Trang chủ » Tin văn và...

THỂ LỆ CUỘC THI PHÓNG SỰ - KÝ SỰ BÁO CHÍ 2015-2016

Theo nhavanTPHCM
Thứ sáu ngày 25 tháng 9 năm 2015 8:10 AM


NVTPHCM- Sáng ngày 23.9, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức lễ phát động Cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí 2015 - 2016 với chủ đề “Ấn tượng đất nước - con người Việt Nam”. Sau đây xin trân trọng giới thiệu toàn văn thể lệ cuộc thi.

THỂ LỆ CUỘC THI PHÓNG SỰ - KÝ SỰ BÁO CHÍ 2015-2016

“Ấn tượng đất nước - con người Việt Nam”

I. MỤC ĐÍCH VÀ NỘI DUNG CUỘC THI:

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc Khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2015), thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (năm 2016)…, Ban Biên tập Báo SGGP phối hợp với Hội Nhà báo TPHCM phát động cuộc thi Phóng sự – Ký sự báo chí 2015 – 2016 với chủ đề: “Ấn tượng đất nước - con người Việt Nam”.

1. Cuộc thi nhằm tôn vinh những thành tựu trên mọi lĩnh vực của nhân dân và đất nước ta nói chung, của TPHCM nói riêng trong chặng đường 70 năm (1945–2015) thành lập và công cuộc xây dựng đất nước; nhất là trong giai đoạn kiến tạo phát triển sau khi hòa bình, thống nhất đất nước, hội nhập quốc tế; nêu bật những thành tựu, những sự kiện tiêu biểu, những công trình lớn của đất nước, của TPHCM.

Cuộc thi khuyến khích các tác phẩm khắc họa các gương điển hình vượt khó trên chặng đường phát triển của đất nước và TPHCM, khẳng định các nhân tố mới trong thực tế cuộc sống, bươn chải mưu sinh làm giàu cho mình và cho đất nước; có nghĩa cử cao đẹp đóng góp cho cộng đồng, chăm lo an sinh xã hội. Hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tấm lòng của kiều bào hướng về đất nước…

2. Thực tế xã hội Việt Nam những năm qua còn tồn tại nhiều điều trăn trở: Môi trường văn hóa, ứng xử xã hội còn thiếu chuẩn mực, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn. Tình trạng nhập khẩu, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân… Nội dung chủ đạo cuộc thi là nhằm tôn vinh những tấm gương cao đẹp trong xã hội, vì cộng đồng, quê hương đất nước; góp phần đưa “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tin thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (Nghị quyết 9 BCH Trung ương Khóa XI).

3. Cảnh quan, thiên nhiên Việt Nam rất đẹp, thơ mộng và hùng vĩ, hoành tráng… trải dài từ Bắc vào Nam, từ miền cao đến đồng bằng, duyên hải, hải đảo là nhận xét và sự công nhận của khách du lịch, giới truyền thông quốc tế. Tuy nhiên việc nhìn nhận, quảng bá còn hạn chế, bạn bè quốc tế chưa thật sự biết, hiểu sâu giang sơn gấm vóc Việt. Cuộc thi là dịp để các nhà văn, nhà báo, giới cầm máy “khám phá” lại đất nước – xứ sở Việt Nam, ghi nhận những ấn tượng sâu đậm trên từng vùng đất, bản sắc từng dân tộc, để mọi người càng thêm tự hào quê hương đất nước, góp phần giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.

Nội dung chính của 2 cuộc thi phóng sự (viết và ảnh) cùng chủ đề “Ấn tượng đất nước – Con người Việt Nam” do báo SGGP và Hội Nhà báo TPHCM phát động nhằm phát hiện, cổ vũ các nhân tố tích cực, đề cao lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội, đề cao nghĩa tình: tình người với người, tình làng nghĩa xóm; khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, cao thượng trong cuộc sống, nét đẹp đất nước con người bản sắc Việt Nam.

4. Tác phẩm dự thi phải khắc họa chi tiết, hình ảnh các sự kiện, sự việc thực tế, người thật việc thật… về chủ đề này. Khuyến khích các cây bút, tay máy ghi nhận phong cảnh, đất nước, con người; các sự kiện, tình huống độc đáo xảy ra trong thực tế; những kỷ niệm, ký ức mà bản thân tham gia, chứng kiến về các sự kiện lớn của nước ta sau ngày thống nhất; những hình ảnh độc đáo từng vùng miền với bản sắc riêng đang trên đà cất cánh, hội nhập…

II. THỜI GIAN, TÁC PHẨM DỰ THI:

1. Lễ phát động cuộc thi sẽ tổ chức vào tháng 8 nhân dịp Quốc Khánh 2/9/2015 và tổng kết, trao giải những người đoạt giải cuộc thi sẽ được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước (30-4-2016) và chào mừng, kỷ niệm 66 năm ngày thành lập và Hội nghị thi đua toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2016), 41 năm thành lập báo SGGP (5-5-2016). Cuộc thi là một hoạt động chính thức của Hội Nhà báo TPHCM và báo SGGP hướng đến các sự kiện trên, Ban Tổ chức sẽ mời lãnh đạo thành phố, các cơ quan báo chí tham gia sự kiện này.

Báo SGGP chịu trách nhiệm kêu gọi tài trợ, trang trải chi phí cuộc thi: lễ phát động, tổng kết trao giải, trả nhuận bút, chi phí tổ chức, trao thưởng theo đúng giá trị cam kết…

2. Đối tượng tham dự cuộc thi là phóng viên, nhà báo; hội viên Hội Nhà văn, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh TPHCM và Việt Nam đang công tác trên toàn quốc; các cây bút trên cả nước và nước ngoài. Các thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng giám khảo không được dự thi.

Các tác phẩm dự thi sẽ đăng tải trên báo SGGP và báo SGGP Đầu tư Tài chính, được trảnhuận bút theo quy định của báo SGGP. Các tác phẩm đã qua vòng sơ khảo được chọn đăng, Ban Giám khảo mới xem xét chấm giải. Ban Tổ chức khuyến khích các tác giả gửi tác phẩm dự giải sớm và có những cách thể hiện sáng tạo, hấp dẫn gắn liền với các chủ đề nêu trên.

3. Tác giả gửi tác phẩm dự thi đồng nghĩa với việc chấp thuận thể lệ cuộc thi. Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm về bất cứ tranh chấp nào liên quan đến bản quyền, tính chân thật, các khiếu nại những nhân vật liên quan trong tác phẩm. Trường hợp Ban Tổ chức phát hiện sai phạm sẽ thu hồi nhuận bút, giải thưởng.

Ban Tổ chức cuộc thi được phép sử dụng các tác phẩm dự thi để phục vụ cho công tác quảng bá, tuyên truyền, hoặc in sách sau cuộc thi (nếu có đủ kinh phí). Ban Tổ chức sẽ thông báo đến tác giả có tác phẩm đoạt giải và sẽ có thư mời tham dự lễ trao giải thưởng.

Đề nghị các tác giả gửi tác phẩm dự thi tới tòa soạn báo SGGP số 399 Hồng Bàng, Phường 14, Quận 5, TPHCM; mail: cuocthiphongsukysu@sggp.org.vn hoặcdttaichinh@sggp.org.vn . Ngoài bì thư ghi rõ: Bài tham dự cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí “Ấn tượng đất nước – Con người Việt Nam”. Ban Tổ chức không hoàn trả bản thảo tác phẩm dự thi.

III. HÌNH THỨC THỂ HIỆN:

1. Các tác giả dự thi có thể thể hiện tác phẩm dưới hình thức bài Ký sự - Ghi chép, Ký sự nhân vật với dung lượng 2.500 từ trở lại (bài 1 kỳ), bài viết dài không quá 3 kỳ (7.500 từ) và các ảnh minh họa thực tế, gắn liền với chủ đề bài viết.

2. Các tác giả dự thi có thể thể hiện bài viết dưới dạng Phóng sự ảnh. Ảnh dự thi dưới dạng kỹ thuật số, file ảnh có định dạng jpg, độ phân giải 300 dpi. Kích thước ảnh chiều dài nhất tối thiểu 1800 pixel. Dung lượng file ảnh tối thiểu 1Mb/ảnh. Ảnh dự thi màu hoặc đen trắng (không được sử dụng kỹ thuật, kỹ xảo nhiếp ảnh).

Tác phẩm dự thi phải là nhóm ảnh, bộ ảnh và phóng sự ảnh có cùng chủ đề: gồm từ 10–14 ảnh. Bên cạnh tên tác phẩm, tác giả phải cung cấp thông tin đầy đủ, xác thực về các chi tiết (chú thích ảnh) trong mỗi ảnh. Phần giới thiệu chung bài phóng sự khoảng 400 chữ trở lại, nêu bối cảnh, ý nghĩa sự việc trong tác phẩm.

3. Các tác giả dự thi có thể thể hiện tác phẩm dưới dạng ảnh báo chí, thể loại ảnh đơn đặc tả theo các chủ đề nêu trên. Các tác phẩm dự thi khắc họa, ghi nhận các sự kiện, sự việc thực tế; người thật, việc thật… trong nội dung tác phẩm. Khuyến khích các tác giả phản ánh những tình huống độc đáo, thể hiện điêu luyện nội dung tác phẩm, nhưng không được hư cấu. Ban Tổ chức xem xét cẩn trọng bài viết trước khi đăng, các tác giả chịu trách nhiệm về tính chân thật trong nội dung tác phẩm dự thi.

IV. GIẢI THƯỞNG:

1. Giải thưởng thể loại Ký sự - Ghi chép (bằng tiền mặt):

* 1 Giải nhất : 25 triệu đồng.

* 2 Giải nhì : 20 triệu đồng/giải.

* 3 Giải ba : 15 triệu đồng/giải.

* 4 Giải tư : 8 triệu đồng/giải.

2. Giải thưởng thể loại Phóng sự ảnh (bằng hiện vật):

* 1 Giải nhất : Hiện vật máy ảnh chuyên nghiệp, trị giá 60 triệu đồng.

* 2 Giải nhì : Hiện vật máy ảnh chuyên nghiệp, trị giá 40 triệu đồng /giải.

* 3 Giải ba : Hiện vật máy ảnh chuyên nghiệp, trị giá 30 triệu đồng/giải.

3. Giải thưởng thể loại ảnh đơn (bằng hiện vật):

* 1 Giải nhất : Hiện vật máy ảnh trị giá 15 triệu đồng.

* 2 Giải nhì : Hiện vật máy ảnh trị giá 10 triệu đồng/giải.

* 3 Giải ba : Hiện vật máy ảnh trị giá 6 triệu đồng/giải.

* 10 giải khuyến khích cho 2 thể loại Phóng sự ảnh và ảnh đơn: Mỗi giải một máy in ảnh.

4. Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ ngày phát động đến ngày 31/3/2016. Tháng4–2016 thực hiện việc chấm giải và Lễ trao giải dự kiến tổ chức nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ nêu trên.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Thành lập Ban chỉ đạo:

- Ông Nguyễn Tấn Phong, Thành uỷ viên, Tổng Biên tập báo SGGP – Trưởng ban.

- Ông Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM – đồng Trưởng ban.

- Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng biên tập, Tổng Thư ký tòa soạn báo SGGP – Thường trực Ban chỉ đạo.

2. Thành lập Hội đồng giám khảo (HĐGK):

- Nhà báo Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn báo SGGP – Chủ tịch HĐGK.

- Nhà báo Dương Vũ Thông, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM – đồng Chủ tịch HĐGK.

- Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng TKTS báo SGGP – Thành viên.

- Nhà văn Lê Văn Thảo, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – Thành viên.

- Nhà văn Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM – Thành viên.

- Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Đức Thành – Thành viên.

- Nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn – Thành viên.

- Nhà báo Đào Tuấn Anh, Trưởng Ban VHVN báo SGGP – Thành viên.

- Nhà báo Đinh Thị Thu Hà, TKTS báo SGGP – Thành viên.

- Nhà báo Trần Thanh Hải, TKTS Phụ trách ĐTTC – Thành viên.

- Nhà báo Vũ Thái Bằng, Biên tập viên ảnh báo SGGP - Thành viên.

3. Thành lập Ban sơ khảo:

- Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Trưởng ban sơ khảo cuộc thi Ký sự – Ghi chép.

- Nhà báo Trần Thanh Hải, Trưởng ban sơ khảo cuộc thi Phóng sự ảnh, ảnh đơn.

(Các Trưởng ban huy động nhân sự tòa soạn tham gia Ban sơ khảo theo cơ chế kiêm nhiệm.)

- Bà Nguyễn Thị Mai Trâm, Thư ký HĐGK.

SGGP