Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHỤ NỮ NHÌN TỪ TỨ PHÍA

Khiếu Quang Bảo
Thứ hai ngày 7 tháng 3 năm 2016 9:00 AM






Trong xã hội ngày nay và hiện tại, vấn đề nữ quyền và bình đẳng giới đã không còn là mối quan tâm đặc biệt. Mừng thì có mừng. Nhưng đôi khi nó lại cộm gợi một chút lo lắng cho giới nam nhi có vẻ như ngày một yếm thế.

 

Năm 2007 Đại biểu Quốc hội nữ chiếm 28%. Và bây giờ là 30%. Phụ nữ tham chính xây dựng thể chế và quyết sách quốc gia cho thấy nữ quyền đã ở đúng tầm. Tuy chưa nhiều nhưng đủ. Dự báo sẽ còn tăng về lượng và chất. Nếu có băn khoăn chỉ là vị trí của họ đa phần ở cấp phó rất ít ở cấp trưởng.

Nền giáo dục nhiều chục năm qua đã đào tạo ít nhất hai thế hệ phụ nữ có tài trí song toàn đọ vai ngang nam nhi. Nó làm thay đổi căn bản tương quan giới và nhận thức xã hội. Hãy dè chừng đừng coi phụ nữ là phái yếu.

Đành rằng thiên chức của người phụ nữ là “Tề gia nội trợ”. Không sai nhưng chưa đủ đầy. Phụ nữ có thể làm vua trị quốc đã từng có trong lịch sử.

Phụ nữ là phái yếu. Là yếu về sức lực. Chứ trí năng không thua kém gì phái mạnh. Xã hội ngày nay không thiếu phụ nữ làm khuynh đảo chính trường mà các chính trị gia mày râu nể trọng.

Công dung ngôn hạnh là nữ tính. Nam tử hán đại trượng phu là nam tính. Thuộc tính ấy là để phân biệt về giống.

Một thời chúng ta cất cao khẩu hiệu “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ”. Có lẽ trong sâu sa nhận thức luôn hoài nghi trí năng phụ nữ mà thực tế lại là bị xã hội kìm hãm vì ích kỷ có phần lo sợ bình đẳng giới sẽ làm lung lay vị trí “bề trên” của đàn ông. Đàn ông quen ở trên. Không quen ở ngang và không chịu được ở dưới. Phụ nữ bây giờ được ưu ái hơn nhiều. Nhỏ cũng là hơn đàn ông ba ngày lễ được tôn vinh dâng hoa và tặng quà. Đó là ngày Lễ Tình nhân, Ngày Phụ nữ Quốc tế mồng 8 tháng 3 và Ngày Phụ nữ Việt Nam. Nếu chị nào là giáo viên, nhà báo hoặc thày thuốc lại có thêm những ngày tôn vinh nghề nghiệp. Trong các vụ liên quan đến pháp luật, thì phụ nữ cũng được tòa án xử thiên về bảo vệ quyền lợi cho giới họ. Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) của thế giới, và Luật bình đẳng giới có hiệu lực từ mồng 1 tháng 7 năm 2007 đã cho thấy xã hội nhất nhất quan tâm tới phụ nữ mặc dù đôi khi chưa hẳn là trong tâm thức.

Ngay ở thiên chức “Tề gia nội trợ” trong quan niệm xưa thì người phụ nữ cũng đã có hàm “Nội tướng”. Cỗ bài tam cúc ngoài “Tướng ông” còn có cả “Tướng bà” song hành. Và trên bàn cờ “Tướng bà” chiếu thua được cả “Tướng ông”.

Song, người ta luôn nói vai trò làm vợ, làm mẹ là hai viên bích ngọc ngời sáng nhất gắn lên triều thiên đội trên đầu người phụ nữ. Thiếu, sẽ không còn là phụ nữ. Vậy là nổ ra tranh cãi vai trò người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Thật lý thú đa chiều nhưng không có mâu thuẫn đối kháng.

Tôi tham dự một Talk show trên kênh VTC HD1, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng mặc dù là Giám đốc một Nhà hát có cả một dàn diễn viên gái tài năng trẻ và đẹp mà ông còn có tâm tư: Tôi không còn trẻ nhưng cũng chưa quá già để không nhận ra cái đẹp ngoại hình của phụ nữ. Nhưng, khi người phụ nữ đủ mạnh và quá mạnh không cần đến yêu thương và hỗ trợ nhau, thì tôi xin sống một mình!

Trong khi ấy nữ Tiến sĩ Văn học Đoàn Hương lại cho rằng đàn ông quen ưa nhìn người phụ nữ đẹp kiểu như Kiều, gương mặt tròn tựa vầng trăng, tóc dài da trắng, gọi dạ bảo vâng. Bây giờ bỗng dưng xuất hiện người phụ nữ mạnh mẽ lái ô tô phân khối lớn, đi bốt cao cổ mặc váy ngắn, tham gia vào tất cả các sự kiện chính trị, văn hóa, ngồi ngang với đàn ông thậm chí lấn át cả đàn ông nên đàn ông các anh không chịu nổi.

Tôi không nghĩ Tiến sĩ Đòan Hương dễ dãi vị tha với thế hệ con cháu. Mà là bà nhận thức lại khi mà xã hội hiện đại ngày nay đã trở nên năng động khác thường.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang và họa sĩ Lê Thiết Cương tương ý cùng cho rằng lấy vợ là lấy một người phụ nữ. Người phụ nữ muốn chinh phục đàn ông thì trước hết họ phải là phụ nữ chính hiệu. Không thể có hai con người mang tính cách đàn ông sống chung trong một căn nhà.

Dẫu là thế, Tiến sĩ Đoàn Hương vẫn không lay chuyển chính kiến của mình, khuyến cáo đàn ông cần thay đổi cách nhìn người phụ nữ thời nay. Thời đại thay đổi rồi. Hãy làm mới khái niệm “nâng khăn sửa túi”. Một phụ nữ làm truyền thông dịu dàng như cô MC Khánh Ly đây mà đi vào xã hội năng động chắc chắn sẽ gặp trở ngại. Nhận được tin qua đường dây nóng lập tức cô phải cởi bỏ áo dài thướt tha bỏ guốc xỏ bốt mang thiết bị ghi hình và thu thanh tắp lự lên xe “vù” tới điểm đang diễn ra sự kiện. Trên đường chỉ kịp phôn vội cho chồng “nhớ đón con nhé”. Phải chấp nhận thôi. Cần sớm làm quen. Không ai không thích người phụ nữ đẹp kiểu như Kiều. Tuy nhiên nhan sắc phải cùng đi với trí tuệ. Đó mới là vấn đề.

Vấn đề ấy được đặt ra trong bài toán có phần đơn giản số học của Giáo sư Đặng Hùng Võ: Với người phụ nữ, giữ lại truyền thống bao nhiêu, và thêm cái tiến bộ xã hội theo thời gian bao nhiêu, là vừa, là hài hòa đẹp.

Vậy là vấn đề nhan sắc và trí tuệ của người phụ nữ đã trở nên nghiêm trọng. Chưa bao giờ như bây giờ các cuộc thi nhan sắc phụ nữ nở rộ khắp các vùng miền tổ quốc. Thi nhan sắc ngay từ tuổi 14. Nhan sắc cộng trí tuệ: Không phải là không có nhưng ít. Đa phần nhan sắc có mà trí tuệ thì ngắn, cực ngắn. Các phương tiện truyền thông đã phải giật “tít” kêu trời: “Loạn người đẹp”, “Người đẹp nhiều hơn người xấu”,“Mỹ nhân Việt đẹp người nhưng không đẹp nết”. “Người đẹp thì không thông minh rồi”, “Trí tuệ rùng rợn quá!”

Sự thể là trong một cuộc thi người đẹp có một thí sinh xinh ơi là xinh mà khán giả bình chọn qua tin nhắn rót ào ào vào cho cô. Nhưng khi thi đối đáp kể về quê hương, thì cô nói: “Em là người Hà Lội. Hà Lội đầu lão cả lước. Hà Lội có lăm cái hồ”. Rồi cô kể tên chỉ nhớ được ba.

Tương tự, một cô khác:“Quê em nhiều nước nhiều sông nhiều thuyền”, rồi: “Tên em là một loài hoa. Nhưng đáng lẽ em là một con chim cơ!”

Nhà văn Y Ban có một truyện ngắn “Thư gửi mẹ Âu Cơ”. Thư ấy là của một cô gái trẻ đã yêu hết mình mà quên giữ mình, mang thai trước hôn nhân. Bị bố mẹ mắng bắt bỏ. Bị thiên hạ dè bỉu nhìn cười. Cô viết trong trạng thái đau đớn bĩ cực trên giường bệnh, rằng mẹ Âu Cơ không công bằng. Sinh ra 100 con. Nhưng với 50 con trai mẹ cho họ đủ đầy tự do tỉ thí trải nghiệm với cuộc đời, lại còn phong họ là anh hùng cái thế. Còn với 50 con gái mẹ lại khắt khe. Qúa khắt khe. Yêu cũng cấm không được yêu quên mình. Nhà văn Y Ban nhân văn đấy nhưng cũng đầy tranh cãi.

Quy lại vấn đề bình đẳng giới phần lớn còn lại là nằm trong phân khúc gia đình. Được thể hiện dưới dạng vợ chồng thiếu tương tác. Nói đến đàn bà mà không nói tới đàn ông là vô lý. Người nước ngoài nhìn chê đàn ông Việt chất phong kiến cao mặc dù phong kiến Việt Nam đã kết thúc và báo tử từ năm 1945. Một hình ảnh từ siêu thị đi ra là người chồng miệng nhai kẹo cao su đi tay không bên cạnh người vợ khệ nệ địu con và xách túi đồ. Ông cựu Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng đã từng phải tổ chức đối thoại với những người chồng bạo hành vợ nơi thành phố ông cai quản một cách thẳng thắn truy tìm nguyên do để cùng giải quyết tận gốc. Và họ đã hiểu, viết cam đoan hứa với ông sẽ vứt bỏ bạo hành.

Mục “Nhỏ to chia sẻ” trên một tờ báo điện tử có đăng bài của một chị nhân viên văn phòng làm giới mày râu phải nghĩ ngợi. Chị viết: “Nấu bữa sáng cho anh ăn, mặc định là em. Đưa con đến trường, mặc định là em. Đón con - đi chợ - làm bữa tối. Cũng mặc định là em. Còn anh, tan sở đi quán xá nhậu nhẹt với bạn bè. Cũng là mặc định. Tuần sau em sẽ đi xa, cùng với bạn bè tới Hòa Bình tắm nước suối nóng Kim Bôi và trượt cỏ. Để xem em còn quan trọng với anh không trong cuộc sống gia đình thường nhật?” Khi hỏi nhà thơ Trần Đăng Khoa rằng anh có quỹ đen? Câu trả lời là “không”. “Vậy lấy tiền đâu nhậu với bạn?” Anh cười hơ hơ: “Cái đáng yêu của vợ tôi là ở chỗ đó. Nàng luôn luôn để trong cặp của tôi 5 triệu đựng cẩn thận trong một cái phong bì. Không tin cứ lục cặp mà xem. Đủ 5 triệu. Sau mỗi ngày đi làm về, vào lúc khuya trước khi lên giường, nàng ý tứ mở cặp xem còn đủ 5 triệu không. Thiếu bao nhiêu, nàng lặng lẽ lấy tiền trong tủ bù vào cho đủ phòng khi chồng cần dùng cho ngày hôm sau. Công việc ấy là mặc định.”

Nói đi cũng cần nói lại. Trong gia đình cũng có cả bạo hành ngược. Đàn ông tuy thế nhưng lại là đối tượng dễ bị tổn thương nhất vì cả tin và sĩ diện. Vũ khí mà phụ nữ dùng để bạo hành chồng là chiến tranh lạnh, nước mắt, nói dai, chuyện bé xé to, thậm chí lăng loàn và tìm đến công sở chồng gây chuyện. Có chị đuổi chồng ra khỏi nhà, không nấu cơm cho chồng ăn, người chồng về nhà mình mà như ở trọ. Thật sơ ý, người vợ đã không biết rằng hệ thống nhà nghỉ và quán cơm văn phòng mọc san sát trong thành phố. Sạch sẽ khang trang. Mời chào tha thiết “Welcome”. Mà “chất lượng phục vụ” ở những nơi đó lại…vượt bậc “chất lượng phục vụ” nơi nhà mình. Một cặp vợ chồng đến thăm tôi, chị vợ cười hớn hở khoe biện pháp quản chồng là quản chặt cái thẻ ATM thu nhập từ cơ quan chồng rót vào đó.

