Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯƠNG QUÁ CHỊ TÔI

Dương Đức Quảng
Thứ tư ngày 16 tháng 9 năm 2009 4:54 PM
 
1. Có hai bài hát mang tên Chị tôi, một của Trọng Đài, lời thơ của Đoàn Thị Tảo, và một của Trần Tiến, mà tôi rất thích. Mỗi khi nghe hai bài hát này tôi cứ như bị ám ảnh và day dứt buồn. Tôi càng  nhớ tới chị tôi.
“Chị ơi! Rụng bông hoa gạo/Trời không nín gió cho ngày chị sinh…”, ca từ ấy của Đoàn Thị Tảo, giai điệu ấy của Trọng Đài và “Mộ chị tôi bé xinh đứng bên cầu lẻ loi/Mộ người chưa có chồng” của Trần Tiến, như là lời và nhạc của các tác giả viết về chị tôi. Chỉ có điều là chị tôi có chồng và mộ chị tôi không “bé xinh” như trong bài hát của Trần Tiến. Song không phải vì thế mà chị tôi có được số phận may mắn hơn các Chị tôi của Trọng Đài - Đoàn Thị Tảo và Chị tôi của Trần Tiến. Trái lại chị của tôi có số phận còn đau khổ, nghiệt ngã  và cái chết của chị tôi chắc thảm thương hơn cái chết của Chị tôi trong bài hát của Trần Tiến.
Đó là người chị kề trên tôi mà tôi yêu quý nhất.
Tôi và chị tôi cùng sinh trong một năm âm lịch, người đẻ đầu năm, người sinh cuối năm, nghĩa là gần nhau còn hơn cả khoảng cách của “trứng gà, trứng vịt” mà người ta thường nói! Năm mẹ tôi 32 tuổi thì bị bệnh đột ngột, bỏ 7 anh chị em chúng tôi ra đi. Lúc đó chị đầu tôi 13 tuổi, chị kề tôi hơn một tuổi, còn tôi đang ẵm ngửa, chưa đầy 5 tháng tuổi. Chị gái của bố tôi thương các cháu, quên cả chuyện chồng con, đưa 7 anh chị em chúng tôi về nuôi, để cha tôi yên tâm lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Dần dần các anh chị lớn của tôi trưởng thành, người đi lấy chồng, người đi công tác, người được đi học nước ngoài, chỉ còn hai chị em út ít chúng tôi là được ở với bác gái tôi lâu nhất. Tuổi của hai chị em tôi gần như giống nhau, cùng ăn, cùng chơi, cùng học một lớp, cùng chành choẹ với nhau đủ điều…Nếu có gì khác, chỉ là tôi được bác tôi yêu hơn, chiều chuộng hơn bởi vì tôi là con út!
Năm 1954, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cha tôi về thủ đô Hà Nội, hai chị em tôi được về ở cùng cha. Chúng tôi cùng học ngang một lớp ở Trường Phổ thông cấp I Ngô Sỹ Liên, Trường Phổ thông cấp II Trưng Vương, Trường Phổ thông cấp 3B Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Những năm ấy lương của một cán bộ ngành giáo dục của cha tôi chỉ có vài chục đồng mà phải lo nuôi hai con nhỏ, lại còn chuyện anh chị em, họ hàng, giỗ tết…, nên rất eo hẹp, nhiều lúc túng bấn. Chị tôi thương cha, lại được một người bạn thân rủ rê, giấu cha, ngoài giờ học, trong lúc cha đi làm, kéo tôi đi bán sách báo dạo, hy vọng kiếm thêm chút tiền đỡ đần cha trong những lúc túng thiếu. Được vài tháng, tiền bán sách báo được bao nhiêu tôi đều giấu chị tôi, ăn quà hết sạch, đến khi hiệu sách đòi tiền không có! Chị tôi giận quá, mắng em rồi lại thương em, ôm tôi khóc! Cho đến một ngày xảy ra tai nạn bất ngờ, khủng khiếp đối với bạn gái chị tôi, người rủ chúng tôi cùng đi bán sách báo. Trong một lần tưới cây ở trên sân tầng 2 của ngôi nhà 80 Thợ Nhuộm, nơi bố chị là Phó Giám đốc Sở giáo dục Hà Nội làm việc ngày ấy, chị bị trượt chân ngã xuống sân xi măng ở tầng 1, chết tại chỗ! Chị tôi quá đau buồn và hoảng sợ không còn tâm trí đâu để tiếp tục đi bán sách báo nữa. Chúng tôi phải thưa thật với cha, để cha lo tiền bán sách báo mà tôi đã tiêu hết để trả hiệu sách. Thế là, không những không đỡ đần được chút nào giúp cha, chúng tôi, nhất là tôi, còn làm cha tôi lo buồn thêm và túng bấn thêm.
 
