Trang chủ » Tin văn và...

Đoàn nhà văn thăm huyện Bình Giang

TN
Thứ ba ngày 17 tháng 9 năm 2013 5:06 PM
Hôm nay chúng tôi đi thăm huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Bình Giang nằm ở phía Tây Nam thành phố Hải Dương, diện tích tự nhiên là 104,7 km2. Phía Bắc giáp huyện Cẩm Giàng, phía Nam giáp huyện Thanh Miện, phía Đông giáp huyện Gia Lộc, phía Tây giáp huyện Ân Thi và Mỹ Hào của tỉnh Hương Yên.
Bốn mặt huyện Bình Giang đều có sông: sông Kẻ Sặt ở phía Bắc, sông Đình Hào ở phía Đông, sông Cửu An ở phía Tây, sông Cầu Lâm, Cầu Cốc ở phía Nam. Trong đó sông Sặt bắt nguồn từ sông Hồng, qua cống Xuân Quan, qua cầu Lực Điền, cầu của đường 39A, nối quốc lộ 5A với thành phố Hưng Yên, tiếp cận với huyện Bình Giang tại vị trí sát làng Tranh Ngoài, xã Thúc Kháng. Đến đây sông có nhánh chạy dọc theo phía Tây huyện, gọi là sông Cửu An; một nhánh chạy dọc phía Bắc huyện gọi là sông Kẻ Sặt, thông với sông Thái Bình, qua Âu Thuyền, thành phố Hải Dương.
Tại xã Hồng khê, phía nam của huyện Bình Giang có làng cổ trinh nữ,là một trong những ngôi làng cổ cùng hình thành với làng Mộ Trạch.(Theo "Làng Cổ Việt") có 39 tiến sĩ.
Chúng tôi về xã Nhân Quyền, một xã đạt 17 chỉ tiêu Nông thôn mới. Ngôi trường mầm non khang trang không kém thành phố. Nơi đây là quê của danh nhân Phạm Đình Hổ
Phạm Đình Hổ sinh năm Mậu Tý (1768), người làng Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).
Sinh trong một gia đình khoa bảng, cha ông là Phạm Đình Dư, đậu cử nhân, làm Hiến sát Nam Định, thăng Tuần phủ Sơn Tây, rồi cáo quan về ở phường Hà Khẩu (Hàng Buồm) năm Giáp Ngọ (1774).
Ngay từ nhỏ, Phạm Đình Hổ đã tỏ chí rằng: Làm người con trai phải lập thân hành đạo...Lấy văn thơ nổi tiếng ở đời...[1]. Tuy học & đọc nhiều sách (năm 9 tuổi, ông đã học sách Hán thư), nhưng ông chỉ đỗ đến sinh đồ (tức tú tài) vào khoảng cuối đời Chiêu Thống.
Gặp buổi loạn lạc, vua Lê Chiêu Thống cho người chạy sang cầu viện nhà Thanh, rồi triều đình Lê Trịnh sụp đổ, nhà Tây Sơn lên cầm quyền... Suốt quãng thời gian này, Phạm Đình Hổ sống đời cơ hàn dạy học ở quê.
Đến khi Gia Long lên ngôi, cho khôi phục lại việc học hành thi cử; ông có đi thi Hương ba lần, nhưng đều không đỗ. Hồi ấy ông đang dạy học ở phường Thái Cực, huyện Thọ Xương trong thành Thăng Long, hằng ngày rèn luyện học trò và biên soạn sách. Tại đây, ông kết bạn thơ với nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Năm Canh Thìn (1820), có chỉ triệu ông và Phan Huy Chú vào Huế đợi mệnh cất dùng, nhưng vì ốm ông không vào được.
Năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng ra Bắc. Khi ấy, Phạm Đình Hổ ở tuổi 53, được vời ông đến hỏi về học vấn, thi cử và tình hình nhân tài đất Bắc. Lại khuyên hễ có những sách tiền triều, sách trước thuật... nên đem tiến trình. Ông bèn dâng lên nhà vua những sách do mình biên soạn, bèn được triệu vào Huế làm Hành tẩu Viện Hàn lâm, được ít lâu, ông xin từ chức.
Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua lại triệu ông, cho làm Thừa chỉ Viện Hàn Lâm, tiếp đến làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm sau, xin nghỉ bệnh rồi từ chức. Sau, ông lại vào sung chức, được thăng Thị giảng học sĩ.
Năm Nhâm Thìn (1832), ông xin về hưu luôn. Năm Kỷ Hợi (1839), Phạm Đình Hổ mất, thọ 71 tuổi.
Cuối chiều chúng tôi thăm làn Mộ Trạch, thường gọi là làng Tiến sĩ. Nơi đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về nhận họ. Họ Vũ (Võ) Mộ Trạch nổi tiếng có cụ tổ làm thành hoàng là cụ Vũ Hồn. các đời sau đều có nhiều danh nhân như tướng Nguyễn Sơn, nhà văn Vũ Ngọc Phan…