Trang chủ » Tin văn và...

10 TRIỆU CHỨNG NHẬN BIẾT BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

Minh Thu (theo diabetescare
Chủ nhật ngày 5 tháng 7 năm 2015 2:01 PM



(GDVN) - Tiểu đường là căn bệnh thường gặp phải trong cuộc sống hằng ngày. Tìm hiểu các triệu chứng của bệnh tiểu đường là cần thiết để kịp thời phát hiện sớm.

Nếu bạn gặp phải một số triệu chứng sau đây, hãy sắp xếp hẹn gặp với bác sĩ và kiểm tra nồng độ đường trong máu:

1. Nhanh khát và buồn tiểu nhiều

Khi mức độ đường trong máu tăng, thận sẽ cố gắng lọc ra khỏi máu nhiều hơn. Khi có quá nhiều glucose trong máu, dần dần thận sẽ không thể lọc hết kịp. Các glucose dư thừa được bài tiết vào nước tiểu của bạn cùng với các chất dịch từ cơ thể. Điều này gây ra triệu chứng đi tiểu thường xuyên hơn. Kết quả bạn sẽ mất nước nhiều hơn và nhanh khát nước hơn.

2. Thèm ăn

Cơ thể cần sử dụng insulin để giữ glucose trong tế bào. Khi thiếu insulin, hoặc kháng insulin, cơ thể sẽ không thể lưu trữ glucose trong các tế bào. Các tế bào cần glucose để tạo năng lượng.

Do vậy, khi cơ thể không đủ năng lượng cần thiết sẽ kéo theo triệu chứng đói bụng và thèm ăn để tăng lượng calo.

3. Kiệt sức và mệt mỏi

Kéo theo cùng với triệu chứng thèm ăn gia tăng, suy nhược và mệt mỏi là hậu quả từ sự bất lực của cơ thể vì không sử dụng được glucose.

Khi cơ thể không có khả năng để giữ glucose trong tế bào, cơ thể sẽ không có đủ năng lượng để hoạt động tối ưu. Điều này dẫn đến mệt mỏi và suy nhược.

4. Giảm cân đột ngột

Điều gì xảy ra khi cơ thể bài tiết glucose dư thừa khi bạn ăn? Cơ thể không lưu trữ glucose để chuyển hóa thành năng lượng sau này. Cơ thể sẽ đào thải lượng đường trong nước tiểu và làm giảm lượng calo được hấp thụ vào các tế bào.

Điều này đồng nghĩa với việc bạn sút cân kể từ khi cơ thể không thể bù được lượng calo đã mất.

5. Ngứa ran hoặc tê buốt

Ngứa ran hoặc tê, hay còn gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường là tổn thương thần kinh phát sinh như một biến chứng của lượng đường trong máu cao.

Khi nồng độ glucose trong máu cao, nó cản trở tín hiệu truyền qua dây thần kinh. Ngoài ra, các thành mạch máu nhỏ bị suy yếu, dẫn tới gián đoạn nguồn cung cấp máu tới các dây thần kinh. Điều này thường xảy ra ở các chi và thường bắt đầu ở bàn chân.

6. Mờ mắt

Đôi mắt là bộ phận cực kỳ nhạy cảm với những tác động của glucose trong máu. Các tế bào thủy tinh thể của mắt có thể sưng lên và thay đổi hình dạng gây ra tình trạng tầm nhìn không rõ và mờ mắt.

7. Các vết thương lâu lành

Trong một nghiên cứu của Đại học Warwick, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các thụ thể khó có thể nhận biết các vấn đề nhiễm trùng khi nồng độ glucose tăng cao trong máu. Lượng đường cao làm ức chế quá trình làm việc của hệ thống miễn dịch.

Điều này làm ảnh hưởng tới công việc của các tế bào máu trắng và về cơ bản kéo dài quá trình chữa bệnh bình thường.

8. Thường xuyên viêm nhiễm

Tương tự như việc chữa lành chậm, nhiễm trùng thường xuyên là một triệu chứng gây ra do mức độ đường trong máu tăng. Phản ứng miễn dịch chậm có thể dẫn đến sự gia tăng khả năng nhiễm trùng thường xuyên, và nhiễm trùng nặng hơn người có đường huyết ổn định hoặc bình thường.

9. Da khô, ngứa

Cơ thể được tạo thành từ 50% -78% nước. Do thường xuyên đi tiểu và mất nước nên da dẻ sẽ trở nên khô ráp hơn. Da khô, ngứa hoặc có vảy là một triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường do mất nước khi thận bài tiết nhiều từ các mô.

10. Nóng tính

Bạn đã bao giờ thấy cơ thể thiếu sức sống và trở nên giận dữ chưa? Tưởng tượng rằng calo và năng lượng đáng ra phải được lưu trữ trong tế bào nhưng lại bị đào thải. Điều đó gây ra tình trạng xấu với toàn bộ cơ thể và khiến cơ thể dễ bị kích thích khi ở trong giai đoạn năng lượng không được cung cấp đầy đủ.

Minh Thu (theo diabetescare