Trang chủ » Tin văn và...

NHỮNG TRANG WEB VĂN HỌC

Đỗ Ngọc Thạch
Thứ tư ngày 2 tháng 9 năm 2009 6:42 AM
 
 
Khoảng chục năm trở lại đây, khái niệm văn học mạng nói riêng và văn hóa mạng nói chung, đã trở nên quen thuộc trong đời sống xã hội, đã trở thành một cơ chế văn học đặc thù – một bộ phận thiết yếu của nền văn học- nó liên quan mật thiết đến công nghệ thông tin và  xã hội tri thức. Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập văn học mạng một cách toàn diện mà chỉ nói về các Website chuyên về Văn học, Nghệ thuật (gọi tắt là trang web văn học) - chứ không phải là các trang mục về Văn học trên các tờ báo viết online hay các website tổng hợp, chẳng hạn như Evan trong VnExpress, cho dù phần văn học ở đó khá phong phú, rất đặc sắc. 
 
 
Nhắc lại chuyện cũ: Cách nay khoảng bốn chục năm, chúng ta mới quen được quan niệm cho rằng văn học nghệ thuật là nơi cung cấp lượng thông tin rất lớn về mọi mặt của đời sống xã hội qua các giai đoạn lịch  sử. Nhà thơ, nhà phê bình văn học Xuân Diệu đã nhanh nhạy cho ra mắt tập Phê bình – Tiểu luận  rất có giá trị: Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy. Nói lại chuyện cũ đó để chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc tiếp cận tác phẩm văn học của công chúng phải được diễn ra một cách nhanh chóng mà bây giờ chúng ta thường nói là “cập nhật”. Nhưng, hệ thống truyền bá tác phẩm văn học nghệ thuật  (ngành Phát hành sách, báo…) không đảm bảo được tính “cập nhật”, nó lạc hậu, cũ kỹ tới mức gây trở ngại không ít cho sự truyền bá tác phẩm văn học tới công chúng. Vì thế, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, việc truy cập thông tin tức thời đã xóa đi khoảng cách rất lớn giữa tác phẩm - nhà văn và công chúng mà trước đây không thể thực hiện được… 
*
 
Trước hết, xin liệt kê Top 10 những trang web Văn học đang hoạt động - số lượt truy cập được lấy vào 11g trưa ngày 29-5-2009: 
 
 
1. hoinhavanvietnam.vn hay vanvn.net (Hội Nhà văn VN, Website ra đời đầu năm 2008):       Số lượt   truy cập: Không hiển thị.       
 
2. tapchisonghuong.com (Tạp chí Sông Hương)  2.286.732
 
3. vannghesongcuulong.org.vn (Liên Chi hội Nhà văn ĐBSCL)  :3.010.691
 
4. vannghequandoi.com.vn (TC Văn nghệ Quân đội) :1.446.474
 
5. vietvan.vn  (Khoa Sáng tác & Lý luận, Phê bình Văn học – ĐH Văn hóa):605.074 
 
 
Những Website Văn học độc lập:
 
6. vanchuongviet.org  (Nguyễn Hòa, TP.HCMthực hiện, ra đời từ cuối năm 2003)    :7.752.930
 
7. trannhuong.com   (Nhà thơ Trần Nhương)    :1.533.159
 
8. phongdiep.net   (Nhà văn Phong Điệp, trang web hoạt động từ 6-2006) :1.476.230
 
9. trieuxuan.info  (Nhà văn Triệu Xuân, trang Web hoạt động từ tháng 9-2008,
 
 đến nay tròn 8 tháng): 224.328
 
10. vanchinh.net   (Nhà văn Văn Chinh, Thư ký Tòa soạn của vanvn.net   :185.952 
 
 
Những website văn học được xếp vào Top 10 này  phải hội đủ ba tiêu chuẩn:1/ Bao quát được diện rộng của đời sống văn học: từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ trong nước đến ngoài nước; 2/ Có sự đi sâu vào những vấn đề cơ bản nhất, mới nhất của văn  học, những  hiện tượng văn học nổi bật; và 3/ Được đông đảo công chúng văn học truy cập. Việc lựa chọn ra Top 10 này thật khó! Theo thời gian, sẽ có sự trồi sụt nào đó, sẽ có những website khác lọt vào và thay thế những website không còn hội đủ những tiêu chuẩn đề ra. 
 
 
Ngoài Top 10 nói trên, có những website khá độc đáo về nội dung, được truy cập nhiều nhưng thay vì trải mình ra diện rộng của đời sống văn học lại đi quá xa ra ngoài lãnh địa văn học, khai thác quá nhiều những cuộc tranh luận ngoài văn chương, nói nôm na là đi quá sâu vào những cuộc “đấu khẩu” (cãi lộn) mà chúng ta thường nói là không có “văn hóa tranh luận”! Việc làm này, tất yếu thu hút nhiều lượt người truy cập nhưng lại đánh mất chức năng cơ bản của một website văn học: là nơi tạo ra hoạt động tương tác giữa công chúng văn học và nhà văn, chủ yếu là cung cấp tác phẩm văn học để công chúng thưởng thức; chứ không phải là “đấu trường” để những người viết “ăn thua đủ” với nhau! Đến đây, ta càng thấy rõ hơn lợi thế của Văn học mạng trong việc truy cập thông tin tức thời, thúc đẩy nhanh quá trình tác động qua lại giữa công chúng văn học và tác phẩm văn học. Nó làm cho tiến trình vận động và phát triển của đời sống văn học được tăng lên cấp số nhân! Đó là điều mà “Văn học giấy” có mơ cũng không làm được!
 
 
 
*
 
Qua những điều trình bày ở trên, có thể xác định được ngay cái nào là website văn học, cái nào là lẩu thập cẩm, thậm chí nửa dơi, nửa chuột! Điều này thật là cần thiết bởi như chúng ta đã thấy, trong đời sống văn học hiện nay, sự “loạn chuẩn” và  thiếu văn hóa tranh luận đã nhiều lúc xô đấy các nhà văn đáng kính của chúng ta ra khỏi địa hạt văn chương và rơi xuống vực sâu của sự vô bổ, tầm thường... 
 
 
TOP 10 các website văn học cho thấy những người thực hiện các trang web này đã phải vượt lên trên “Cái Tôi” của riêng mình để hội nhập vào “Cái Ta” của nhịp sống hiện đại. Website văn học trở thành báo Văn học điện tử, và sách văn học điện tử. Vì thế, người ta gọi web văn học như một cái Thư viện là rất đúng! Song, điều cần lưu ý ở đây là, văn học mạngtồn tại và phát triển bên cạnh “Văn học in trên giấy”, chúng không loại trừ nhau mà bổ sung, hỗ trợ nhau cùng tồn tại và phát triển. Nếu nói Văn học mạngchỉ là bản nháp của “văn học giấy”, chỉ là nơi tập dượt của nhà văn trước khi tồn tại và khẳng định bằng văn học giấy, hoặc nói văn học mạngsẽ giết chết văn học giấy, đều là những nhận định sai lạc. Sự song tồn, có chút gì đó cộng sinh giữa văn học mạngvà văn học giấy cho thấy sự chuyển tiếp của các phương thức, cách thức tồn tại của văn học là một quá trình lâu dài và phức tạp… 
 
 
Các website văn học trong Top 10 có hai loại chủ sở hữu. Trước hết, các website của các cơ quan, tổ chức, Hội từ Trung ương đến địa phương đều là sự chuyển hệ từ báo giấy qua báo mạng do những nhà văn, nhà thơ đã từng làm báo giấy giờ chuyển qua làm báo mạng. Do đó, tuy là báo mạng nhưng hồn báo giấy vẫn quanh quẩn chưa tan! Nhìn vào các website này, người ta chưa thấy ngôn ngữ đặc thù của báo mạng, có khác thì  chỉ là khả năng mở rộng dung lượng bài viết, tác giả không sợ bị cắt xén như ở báo giấy mà có thể vô tư kéo dài bài viết! Đòi hỏi như vậy là quá sớm, song để lâu thành nếp, sẽ khó mà sửa đổi. Điều nổi bật ở các website này là, nó không còn là “cái loa phát ngôn tư tưởng” gò ép, khiên cưỡng nữa mà nó đã trở thành nơi diễn ra hoạt động tương tác rất sôi động, đó là điều không thể có ở báo giấy. Những website văn học luôn mở rộng cửa với tất cả mọi người đam mê văn học – điều này tạo nên sự kích hoạt cho sự vận động và phát triển của văn học. Những Website của Hội từ Trung ương đến địa phương (vanvn.net, tapchisonghuong.com, vannghesongcuulong.org) đã thực sự là nơi quần anh tụ hội của các nhà văn, nhà thơ và bạn đọc không chỉ cả ba miền mà còn với đồng bào ở xa Tổ quốc khắp năm châu bốn biển! Cũng chính là nhờ các trang web văn học này, các nhà văn, nhà thơ có nhiều điều kiện để nâng cao, vươn xa…; và những bạn đọc có khả năng sáng tác đã nhanh chóng tìm thấy vận hội mới của mình trên con đường sáng tạo…
 
 
 
 Với các website độc lập (tư nhân), khoảng cách với các website “tập thể” là không đáng kể, thậm chí các trang web văn học tư nhân còn có nét đa dạng và độc đáo hơn, do “tự chủ hoàn toàn”. Các “Chủ trang web” độc lập đều do các nhà văn, nhà thơ đã thành danh thực hiện và  có những lợi thế không ai có được. Chẳng hạn như phongdiep.net thì bà chủ website từng làm Thư ký TS (và hiện là Phó trưởng ban biên tập) của Báo Văn nghệ Trẻ, vì thế vào phongdiep.net ta sẽ thấy một khối lượng tác phẩm khổng lồ với đủ các thể loại. Trang web trieuxuan.info của nhà văn Triệu Xuân thì ông chủ trang Web này lại là Trưởng chi nhánh của Nhà xuất bản Văn học, vì thế vào trieuxuan.info ta như lạc vào một rừng sách phong phú và đa dạng, từ những tập truyện cổ tích, ngụ ngôn ngắn gọn đến những tiểu thuyết trường thiên ngàn trang, những tập tuyển thơ, tập truyện ngắn chọn lọc, những tuyển tập, toàn tập có giá trị của những tác giả nổi tiếng từ cổ chí kim. Bên cạnh những chuyên mục như Điện ảnh, âm nhạc, hội họa, www.trieuxuan.info không sa đà vào những vấn đề thời sự, mà chỉ cung cấp tác phẩm văn học cho bạn đọc. Phải chăng nhờ thế mà tuy mới hoạt động được 8 tháng, trieuxuan.info đã có rất nhiều người tìm đọc. Song, nếu muốn chọn ra một website văn học tư nhân xuất sắc thì tôi sẽ chọn  vanchuongviet.org do ông Nguyễn Hòa thực hiện (Ra đời từ cuối năm 2003, lúc đầu mang danh website của Chi Hội Nhà văn VN Đồng bằng sông Cửu Long, sau năm 2007 là trang web độc lập). Nói nó xuất sắc không chỉ vì số lượng người truy cập cao nhất trong Top 10 mà ở sự trình bày giản dị nhưng nội dung biến hóa khôn lường…
  
*
 
Sẽ là vô cùng thiếu sót nếu không nói đến các trang Văn hóa nghệ thuật, giải trí của các tờ báo viết online. Các website xã hội chính trị, thông tin tổng hợp cũng dành cho văn học sự quan tâm đáng kể, có nhiều bài vở phong phú, chất lượng. Nhiều website chuyên về văn học phải post lại  bài vở của các tờ báo online không chuyên về văn học!
 
Có thể rút ra kết luận: Website văn học phát triển là cơ hội vàng  cho sự vận động và phát triển của văn học, nếu các nhà văn, nhà thơ và cả công chúng văn học không nắm bắt được cơ hội này thì uổng lắm thay! 
 
 
Tp. Hồ Chi Minh,  28-5-2009