Tôi thì nghĩ: Cuộc sống hôn nhân phải mang ý nghĩa đồng hành của vợ và chồng. Bởi vậy người chồng mới dùng tới những mỹ từ dành cho người vợ đồng hành là: Người yêu, bà xã, hiền thê, bạn đời…hay “vợ đáng yêu” như nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Thiếu ý nghĩa đồng hành thì người vợ sẽ là bà quản gia, người mẹ già khó tính, nữ chúa đầy quyền uy. Hoặc ngược lại thì là vú em, người nô lệ, là ô-sin. “Hôm nay Mồng 8 Tháng 3 / Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi.” Câu thơ ấy phản ánh cuộc sống hôn nhân thiếu ý nghĩa đồng hành.

Trong hành trình cuộc sống hôn nhân hạnh phúc phải tạo nên sự đồng hành và cần giữ cho đôi bên vợ chồng có sự đồng hành. Không ai được đi trước và đừng để ai đi sau. Đi trước nhau, người đi trước dễ trở thành kẻ cả, người dẫn đầu. Cũng đừng đi sau nhau sẽ tạo nên mối quan tâm lo lắng cho người đi trước. Đi song song bên nhau cùng sánh bước. Triết lý sống này đem lại cho người phụ nữ một quan niệm sống bình quyền, nhưng cũng không tạo điều kiện cho người phụ nữ tiếm quyền. Mà nó lại thuận lợi cho cả hai dễ bày tỏ sự quan tâm của mình với nửa kia của họ. Lại không mặc cảm về sự thua thiệt và yếu kém trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Phụ nữ sẽ không trở thành người vợ tốt một khi thiếu đặc tính đồng hành trong đời sống hôn nhân. Tương tự cũng sẽ không đem lại cho chồng hạnh phúc trong quan hệ thường ngày. Sẽ thiếu tương tác cảm thông trong ngôn ngữ, cá tính, sở thích, thói quen khi đi bên nhau, ngồi cùng bàn ăn cùng bữa, thậm chí ngay cả trên giường ngủ. Bởi không đồng hành sóng bước, người đi trước nói, kẻ đi sau sao nghe, sao thông cảm. Và hơn thế, nếu cuộc sống hôn nhân thiếu ý nghĩa đồng hành, nó đồng nghĩa việc cần xem xét lại những vấn đề của nó: Thiếu sự tương kích đời sống hôn nhân, có nghĩa là không có điểm kết nối cho sự thỏa hiệp, nể trọng và suy tư mỗi cá nhân. Khi ấy hôn nhân trở nên nặng nề, gò bó, bị kiểm soát như một lề lối chính trị độc tài, chuyên chế, làm thui chột ý kiến thiện chí cùng những nỗ lực tích cực xây dựng cho hạnh phúc lứa đôi.

Người ta nói, đằng sau sự thành đạt của người đàn ông luôn có bóng hình người phụ nữ. Có thật thế không? Ta có hai không gian để sống: Gia đình và xã hội. Dẫu từ không gian bao la nào đó khi trở về nhà, ta chỉ là “con số 0” to đùng nếu không có một mái ấm gia đình hạnh phúc đang chờ đợi mình.

Người ta lại nói, đằng sau một người đàn ông thất bại cũng có bóng dáng một người đàn bà. Đàn bà coi trọng hiện tại hơn tầm chiến lược. Trong khi đàn ông nhìn xa mà không coi trọng hiện tại. Người đàn ông nghe đàn bà coi trọng hiện tại khiến tương lai mù mịt. Nhưng khốn thay người phụ nữ đã có tầm nhìn xa thì họ lại không thích đàn ông nữa vì trong máu họ đã có đàn ông rồi, việc có thêm một người đàn ông chỉ làm phiền phức cho họ mà thôi.

Nhưng nói gì thì nói vẫn không thay đổi được ý nghĩa đồng hành trong cuộc sống hôn nhân. Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn.

Giáo dục một người đàn ông được một gia đình.

Giáo dục một người phụ nữ thì được cả một thế hệ.

Tuy nhiên, đàn ông vẫn là người xây nhà, và người đàn bà luôn là người xây tổ ấm. Những gia đình có hôn nhân đồng điệu như thế, thì việc “Ông nấu hộ bà bữa tối cho ông” là tình nguyện hào hứng và vui vẻ, không chỉ là trong ngày Mồng 8 Tháng 3, mà cả trong nhiều nhiều ngày còn lại của năm mà không thấy chạnh lòng.