Trang chủ » Tin văn và...

PHẢI GIÚP DÂN QUYỀN PHẢN BIỆN

Lê Tự
Thứ sáu ngày 4 tháng 9 năm 2009 5:06 AM

 

“Phản biện xã hội là việc làm rất cần thiết, mọi người dân đều có quyền phản biện” – Đó là ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Cầm – Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm hội đồng tư vấn về Đối ngoại của Mặt trận, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian qua, nhất là kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều chính sách của trung ương và các cấp địa phương đều được người dân có ý kiến phản biện rất cẩn thận chu đáo, mang tính khoa học trên cơ sở phân tích một cách biện chứng. Tuy nhiên, ở nhiều nơi ý kiến phản biện của người dân bị coi là chống đối vì việc đó đã được cấp ủy, chính quyền thông qua rồi.

Xin đưa ra một ví dụ, ở tỉnh H có dự án quy hoạch xây mới lại khu chợ truyền thống họp phiên từ 700 năm nay. Đã có một số người dân địa phương hiểu rõ tầm quan trọng của khu chợ này đối với đời sống tinh thần của nhân dân trong vùng và đã gửi ý kiến phản biện tới các cơ quan có thẩm quyền, đề nghị xem xét lại quy hoạch dự án. Song những ý kiến này đã bị “xếp xó” vì mọi quy trình triển khai dự án đã được cấp có thẩm quyền thông qua, phê duyệt rồi. Chỉ đến khi xây xong công trình, người dân không chấp nhận, không vào chợ, lúc đó nhà chức trách mới tá hỏa ra rằng, xây chợ cho dân chứ không phải cho… cán bộ. Đến bây giờ, các vị có thẩm quyền mới vỡ lẽ, hóa ra dân nói đúng quá!

Người dân thường có cái nhìn phản biện từ dưới lên, từ cuộc sống của chính mình, của bà con họ hàng, làng xóm của mình trên mặt phẳng bề dày lịch sử truyền thống trước mỗi sự việc. Những người ban hành chính sách, lập quy hoạch có cái nhìn từ góc độ phát triển, đổi mới. Chỉ khi nào hai góc nhìn này kết hợp hài hòa với nhau thì công việc mới có thể tiến triển êm thấm.

Trên thế giới, người ta rất coi trọng hoạt động phản biện xã hội. Tư duy phản biện được phân tích đánh giá vụ việc theo cách nhìn khác nhằm làm sáng tỏ và khẳng định tính chính xác của vấn đề. Người phản biện phải thật công tâm và có lập luận rõ ràng với những dẫn chứng xác đáng. Điều này khó được thực hiện bởi những người nông dân bình thường, mặc dù ý kiến phản biện của họ về một chính sách, quyết định của chính quyền địa phương, thậm chí của chính phủ lại rất chính xác. Ai sẽ giúp những người dân thực hiện quyền phản biện của mình, nếu không phải là Mặt trận?

Những ý kiến phản biện của nhân dân cần được Mặt trận ghi chép tập hợp một cách bài bản, chỉnh sửa trên cơ sở lô gic khoa học để những ý kiến đó trở thành những bài, thậm chí là những công trình phản biện. Nhiệm vụ này phải do Ban công tác Mặt trận thực thi.

Hiện nay trên bình diện cả nước có hàng trăm khu chợ xây xong rồi lại bỏ không, dân không vào buôn bán, gây lãng phí tiền bạc của nhà nước, của tập thể. Nguyên nhân chung là trước khi lập dự án xây chợ, chính quyền đã không lấy ý kiến phản biện của nhân dân. Nhiều công trình nhà văn hóa ở khu dân cư, ở thôn cũng vậy, xây xong, chẳng ai đến chỉ vì vị trí nhà văn hóa không phù hợp, không thuận tiện để nhân dân đến hội họp, sinh hoạt văn hóa.

Phản biện là một nhu cầu của cuộc sống, nhờ đó mà con người loại bỏ được những yếu tố sai để tiếp cận tới sự hợp lý trong các quyết định, các hành vi của mình.Trong khoa học, phản biện là một trong những yếu tố chính để các nhà khoa học nghiên cứu tiếp cận chân lý. Trong đời sống xã hội, phản biện là công cụ không thể thiếu để tổ chức ra một xã hội dân chủ, đồng thuận.

Phản biện là ý kiến của các tầng lớp đứng ngoài hệ thống quản lý xã hội của nhà nước đóng góp cho quản lý nhà nước. Và bấy lâu nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được giao nhiệm vụ phản biện xã hội là rất hợp tình hợp lý.

Trong thời gian vừa qua, theo ý kiến của chính những người làm công tác Mặt trận chuyên trách trong cả nước, Mặt trận các cấp chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân trong lĩnh vực phản biện xã hội. Tổ chức Mặt trận chưa thể hiện được là nơi tiếp nhận và tạo điều kiện tốt nhất ý kiến phản biện của nhân dân. Nhiều người dân có ý kiến phản biện nhưng đã bị chính quyền hiểu sai, cho là chống đối nên không nhận được bênh vực của Mặt trận. Nhiều nơi Mặt trận các cấp còn ngại va chạm với chính quyền và các cơ quan chuyên môn, điều này dẫn đến việc họ không dám phản biện.

Làm thế nào để người dân thoải mái phát biểu ý kiến phản biện, thực hiện quyền phản biện xã hội của mình? Đó là nhiệm vụ, là vai trò của hệ thống Mặt trận cả nước.

LT

Nguồn: http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?masterId=85&categoryId=210&id=20069