Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT TRÁI HOẢ MÙ

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ sáu ngày 17 tháng 6 năm 2016 8:01 AM


Tạp bút 

Mượn được quyển sách có cái tiêu đề vô cùng hấp dẫn: “Trần Đức Thảo - Những lời trăng trối”, của hai tác giả Trí Vũ và Phan Ngọc Khuê. Vì đã biết tiếng tăm nhà triết học lừng danh này từ Paris về Việt Bắc theo Cụ Hồ đánh giặc giữ nước. Nên tôi mải mê đọc, để được hưởng thụ nghệ thuật văn chương, và tìm kiếm thông tin về người trí thức đáng kính này. Nhưng rồi càng đọc càng thất vọng, vì chẳng thấy nghệ thuật đâu, mà chỉ thấy toàn những câu chữ lủng củng, rườm rà, lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhất lả luôn luôn xuất hiện những dấu chấm than (!), những ba chấm lửng (…) và dấu ngoặc kép (“ =”) mà chức năng, tác dụng của hầu hết các dấu ấy lại sai không đúng với ý nghĩa của câu văn. Nhân vật thì mờ nhạt, nói năng bừa bãi vô tội vạ… Còn thông tin về một nhân sự nào đó thì họ cố ý đưa ra toàn những điều mà ai cũng biết cả rồi, để mảng thông tin đó làm “con cò mồi” đánh lừa lòng tin của bạn đọc khi họ bịa ta những thông tin xuyên tạc sự thật nhằm nói xấu, bôi đen ai đó. Như trường hợp của ông Trần Đức Thảo, về cuối đời nhiều bệnh tật, ông sang Pháp chữa bệnh, tác giả lại viết là ông sang Pháp để viết quyển sách quan trọng nhất trong đời ông. Vì ở trong nước ông luôn luôn bị giám sát, theo dõi không viết được. Nhưng sang Pháp không có tiền thuê nhà, ông phải ở nhờ Đại sứ quán Việt Nam và lại bị theo dõi…Tình tiết này vô lý, vì một người trí thức uyên bác như ông chẳng lẽ lại không lường trước được chuyện đơn giản đó?

Rôì khi đọc đến những điều sau đây, miêu tả một cuộc họp kiểm điểm rút kinh nghiệm sau phiên toà xét xử bọn địa chủ, ở trang 132 – 133, thì tôi mới thật sự tin là mình đã bị lừa:

“…Sau cả tiếng đồng hồ kiểm điểm, cán bộ chủ toạ hướng về chỗ đồng chí cố vấn:

- Bây giờ kính mời đồng chí cố vấn góp ý xây dựng cho công tác của chúng tôi.

Một cán bộ cố vấn đứng dậy, nhìn quanh đám người ngồi dưới ánh đèn như thể cố nhận diện vị trí từng người rồi nói lớn và cán bộ thông ngôn đứng sát sau lưng cũng dịch lại thật lớn tiếng:

- Rất tiếc là phiên toà đã không thành công. Đồng chí chủ toạ đã phân tích đúng những sai sót của mỗi người. Nhưng phải tìm hiểu tại sao tất cả đều có sai sớt như vậy? Lời giải thích nghiêm chỉnh là tất cả cái đầu của mỗi người tới hiện trường không nghĩ rằng đây là phiên họp của toà án! Không ai hiểu rõ đúng mục tiêu của phiên toà. Chính bây gìơ tôi hỏi từng đồng chí có mặt ở đây thì chưa chắc đã có được một lời đáp nhất trí! Mục đích của phiên toà cải cách ruộng đất có phải là để kết án tử hình mấy tên phản động, phản cách mạng ấy không? Không! Không phải thế đâu! Vì chúng ta có thể xử tử, xử bắn mấy tên âý dễ dàng bất cứ lúc nào, mà không cần phải triệu tập nhân dân đông đảo đến chứng kiến như vậy! Chúng ta họp phiên toà này chính là vì quần chúng nhân dân! Ta huy động họ tới tham dự, là để giáo dục, để dứt khoát biến quần chúng ấy thành quần chúng cách mạng…”.

“…Mọi người hồi hộp chờ cán bộ cố vấn nói tiếp:

- Hồ chủ tịch đã nêu gương quyết tâm thực thi nghiêm chỉnh chính sách cải cách ruộng đất bằng một thái độ, một hành động, một lập trường vô cùng sáng tỏ, đó là việc Hồ chủ tịch vừa mới đây, đã không can thiệp vào đợt xử đầu tiên trong chương trình cải cách ruộng đất, cũng ngay vùng Phú Thọ này, một tên địa chủ, một nhà giầu khét tiếng. Nhà giầu này là một đại địa chủ rất có thế lực. Y thị đã nêu rõ bằng chứng là có quen biết rất thân với tất cả các lãnh đạo ta, kể cả với Hồ chủ tịch. Chúng đã chạy chọt tới chính Hồ chủ tịch để xin can thiệp, và ai cũng nghĩ sẽ có sự can thiệp này. Chính Hồ chủ tịch nói là cũng rất muốn can thiệp, “nhưng vì Ủy ban cải cách đã quyết định thì chính cụ Hồ cũng không dám can thiệp”. Và tên nhà giầu Nguyễn Thị Năm này đã bị mang ra xử để làm gương. Dù y thị đã kể công lao là đã cất giấu lãnh đạo cách mạng, nào là đã quyên tặng cách mạng hàng trăm lạng vàng. Nhưng chính Hồ chủ tịch đã tuyệt đối tôn trọng toà cải cách. Đây là một mệnh lệnh của Hồ chủ tịch! Với lập trường cương quyết như vậy thì chính sách ccrđ sẽ thành công mĩ mãn. Hậu phương ta sẽ sạch bóng tàn dư phong kiến, thực dân, trước khi đất nước này được sạch bóng quân thù!

Kể xong cán bộ cố vấn ngồi xuống và nói tiếp:

- Vì vậy, nay chúng ta phải mang ra xử lại cho thật ròn rã, vang dội, để dập tắt mọi tư tưởng phản động trong đầu quần chúng. Phải làm cho tư tưởng phản động, phản cách mạng không bao giờ có thể bùng lên trong đầu mỗi con người nữa…”.

*

* *

Cải cách ruộng đất được mêệh danh là cuộc cách mạng “Long trời lở đất”. Nó như một vế đối (về mặt ý nghĩa) ngang bằng, tương xứng với chiến thắng Điện Biên “Chấn động địa cầu”. Là cố vấn của nước bạn sang giúp ta tiến hành cuộc cách mạng quan trọng như vậy, mà nói năng thiếu văn hoá, chính trị như thế thì ai tin đó là sự thật?

Thế rồi tác giả lại “sai” nhân vật cố vấn ca ngợi Hồ chủ tịch giữ vững lập trường thực thi chính sách cải cách ruộng đất, không can thiệp vào việc xử lý địa chủ Nguyễn Thị Năm, để thực hiện ý đồ của tác giả muốn người đọc hiểu rằng: Uỷ ban cải cách đã quyết định xử tử hình thì: “Chính Cụ Hồ cũng không dám can thiệp”. Nói như vậy là ông cố vấn không hiểu luật pháp nước sở tại. Hay chính là tác giả không hiểu luật pháp của nứơc mình đã quy định, án tử hình phải được Chủ tịch nước phê duyệt mới có hiệu lực thi hành. Mà người được quyền phê duyệt, đồng thời cũng có quyền bác bỏ cơ mà, sao lại bảo là “Cụ Hồ cũng không có quyền can thiệp”?

Về vấn đề này tại bài phóng sự: “Chuyện người phụ nữ từng bị xử lý oan” (báo An Ninh Thế Giới, số 1.349, ngày 12/3/2014), nhà báo Xuân Ba đã viết: Ông Lợi thư ký của ông Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức trung ương đã kể với ông rằng: “…Ông Thọ nghe ông báo cáo về gia cảnh các con bà Nguyễn Thị Năm rồi ngồi lặng đi hồi lâu. Bằng chất giọng rời rạc, khẽ khàng, ông Thọ như đang chắp nối lại kí ức đã quá vãng. Ông Lợi biết động thái hơi hiếm hoi của thủ trưởng, khi ông kể với người thư ký rằng chính Bác Hồ thời điểm đó đã thẳng thắn với các đồng chí cố vấn rằng người ta nói không nên đánh phụ nữ dù bằng một cành hoa huống hồ phát súng đầu tiên của cuộc cái cách ruộng đất lại nhằm vào một phụ nữ mà người ấy lại rất có công với cách mạng”.

