc sân phơi ngồn ngộn ngô vàng…” - Xuân Diệu). Nhưng không sao một chút hơi hướng thôi, còn thì “Lên Thung Rếch” vẫn đúng là thơ của thi nhân họ Đào cuốn hút người đọc lắm. Này nhé: “Lên thung, lên thung, lên Thung Rếch/ Lòng bỗng nhớ sao câu thơ Bác/ “Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân.../ Lên thung, lên thung, lên thung Rếch/ Ngửa mặt ta uống dòng nước mát/ Mồ hôi ướt áo mồ hôi khô.../ Lên thung, lên thung, lên thung Rếch/ Ta gieo hạt này/ Ta gieo hạt khác/ Mầm xanh non đội đất nhú lên..”.

Yêu say bài thơ, yêu cả cái cách cư xử hào hoa của anh, tôi đạp xe đến thăm nhà anh. Thì mới hay Đào Thi Sĩ cũng chẳng khá giả gì. Hai vợ chồng và bốn đứa con trứng gà trứng vịt trong ba gian nhà bương, mái nứa, thưng vách trát toóc xi. Nguồn sống chỉ trông vào nhõn đồng lương công chức Sơ cấp Kế hoạch của anh thôi. Chị Dung vợ anh, sau mấy lần sinh nở, sức đã đuối, phải nghỉ việc ở nhà nội trợ . Nhiều lần tôi bắt gặp thi sĩ so vai gánh nước từ trong cơ quan về đổ thùng phi để cả nhà tắm giặt. Vậy mà gia đình anh vẫn ngày ba bữa, con cái vẫn được học hành và anh vẫn “Sơ vin” nghiêm chỉnh đi làm, tiếp khách, thuốc hút vẫn Tam Đảo, Tam Thanh, Sông Cầu chứ không Trường Sơn, Nhị Thanh vừa nặng vừa khét, tàn đen như cánh tôi. Anh thư sinh mà anh giỏi quá. Sau này cô công chúa và ba hoàng tử lớn tướng lên, tôi thấy anh phải xoay xỏa. Học người anh họ mở lò bánh mì. Rồi mở quán phở bán cho khách ăn sáng.Thậm chí có dạo hai anh chị còn đi bán cháo đêm. Sau ngày tái lập tỉnh Hòa Bình anh có thêm nghề nữa là cần mẫn đạp xe đến dạy ở các lớp học tiếng Anh. Không thế, sao anh nuôi được bốn người con học hết cấp ba để sau này bước vào đời lập thân, lập nghiệp? Tần tảo nhọc nhằn nhưng cái gánh gia đình vẫn trọn vẹn trên đôi vai gầy, và quan trọng là anh vẫn đều đều có thơ in trên báo Đảng của tỉnh, và trên các số tạp chí Văn nghệ của ngành Văn hóa, không phải thơ hạng xoàng mà thơ anh vẫn ở vị trí hàng đầu trong làng thơ thuộc Chiếu Văn -Đất Mường Hòa Bình. Nhưng khoan hãy nói chuyện thơ, nói tiếp chuyện đời anh đã. Nghe anh tâm sự mới hay, chàng trai họ Đào gốc gác tại làng Tô Tịch, nay đã thành phố Tô Lịch cùng cụm phố hàng Đào, hàng Gai. Những năm cắp sách học trường Chu Văn An, vì năng khiếu văn chương nên 17 tuổi đã có hai bài thơ và một truyện ngắn in báo Tia Sáng, anh được nhà trường phân học Ban C, tức là Ban Văn học sau nhà lý luận phê bình Vương Trí Nhàn, khác Ban học của nhà thơ Vũ Quần Phương. Có cả thơ và văn in báo, anh cao hứng cùng hai bạn cũng có máu văn chương là nhà thơ Tạ Vũ và một cây bút giàu năng khiếu hội họa tên là Song Hồ Nguyễn Thanh Đạm lập ra nhóm văn chương Gieo Sống ngày ngày ríu rít chuyện Văn chương Nghệ Thuật. Năm ấy anh học lớp 9 hệ phổ thông 10 năm của nước Việt Nam mới, tức Đệ nhị Văn chương hệ giáo dục Pháp thuộc. Đang ngất ngây khí thế thì Hà Nội cải cách Công - Thương nghiệp Tư bản tư doanh. Ông bố bà mẹ là dân buôn vật liệu xây dựng, lúc cải cách thì trong cửa hàng còn cả một căn nhà chất đầy xi măng chưa kịp bán hết cho khách hàng, thế là bị đánh thuế nặng đến nỗi bán hết cả cơ nghiệp cũng không đủ tiền đóng thuế, bị quy Tư bản bóc lột, sau hạ xuống thành phần Tiểu thương. Lại thêm rắc rối nhà có người di cư vào Nam. Vậy nên chàng trai họ Đào bị chững lại, đành bỏ dở học hành, thơ phú vào đầu năm 1957. Giữa năm 1958, không nhớ do ai mách bảo hay tự mình vạch hướng đường đời, chàng rời bỏ căn nhà quen thuộc ở phố Nguyễn Siêu, nơi có nhà thơ Vân Long ở cùng phố, quyết chí ra đi lập thân lập nghiệp. Ngày xa Hà Nội, trên vai toòng teng cái ba lô bộ đội bạc màu mua được, bên trong gói ghém một bộ sơ mi quần phăng, thêm tấm áo len và cái chăn chiên Nam Định, người trai họ Đào nhằm hướng Tây Bắc ngược lên, và đã dừng chân định cư ở đất Mường Hòa Bình. Nói vậy chứ việc chọn nơi gắn bó cả cuộc đời cũng không đơn giản, nhất là cái thị xã Hòa Bình lúc ấy chỉ lèo tèo hai dãy nhà tranh bám vào đoạn đường số 6 dọc theo đê sông Đà, mùa lũ sông lồng lên cuồn cuộn ngầu đục, phố buồn hiu như trấu cắn, đâu đã có sức hút chàng trai Hà Nội vốn có tâm hồn mộng mơ. Mới có chuyến chàng khoác ba lô xuôi Hà Nội về lại ngôi nhà thân thuộc phố Nguyễn Siêu. Nhưng rồi như là định mệnh, cảm thấy phố phường Hà Nội không dành cho mình nữa, nấn ná được vài tuần, người trai họ Đào lại khoác ba lô tư trang ngược sông Đà, trong đầu ngân lên giọng trầm buồn câu thơ Nguyễn Quang Bích: “Chúng thủy giai Đông tẩu/ Đà giang độc bắc lưu!” (Mọi con sông đều đổ về biển Đông; riêng sông Đà một mình ngược lên phía Bắc!). Với tâm hồn thi sĩ đó, lần này chàng thư sinh họ Đào tự dặn mình cố bền gan ngồi vào nghế nhân viên phòng Kế hoạch ngành Lương thực tỉnh Hòa Bình, và lại quay về với nàng Thơ. Sau mấy bài không để lại ấn tượng với chính mình phải vất bỏ, chàng theo mọi người đi Kim Bôi thực hiện nghĩa vụ tăng gia tự túc lương thực. Thật bất ngờ, chuyến lao động cực nhọc ấy lại giúp chàng vung bút làm ra một thi phẩm có sức đóng đinh vào hành trình Thơ mình, bừng lên một nhận thức, một hướng đi của đời mình, Thơ mình:

Thấy ý nghĩa cuộc đời

Trong một tiếng chim ca

“Khó khăn khắc phục”

Ta lên thung

Lòng sáng điện sông Đà!

Vậy nên sau bài thơ sâu đậm dấu ấn này, mạch nguồn thơ trong anh được khơi thông, thơ trong hồn anh dào dạt chảy theo ngòi bút sáng từng trang giấy đêm đêm. Một ngõ vắng. Một phố huyện miền núi đìu hiu, Một chiều bâng quơ. Nỗi nhớ thương chị gái. Một day dứt sông Bôi. Thoáng nhớ về Hà Nội. Một chuyến về Đầm Đa, Yên Bồng. Phút gặp người chiến binh già... Tất cả đều lần lượt vào thơ Đào Khang Hải. Thơ đã khá nhiều, bản thảo xếp cả xấp dày, nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu) nên rồi rắng mãi , dồn dịch tích cóp những đồng tiết kiệm ít ỏi, mãi giữa năm 2015, tập thơ đầu tay “Trái ngọt đầu cành” của anh mới đến tay bạn viết , bạn đọc. Nhà thơ Vũ Quần Phương thích thú thốt lên: “Sức gợi thơ của một tạng cảm xúc” ( Bài viết thay Lời Tựa của nhà thơ in đầu thi phẩm “Trái ngọt đầu cành”. Nhà thơ - nhà phê bình họ Vũ lia bút viết:

- Đọc tập thơ này tôi thích thú được gặp một bút pháp có bản sắc riêng, một kiểu viết mang phép tắc chuyên nghiệp...Tôi đoán ông Đào Khang Hải đã phải có một thâm niên thơ ba bốn chục năm rồi . Ông đã có nét tương đồng với các bạn viết những năm 60 của thế kỷ trước. Một bài thù tạc:

Anh còn có mỗi nửa ngày

Bút nghiên nửa gánh, thơ hay nửa vò

Trăng vàng nửa cái trời cho

Chèo khuya nửa mái cắm đò đợi ai

Việc đời khôn dại nửa vai

Trà chuyên nửa ấm, thức hoài nửa đêm

Nửa gian nhà sách Thánh Hiền

Chữ “Tâm” thì nhớ, chữ “Tiền” ngu ngơ

Nếp nhà khi tỏ khi mờ

Đa đoan chín khúc, tơ vò năm canh...

Tiếp theo, với con mắt tinh nhạy của một người nổi tiếng “ chẻ sợi tóc làm tư” trong việc bình Thơ, nhà thơ Vũ Quần Phương kỹ lưỡng nhặt ra những bài khá, câu hay của “Trái ngọt đầu cành”. Ông thích câu thơ kết “Đêm nay trên đồi cao/ Nơi ông nằm/ Chắc gió về lạnh lắm!” trong bài “Người chiến binh già”. Ông yêu cái cách bộc lộ thái độ kín đáo bằng chi tiết miêu tả vốn là sở trường của lập ý cổ điển trong bài thơ “Phố huyện” có ý kết đóng bài nhưng lại mở ra nhiều khêu gợi, khêu gợi hoài niệm, khơi gợi bâng khuâng, cái chất thơ của cuộc đời lam lũ: “Nhớ tiếng vó ngựa đêm/ Ngọn đèn chai lúc lắc/ Người lái xe ngủ lăn ngủ lóc/ Chỉ có chú ngựa già cần mẫn bước đi”. Ông đọc ra hơi thở cổ điển len vào âm điệu thơ thất ngôn, vào ngôn ngữ, hình ảnh có tính ước lệ và vào cả cảm xúc, đến mức ông hình dung nhà thơ như vừa khật khưỡng từ triều Lý-Trần-Lê-Nguyễn trở về: “Không nhớ người yêu, ta nhớ bạn/ Giông bão đầy trời ly rượu cạn”. Một ghi nhận thật chân xác và đáng giá của nhà phê bình về thơ Đào Khang Hải. Và nhà phê bình khép lại bài bình tập thơ “Trái ngọt đầu cành” với những dòng chữ nghiêm cẩn:

“Vấn đề của hiện tại, không gian không khí của hiện tại luôn luôn có mặt trong thơ, tạo cho người đọc có cảm xúc, có nhận định, có kinh nghiệm đối xử với cái bây giờ. Đào Khang Hải đã làm được điều đó...Ngay ở những bài chưa thành công , câu thơ bao giờ cũng già dặn. Ngôn từ, hình ảnh, âm điệu được chăm sóc khá chuyên nghiệp”.

Còn tôi, gấp lại “Trái ngọt đầu cành”, tâm tưởng ngân vang mãi những vần thơ “Lục bát riêng mình” của Đào Thi Nhân:

Anh còn có mỗi nửa ngày

Bút nghiên nửa gánh thơ hay nửa vò...

Hương vị “Trái ngọt đầu cành” thì vậy, còn “Lặng thầm” ông gửi bạn đọc lần này thì sao?

Tôi đọc chầm chậm, vừa đọc vừa ngẫm ngợi 32 bài thơ ông mới trao cho tôi, nhờ tôi chuyển đến bạn đọc gần xa, xem hồn thơ ông gửi gắm những gì vào 32 xúc cảm mới này?

