Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHẨN ĐOÁN NHẦM

Đỗ Phấn
Thứ năm ngày 18 tháng 6 năm 2015 3:58 PM


Trời rất xanh và mây rất trắng. Tháng 5 nào chẳng thế! Hoa bằng lăng cứ việc não nề cất tiếng thủy chung tím ngắt phố phường . Rất hiếm người Hà Nội biết cái tên “bằng lăng” đến từ đâu. Vài người giỏi tiếng Pháp bảo rằng nó bắt nguồn từ chữ “plant”. Đại khái nghĩa là cây trồng. Người Pháp đô hộ sai phu phen đi trồng cây đầu thế kỷ trước hay nói đến chữ ấy. Người Việt lúc ấy còn chưa nói được tiếng Tây bồi mà mới chỉ nghe được mang máng “pờ lăng” gì đó. Họ hiểu cái cây người Pháp bảo trồng rười ruợi tím màu hoa ấy là bằng lăng. Thôi kệ. Nó cũng như rau cresson được người Việt mỗ mễ đôi tai gọi là cải xoong thôi mà. Cải xoong chẳng có liên quan gì đến tất cả các loại rau cải trên đời. Nó chỉ có một đặc điểm chung với rau cải ở chỗ ăn vào không chết người. Giống như đất vách của các bà mẹ Việt xưa ưa dùng khi ốm nghén. Thành phần của nó bao gồm bùn nhão với rơm rạ, cỏ khô băm ngắn đạp kỹ đủ dẻo để trát lên vách tường. Nghe nói vài nơi có kèm thêm tro bếp và mật mía. Kể cũng là một bí mật ẩm thực. Nhưng cũng phải thừa nhận một điều rằng cùng là phiên âm chữ Pháp ra tiếng Việt thì bằng lăng là một chữ hiếm hoi có mặt trong thơ ca. “Bằng lăng soi bóng ven hồ/ Xuân đi thu đến bao giờ nở hoa...”(Tế Hanh), “Về Hà Nội với hàng cây/ Bằng lăng tím ngắt nở đầy dưới mưa...”(Bùi Kim Anh). So với su hào, súp lơ, cà rốt, cải xoong...thì bằng lăng vẫn còn sang trọng hơn nhiều.

Người Hà Nội không cả tin, nhưng thường thì mở rộng đức tin của mình sang những chỗ không ngờ nhất. Ùn ùn kéo đến những nhà khoa học tâm linh xem tiền duyên hậu vận, tìm hài cốt tiền nhân thất lạc, vay tiền, cướp ấn, sờ đầu rùa mu rùa Văn Miếu mong thành tựu khoa bảng. Vui nhất chuyện buộc thơ vào bóng bay thả lên giời những mong thơ mình có giời biết.

Nghe tin đồn có một vài ông bà lang miền xa có thể chữa khỏi bệnh ung thư và bệnh aids cũng hò nhau nườm nượp kéo đến. Các thày lang nắm vững cơ hội bèn mở ra rất nhiều chi nhánh khám chữa bệnh ở Hà Nội. Cũng dao cầu thuyền tán, tủ nhiều ngăn kéo ậm ạch rôm rả bày ra. Cũng bắt mạch kê đơn như thật. Thuốc thang đùm lớn túm nhỏ bao giờ cũng kèm theo khuyến cáo chống chỉ định: Không đi đưa đám ma, không tham gia bốc mả. Lý do là ở đó có nhiều âm khí! Hỏi âm khí là gì thì tức khắc gắt nhặng lên, có thế mà cũng hỏi!

Khái niệm “âm” trong đầu người Việt thật là bao la phổ quát. Chủ yếu nói về những gì hèn hạ, thấp kém, lẩn lút, ma mãnh, độc địa, nham hiểm. Chỉ có mỗi một thứ tốt đẹp thì chẳng bao giờ được nói ra. Hơn thế, còn được giấu rõ kín.

Đông y từng tồn tại vài nghìn năm trên đất Việt trước khi Tây y có mặt. Không ai dám phủ nhận công lao của nó. Tuy nhiên, với khoa học hiện đại có tính định lượng cụ thể thì đóng góp của Đông y ngày nay chỉ còn ở mức hỗ trợ chữa trị bệnh tật. Một trong những khía cạnh hỗ trợ đắc lực nhất chính là tâm lý mấy nghìn năm ấy. Ai cũng biết rằng tuổi thọ người Việt ngày nay đã được nâng cao đến mức chưa từng thấy. Nhìn vào thành tựu Đông y ngày trước rất dễ nhận ra khác biệt này. Vua chúa, quan lại có đầy đủ điều kiện chữa chạy kể từ triều Nguyễn trở về trước thường có tuổi thọ trung bình không quá 50. Vài thày lang Đông y tuyên bố đã chữa khỏi cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư. Có những bệnh nhân nổi tiếng đạo cao đức trọng cũng lấy mình ra làm chứng cứ. Chuyện này được báo chí lá cải loan tin rộng rãi như một thách thức với y học thế giới. Nhưng may mắn thay vẫn có những thày lang mực thước không bao giờ tin vào những điều xằng xịt ấy. Họ cũng lên báo nói rất rành mạch, “Đông y chỉ có thể chữa khỏi bệnh ung thư với một điều kiện duy nhất mà thôi, đó là: Tây y chẩn đoán nhầm!”

“Có bệnh thì vái tứ phương” là thành ngữ lâu đời của người Việt. Nhưng hình như đó cũng chính là một căn bệnh còn lâu mới chữa khỏi. Bệnh “Vái tứ phương”.

5-2015