Đoạn văn này cho người đọc hiểu rằng các cố vấn muốn xử bắn bà Nguyễn Thị Năm, nhưng không tán thành nên Bác Hồ đã nói như vậy. Đọc lướt đi thì đúng là thế, nhưng suy đi xét lại thì thấy câu nói đó rất vô lý. Vì các cố vấn là người nước ngoài, họ có biết bà Nguyễn Thi Năm là ai đâu, mà bảo rằng họ ép ta phải xử bắn bà ấy? Cho nên điều ông Thọ nói chưa chắc đã là sự thật. Hay không thể là sự thật được. Nhưng việc xử lý bà Nguyễn Thị Năm đã được tiến hành. Vậy do thế lực nào ép buộc. Câu hỏi đó hiện chưa có lời giải đáp. Chỉ biết rằng thời gian đó Bác Hồ đã gặp phải cảnh thương tâm, nan giải.

Nhưng cuộc cách mạng đấu tranh giai cấp, để thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”. Do chính Bác và Trung ương Đảng đã phóng tay phát động rồi. Cho nên: “Thương anh tôi để trong lòng/ Việc công tôi cứ phép công tôi làm”. Và tất cả những người nông dân nghèo khó đã hăng hái vùng lên như giông bão!...

Còn điều này nữa cũng hết sức vô lý, và lại buồn cười nữa, là: Trước cách mạng tháng Tám, nước ta có hai chính phủ cùng cai trị dân. Chính phủ phong kiến nhà Nguyễn, và Chính phủ Bảo hộ của thực dân Pháp. Cả hai chính phủ này đều không tuyển dụng phụ nữ làm quan chức, kể cả cấp cao nhất, đến cấp thấp nhất là làng xã. Người cầm quyền ở làng xã gọi là Chánh tổng (gồm một số xã), Lý trưởng quản lý một xa, (mà Từ Điển tiếng Việt gọi chung là “cường hào”) cũng đều là nam giới. Vậy bà Nguyễn Thị Năm làm quan chức cho chính phủ nào mà Đội cải cách ruộng đất quy thành phần cho bà là: “Tư sản, địa chủ cường hào gian ác”?

Tôi còn nhớ lời giáo viên giảng ở lớp học cải cách ruộng đất rằng: “Địa chủ cường hào gian ác có nhiều nợ máu với nông dân thì phải xử tử hình”. Như vậy kể cả trường hợp bà Nguyễn Thị Năm đúng là cường hào gian ác, nhưng không có nợ máu với nông dân thì cũng không bị xử tử hình cơ mà. Vậy tại sao và vì lý do gì mà bà ấy bị bắn? Điều hết sức vô lý và đầy bí ẩn đó, liệu lịch sử có tìm ra lời giải đáp không?...

Đến đây, xin phép độc giả, tôi xin mở ngoặc, (để thưa riêng với các nhà ngôn ngữ biên soạn Từ điển tiếng Việt rằng, nếu bảo họ chuyên áp bức bóc lột là phủ định chức trách của họ ở làng xã, là su thời, là bợ đỡ chính trị, làm sai lệch ý nghĩa của từ cường hào, bỏ qua tính khách quan, chân thực và độc lập của khoa học ngôn ngữ)

*

* *

Cuối trang 135 tập sách “Trần Đức Thảo - Những lời trăng trối” có dòng ghi chú: “Theo hồi ký của Trần Huy Liệu thì mấy năm sau gia đình bà Nguyễn Thị Năm đã nhận được tấm bằng liệt sỹ ghi rõ là bà đã hy sinh trong công tác ngoại giao”.

Ở chiến khu Việt Bắc thời gian đó từ cán bộ các cơ quan Nhà nước đến người dân, hầu như ai cũng biết bà Nguyễn Thị Năm là Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên, chứ bà có làm ở ngành ngoại giao bao giờ đâu? Chẳng lẽ nhà sử học Trần Huy Liệu lại không biết chuyện đó hay sao? Mà ngành ngoại giao, dù có phải đấu tranh với đối phương thì họ cũng chỉ “đấu khẩu”, tức là dùng lời lẽ, ngôn từ, chứ họ có sử dụng vũ khí nóng bao giờ đâu? Mà đã là lời lẽ, ngôn từ thì dù sắc bén đến đâu cũng không thể sát thương được. Vậy thì làm gì lại có chuyện nhà ngoại giao Nguyễn Thị Năm là liệt sỹ?

Hai ông tác giả (hay ông và bà) Trí Vũ và Phan Ngọc Khuê viết ghi chú khẳng định như thế. Vậy xin hỏi quyển hồi ký ấy được xuất bản ở đâu, thời gian nào?...

Nhà sử học Trần Huy Liệu, là danh nhân khai quốc, ông từng là Trưởng đoàn đại diện của Chính phủ cách mạng Lâm thời Việt Nam, vào Kinh đô Huế dự Lễ thoái vị của cựu hoàng Bảo Đại và nhận Ấn - Kiếm triều Nguyễn trao cho Chính quyền mới.

Báo Văn nghệ số 35+36 (ngày 29/8/2015) có bài: “Trần Huy Liệu - Danh nhân khai quốc”, nhà văn Ngô Vĩnh Bình đã viết: “…Trong hồi ký Trần Huy Liệu (1901 – 1969 – NXB – KHXH – 1991), ông có viết bài: “Xét lại hồ sơ giai cấp địa chủ”, một công trình nghiên cứu, nhằm dựng lại một sự thật lịch sử, đồng thời nhằm cống hiến một phần nào cho công tác sửa sai lúc bấy giờ…”.

Như vậy là hồi ký Trần Huy Liệu không có dòng nào viết bà Nguyễn Thị Năm đã hy sinh trong công tác ngoại giao. Tác giả tập sách Trần Đức Thảo viết ghi chú như vậy là hoàn toàn sai. Nếu nhà văn Trần Chiến, con trai cố sử gia Trần Huy Liệu cũng có dịp đọc tập sách này, rất có thể ông sẽ truy tố tác giả ra toà vì tội bịa đặt, vu khống.

*

* *

Con cá mực ở dưới biển, khi gặp nguy hiểm, lập tức nó hóp bụng lại khục lên một tiếng, đẩy mạnh tất cả bầu mực ở trong bụng nó vọt ra ngoài, làm cho cả một vùng nước biển đang trong xanh leo lẻo, bỗng đen rầm lại, rộng phải đến vài ba chục mét vuông. Khiến kẻ đi săn mồi hoảng sợ, mê cuống, vì chẳng nhìn thấy gì. Khi nó vượt thoát ra được khỏi vùng thuỷ mù, thì con mồi của nó đã biến mất tăm.

Bầu mực là một loại vũ khí tự nhiên, tạo hoá đã ban tặng cho con mực để nó tự vệ. Thứ vũ khí đó tuy không sát thương, nhưng đã hoàn toàn vô hiệu hoá khả năng tấn công của kẻ đi săn mồi.

Quyển sách: “Trần Đức Thảo - Những lời trăng trối” cũng như một trái hoả mù. Nhưng nó không nhằm mục đích để tự vệ như cái bầu mực của con cá mực, mà nó nhằm mục đích tấn công vào thị trường văn hoá, thông tin của xã hội. Cho nên cái tên tác giả ghi ở ngoài bìa cũng chỉ là một thứ hoả mù của tên mít, tên xoài nào đó đang ẩn mặt giấu tên. Và cả cái địa chỉ hết sức mơ hồ được ghi là: “Tổ hợp xuất bản miền đông Hoa Kỳ” cũng vậy, cũng chỉ là một thứ hoả mù. Nước Mỹ rộng lớn mênh mông, cách xa nước ta nửa vòng trái đất. Nếu muốn tìm cái địa chỉ xuất bản giả hiệu âý, thì chắc cả 100 năm cũng chẳng thấy cái tổ…quỷ ở đâu!

Rõ ràng đây là hành vi lừa đảo của kẻ xấu. Chúng muốn làm đảo lộn các giá trị giữa thật - gỉa, đúng - sai, tốt - xấu. Người bị bắn trong cải cách ruộng đất thành người hy sinh trong công tác ngoại giao. Người đi chữa bệnh thành người đi viết sách. Sách phải ra nước ngoài mới giám viết, thì nội dung sách tất nhiên là… “phản động”. Để ám chỉ tác giả là người xấu. Nhằm đánh tráo sự hiểu biết và lòng tin của người đọc.

Để minh bạch hoá thông tin, góp phần làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh hơn và an lạc hơn, những sản phẩm xuất bản “chui” như tập sách này cần phải loại bỏ./.

TP Uông Bí, ngày 10/10/2015

Tạ Hữu Đỉnh