Cảm nhận đầu tiên của tôi là so với “Trái ngọt đầu cành” thì “Lặng thầm” vẫn trung thành một hướng thơ Trữ Tình - Tự Sự. Hướng thơ này bắt nguồn từ ý thức phản ánh hiện thực, nhà thơ điềm tĩnh quan sát đời sống, chiêm nghiệm, chắt lọc những diễn biến xung quanh mình, thu nhận lại những gì tác động vào xúc cảm có sức bật ra những ngôn ngữ, âm điệu không cưỡng được. Đấy là lúc hiện thực đời sống đã thăng hoa, bay bổng trong tâm hồn người cầm bút khiến những vần thơ ngân vang trong tâm tưởng, và họ ngồi vào bàn ghi nhanh lại . Làm được điều này, người làm thơ không chỉ cần có ý thức quan sát, mà phải có sự nhạy cảm trước những gì nhìn thấy, nghe thấy. Cùng ngồi nghe hát chầu văn trên đền Bờ, là một Người Thơ, lập tức Đào Quang Khải nhận ra “Ca từ thì mới/ Hồn nhạc thì xưa” Và hình dung ngay: “Có nhịp cầu vắt mình qua sông/ Cong như vồng ngực người con gái/ Thuyền ngược xuôi bủa lưới quang chài.../ Hiện lên xóm làng trung du cổ kính/ Mái đền rêu phong...”. Ra Hà Nội thăm con, cùng nội dung ấy nhà thơ Lê Đình Cách tài hoa miêu tả mẹ mình: “Lên thang chẳng dám bước dài/ Vào khu tập thể gặp ai cũng chào”, còn Đào Khang Hải thì chiêm nghiệm: sau giây phút được hưởng sự lạ “Lên cao lòng thanh thoát/ Ở đây không vướng bụi trần”, chợt nhận ra: “ Không tiếng trẻ thơ vắng tiếng chào/ Thèm rặng cúc tần trưa bướm lượn/ Tiếng bên hàng xóm lao xao...” rồi ngộ ra một điều: “Đứng ở đây tưởng mình đã cao/ Ngước nhìn lên nhiều nhà cao hơn nữa/ Một điều đơn giản thế/ Bây giờ mới hiểu ra!”. Nhặt ra mấy câu thơ trên của “Nghe hát chầu văn trên sông Đà” và “Về phố thăm con”, đối chiếu với hai bài thơ “Trở lại Hà Đông” và “Phố huyện” trong tập thơ “Trái ngọt đầu cành” vừa in năm 2015, ta thấy cùng khai thác một loại đề tài, nhưng Đào Khang Hải đã tự khác nhiều trong “Lặng thầm” rồi. Hai bài “Trở lại Hà Đông” và “Phố huyện” giỏi miêu tả, dừng ở miêu tả những gì nhà thơ bắt gặp, rồi chốt lại bằng một nhận xét hoặc một dòng cảm thán, còn ở hai bài in trong “Lặng thầm” thì sự chiêm nghiệm mới là chủ đạo. Một ví dụ nữa để rõ hơn mạch thơ “chiêm nghiệm” của Đào Tiên Sinh: bài “Chị tôi từ Mỹ về”. Cả nửa đầu bài thơ tác giả kể lại việc bà chị Việt Kiều từ Mỹ về thăm Việt Nam, có những nhận xét tinh tế, những câu thơ xúc động miêu tả cảnh người chị đàm đìa nước mắt thắp nén hương khấn người cô đã khuất giữa trưa nắng nghĩa trang. Bất chợt ý thơ ngoặt hướng khi người chị muốn tác giả qua Mỹ. Và, tác giả đã lắc đầu “Dù tôi rất yêu nước Mỹ” vì một lý do:

Để thắp một nén nhang

Trước mộ phần ông bà cha mẹ

Phải ngồi Bôeing qua nửa quả địa cầu(!)

Cái lý do tưởng chừng như đơn giản này, nhưng nếu là người Việt Nam, nhất là người đàn ông Việt nam-Người có trách nhiệm như là một bổn phận thiêng liêng - sẽ thấy lí do ấy không đơn giản chút nào. Và bài thơ được kết bằng khổ thơ xúc động:

“Chị tôi từ Mỹ về

Rồi lại xa tôi về Mỹ

Mượn lời ca dao tôi hát

“Gió đưa cây cải về trời

Để em ở lại,

Ngậm ngùi

xót xa!”

Chất thơ chiêm nghiệm này của Đào Thi Sĩ càng biểu hiện rõ khi ông làm những khúc thơ tứ tuyệt. Cùng viết về cái “cũ”

Ở “Trái ngọt đàu cành”:

Người cũ sông Đà nay đâu cả?

