Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUYỀN DÂN CHỦ VÀ TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN

Lê Chân Nhân
Chủ nhật ngày 29 tháng 11 năm 2015 7:52 AM


(Dân trí) - Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội thông qua chiều ngày 25.11, nhiều vấn đề quan trọng của đất nước sẽ được đưa ra để lấy ý kiến của dân.


 (Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)


Trước đây, đã có nhiều vấn đề quốc kế dân sinh, dự thảo pháp luật cũng được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, nhưng đó là những cách thức thông thường. Từ nay, việc lấy ý kiến được điều chỉnh bằng luật pháp, thông qua hình thức bỏ phiếu.

Luật Trưng cầu ý dân là một bước tiến quan trọng trong việc thực thi dân chủ, xây dựng nền dân chủ của đất nước. Công dân được mở rộng thêm quyền của mình, đời sống chính trị của đất nước sinh động, lành mạnh và tiến bộ hơn. “Dân chủ là làm sao cho dân mở miệng” (Hồ Chí Minh), và đây không chỉ là nói mà đóng góp ý kiến, là góp phần quyết định những vấn đề hệ trọng của quốc gia. Chính vì vậy, Luật Trưng cầu ý dân không chỉ là mở rộng quyền dân chủ của công dân, mà còn nâng cao tinh thần trách nhiệm công dân.

Có quy định của pháp luật, người dân có cơ sở để thực hiện quyền đóng góp ý kiến của mình, và cũng qua đó, nhà nước thu gặt được trí tuệ trong dân gian, tìm sự đồng thuận của quốc dân đồng bào, tìm sự thống nhất quan điểm của các thành phần xã hội, tìm ý chí chung của toàn dân trong một vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước, để phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển đất nước. Cho nên, ý kiến đóng góp phải có tinh thần xây dựng, vì mục đích chung. Để có được ý dân thực sự, thì phải loại trừ mọi sự can thiệp, sắp xếp, áp đặt, cưỡng ép. Nếu không, sản phẩm đầu ra không phải của dân...

Và tất nhiên, đã góp ý đúng thì phải nghe. Còn nhớ, khi bàn về dự thảo luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: “Dân nói là A thì cũng phải quyết là A, không thể nói A nhưng lại công bố là B. Đã trưng cầu thì ý dân là quyết định còn nếu không thì đừng trưng cầu”. Đến nay, luật đã được thông qua và có hiệu lực thi hành ngày 1.7.2016, đã có luật rồi, đừng để dân nói A nhưng lại công bố B. Khi kết quả trưng cầu ý dân được công bố, mọi tổ chức, cá nhân phải tôn trọng. Tôn trọng không có nghĩa là “gật đầu” và vỗ tay hoan hô thành công tốt đẹp, mà thực hiện theo ý của dân. Nếu trưng cầu xong rồi “để đó”, thì trưng cầu chỉ mất thời gian và tốn kém của dân, của nước vô ích.

Trưng cầu xong rồi bỏ ý dân vào ngăn kéo thì hoạt động trưng cầu ý chỉ là hình thức.

Khai thác được trí tuệ và lòng yêu nước của dân khi đưa Luật trưng cầu ý dân vào cuộc sống chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trên nhiều mặt của đất nước.

Lê Chân Nhân