Trang chủ » Tin văn và...

Họp báo về kết quả Hội nghị thường trực Hội Nhà văn Á Phi

PL
Thứ năm ngày 29 tháng 8 năm 2013 3:20 PM
 Sáng 29/8/2013, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), buổi họp báo về kết quả Hội nghị ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á – Phi được tổ chức dưới sự chủ trì của nhà văn Mohamed Salmawy – Tổng thư ký Hội Nhà văn Á – Phi và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Tổng thư ký thứ I, bên cạnh đó là các thành viên trong ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á – Phi. Phóng viên, biên tập viên của 40 cơ quan thông tấn, báo chí đã đến tham dự họp báo và đưa tin.

Thay mặt ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á – Phi (HNVAP), nhà văn Mohamed Salmawy khái lược về việc thành lập HNVAP trước kia và tình hình hiện tại sau khi tái thành lập: “HNVAP là một tổ chức có uy tín và thanh thế trên diễn đàn văn học thế giới, có đầy đủ các thành viên là các hội nhà văn của hai châu lục. Có mặt tại những cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20, HNVAP đã góp tiếng nói đấu tranh cho công cuộc giành độc lập, tự do ở hai châu lục này. HNVAP tự hào có một lịch sử huy hoàng, ra đời trong phong trào giải phóng dẫn tộc, được dẫn dắt bởi những lãnh tụ vĩ đại của Ấn Độ, Ai Cập, Inđonexia… Trong không khí chiến đấu chúng đó, các nhà văn đã tham gia tích cực bằng chính những tác phẩm lên án chiến tranh và thể hiện khát vọng hòa bình. Cùng với sự ra đời của HNVAP là một ấn phẩm được phổ biến bằng nhiều thứ tiếng trên hai châu lục – Tạp chí Hoa sen, đặc biệt là giải thưởng có uy tín, được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến - giải thưởng văn học cũng mang tên Hoa sen. Chúng tôi vẫn còn nhớ những nhà văn Việt Nam đầu tiên được giải thưởng Hoa sen như: Nguyên Ngọc, Thu Bồn... Cho đến những năm 1970, thế giới có nhiều biến đổi, tình cảm của nhân dân Á - Phi không còn được đặt lên hàng đầu trên diễn đàn thế giới. Thế nhưng trong tình hình đó các nhà văn của chúng ta luôn có những suy nghĩ khác biệt: trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ gìn tình đoàn kết và gắn bó giữa hai châu lục. Chính điều đó khiến các nhà văn thấy cần phải thiết lập lại tổ chức này và tháng 12/2012, Đại hội tái thành lập HNVAP đã được tổ chức tại thủ đô Cairo (Ai Cập). Sau Đại hội, các nhà văn Á Phi đều nhận thấy cần có nỗ lực trong hoàn cảnh mới để giải quyết những vấn đề đang diễn ra hiện nay như: toàn cầu hóa, đấu tranh giành tự do của các dân tộc thuộc các nước Châu Á và Châu Phi, việc sử dụng vũ lực và khủng bố để chống lại người dân của các nước này, sự nổi lên của các cuộc xung đột tôn giáo và chủ nghĩa bè phái…”

Nói về vai trò của Hội Nhà văn Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức Hội nghị ban lãnh đạo HNVAP tại Hà Nội và Hạ Long (Quảng Ninh), ông Tổng thư ký Hội Nhà văn Á – Phi nhấn mạnh: “Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn HNVVN đã nỗ lực hết sức để kỳ họp của HNVAP thành công tốt đẹp và đạt được những mục tiêu của mình, cảm ơn hai nhà thơ Hữu Thỉnh và Nguyễn Quang Thiều. Cho chúng tôi được cảm ơn tất cả những người bạn Việt Nam mà chúng tôi được gặp đã dành tình cảm và sự chăm sóc đặc biệt dành cho các thành viên của ban lãnh đạo HNVAP.”

 

Tiếp đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Việt Nam) đọc bản thông cáo báo chí về Hội nghị lần thứ nhất của Ủy ban Thường trực Hội Nhà văn Á Phi tại Việt Nam từ ngày 25 đến 30/8/2013. Trong bản thông cáo, những vấn đề đưa ra bàn thảo tại Hội nghị được nhiều người quan tâm như: những mối quan hệ song phương, trao đổi các xu thế văn hóa, việc tạo ra các kênh tri thức qua các cuộc hội thảo, hội nghị, dịch thuật, đào tạo các cây viết trẻ cách đối phó với những thử thách khó khăn trong việc giữ gìn bản sắc riêng của họ và đề cao giá trị bản sắc của mỗi nước. Cuộc họp của Ủy ban Thường trực cũng đã quyết định mở rộng thành viên của tổ chức theo ba cấp độ (tăng cường số lượng các nước tham gia; kết nạp thêm các nước Mỹ Latinh và Liên đoàn; kết nạp các thành viên danh dự, những thành viên ngoài khu vực Châu Á Châu Phi và Mỹ Latinh). Hội nghị quyết định xuất bản tạp chí Hoa sen một quý một lần bằng 3 ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ả rập.

 

Nhà thơ Oleg Bavykin (Nga), người phụ trách đối ngoại HNVAP đọc bản Tuyên bố của Ủy ban thường trực HNVAP (VanVN.Net sẽ đăng toàn văn bản Tuyên bố này).

 

Nhà văn Hilda Twongyeirwe (Uganda) – Phó Tổng thư ký HNVAP, phụ trách Châu Phi phát biểu: “Chúng tôi vô cùng cảm kích và trân trọng HNV Ai cập trong việc tái thành lập HNVAP. Ngay tại Cairo chúng tôi đã đón chào nhà thơ Việt Nam Nguyễn Quang Thiều với những ý tưởng đóng góp cho hoạt động của HNVAP, vì lẽ đó chúng tôi đã không do dự khi bầu ông Nguyễn Quang Thiều làm Phó Tông thư ký thứ nhất HNVAP. Ngay tại cuộc gặp gỡ Cairo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã tuyên bố Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức hội nghị lần I, ý tưởng này đến với chúng tôi vào lúc đó như một giấc mơ. Chúng tôi hạnh phúc vì lời hứa đó đã trở thành hiện thực trong tháng 8/2013 này. Cảm ơn HNVVN và các cộng sự đã giúp hội nghị thành công tốt đẹp. Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện để hội nghị của chúng tôi diễn ra trong bình an. Tự đáy lòng, xin cảm ơn nhân dân Việt Nam với sự ấm áp, chân thành, hiếu khách dành cho chúng tôi. Đây là 1 trải nghiệm chúng tôi sẽ nhớ mãi và mang theo trong lòng...”

 

Nhà văn Fadhil Thamir (Iraq), người phụ trách tài chính HNVAP chia sẻ những ấn tượng lần đầu tiên đến Việt Nam và có lời chào đón các nhà văn đến dự kỳ họp tiếp theo được tổ chức vào tháng 2/2014 tại thủ đô Bagdad: “Chúng tôi vô cùng hân hạnh được đón các đại biểu trong kỳ họp tới, để các bạn có cơ hội đến đất nước có nhiều điều kỳ lạ, bí ẩn. Đến Việt Nam lần này, tôi đã có nhiều khoảnh khắc thật tuyệt vời, đất nước và tình cảm của những người bạn Việt Nam mãi mãi trong trái tim tôi.” Ông trao tặng HNVVN món quà kỷ niệm.

 

Phần tiếp theo, các nhà báo đặt câu hỏi dành cho ông Tổng thư ký HNVAP về những vấn đề xung quanh hoạt động của Hội như: kinh phí hoạt động, tiêu chí trao giải thưởng Hoa sen, tư cách tham gia làm thành viên của HNVAP, các dự định hợp tác song phương giữa các Hội Nhà văn thành viên, kế hoạch dịch thuật… Các câu hỏi của nhà báo được nhà văn Mohamed Salmawy trả lời thỏa đáng và có sức thuyết phục.

Cuộc họp báo kết thúc lúc 11h30p.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết thêm, một số nhà văn sẽ còn lưu lại Việt Nam trong một vài ngày tới, trong thời gian đó, nếu nhà báo và những người quan tâm muốn gặp gỡ, trao đổi với các nhà văn có thể liên hệ với dịch giả Đào Kim Hoa, Phó Ban đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam.