Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG CHUYỆN SAU- VẾ ĐỐI ( II ) CHUYẾN ĐI TÌM ÔNG NGÔ THI

Lê Bá Hạnh
Thứ tư ngày 16 tháng 9 năm 2009 7:36 PM
 
“... Chiếc xe máy đạp không nổ, bây giờ đun mãi cũng không nổ…” mà trong đầu tôi cứ mơ đến chiếc xe “Cúp” bóng loáng, êm ro, lướt nhẹ như bay trên đường... Nhắc tôi tìm đến ông Ngô Thi tác giả bài báo đã công bố giải thưởng. Thực tình, tôi chỉ muốn gặp được những lão làng thi ca để nghe những lời chỉ bảo cho sáng mắt mà thôi...
 Lên Hà Nội, nhớ ngay đến Phạm Phi Châu là Sếp nhiều năm, nhưng ông coi tôi như bạn, dù tuổi tác quyền năng hơn hẳn mấy cái đầu...
 Cuộc gặp gỡ bất ngờ, không làm ông bối rối mà mừng vui ra mặt:
 -Ông đến đúng lúc lắm! Anh em ngoài Hạ Long mời chúng ta về chơi - cầu Bãi Cháy mới khánh thành - Mai có xe đến đón- Có cả Hoàng Công Luận, Lưu Yên và Nguyễn Yên cùng mấy sinh viên mỹ thuật, toàn người nhà cả... chuyện ông Ngô Thi tôi có nghe đang ở ngoài đó thăm con, ra đó hỏi Mai Phương, Trần Chiểu là ra hết!
 Ngày hôm sau, tôi yên tâm ngồi trên xe lướt nhẹ như bay. Hoạ sĩ Hoàng công Luận ngậm ngùi: “Giá có Nguyễn Anh Thường, Bùi Quang Ngọc nữa thì tốt biết bao nhiêu?” ông nghĩ đến năm chục năm trước tình nguyện về mỏ xúc than, đun xe goòng “…leng keng lạch cạch…” theo lời kêu gọi của Bộ Văn Hoá; nhà thơ Cù Huy Cận, hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung dẫn đầu. Thời gian sau các văn nghệ sĩ lần lượt về Hà Nội làm việc, riêng hoạ sĩ Hoàng Công Luận ở lại gần hai mươi năm, vận động thành lập Hội Văn Học Nghệ thuật Tỉnh, xây dựng phong trào Mỹ Thuật Vùng Than lớn mạnh.
 Mấy chục năm xưa, Sở Văn Hoá, Đài Phát Thanh, Báo Vùng Mỏ ở liền nhau trong phố Bến Đoan, toạ lạc những ngôi biệt rất đẹp: có tường rào sắt hoa leo, vỉa hè có hàng phượng vĩ đỏ rực như cờ, bước qua kè đá là bàn chân đặt xuống  nước trong xanh của Vịnh Hạ long thơ mộng, liền đấy là nhà ăn tập thể “Liên Cơ” suất ăn thanh đạm nhưng mặn nồng tình nghĩa sẻ chia chịu đựng nên vui vẻ vô tư. Đĩa cơm độn ngô cao có ngọn, vàng ươm thành duyên cớ để bàn luận, những “tao nhân mặc khách” ăn xong vẫn ngồi nán lại, có thể hóng gió biển, có thể ngắm cù lao ngoài Vịnh và có thể ngắm cô cấp dưỡng tên Bẹ xắn quần áo ngồi rửa bát, lau bàn... Và nói chuyện với nhau liên miên trên trời dưới biển rồi đến thơ Hồ Xuân Hương , Đoàn Thị Điểm rồi câu đối chơi chữ, tai ác: “Da trắng vỗ bì bạch” làm đỏ mặt bao văn nhân. Lúc này nhà thơ Trinh Đường đã viết xong từ cuối của trường ca “Bạch Đằng...” nên thanh thản bật ra câu xướng đối: “ĂN CƠM NGÔ, NGẮM BẮP BÀ BẸ”. Hoạ sĩ Hoàng Công Luận nhắc lại kỉ niệm đẹp đẽ ngày xưa, làm mọi người cùng tiếc nuôí. Câu xướng đối tính đến nay gần nửa thế kỷ mà chưa có câu nào trọn vẹn, chỉnh chu được chấp nhận... Một hoạ sĩ trẻ, mặt còn đỏ hơi bia nhưng vẫn dè dặt lên tiếng: “UỐNG CỐC TAI, SỜ NHĨ BÁC THÍNH” có được không ạ!...
 Mọi người cười ồ lên, hoạ sĩ Nguyễn Yên phản đối: “ Vế đối đã không chuẩn lại sai thực tế nữa: “sờ nhĩ” thì ai mà làm được. “Uống cốc tai, ngửi thính cô Nhĩ” lại đi một nhẽ.(?)
 -“HÚP CHÁO LÒNG , SỜ BỤNG CHỊ TÂM” Một bạn trẻ khác phát biểu ý hơi “thô” nhưng cũng được.  Bác Nguyễn lên tiếng: “UỐNG RỰƠU GẠO, SAY LÚA NÀNG HƯƠNG” Thấy chưa hay, bác sửa lại “UỐNG SỮA ĐẬU, CƯA ĐỔ CÔ VE”. Đối ý đối lời như thế vẫn chưa thích...
 Hoạ sĩ Lưu Yên nguyên thư ký toà soạn tạp chí Mỹ Thuật thong thả nói: “Các bạn vừa qua Dốc Đỏ thăm trang trại nuôi dê của ông Dương, uống rượu đó thôi, vế đối của tôi là: “UỐNG RƯỢU MÙI, SỜ DÊ ÔNG DƯƠNG” Con dê đầu đàn các anh sờ nắn nó đến khiếp sợ là gì
 Mọi người vỗ tay ầm ầm một sự kiện còn tươi nguyên đã được ứng đối rất nhanh. Hoạ sĩ Hoàng Công Luận người anh cả gật gù: “Uồng rượu Mùi- Mùi cũng là dê” Ý đối ý , lời đối lời như thế thật hóm hỉnh...
  Một hoạ sĩ trẻ nói mạnh mẽ: “ĐẾN CỬA KHẨU, NGỬI MỒM CÔ MIỆNG”  Hoạ sĩ Nguyễn Yên trầm ngâm suy ngẫm: “Thế hệ chúng ta chỉ ngồi từ xa ngắm bắp chân bắp tay bà Bẹ nhưng bây giờ tụi trẻ chưa chi đã ngửi mồm ngửi miệng thì ghê thật. Anh hoạ sĩ trẻ vội chữa lại: “ĐẾN CỬA KHẨU, GIỮ MỒM GIỮ MIỆNG” nghiêm chỉnh chưa thưa bác!
  Bước lên cầu Bãi Cháy hoạ sĩ Hoàng Công Luận tỏ ra luyến tiếc con đò gỗ, căng buồm lướt nhẹ trong đêm trăng thơ mộng. Và những chuyến phà trong khói lửa chiến tranh phá hoại, thật oai hùng oanh liệt... Những ngày đó đã lùi vào dĩ vãng. Và bữa cơm độn ngô cũng không bao giờ quay lại...
 Hoạ sĩ Phạm Phi Châu nguyên là Tổng Giám Đốc công ty Cơ Khí Mỏ gần bốn mươi năm ở đây, khi nghỉ hưu mới trở về ngôi nhà của cha mẹ ở Hà Nội, ông đọc vanh vách những những thông số kỹ thuật vĩ đại của cái cầu này, thật đáng khâm phục, thoả lòng mong ước  bao thế hệ. Đèn sáng trên cầu, trên đường, trên hàng loạt nhà cao ốc, rất nhiều tàu lớn buông neo chờ vào Cảng và ngàn vạn ngọn đèn lung linh soi trên dòng Cửa Lục. Một hoạ sĩ xúc động nói to lên như nói với chính mình: “ĐÊM BÃI CHÁY, LÊN CẦU BÃI CHÁY, NGẮM BÃI CHÁY, SÁNG BỪNG NHƯ BÃI CHÁY.” Tôi cũng xúc động kêu lên: “Đây là vế xướng đối rất hay xin các bạn xa gần đối giúp cho vui đón Xuân Đinh Hợi này.(*)  (Tôi cũng muốn đưa ra giải thưởng gì đó, nhưng chỉ có cái xe máy... đun mãi mới nổ- Đưa ra làm giải thưởng sợ chua mặt nên chẳng nhắc tới mà đặt dấu chấm hết)
 Một dịp may hi hữu, mùa thu năm trước tôi được dự trại sáng tác Đại Lãi, tình cờ mở sổ lưu niệm thấy có lưu bút của nhà thơ, nhà báo Ngô Thi và chúng tôi có trao đổi thư qua lại mấy lần. Ông có viết một bài cảm nhận những vế đối của tôi- khoảng 1200 từ, đính kèm “cạc” in nhiều màu rất sang trọng. Bài viết muốn in trên tạp chí Cửa Biển. Tôi can đảm vào tận nhà riêng Tổng Biên Tập trình bầy cả phong bì thư có con tem và nhật ấn bưu điện, Tổng Biên Tập đọc lướt nhanh rồi gật gù: “Ông Ngô Thi, tôi có biết” sẽ in vào số Tết như bài hồi âm của Cửa Biển. Tôi mừng rơn vì đã làm xong một nhiệm vụ. Nhưng báo phát hành số Tết, không có bài đó và hộp thư nhận bài cũng không hề có tên. Tôi như chết cứng, không biết nhận lỗi thế nào với ông Ngô Thi (?)
 Tôi gặp một vận hạn bất ngờ phải cấp cứu, suýt phải lên bàn mổ. Khi ra viện nhận được thư ông Ngô Thi và bản pôtô trang báo Nhân Dân in một phần bài viết nhận xét những câu đối của tôi. Tôi mừng trào nước mắt hơn cả việc được xe máy “xin” bóng loáng. ..
 Cuối bài, ông Ngô Thi có kể Tết Bính Tý này, nhà thơ Yên Thao nổi tiếng thời chống Pháp, vừa được vào Hội Nhà Văn, người nhiều tuổi nhất, mới mua được máy tính, nhấn chuột xem máy tốt xấu và gửi “i meo” cho bạn vế xướng đối như sau: “ THỬ CHUỘT MỘT TÝ- XEM MÁY TỐT, XẤU” Chữ: tý, chuột , thử đều là loại gậm nhấm dồn hết vào một góc thế này ác liệt quá. Bậc tiền bối chơi chữ thật oái oăm!
       LBH
 Kì sau : Thư ngỏ gửi nhà thơ Yên Thao
(*)Phần được in trên báo Hạ Long Xuân Đinh Hợi-
 Bút danh: Lê Phúc Hạnh (Lê Bá Hạnh)