Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÂU RỒI “MÁK PÉM” NGÀY XƯA và...

Trần Vân Hạc
Thứ năm ngày 4 tháng 2 năm 2010 11:05 AM

Ai đã từng một lần lên xứ Thái Tây Bắc, đều không khỏi ngỡ ngàng trước một khung cảnh trời mây  non nước nên thơ và hùng vĩ, đậm chất hoang sơ, huyền thoại và lịch sử, đặc biệt là nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng rồi vẫn không khỏi băn khoăn: Sao những tinh hoa văn hóa tuyệt vời đến nhường kia cứ ngày một bị pha trộn, thậm chí bị lãng quên và có khi biến chất ?
Chỉ nói riêng bộ trang phục của người con gái Thái. Ôi! ít có bộ trang phục thiếu nữ dân tộc nào vừa trang nhã, vừa kín đáo, vừa tôn những đường cong tuyệt mỹ như vậy, đặc biệt là đôi hàng “mák pém” - cúc bạc hình bướm.
Áo mặc ngoài của người con gái Thái gọi là “xửa cỏm”.  Đây là áo dài tay được may bó sát người, dài vừa chớm tới vòng eo thon thả. Trên ngực áo thường là đôi hàng cúc bạc hình bướm. Một bên là hàng bướm đực, một bên là hàng bướm cái. Bướm đực có đầu hình tam giác, mang đôi râu kiêu hãnh vươn ra phía trước. Bướm cái đầu tròn, có lỗ nhỏ hình thoi ở giữa. Khi luồn đầu bướm đực vào đầu bướm cái, vạt áo được khép lại kín đáo. Hai hàng bướm như đang chụm đầu vào nhau trong vũ điệu giao duyên huyền ảo. Mỗi bước đi hàng cúc hình bướm long lanh sống động. Trong mỗi bước xòe, bướm bạc như bay lên trong điệu dân vũ. (Trên áo cỏm của con gái Thái còn có cúc bạc hình ve sầu, ở Mường Lò xưa thường mặc trong hội xuân chơi hang Thẳm Lé…). 
 Từ bao đời rồi người già vẫn kể cho con cháu nghe câu chuyện về khát vọng tự do hôn nhân của dân tộc mình: “Ngày xưa có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết, chàng trai giỏi làm ruộng nương và săn bắt thú rừng, tiếng khèn của chàng mỗi khi cất lên là núi ngàn và muôn loài đều rạo rực đắm say. Cô gái đẹp như bông hoa ban đương độ, vừa giỏi quay xa dệt vải, vừa có giọng hát hay tuyệt trần, mỗi khi cô cất tiếng hát là chim rừng cũng im lặng lắng nghe, vầng trăng cũng sà xuống trải vàng trên lá thắm. Song do chàng trai quá nghèo khổ nên cha mẹ nàng không gả cho chàng. Chàng trai quyết chí đi xa làm giàu, hai người hẹn thề son sắt. Năm tháng trôi đi biền biệt, ở nhà mẹ của chàng trai và người yêu mòn mỏi chờ đợi rồi lâm trọng bệnh, cùng qua đời một lúc. Từ nơi xa, như có linh tính mách bảo, chàng trai hối hả băng rừng vượt suối trở về. Chàng đau đớn khôn cùng, một tay nắm chặt vạt áo của mẹ, một tay nắm chặt vạt áo người yêu. Khi nắp quan tài đóng sập xuống, chàng trai vẫn không rời tay, mọi người đành cắt vạt áo của mẹ và người yêu của chàng. Trong tay chàng trai, hai vạt áo vụt biến thành cánh bướm sóng đôi bay vút lên trời”. Từ đấy mỗi người con gái Thái đều đính hàng khuy bạc hình bướm lên ngực áo, nơi trái tim mình để nhớ mãi mối tình sắt son chung thủy.
Ý nghĩa âm dương giao hòa để có một cuộc sống sinh sôi bất diệt được gửi gắm vào hàng khuy áo, nơi luôn được trái tim rực lửa yêu đương ấp ủ sao mà tinh tế và cao đẹp biết nhường nào!
Nếu ai am hiểu văn hóa Thái Tây Bắc sẽ thấy không chỉ trên đôi hàng “mák pém”, mà nghệ thuật trang trí, từ nhà cửa, thổ cẩm… mỗi hoa văn, họa tiết… đều rất coi trọng nguyên lý âm dương, ngũ hành chuyên chở khát vọng sống từ bao đời.
Xưa áo “cỏm” của con gái Thái thường chỉ dùng vải bông nhuộm chàm, hoặc mầu trắng (tùy theo đó là người Thái đen hay Thái trắng). Áo cỏm của con gái Thái đen bao giờ hàng cúc cũng đơm dầy xít nhau, con gái chưa chồng hàng cúc mang số lẻ như còn chờ đợi cặp đôi, con gái có chồng hàng cúc mang số chẵn chuyên chở hạnh phúc vẹn tròn. Nhưng bây giờ thì đủ mầu sắc, tay ngắn, vai bồng, hở cổ, hàng cúc chẵn lẻ tùy ý… Đành rằng khi xã hội phát triển, ảnh hưởng sự giao lưu các nền văn hóa cùng sự cách tân theo quan điểm thẩm mỹ của thời đại, không thể cứ nệ cổ. Nhưng với chiếc áo sắc mầu diêm dúa, thêm chút phấn son, các em như bước ra sân khấu, để rồi những du khách, những người Thái cao tuổi, đặc biệt là các nhà nghiên cứu không khỏi day dứt, tiếc nuối.
Người viết bài này khi thấy trên áo “cỏm” của các em gái Thái đen chưa chồng, cái thì mang hàng số chẵn, cái mang hàng số lẻ, tò mò hỏi về ý nghĩa đôi hàng cúc bạc, các em nhìn nhau lắc đầu cười: “Bấu hụ” - tức là không biết (!)
Ngày nay hoạt động du lịch đang đem lại một nguồn lợi chính đáng không nhỏ, có tác dụng như một đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế, văn hóa…. Song muốn lâu bền, phải chăng một trong những điều cần thiết là phải giữ được văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, thu hút được du khách ngày một đông hơn. Song làm thế nào để văn hóa dân tộc mãi giữ được cái hồn cốt riêng ấy?  Đó là câu hỏi lớn dành cho các cấp, các nghành chức năng có liên quan.
Các nước có nghành du lịch phát triển, cũng từng phải trả giá không nhỏ cho những điều tưởng như nhỏ nhặt kia. Song họ nhanh chóng biết rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời, bởi vậy tự thân các sản phẩm du lịch của họ, trong đó có văn hóa dân tộc, tỏa ra một sức hút đến say lòng du khách trong và ngoài nước. Cứ nhìn sang các nước láng riềng, mà khởi điểm của họ cũng như ta, chưa nói có những yếu tố tự nhiên và xã hội nhiều cái không bằng ta, vậy mà bao giờ chúng ta theo kịp họ?
 Và rồi đến bao giờ mỗi khi du ngoạn, thưởng lãm… những danh lam thắng cảnh, các vùng văn hóa… trở về, ta không còn phải trăn trở một câu hỏi giống như: “ Đâu rồi hàng mák pém” ngày xưa ?
 

CUNG BẬC “KHÂU XÌA PLỀNH”
 
Dân tộc Mông sống trên những triền núi cao Tây Bắc, có đến năm nghành khác nhau: Mông Hoa, Mông Đen, Mông Đỏ, Mông Trắng, Mông Xanh. Tuy có khác nhau một số nét trên trang phục và phong thục tập quán, nhưng lại có điểm chung là yêu thích nhảy múa, ca hát. Có thể nói tiếng hát với người Mông như cây xanh cần nước, như con người cần lửa muối.
Trong hội “Sài sán”, tức hội chơi núi đầu xuân; những lần gặp nhau qua mỗi phiên chợ; mùa gặt lúa trên nương; đám cưới… người Mông đều dùng tiếng hát làm phương tiện thể hiện tình cảm với nhiều thể loại: ‘Khâu xìa plềnh” - tình ca, “Già xông” - đón dâu, “Hcầu slẩu htâu” - thể loại chỉ dùng trong đám ma…
Người ta có thể hát thành lời, hoặc gửi qua tiếng khèn, kén lá, đàn môi…mỗi thể loại, mỗi nhạc cụ đều có những sắc thái biểu cảm độc đáo. Đặc biệt là những bản “Khâu xìa plềnh”, nồng nàn, say đắm. Phải chăng đó là sức lôi cuốn ở chất trữ tình, ở những cung bậc bất tận ở tình yêu và trong mỗi nhịp điệu tiết tấu giản dị, đã được những đôi trai gái thổi vào hơi thở của tình yêu chân  thật, trong sáng, nồng cháy như chính cuộc đời của họ.
Tình ca Mông có hành trăm bản được truyền từ đời này sang đời khác, cội nguồn là cuộc sống, tình yêu nuôi những bản tình ca bất diệt.
Ta hãy nghe chàng trai ngỏ lời với bạn tình:
Đêm nay đôi ta ngồi đã muộn
Gà gáy giục chín năm mười sáu tiếng
Đôi ta không có lòng thì thôi
Có lòng thì hãy mau cất tiếng lên giọng.
Lời ca như lời thủ thỉ tâm tình, chân thật, thẳng thắn. Song chỉ mới gặp nhau, chỉ nghe lời hát làm sao hiểu bụng nhau, bởi vậy cô gái không khỏi phân vân:
Giờ này trời đã về khuya
Sao đã lượn vòng đổi ngôi, sương phủ trắng
Em chỉ biết miệng anh nhưng chưa biết tim anh.
Người Mông sống giữa thiên nhiên hùng vĩ, những ngọn núi mờ sương cao vút trong mây, những con thác tung bọt trắng xóa, gió ngàn lồng lộng tiếng chim ca. Họ sống, lao động, yêu nhau giản dị, chân thành và mãnh liệt:
Yêu nàng anh yêu lắm, lòng anh yêu nàng
Say đắm lắm cô nàng ơi
Ra về thương nhớ vô cùng
Nhớ mãi ngày này năm sau…
 Chắc là đôi trai gái bén duyên nhau qua tiếng sét ái tình, làm cho đôi lứa thổn thức nhớ mong khôn nguôi:
Em về em không ngủ, em nằm mơ nhớ tiếng anh
Kìa là anh, anh về bên em
Anh đứng bên giường, em yên giấc ngủ.
Vị ngọt của tình yêu có sức hấp dẫn đến say lòng bởi những giai điệu nhẹ nhàng, tinh tế, da diết, bố cục gọn với nhịp điệu thay đổi diễn tả mọi trạng thái của con tim.
Khi đã hiểu và tin nhau, người con gái mạnh dạn tỏ bầy:
Đây là lời em dặn người yêu ơi
Hôm gặp nhau dối lòng hát rằng chỉ nhớ mẹ cha
Nhưng lòng em nhớ anh, bạn tình mong đợi
Người yêu ơi !
Rồi người con gái trao cho chàng trai của lòng mình chiếc khăn kỷ niệm:
Yêu anh em dệt khăn này
Lòng em nhớ người em tặng
Dù xa nhau bao tháng ngày, khăn bên người là em luôn bên anh
Người ơi !
Họ hẹn nhau:
 Em chờ đến ngày anh trồng lúa
Trồng xong nương ngô anh đón em về.
Tình yêu của họ nảy sinh trong cuộc sống lao động, hình tượng thơ giản dị, nhưng chuyển tải bao điều thầm kín, mộng mơ.
Song tình yêu đâu phải chỉ có vị ngọt, nhiều đôi lứa yêu nhau không lấy được nhau, họ phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã:
Vì anh đi xa em phải lấy chồng
Giờ chồng em không còn nữa
Đời em cực khổ vô cùng
Còn đâu ngày xưa…
Và hàng năm những mối tình không thành tìm đến với nhau nơi chợ tình Khâu Vai. Họ ôn lại những ngày xa tươi đẹp mộng mơ, để rồi khi chia tay như được tiếp thêm nghị lực, niềm tin yêu trong sáng:
Không được làm ruộng thì làm nương
 Không được làm vợ thì làm người tình
Trong phong tục hôn nhân của người Mông, người phụ nữ có quyền lựa chọ bạn tình. Sau khi hai bên trao đổi ý kiến và thống nhất, nếu đồng ý họ sẽ tổ chức “kéo tay”. Người con gái được “kéo tay” về nhà chồng, nếu ưng ý cô gái ở lại ba ngày đêm tỏ ý ưng thuận. Nếu không vừa ý, cô gái bỏ về, duyên sẽ không thành. Với dân tộc nào cũng vậy, hôn nhân tự nguyện là nền tảng của hạnh phúc. Cũng chính vì vậy, với người Mông họ luôn thẳng thắn bầy tỏ:
Tay em biết cầm kim khâu áo
Anh yêu em
Em yêu anh
Em không có lòng thì thôi
Có lòng thì về, ta ở với nhau một đêm
Tay em biết xe sợi chỉ đen
Em không có lòng thì thôi
Có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày…
Ôi  lời thơ sao mà đẹp đến thế, vừa mạnh dạn bầy tỏ, vừa tế nhị gửi vào đó những ước muốn về tài năng, đức hạnh của bạn tình…
Dân ca Mông với những bản “Khâu xìa plềnh” thật phong phú và đặc sắc, phản ánh tâm tư, ước nguyện vươn tới hạnh phúc vẹn tròn, thấm đượm tình người và tình đời, chắp cánh cho con người vươn lên, phấn đấu vì những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.