Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MÔN LỊCH SỬ TỪ MỘT GÓC NHÌN

Nhà văn Đắc Trung
Thứ năm ngày 26 tháng 11 năm 2015 4:01 PM
Là nhà quân sự, vốn xuất thân giáo sư sử học, sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm mối quan hệ giữa lịch sử và thế hệ trẻ. Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Khoa học lịch sử Việt Nam kỳ 3, khóa 3, năm 1996, với tư cách là Chủ tịch danh dự, ông trăn trở: "Tôi rất băn khoăn và hơn thế là sự lo lắng, đó là vì sao kiến thức lịch sử lại không phổ biến sâu rộng được trong quảng đại quần chúng như giới trẻ".
Việc Đại tướng băn khoăn rất đáng để mọi người suy ngẫm.
Bởi lịch sử gắn liền với Đạo làm người và sự tồn vong của đất nước. Tiền nhân đã dạy: "Dĩ sử vi giám". Hiểu lịch sử sẽ tránh được vết xe đổ. Không hiểu lịch sử, giống kẻ không biết đường lao đầu trong rừng rậm. Từ năm 1942, trên Báo "Độc Lập", Bác Hồ đã viết: "Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Có nghiên cứu lịch sử mới biết cội nguồn của chính mình, gia đình, dòng tộc, quê hương, Tổ quốc và nòi giống dân tộc mình. Mới biết giữ gìn, bảo vệ, phát huy truyền thống tốt đẹp. Mới có khả năng quyết tâm và dũng cảm để không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ thế lực nào, kẻ thù nào. Nhất là trong xu thế "hòa nhập", nếu không có sức mạnh truyền thống lịch sử dân tộc để tự vệ, sẽ rất dễ bị "hòa tan". Quốc gia suy vong vì thế. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết: "Con người nếu không biết lịch sử thì chẳng khác con trâu, sẵn sàng kéo cày ở bất cứ ruộng nào và do ai điều khiển, miễn là được cho ăn".
Lịch sử quan trọng là thế. Vậy mà môn lịch sử ngày nay trong nhà trường, giáo viên không muốn dạy, học sinh, sinh viên không muốn học. Các kỳ thi tốt nghiệp bậc phổ thông trung học, số thí sinh đăng ký môn lịch sử rất ít. Năm 2014, ở Hà Nội có 12%, ở Hải Dương chỉ 1%... Chất lượng môn lịch sử thi vào đại học quá thấp, có tới 62% bị điểm 2. Thật rất đáng báo động. Không chỉ lo ngại việc dạy và học môn lịch sử ở cấp phổ thông và bậc đại học. Mà nguy hại còn ở chỗ, lớp trẻ, thậm chí không ít cán bộ thờ ơ không quan tâm đến cội nguồn.
Vậy nguyên nhân tại đâu?
Nhiều. Nhưng trong đó phải kể đến quan điểm và chất lượng biên soạn nội dung chương trình lịch sử trong hệ thống giáo dục. Cùng tài liệu văn bản, sách báo, hiện vật lịch sử lưu hành trong xã hội. Không hoàn toàn đúng nghĩa của bản chất lịch sử.
Bản chất lịch sử là sự thật. Cho dù đó là sự thật rất đau lòng vẫn phải phản ánh trung thực. Không trung thực với sự thật thì đó không phải lịch sử. Không ai có thể đánh bóng hay bôi bẩn lịch sử. Lịch sử chỉ là lịch sử khi đó là sự thật. Mà đã là sự thật thì chỉ có một. Là nhân vật lịch sử, đặc biệt yếu nhân lịch sử thì dù đứng đâu, thậm chí bị hạ đến đâu cũng vẫn là nhân vật, là yếu nhân lịch sử. Không phải nhân vật hoặc yếu nhân lịch sử thì dù có tìm cách chiếm chỗ, tranh công, đổ lỗi, thì trước sau cũng bị lịch sử đào thải.
Mặt khác cũng không nên hiểu lịch sử theo nghĩa hẹp, đơn giản. Cho rằng cái gì đã qua đều thuộc quá khứ lịch sử. Hoặc coi lịch sử chỉ là những sự kiện, các con số... Mà căn bản là quan điểm lịch sử, tinh thần lịch sử, thái độ giải quyết những vấn đề của lịch sử. Quá khứ đã để lại nhiều dân tộc có hố sâu ngăn cách, thù địch. Cần quan điểm, thái độ và cách giải quyết ra sao để không phủ nhận, không quên quá khứ, nhưng cũng không để điều đó ảnh hưởng tới việc cùng chung tay góp sức và hợp tác xây dựng tương lai. Thái độ đối với lịch sử mỗi quốc gia, mỗi địa phương, mỗi dòng họ, mỗi gia đình, mỗi con người cũng thế.
Biên soạn, tổng kết lịch sử theo chỉ đạo, bất chấp sự thật lịch sử. Thậm chí văn phong cũng không phải văn phong lịch sử. Rất nhiều khái niệm và sáo ngữ chung chung như tài liệu tuyên truyền chứ đâu phải lịch sử? Có một thời, diễn ra phong trào tổ chức viết lịch sử với những tên sách đại loại "Sơ thảo lịch sử...", "50 năm xây dựng và trưởng thành của..."...Chủ trương thì đúng, nhưng chỉ đạo thực hiên thiếu khoa học, cụ thể. Công việc giao cho nhóm cán bộ tuyên huấn phối hợp cùng Ban nghiên cứu lịch sử của địa phương. Dự trù vô tư, kinh phí được cấp thoải mái. Họ chỉ cốt hoàn thành nhiệm vụ. Có ấn phẩm kịp phục vụ đại hội này, hội nghị kia. Tắc trách từ khâu tổ chức, đề cương, sưu tầm, tập hợp, phân tích, thẩm tra, xác minh tài liệu, hiện vật, nhân chứng cho đến việc thể hiện. Tính trung thực lịch sử bị vi phạm và can thiệp thô bạo. Khiến bản thân sản phẩm đó đã không còn ý nghĩa lịch sử. Tô hồng, bóp méo, cắt bỏ, phân tích, bình luận, đánh giá thiếu trung thực, không khách quan, khoa học. Khiến ngay những người trong cuộc với tư cách nhân chứng lịch sử cũng không lý giải nổi. Đó là chưa kể lãnh đạo nhiệm kỳ sau lên lại tái bản sửa chữa, bổ sung, theo tinh thần chỉ đạo mới. Làm cho sự kiện và nhân vật càng "tam sao thất bản".
Việc biên soạn sách giáo khoa lịch sử trong nhà trường cũng không tránh khỏi thực trạng ấy.
Ký giả Kathrynls, người Mỹ, viết: "Khi nghiên cứu lịch sử quân sự Pháp và Mỹ người ta không thể bỏ qua tên tuổi Võ Nguyên Giáp... Tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của ông cũng chính là tìm hiểu về một phần lịch sử Việt Nam".
Nghĩa là Đại tướng Võ Nguyên Giáp có vị trí rất quan trọng trong lịch sử chống Pháp và chống Mỹ của cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Vậy mà chương trình lịch sử chống Pháp trong sách giáo khoa phổ thông không đề cập. Hoặc đề cập không xứng tầm với vai trò Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của ông. Đến nỗi không chỉ giới sử học, nhân sĩ, trí thức, báo chí, mà cả các đại biểu Quốc hội cũng thể hiện bất bình ngay trên nghị trường.
Như thế có được coi là lịch sử?
Ngày nay dân trí cao, biết thế nào là lịch sử và không phải lịch sử. Cho nên việc giáo viên không muốn dạy, học sinh, sinh viên không muốn học, thế hệ trẻ thờ ơ không quan tâm cũng là điều tất nhiên. Bởi vậy, khi tìm hiểu nguyên nhân phải xem xét từ cội nguồn sâu xa thì mới lý giải và khắc phục được. Phải đặt lịch sử đúng vị trí quan trọng của nó. Phải đối xử với tư cách lịch sử là một ngành khoa học không thể thiếu. Không được coi nhẹ. Không thể ghép lịch sử vào bộ môn khác trong học tập và giảng dạy. Như thế là xóa bỏ lịch sử. Là phản khoa học. Là vô trách nhiệm, thậm chí có tội với Tổ quốc và dân tộc.
Mong những nhà hoạch định chương trình cải cách giáo dục suy ngẫm.