Cầu phao như một chấm than dài

Em đi phố vắng lâu đài héo

Để lại mình anh với ai!

( Phố cũ)

ở “Lặng thầm”:

Bạn cũ quanh tôi viên mãn cả

Tôi như ly khuyết rót không đầy

Có ai thương nhớ mà thương nhớ

Rượu mặn môi cười, tóc lạnh vai!

(Bạn cũ)

Hai tứ tuyệt hai cách viết, hai tạng cảm xúc. Tứ tuyệt trên viết cái bề ngoài, cái nhìn thấy, không chỉ tác giả mà nhiều người làm thơ cũng có thể nhìn thấy và viết được. Tứ tuyệt dưới thì khác, viết cái tâm trạng đằng sau cái nhìn thấy và là tâm trạng riêng của Đào Khang Hải. Cả hai tứ tuyệt đều có câu chữ hay, nhưng đã mang dấu ấn của sự chuyển dịch đặc điểm nghệ thuật. Tứ tuyệt trên hay ở miêu tả bên ngoài, đặc điểm của Trữ tình hướng ngoại, còn tứ tuyệt dưới hay ở khai thác tâm trạng - Trữ tình hướng nội. Và đây chính là đặc điểm nghệ thuật thứ hai của “Lặng thầm”, một bước tiến đáng mừng về thi pháp của nhà thơ họ Đào, khiến tôi một lần nữa dành phút thưởng thức lại khúc thơ “ Bạn cũ”: Bạn cũ quanh tôi viên mãn cả/ Tôi như ly khuyết rót không đầy...”

Sự chuyển hướng khai thác đề tài thơ này, nếu tác giả không giữ bền được cảm xúc, dễ dẫn đến sản phẩm thơ thô cứng, lối suy diễn áp đặt , triết lý vụn. Rất mừng là Đào Khang Hải không bị sa vào kiểu thơ này. Ông vẫn nói được tâm trạng, vẫn chiêm nghiệm được cuộc đời qua ngôn ngữ, hình ảnh, nhạc điệu thơ có sức gợi. Bởi vậy mà bài nào cũng nhặt được đoạn hay, câu hay, tạo được ấn tượng cho người đọc.

Một tâm trạng xót xa của hoài niệm:

Ôi cái thời mười bảy mười ba

Em bỏ anh đi mà em chẳng nói

Giờ tuổi sao băng quay đầu nhìn lại

Vẫn bỏng yêu thương, vẫn cháy mong chờ

(Màu trắng trinh nguyên)

Một thoáng phân vân:

Chắc gì ai nhớ thương ai

Mùa xuân thì cứ rắc hoài mưa xuân

Để tôi lòng dạ tần ngần

Đời tôi hạnh phúc có phần ấy thôi?!

(Tình xuân)

Một day dứt bất chợt:

Trẻ hay già

Khôn - dại, dại - Khôn

có gì để lại???

( Ngẫm )

Một đêm mất ngủ:

Thức giấc rồi không thể nào ngủ lại

Nghĩ đường đời còn biết bao xa

Bao người ngủ, mỗi mình ta không ngủ

Cây đại già đêm thức vẫn đơm hoa.

( Mất ngủ)

Vậy đấy, những gì nhà thơ bộc lộ trong “Lặng thầm”- tập thơ thứ hai của mình. Một chuyển biến đáng mừng lắm. Được biết để có tập thơ này tặng bạn đọc. Đào Khang Hải không chỉ trở trăn trong cách viết, ông đã phải gắng gỏi xoay xỏa để có tiền xuất bản. Cũng may, hai cô con dâu và con gái đầu lòng của ông, thương bố hết lòng với Thơ, bảo nhau góp tiền biếu ông, lại gặp dịp con của bà chị gái từ Mỹ về biếu ông tờ trăm Đô nữa, nên ông có tập thơ “Lặng thầm” gửi bè bạn, và tôi có bài viết này tặng ông.

Mấy mươi năm chung tình với Thơ, làm bao bài thơ không nhớ hết, nay cố dồn dịch, chọn lựa ngót tám mươi bài in làm hai tập, vừa tặng bạn đọc vừa là trình với Làng Văn. Mới hay Nghiệp Văn Chương thật quá nhọc nhằn. Mong rằng cố gắng này của Đào Thi Nhân được ghi nhận, không bị uổng phí!

Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2016

P.N.C