Trang chủ » Tin văn và...

ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN LẦN THỨ IX: NHỮNG KÌ VỌNG

Hoàng Minh – Lê Nhi (ghi
Thứ tư ngày 8 tháng 7 năm 2015 6:09 AM

Tổ chức 5 năm một lần, Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX sẽ diễn ra từ 9 đến 11-7 tại Hà Nội. Trước mỗi kỳ Đại hội của Hội Nhà văn Việt Nam, những quan tâm về chất lượng hội viên; thành phần Ban chấp hành khóa mới; việc đổi mới qui chế hoạt động của Hội nhằm nâng cao chất lượng của các tác phẩm văn chương hôm nay... là những mối quan tâm chưa bao giờ cũ của cả bạn đọc và những người trong giới. Vậy người cầm bút kỳ vọng gì ở Đại hội lần này? Báo Đại Đoàn Kết đã ghi lại tâm tư của một số nhà văn.

 

Nhà thơ, nhà phê bình Dương Trọng Dật

Nhà thơ, nhà phê bình Dương Trọng Dật: Đừng biến Hội Nhà văn thành một hội quần chúng

Sáng qua, Đài phát thanh đưa tin: “ngày 9-7 sẽ khai mạc Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam. Đại hội lần này chủ yếu tập trung bàn và thông qua điều lệ hội sửa đổi…”

Sao nội dung chủ yếu lại là thông qua điều lệ sửa đổi? Có rất nhiều nội dung quan trọng mà hội viên rất kỳ vọng ở Đại hội này. Chẳng hạn, một vấn đề không thể không đặt ra: nền văn học của chúng ta đang ở đâu và vì sao nền văn học có thời thấm đậm tinh thần nồng nhiệt công dân lại đang xa rời cuộc sống của nhân dân mình, đất nước mình? Vì sao báo chí đi vào được những vấn đề nóng của đất nước mà văn học lại chịu số phận “mờ mờ nhân ảnh”? Một vấn đề cũng rất cần được quan tâm mổ xẻ tại Đại hội là đổi mới hoạt động của Hội Nhà văn. Chúng ta đã đổi mới kinh tế mấy chục năm vì sao Hội Nhà văn vẫn chưa thoát khỏi cơ chế bao cấp? Làm sao để hội từng bước dứt khỏi bầu sữa của ngân sách, phi nhà nước hóa cơ quan hội, đưa hội thoát khỏi những công việc theo kiểu cơ quan hành chính đơn thuần, hướng tới mục tiêu quan trọng bậc nhất là kích thích và thúc đẩy sáng tác? Đại hội, nên chăng, cũng bàn bạc một cách nghiêm túc về việc lập một quỹ bảo trợ sáng tạo Văn học quốc gia theo hướng huy động sức mạnh của xã hội và lập một giải thưởng văn học có tính khu vực (kiểu Giải thưởng văn học Đông Nam Á của Thái Lan). Trong phát triển tổ chức, xem xét một cách thực sự cầu thị về việc kết nạp hội viên tràn lan, dẫn đến nguy cơ biến Hội Nhà văn thành một hội… quần chúng.

Nhà văn Phong Điệp: Nhà văn dưới 40 tuổi vào Hội là… của hiếm

Theo thông tin từ một ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII, trong số hơn 1.000 hội viên hiện nay của Hội, số người ở độ tuổi từ 60 trở lên chiếm khoảng 70%, từ 40 đến dưới 60 khoảng 20%, còn lại là trẻ hơn. Như vậy số các nhà văn dưới 40 tuổi ở Hội, thuộc vào “của hiếm”. Tôi e rằng, nếu điểm danh, số các hội viên dưới 40 tuổi hiện nay của Hội Nhà văn chắc chỉ được khoảng 30 - 40 người, chứ cũng không được chiếm đến 10% số hội viên của Hội. Nếu nhìn ra đời sống văn học hiện nay, thì con số này quả thật rất đáng để suy nghĩ. Bởi có thể nói, những người cầm bút dưới 50 tuổi hiện nay khá đông đảo, họ đang là những tác giả sung sức, đóng góp những tiếng nói quan trọng cho nền văn học nước nhà. Những tác giả trên dưới 30 cũng là một đội ngũ hùng hậu, hứa hẹn nhiều đột phá trong thời gian tới.

Nhà văn Phong Điệp

Vậy tại sao chưa có nhiều người đứng trong đội ngũ của Hội Nhà văn Việt Nam? Tất nhiên họ vẫn sẽ viết dù có phải là hội viên hay không. Nhưng nếu Hội Nhà văn không được kịp thời bổ sung lực lượng trẻ, bao nhiêu năm vẫn “bảo lưu” tuổi đời trung bình của các hội viên xấp xỉ con số 60 thì thật đáng lo ngại.