Ở vào tuổi trăng tròn, chị tôi không thật đẹp, nhưng cũng ưa nhìn, tính tình vui vẻ, ham thích thể thao, văn nghệ, có giọng hát khá hay, lại luôn xởi lởi, thương yêu, giúp đỡ mọi người nên được bạn bè và mọi người quý mến. Năm đang học dở dang lớp 9 của hệ phổ thông trung học 10 năm, nghe theo tiếng gọi của Đoàn thanh niên đi tham gia xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá miền núi, lại được những lời thơ hào sảng trong bài thơ Lên miền Tây của Bùi Minh Quốc thúc giục, chị tôi bỏ học, xung phong đi xây dựng khu công nghiệp Việt Trì, sau đó trở thành công nhân Nhà máy Miến - Mỳ chính trong khu công nghiệp này. Cha tôi muốn chị tôi học hết cấp 3 rồi hãy đi làm, nhưng không được. Dẫu thương con vất vả, gian khổ nhưng cha tôi đành chiều theo ý con gái, để con gái lúc đó mới 17 tuổi xa nhà.
Trở thành công nhân Nhà máy Miến-Mỳ chính Việt Trì, chị tôi tích cực làm việc, hăng hái tham gia mọi phong trào thi đua của nhà máy, ít lâu sau được vào Đảng, là chiến sỹ thi đua nhiều năm liền, được chụp ảnh và đưa lên Báo ảnh Việt Nam; là niềm tự hào của cha tôi, của cả anh chị em chúng tôi.
 
2. Học xong Trường Đại học Tổng hợp, tôi về Thông tấn xã Việt Nam, suốt tám năm trong chiến tranh làm phóng viên mặt trận, từ Quảng Bình, Vĩnh Linh đến Quảng Nam, Đà Nẵng, rồi Phú Yên, Khánh Hoà. Những năm tôi xa nhà, xa chị, chỉ biết tin chị tôi đã lấy chồng, là công nhân Nhà máy Hoá chất Việt Trì. Khi đứa con trai đầu của anh chị tôi được hơn một năm, theo “tiền tuyến gọi”, anh rể tôi nhập ngũ, làm lính của Sư đoàn 10, cũng biền biệt bao năm xa nhà, chiến đấu từ Tây Nguyên đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn. Khi được phục viên trở về, anh rể tôi mang theo những vết thương từ chiến trường về làm quà cho chị! Rồi anh chị tôi sinh thêm hai cháu, giữa thời kỳ khủng hoảng kinh tế, xã hội của đất nước, cuộc sống vô cùng khó khăn, gian khổ. Về nhà, anh rể tôi lại ham mê xổ số, đề đóm và rượu chè, nhiều khi cứ như người ở đẩu ở đâu, chẳng giúp được gì cho vợ nuôi con nhỏ. Đời công nhân vất vả, quanh năm ca kíp, thi đua, đồng lương lại còm cõi, chẳng đủ nuôi nổi 5 miệng ăn, chị tôi tranh thủ ngoài giờ đi làm và ngày chủ nhật là chạy chợ để kiếm thêm chút rau muối cho hai bữa ăn. Nhiều hôm chị tôi chầu trực từ 3, 4 giờ sáng để mua ma – gi, xì-dầu “kế hoạch 3” của nhà máy, rồi đạp xe hàng chục cây số đến các chợ làng, chợ xã ở vùng nông thôn quanh thành phố Việt Trì bán. Bán xong, lại tất tưởi đạp xe về nhà để kịp đi làm ca, làm kíp. Khi nhà máy không còn sản phẩm “kế hoạch 3” bán nữa, chị tôi lại xoay sang bán bún. Cứ 3, 4 giờ sáng là chị tôi thức dậy, nấu cơm cho chồng và các con, đem theo phần cơm trưa của mình rồi tất tả đạp xe đến lò làm bún, mua vài thúng bún đem đến các chợ bỏ cho hàng ăn và không quên đèo một, hai thúng bún về chợ gần nhà bán lẻ. Có lần tôi lên thăm chị, ra chợ đúng lúc chị đang ăn trưa, nhìn bát cơm nguội chị ăn, chỉ có chút cá khô, mấy cọng rau muống luộc với bát nước rau, cổ tôi cứ nghèn nghẹ, nước mắt cay sè. Miệt mài và âm thầm kẽo kẹt như thế mà chị tôi nuôi nổi chồng con, cho hai đứa con sau học đến nơi đến chốn, cháu gái thứ hai còn đỗ đại học điểm cao; lại còn lo làm được một căn nhà cấp 4 lợp ngói làm nơi trú ngụ cho cả gia đình.
Khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, con trai đầu của anh chị tôi lại lên đường nhập ngũ, ra chốt ngoài biên ải. Thế rồi cũng như bố trong chiến tranh chống Mỹ, cháu bị thương, chỉ có điều bị thương nặng hơn bố, là thương binh hạng có tiêu chuẩn người chăm sóc. Chị tôi lại thêm gánh nặng đè vai, làm cả nhiệm vụ của người hộ lý chăm sóc hai thương binh của nhà, là chồng và con trai!
 
3. Năm con trai đầu của tôi thi đỗ đại học,vợ chồng tôi đưa cháu lên thăm các bác và các anh chị, cũng là để báo tin vui và để các bác mừng cho cháu, động viên cháu trước khi cháu nhập học.Lên tới nhà, tôi thấy chị tôi đang khóc, mắt đỏ hoe; còn anh rể tôi và các cháu buồn thiu, ngồi trong góc nhà. Phải đến mươi mưòi lăm phút sau chị tôi mới ngừng khóc, sụt sùi kể với vợ chồng tôi về nỗi khổ của mình. Anh rể tôi do ham chơi lô đề, chơi xổ số và ham rượu chè, tiền bạc không có, đã giấu chị tôi đem giấy tờ nhà nhờ bạn bè thế chấp ngân hàng để vay tiền thoả mãn lòng ham muốn của mình. Đến nay không có tiền trả nợ, ngân hàng thông báo sẽ giữ căn nhà thế chấp để phát mãi thu lại tiền cho vay, nguy cơ cả nhà mất chỗ ở. Còn cháu trai lớn, sau khi bị thương về nhà không có việc làm, những ngày nằm quân y viện phải tiêm moóc-phin, một loại thuốc giảm đau quá nhiều, nên người cứ ngây ngây ngất ngất, cộng thêm chuyện buồn phiền của bố sinh ra uống rượu, hai mắt lúc nào cũng đỏ ngầu, để râu, để tóc đến quá vai, ai nhìn cũng sợ!
Vợ chồng tôi không ai bảo ai, chẳng còn nghĩ đến chuyện vui của con mình, nói luôn với chị:
- Chúng em có chút tiền gửi tiết kiệm, chắc cũng gần đủ số tiền anh vay của ngân hàng, sẽ rút ra để anh chị lo trả nợ, cố giữ lại căn nhà để ở. Còn cháu - vợ tôi chỉ vào cháu đầu của anh chị, ngày mai về với cậu mợ, mợ sẽ bảo cậu lo tìm việc làm cho cháu. Chỉ có điều, trước khi về cháu phải cắt tóc, cạo râu, không để tóc râu dài như thế!
Thế rồi chị tôi cũng qua khỏi cái đận tưởng chừng cửa nhà tan nát ấy, về nghỉ hưu lại tiếp tục kẽo kẹt chạy chợ, bán bún lo có đủ tiền trả nợ những người cho vay! Còn anh rể tôi thì vẫn vậy, vẫn “vô tư’ như ngày nào. Cháu lớn của anh chị tôi về ở với vợ chồng tôi mấy tháng, tôi xin cho vào làm bảo vệ ở một công ty, thu nhập cũng kha khá. Nhưng rồi khi có tiền, bị bạn bè xấu rủ rê, lại thiếu tự kiềm chế, cháu xin ra thuê nhà ở ngoài, không ở cùng câụ mợ, bắt đầu những ngày ăn chơi, tụt dốc. Chẳng những không mang được đồng tiền lương nào về nhà giúp mẹ nuôi hai em ăn học mà trái lại, thỉnh thoảng cháu còn về nhà bòn rút tiền chợ của mẹ. Tưởng rằng qua cơn bĩ cực thì chị tôi được an nhàn một chút, nào ngờ chị tôi vẫn khổ như xưa, có phần lại còn khổ tâm hơn!
 
4. Một ngày giáp Tết năm 1999, chưa đến 5 giờ sáng tôi đã nghe thấy điện thoại của nhà tôi đổ chuông liên hồi. Vừa áp tai vào ống nghe, tôi thấy tiếng anh rể tôi nghẹn ngào báo tin: chị tôi vừa mới mất lúc rạng sáng ! Tôi không còn biết gì nữa, cứ như người mất hồn, đánh thức vợ con dậy, nước mắt đầm đìa. Cả nhà tôi tức tốc bắt xe lên Việt Trì. Tới nơi đã thấy chiếc quan tài quàn chị tôi nằm giữa nhà, xung quanh là anh rể tôi, các cháu và các anh chị khác của tôi cùng các cháu con các anh chị cứ ôm nhau khóc. Cái chết của chị tôi thật là oan nghiệt, tức tưởi. Bốn giờ sáng, như thường lệ, chị tôi đến lò làm bún nhận hàng, chở xe đạp theo đường Hùng Vương, con đường lớn nhất thành phố Việt Trì, chỉ đi một chiều hai bên, có giải phân cách ở giữa, mang về chợ bán. Khi chị tôi đến gần ngã tư gần nhà thì có một chiếc xe chở khách từ chiều ngược lại từ làn đường bên kia đi đến. Nhìn thấy khách vẫy xe, lái xe của chiếc xe khách này bất chấp luật lệ, cho xe tạt ngang sang đường ngược chiều để đón khách, cứ thế xe đâm thẳng vào chị tôi, bánh xe trước cán ngang người chị. Chị tôi chết tại chỗ, chiếc xe đạp nát tan, thúng bún vương vãi khắp mặt đường. Ai cũng đau lòng trước cái chết thảm thương, oan nghiệt, tức tuởi của chị tôi.
 
Năm 2003, vợ chồng tôi lại lên giỗ chị. Chúng tôi ra thắp hương trên mộ chị đúng vào buổi chiều mùa đông giá lạnh, gió bấc thổi về như cắt da cắt thịt. Về nhà suốt đêm tôi không ngủ, cứ trằn trọc, thao thức mãi rồi trong đầu bật ra những câu thơ về chị, nhớ thương chị da diết. Những câu thơ ấy  như tiếng lòng tôi khóc gọi chị về với chúng tôi:
 
Chị ơi   
 
Thế là đã mấy năm rồi
Tại hoạ ập đến, chị tôi không về
Bây giờ nằm dưới mộ kia
Chị ơi, giá lạnh đang về cuối đông…
Hai mươi tuổi chị lấy chồng
Mười năm chiến trận chị mong từng ngày
Anh về chợt tỉnh, chợt say
Ba đứa con dại một tay chị chèo
Cuộc đời biết mấy gieo neo
Đầu tắt mặt tối đói nghèo đâu tha
Lưng bát cơm nguội gọi là
Tối ngày sấp ngửa chợ xa chợ gần
Thức khuya dậy sớm tảo tần
Buôn thúng bán mẹt một thân một mình.
Với chồng vẹn nghĩa trọn tình
Với con thơ dại hy sinh cả đời
Không lời ta thán, chị ơi
Quanh năm chẳng biết nghỉ ngơi một ngày…
Hỡi ôi, trời đất có hay
Trách ai đây, những đắng cay phận người!
 
Chiều nay trước mộ chị tôi
Khói hương thầm gọi, chị ơi, chị về
Trời đừng giá lạnh thế kia
Sương đừng xuống nữa cho tê tái lòng
Chị ơi, em chỉ cầu mong
Bây giờ chị được thong dong  cùng trời
Cho bao vất vả trên đời
Đừng theo chị nữa về nơi vĩnh hằng.
   
 
Thế là chị tôi mất đã được mười năm. Mười năm ấy gia đình chị tôi có biết bao thay đổi. Nếu theo như lời các nhà ngoại cảm nói thì, cũng như nhiều người ở cõi âm, chị tôi vẫn biết, vẫn theo dõi từng biển đổi ở cõi dương này. Chắc chị tôi sẽ rất vui khi biết con gái thứ hai của chị đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định, có chồng con hạnh phúc, Cháu là đứa con ngoan nhất nhà, giữ được những đức tính mà mẹ cháu để lại, cần cù, chịu thương chịu khó, hết lòng với chồng con và mọi người. Còn con trai út của chị cũng đã vào bộ đội, cũng đã có vợ, có con, chỉ có điều tính tình và nghị lực thì không thể bằng mẹ, bằng chị gái. Còn anh rể tôi, từ sau ngày chị tôi mất, mất cả trụ cột trong nhà, nên cũng có phần lo lắng cho các con.
Có một điều, nếu chị chưa biết thì ngàn lần tôi phải xin lỗi chị tôi, xin giấu chị điều này kẻo chị biết chị sẽ buồn thêm. Cháu lớn của chị vẫn không khá lên được, trái lại càng ngày càng đổ đốn. Đi làm được mấy năm thì nghiện ma tuý, bị cơ quan phát hiện cho nghỉ việc. Về nhà, chứng nào tật ấy, lại dấn sâu hơn vào con đường nghiện ngập, đến mức bây giờ ở tuổi ngoài 40 vẫn không vợ con, đang phải ngồi bóc lịch trong trại giam vì tội nghiện hút và tàng trữ ma tuý.
Người ta bảo ở hiền thì gặp lành, nhưng chị tôi ở quá hiền mà lại không gặp lành. Có lẽ đúng như một ai đó nói, mỗi gia đình đều có một người gánh kiếp nạn cho cả nhà. Chị tôi là một người như thế. Chị đã gánh kiếp nạn cho tất cả chúng tôi, nhận vào mình tất cả khổ đau, thua thiệt để đến bây giờ, về cõi vĩnh hằng rồi có lẽ chị vẫn chưa được thanh thản và thong dong cùng trời như lời ước nguyện của tôi. Nghĩ đến chị, nhớ chị, tôi lại thấy buồn. Bởi vì, nếu quả thật người cõi âm vẫn biết cả mọi chuyện thì lời cầu mong của tôi “Cho bao vất vả trên đời/Đừng theo chị nữa về nơi vĩnh hằng” chắc gì đã nghiệm vào chị tôi!
 
Thương quá, chị tôi!
 
Nguồn: Báo ANTG giữa tháng 9-2009