Trang chủ » Tin văn và...

NGÀY 2-9-1945 LIỆU DÂN TÂN TRÀO CÓ NGHE ĐƯỢC TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP QUA RADIO ?

Vũ Xuân Tửu
Thứ năm ngày 24 tháng 9 năm 2015 10:09 PM


Trên trang điện tử của Việt báo, ra ngày 25/8/2015, đăng bài Tháng 8 về Tân Trào, không ghi tên tác giả, dẫn nguồn kép (Theo SGGP), Việt báo (Theo -24h), có đoạn: "Nhiều người dân làng Kim Long không quên buổi chiều ngày 2/9/1945, dưới gốc đa Tân Trào lúc bấy giờ có Nhà văn hóa Cứu quốc do chị Trần Thị Minh Chi phụ trách và chị Chi đã hướng dẫn bà con nơi đây ngồi xung quanh chiếc radio để nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập ở Quảng trường Ba Đình Hà Nội. Bà con nhận ra tiếng nói trong radio chính là tiếng nói của ông Ké Tân Trào (tên của Bác Hồ ở Tân Trào) và bảo với chị Chi là mở nắp chiếc đài đó ra để ông Ké bước ra. Giải thích cách mấy bà con cũng không nghe, buộc chị Chi phải mở nắp đài ra, lúc này mọi người mới hiểu đây chỉ là chiếc đài thu. Lần đầu tiên, qua chiếc radio bà con Tân Trào mới biết được ông Ké Tân Trào chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta".

Có lẽ, đó cũng là nguồn cảm hứng cho một họa sĩ vẽ bức tranh to, tả cảnh dân Tân Trào đang xúm xít lắng nghe bản Tuyên ngôn độc lập, trong thời điểm ấy?

Về chuyện này, tôi xin trao đổi, như sau:

Tháng 8/1945, khi từ Tân Trào về Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã giao nhiệm vụ cho hai ông Võ Nguyên Giáp và Xuân Thủy, sớm thành lập đài phát thanh quốc gia.

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, chỉ có thể nghe loa phóng thanh tại chỗ. Còn việc phát thanh thì gặp khó khăn, khi nhân viên kỹ thuật kéo dây nối từ mi-cờ-rô trên lễ đài đến đài phát thanh, thì bị quân đội Nhật cản lại. Sau đó, ban tổ chức cho kéo một máy phát thanh lưu động đến, nhưng cũng bị quân Nhật chặn tại vườn Bách Thảo. Bởi những khu vực đó, vẫn do quân đội Nhật kiểm soát. Nhưng có một đài phát thanh thử nghiệm, cải tiến từ máy phát tín hiệu moóc-xơ, thành máy phát âm thanh, đặt ở Bộ Tuyên truyền, công suất 300 oát, ăng-ten 41 mét, kéo dây trần từ quảng trường Ba Đình, phát sóng phạm vi hẹp, chừng dăm ba chục cây số.

Do vậy, tuy ở Sài Gòn đã tập hợp đông đảo quần chúng để đón nghe Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, nhưng do trục trặc như thế, nên ông Trần Văn Giàu phải diễn thuyết thay. Sau đó, Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh buổi đầu tiên, tại Hà Nội, ngày 7/9/1945, bằng hình thức trực tiếp, phát thanh viên chủ yếu đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập.

Trên chiến khu Việt Bắc, điều kiện kỹ thuật và hoàn cảnh sinh hoạt gian khổ, có lần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu qua đài phát thanh, nhưng lẫn cả tiếng gà rừng vọng vào. Cô phát thanh viên còn bị ho trên đài, nên bà con quanh vùng mang cam đến bồi dưỡng sức khỏe...

Bản Tuyên ngôn độc lập mà chúng ta thường nghe bây giờ, thì sau ngày hòa bình (1954), Hồ Chủ tịch mới đọc lại trong phòng thu âm hiện đại, nên không có lẫn tạp âm của quảng trường đông người, như thời 45.

Từ đó, có thể đặt câu hỏi, nếu với máy phát thanh công suất nhỏ như vậy, đặt tại trung tâm (thủ đô), thì làm sao máy thu thanh (ra-đi-ô), ở vùng rừng núi xa xôi cách trở như Tân Trào (Tuyên Quang), lại có thể nghe được lời Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, trong ngày quốc khánh đầu tiên?

Rất mong những ai có tư liệu cụ thể, xin trao đổi thêm, để cùng sáng tỏ câu chuyện lịch sử.

Tuyên Quang, 22/9/2015

VXT