Hội hãy đón các nhà văn khi họ còn đang sung sức, để họ có điều kiện cống hiến tài năng, công sức của mình cho Hội ngày càng vững mạnh, có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn. Cụ thể, trong việc kết nạp hội viên hằng năm, hãy dành một tỉ lệ xứng đáng cho những người viết trẻ. Những tác giả đoạt giải cao tại các cuộc thi văn chương uy tín, Hội có thể xem xét kết nạp đặc cách họ, tránh tình trạng đơn xếp hàng vài năm tác giả mới được xét đến.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Mong Đại hội bầu ra một BCH trẻ trung hơn

Thực ra nói là có kỳ vọng gì đó vào Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam tới đây không, thì bản thân tôi cũng chẳng có gì để kỳ vọng. Đại hội được tổ chức vẫn làm những công việc muôn thuở như bao kỳ Đại hội trước đó là đánh giá, nhìn lại những gì làm được và chưa làm được trong 5 năm qua và phương hướng trong 5 năm tới. Ngoài ra, nhiệm vụ là bầu ra một BCH mới.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Nhưng nói là không kỳ vọng thì không có nghĩa không hy vọng vào một điều gì đó mới mẻ. Bởi dù sao Đại hội này cũng sẽ bầu ra một BCH mới. “Mới” ở đây là từ Chủ tịch mới trở xuống. Nói gì thì nói, BCH hiện nay là hơi cũ và thậm chí có những người đã làm đến 3, 4 khóa. Hy vọng, Đại hội lần này sẽ có một BCH mới trẻ trung hơn. Từ đó, những đường hướng trong 5 năm tới sẽ mới mẻ. Chứ còn về mặt báo cáo, phương hướng đề ra… tôi nghĩ Đại hội nào cũng làm rồi. Và câu chữ cũng ná ná nhau. Nói thật, tôi nghĩ những điều đó không đọng lại được trong đầu những người tham gia Đại hội. Quan trọng người cầm trịch Đại hội này sẽ chèo lái con tàu Hội đi về đâu trong vòng 5 năm tới. Chứ những nhiệm kỳ vừa qua nó cứ bình bình như vậy. Tuy nhiên, đây là vấn đề không chỉ của Hội Nhà văn nói riêng, mà là vấn đề chung mà các Hội văn học nghệ thuật khác đang vướng phải như ở Hội Văn nghệ dân gian, Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật… Nguyên nhân là do lịch sử để lại.
Kỳ vọng thế, nhưng tôi nghĩ để có một lớp người trẻ được bầu vào BCH lần này rất khó thành hiện thực. Bởi Hội Nhà văn Việt Nam hiện có hơn 1.000 hội viên mà có tới 70% là người lớn tuổi (50 tuổi trở lên), chỉ có 30% là những người trẻ, và nhiều người cũng không phải là đại biểu tham gia đại hội… Theo như tôi được biết, những người dưới 40 tuổi dự Đại hội lần này chỉ khoảng 20 - 25 người/ tổng số hơn 500 đại biểu thì rất là ít và không làm nên điều gì cả.

Tôi mong để có những sự thay đổi, phải do những người lãnh đạo Hội. Họ phải nhìn ra đội ngũ điều hành lãnh đạo kế cận, và chính họ phải là những người cương quyết sắp xếp và dự tính nhân sự của Hội. Và họ thực sự muốn có những người trẻ thì họ sẽ có cách để cho những người trẻ vào BCH. Nếu như họ không muốn thì đành chịu thôi. Bây giờ cứ lấy lý do tôi còn khỏe tôi còn làm thì các Hội sẽ vẫn mãi chỉ dành cho những người cao tuổi. Nghe có vẻ hơi chua chát, nhưng sự thực là các hội nghệ nghiệp của chúng ta đang dành cho… các cụ về hưu. Thực trạng này đang đúng và đang đúng dần lên. Thế mới nói, hy vọng có những người trẻ trong BCH thì mãi mãi chỉ là hy vọng.

Hoàng Minh – Lê Nhi (ghi)

Hy vọng, Đại hội lần này sẽ có một BCH mới trẻ trung hơn. Từ đó, những đường hướng trong 5 năm tới sẽ mới mẻ. Chứ còn về mặt báo cáo, phương hướng đề ra… tôi nghĩ Đại hội nào cũng làm rồi. Và câu chữ cũng ná ná nhau. Nói thật, tôi nghĩ những điều đó không đọng lại được trong đầu những người tham gia Đại hội. Quan trọng người cầm trịch Đại hội này sẽ chèo lái con tàu Hội đi về đâu trong vòng 5 năm tới. Chứ những nhiệm kỳ vừa qua nó cứ bình bình như vậy.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú