Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KIM KỔ KỲ KUẶC KÝ QUẢ LÀ KÌ QUẶC

Minh Phượng
Thứ tư ngày 15 tháng 6 năm 2016 9:18 AM



TNc: Tôi nhận được bài viết về tiểu thuyết 5K (Kim kổ kì kuặc kí) của mình qua nhà văn Uông Triều. Cô sinh viên 21 tuổi này đang học Khoa Sáng tác của nhà văn Văn Giá. Cô bé viết cũng có chất phê bình lí luận theo nghề Mao Tôn Úc. Xin cám ơn cô SV và nhà văn Uông Triều.


Đây là tiểu thuyết thứ tư của nhà văn Trần Nhương (sau Cô gái ấy bây giờ (1990), Bến đỗ đời anh (1990)), Dòng sông không có đôi bờ 1997; tái bản năm 2005 . Nên khi có cuốn tiểu thuyết Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký, người đọc sẽ thắc mắc cuốn tiểu thuyết tiếp theo này có nội dung gì?

Là một cuốn tiểu thuyết khác hẳn với ba cuốn tiểu thuyết trước, Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký viết về nhân vật Mao Tôn Úc người phương Bắc làm nghề phê bình văn chương, do bản tính hay nói thẳng nên bị đánh đuổi. Ông bỏ sang Việt Nam và gặp không ít khó khăn do một lần bình thơ và sửa thơ cho Trượng Thượng. Được Nhương Tác Nghiệp giúp đỡ, che giấu và bỏ trốn. Mao Tôn Úc dong duổi khắp phía đất Nam, gặp nhiều người hiền tài, trượng nghĩa, nhưng cũng gặp không ít kẻ tham lam, đê hèn. Tiểu thuyết khắc họa rõ môi trường “bon chen”, nghèo nàn của giới phê bình văn chương hiện nay, khi mà “chê” thì bị “ghét”, “khen” lại được “trọng dụng”.

 

Một cuốn tiểu thuyết lạ. Lạ từ cái tên truyện cho đến nội dung. “Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký”, nghe cái tên đã thấy “kỳ quoặc”. Phải chăng nghĩa của nó là “chuyện kỳ quoặc từ thời cổ chí kim?”. Xét theo lĩnh vực phê bình văn chương cũng vậy. Cùng là một tác phẩm, tại sao tán thưởng thì được “ thiết đãi rượu thịt, thưởng vàng bạc”, chê bai thì lại “ chẳng được gì, lại bị xỉ vả”?. Câu hỏi này cũng là “cái nghiệp” chung của những người làm công việc phê bình văn học. Đó cũng là lý do khiến Mao Tôn Úc bỏ xứ sang nước người tìm kiếm sự trọng dụng. Và là nguyên nhân mở ra bao phen hiểm họa cho đấng văn nhân này.

Trần Nhương viết cuốn tiểu thuyết theo một trình tự nhất định. Câu chữ chứa đựng nhiều tính chất hài hước, hóm hỉnh, đan xem giữa cổ điển và hiện đại. Bên cạnh đó, nội dung mang nhiều chi tiết phi lý, nhưng phi lý một cách đầy thông minh, trí tuệ. Chau truốt tới từng con chữ, lời thơ. Cầm Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký trên tay, người đọc sẽ dễ dàng bị lôi cuốn với cách mở đầu giống như một thước phim cổ trang với lời lẽ gây cười, đôi khi là châm biếm. Phải nói rằng văn thơ của Trần Nhương không khác gì so với các nhà văn bây giờ, đều muốn làm mới thể loại tiểu thuyết, hiện đại hóa từ nội dung cho đến hình thức. Nhưng ở Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký lại độc đáo và độc lạ hơn. Sự độc đáo và độc lạ trong tiểu thuyết của Trần Nhương khiến người đọc no say, đã đời, hả hê với những tình tiết chân thực, sống động dưới một hình thức cực “ Tếu” . Trần Nhương cho các nhân vật lần lượt xuất hiện: ban đầu là giới thiệu về Mao Tôn Úc, sau đó là Nhương Tác Nghiệp, Trưởng Thượng, Kim Thánh Phán, Đàm Linh và một số nhân vật phụ khác. Sự xuất hiện của các nhân vật đều có lý do và một mối liên kết bám lấy nhau. Mối liên kết này lại được hình thành bởi một nhân vật chỉ được nêu tên chứ không có “ đất diễn” trong tác phẩm. Đó là Mao Tôn Cương “ đời nhà Thanh có tài viết những bài luận bình phê phán các pho trường thiên tiểu thuyết” là cụ tổ của Mao Tôn Úc. Bên cạnh đó, chính Trần Nhương cũng tự đặt ra câu hỏi ở mỗi chương , tạo sự kích thích cho người đọc để họ có thể lật sang trang mới để tìm hiểu những tình tiết tiếp theo.

Vì vậy, càng đọc Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký ta càng thấy hồi hộp. Liệu Mao Tôn Úc có thoát khỏi sự truy lùng của Trưởng Thượng? Tình yêu giữa Mao Tôn Úc và Đàm Linh liệu có bước tiến hay không? Các nhân vật Nhương Tác Nghiệp và Kim Thánh Phán rồi sẽ có kết quả ra sao?. Tất cả các câu hỏi được đặt ra, và nó là động lực giúp người đọc khám phá tiếp cuốn tiểu thuyết. Thông thường câu trả lời sẽ nằm ở phía trước, và mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ở phần kết của cuốn tiểu thuyết. Nhưng không phải cái kết nào của tiểu thuyết cũng thỏa mãn những câu hỏi đầy suy tư của người đọc. Chính vì thế, đến khi Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký khép lại, nó cũng kết thúc bằng một câu trả lời mờ ảo. Buộc người đọc phải tự suy nghĩ, lựa chọn cho riêng bản thân mình một cái kết xác đáng dựa trên những “tư liệu” đã cho.

Từng là giáo viên, là bộ đội, là nhà báo, họa sĩ,… Trần Nhương thể hiện mình là một con người rất am hiểu về lĩnh vực văn chương và đời sống tri thức cao. Cái tài của Trần Nhương thể hiện được ở vốn từ hán việt phong phú, ở câu thơ đa dạng nhiều triết lí khác nhau. Với sự sáng tạo dồi dào, Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký đem lại sự mới mẻ, trẻ trung, thể hiện một năng lực không tầm thường về sự ám ảnh của giới phê bình văn chương, khi mà “ lời thật thì mất lòng”.

Minh Phượng
Ảnh; Tác giả bài viết Minh Phượng