Hàng năm ngày 1-11 âm lịch là kỵ nhật Phật hoàng
Trần Nhân Tông (chữ Hán: 陳仁宗; 7 tháng 12, 1258 – 16 tháng 12, 1308), là vị hoàng đế thứ 3 của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì 15 năm (1278 – 1293) và làm Thái Thượng hoàng 15 năm.
Được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam, ông có vai trò lãnh đạo quan trọng trong Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 2 và lần 3.
Trần Nhân Tông là vị hoàng đế nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất của Việt Nam. Ông cũng là người đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy pháp hiệu là Đầu đà Hoàng giác Điều ngự.
Ông tên thật là Trần Khâm (陳昑), là con trai trưởng của hoàng đế Trần Thánh Tông với Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu Trần Thiều, sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ, niên hiệu Thiệu Long năm thứ 1 (tức 7 tháng 12 năm 1258).
Ngay từ khi sinh ra, ông được tả là được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng, và cha mẹ ông gọi ông là Kim Tiên đồng tử (金仙童子).
Ngày 22 tháng Mười âm lịch năm Mậu Dần (tức 8 tháng 11 năm 1278), ông được vua cha là Trần Thánh Tông nhường ngôi, tự xưng là Hiếu Hoàng (孝皇), được tôn làm Pháp Thiên Ngực Cực Anh Liệt Vũ Thánh Minh Nhân Hoàng Đế. Ông ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, qua đời ở am Ngoạ Vân núi Yên Tử, đưa về táng ở Đức lăng (nay thuộc tỉnh Thái Bình).
Chống quân nhà Nguyên
Bài chi tiết: Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 2
Bài chi tiết: Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 3
Năm 1258, quân Mông Cổ từng thất bại ở Đại Việt trong việc tìm cách mở một hướng từ phía Nam để đánh vào lãnh thổ Nam Tống.
Năm 1279, Nam Tống hoàn toàn bị Đại Nguyên thôn tính. Tháng 8 năm này, hoàng đế nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt ra lệnh đóng thuyền chiến chuẩn bị đánh Đại Việt và Nhật Bản.
Bấy giờ nhà Nguyên sai sứ sang hạch điều này, trách điều nọ, triều đình cũng có nhiều việc bối rối. Nhưng nhờ có Thượng hoàng Thánh Tông còn coi mọi việc và các quan trong triều nhiều người có tài trí, Nhân Tông lại là một vị vua thông minh và quả quyết, mà trong nước từ vua quan đến dân chúng đều một lòng cả, nên từ năm 1285 đến 1287, Nguyên Mông hai lần sang đánh Đại Việt nhưng bị đập tan.
Ngoài ra, quân Ai Lao thường hay quấy nhiễu biên giới, bởi vậy năm 1290 nhà vua phải thân chinh đi đánh dẹp.
Năm 1293, ông nhường ngôi cho con trưởng là Trần Thuyên để làm Thái thượng hoàng, tôn hiệu là Hiến Nghiêu Quang Thánh Thái Thượng Hoàng Đế (憲堯光聖太上皇帝), lui về phủ Thiên Trường theo lệ truyền thống của các Thượng hoàng. Trần Thuyên lên ngôi tức Trần Anh Tông.
Cứng rắn với con cái
Bấy giờ Anh Tông còn mê rượu chè, một hôm vua uống rượu xương bồ say khướt. Lúc đó Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường trở về kinh sư,các quan trong triều không ai biết cả.
Thượng hoàng thong thả đi thăm khắp các cung điện, từ giờ Thìn đến giờ Tỵ. Cung nhân dâng bữa, Thượng hoàng ngoảnh nhìn không thấy vua, lấy làm lạ, hỏi là: Quan gia ở đâu?. Cung nhân vào trong nội đánh thức, nhưng ngài không tỉnh. Thượng hoàng giận lắm, lập tức trở về Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngay ngày mai đều phải tới phủ Thiên Trường để điểm danh, ai trái lệnh sẽ bị xử tội.
Đến giờ Mùi vua mới tỉnh, cung nhân đem việc ấy tâu lên. Vua sợ quá, đi rảo ra khỏi cửa cung không thấy ai coi giữ; qua chùa Tư Phúc, thấy học sinh Đoàn Nhữ Hài ở cửa chùa. Vua bèn dẫn Nhữ Hài vào buồng ngủ và bảo:
"Vừa rồi trẫm vì say rượu, có tội với Thượng hoàng, giờ trẫm định đến trước mặt ngài tạ tội, ngươi hãy thảo cho trẫm bài biểu".
Nhữ Hài đứng trước mặt vua, soạn xong tờ biểu. Vua bèn lấy thuyền nhẹ đi ngay, cho Nhữ Hài theo mình.
Sáng sớm hôm sau, vua tới phủ Thiên Trường, dâng biểu tạ tội. Thượng hoàng thấy Nhữ Hài, liền hỏi là người nào. Nội nhân trả lời là người dâng biểu của Quan gia. Thượng hoàng không nói gì.
Buổi chiều, mưa gió ập đến. Nhữ Hài vẫn cứ quỳ không nhúc nhích. Thượng hoàng hỏi: "Người ở trong sân có còn đấy không?". Nội nhân đáp rằng còn. Thượng hoàng bèn sai nhận biểu để xem, thấy lời lẽ khẩn thiết cho gọi vua vào bảo:
"Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?".
Vua rập đầu tạ tội.
Xuất gia
Sau khi nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, ông xuất gia tu hành tại cung Vũ Lâm[1], Ninh Bình, sau đó rời đến Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử(còn gọi là phái thiền Trúc Lâm hay Trúc Lâm Tam tổ),[2] lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà). Ông là tổ thứ nhất của dòng Thiền Việt Nam này. Về sau ông được gọi cung kính là "Phật Hoàng" nhờ những việc này.
Ông qua đời ngày 3 tháng 11 âm lịch năm Mậu Thân (tức 16 tháng 12 năm 1308), được an táng ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ cất ở bảo tháp am Ngọa Vân; miếu hiệu là Nhân Tông, tên thụy là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hóa Dân Long Từ Hiển Hiệu Thánh Văn Thần Võ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế (法天崇道應世化民隆慈顯惠聖文神武元明睿孝皇帝).
Tại Hà Nội có phố Trần Nhân Tông trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.
Tác phẩm
Tác phẩm của Trần Nhân Tông có:
- Thiền lâm thiết chủy ngữ lục (Ngữ lục về trùng độc thiết chủy trong rừng Thiền)
- Tăng già toái sự (Chuyện vụn vặt của sư tăng)
- Thạch thất mỵ ngữ (Lời nói mê trong nhà đá)
- Đại hương hải ấn thi tập (Tập thơ ấn chứng của biển lớn nước thơm)
- Trần Nhân Tông thi tập (Tập thơ Trần Nhân Tông)
- Trung Hưng thực lục (2 quyển): chép việc bình quân Nguyên xâm lược.
Các phẩm trên đều đã thất lạc, chỉ còn lại 25 bài thơ chép trong Việt âm thi tập và Toàn Việt thi lục[3].
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia