Dân trí Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị An cho rằng, Hà Nội cần phải đánh giá lại hoạt động của hệ thống loa phường và lấy ý kiến rộng rãi của người dân về việc duy trì hệ thống thông tin cũ kỹ này.
>> Loa phường đúng là... “ốm không tha, già không thương”!
>> Loa phường: Người than điếc tai, người khen hữu ích!
PGS-TS. Bùi Thị An - Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng (Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) - đã có cuộc trao đổi với PV Dân trí về vấn đề loa phường trên địa bàn Hà Nội, đang gây nhiều ý kiến tranh cãi.
. PGS-TS Bùi Thị An.
Phóng viên: Gia đình bà có bị ảnh hưởng bởi tiếng loa phường hàng ngày không ?
PGS-TS. Bùi Thị An: Gia đình tôi không bị ảnh hưởng nhưng cử tri có phản ánh, kêu ca với tôi về chuyện này. Phải thấy rằng phương thức tuyên truyền bằng loa là cần thiết nhưng lắp ở đâu, giờ nào phát thông tin, phát nội dung gì,… thì cần phải tính toán kỹ lưỡng, bởi phát nhiều quá như hiện nay đã gây ảnh hưởng đến người dân. Họ đi làm cả ngày về nhà muốn nghỉ ngơi buôi trưa, buổi tối một chút mà loa phường cứ phát oang oang thì làm sao mà ngủ được.
Thông tin phát trên hệ thống loa phải có sự lựa chọn, chỉ phát những cái gì thực sự cần thiết, sát sườn với cuộc sống và có giá trị cung cấp thông tin cho người dân thôi, chứ đừng nên tràng giang đại hải, cái gì cũng phát trên hệ thống loa. Vị trí lắp loa cũng cần phải xem xét, đối thoại với người dân xem lắp ở chỗ nào, lắp chỗ đó thì có gây ảnh hưởng gì không ?
Người dân có quyền biết thông tin nhưng cũng có quyền nghỉ ngơi yên tĩnh, chứ không nên lúc nào cũng làm phiền người ta. Chính quyền sở tại phải làm sao để loa phường gắn bó với người dân và họ tiếp nhận được thông tin từ đó. Người dân lắng nghe, tiếp nhận thông tin từ loa phường như một món quà chứ đừng để họ phản đối.
Thông tin trên hệ thống loa phường ở Hà Nội hiện nay rất lung tung, không có quy định thống nhất, giờ phát sóng cũng theo kiểu “tùy hứng” khiến người dân rất bức xúc. Theo bà, Hà Nội có cần phải đánh giá toàn diện về hoạt động của hệ thống loa phường hiện nay không ?
Tôi cho rằng phải thăm dò dư luận để đánh giá, rút kinh nghiệm về hoạt động của loa phường. Đó là cách tổ chức hiệu quả, chứ cứ tự nhiên bung ra không bao giờ hỏi ý kiến dân đánh giá thì không biết hiệu quả, bất cập tới đâu. Đây là thói quen rất xấu của cấp lãnh đạo. Sau khi thực hiện nên có đánh giá, có thể lấy ý kiến những đối tượng trực tiếp thụ hưởng, bởi nói cho cùng nhà nước của dân do dân vì dân thì phải thế. Phải lựa chọn thông tin, còn cứ ra rả ra rả suốt ngày thì sao ngủ được. Nhà nào cũng có trẻ con, ông già bà cả mà cứ rót vào tai thì sao chịu được. .Hàng trăm chiếc loa cũ kỹ trên địa bàn quận Đống Đa đã được đầu tư thay mới toàn bộ
bằng hệ thống loa không dây, bắt tín hiệu âm thanh như thế này.
Việc lắp đặt, truyền tải thông tin tới người dân thông qua hệ thống loa phường ở Hà Nội hiện nay cũng cho thấy sự bất bình đẳng, gây phản ứng. Trong khi ở những khu đô thị mới, chung cư cao cấp hoàn toàn vắng bóng loa phường thì những quận trung tâm, chung cư và khu tập thể cũ “dày đặc” loa phường ra rả hàng ngày?
Đúng là có chuyện đó. Thế thì phải rà soát quy hoạch đi, bởi đây là một loại hình thông tin. Trong bất kỳ việc gì, quy hoạch cũng phải đi trước. Chỗ nào để loa, chỗ nào không để loa, loa cũng là tiền của dân, nên phải có quy hoạch. Lắp loa là mong mang lại hiệu quả ích lợi chứ không phải mang lại phản tác dụng. Tôi cho rằng việ này Hà Nội có thể giao cho Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện.
Hà Nội và TPHCM là những đầu tàu của cả nước, rất cần sự văn minh, thẩm mỹ nên phải có sự bố trí thế nào cho hợp. Dân tây đến Hà Nội mà cứ nghe loa phường ra rả suốt ngày thì họ cũng bỏ khu vực khách sạn đang thuê đó mà đi tìm chỗ khác thuê. Thế nên lắp loa ở đâu, thế nào phải tính toán. Thông tin là nhu cầu nhưng phải là thông tin người dân thực sự cần, có tác dụng, bổ ích để họ làm tốt hơn, trong làng xóm tuân thủ hơn. Thông tin vớ va vớ vẩn thì chỉ gây phản tác dụng mà thôi.
Xin cảm ơn bà !
Thế Kha (thực hiện)