Trang chủ » Tin văn và...

Nhà văn Ngọc Tự - Thoong BC tạ thế

TN và Kiến Văn
Thứ tư ngày 27 tháng 2 năm 2013 7:01 AM
Nhà văn Ngọc Tự tên thật là Phạm Bang Cơ (bút danh: Sao Đỏ, Hoàng Điệp, Vũ Điệp, Thoong B.C) sinh ngày 28 tháng 12 năm 1926 tại Hà Nội, hiện ở số 6 - Phan Huy Chú - Hà Nội. Nhà văn đã tạ thế ngày 25-2-2013. Hưởng thọ 88 tuổi. Lễ viếng hồi 9 giờ ngày 27-2-2013 tại Nhà tang lễ Phùng Hưng Hà Nội,
Trần Nhương và bạn đọc trannhuong.com xin chia buồn cùng gia quyến nhà văn Ngọc Tự và cầu mong linh hồn ông thanh thản về cõi vĩnh hằng


Thoong B.C là ai?

QĐND - Năm mươi năm trước, trên các tờ Quân đội nhân dân và Văn nghệ quân đội xuất hiện liên tục các bút ký như Bun Chămpa, Giữa cánh đồng Chum, Theo bước Tiểu đoàn 2… được bạn đọc đánh giá là những tác phẩm hay được in trong năm 1960. Sau đó ít tháng, tờ Trung lập - một tờ báo khổ lớn của cộng đồng người Việt xuất bản ở Phnôm Pênh (thủ đô Cam-pu-chia) in lại toàn bộ ba bài ký nói trên với lời tòa soạn giới thiệu về tác giả: “Thoong B.C là một sinh viên Lào đang học ở Hà Nội”. Hai mươi năm sau (1980) trong cuốn Tiểu đoàn 2 Phathét Lào, nhà văn Lào Xu-van-thon Bu-pha-nu-vông phỏng đoán “Thoong B.C hồi đó có lẽ là một chiến sĩ liên lạc của tiểu đoàn”… Và 36 năm sau (1996), một bạn đọc còn có thư về Tạp chí Văn nghệ quân đội hỏi: “Thoong B.C, ông ấy là ai? Chúng tôi nghe đồn nhà văn này không phải là người Lào mà là một nhà văn Hà Nội chính hiệu. Rất mong tòa soạn cho biết thực hư…”. Câu hỏi thật không dễ trả lời đối với những biên tập viên trẻ của tòa soạn; thậm chí ngay cả các cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam từng tham chiến ở Lào những năm chiến tranh, trước câu hỏi ấy cũng phải lắc đầu “không rõ”. Mãi đến những ngày kỷ niệm 40 năm Tạp chí Văn nghệ quân đội và 50 năm Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (tháng Giêng năm 1997) thì bí mật về Thoong B.C mới được “bật mí”.

Chả là mùa thu năm 1959, nhà văn Vích-to Pê-tơ-rô-vích (biệt danh của Thiếu tướng - nhà văn Văn Phác – nguyên Chủ nhiệm Tạp chí VNQĐ, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, từng là Bộ trưởng Bộ văn hóa –Thông tin) bí mật trao nhiệm vụ cho một nhà văn đi thực tế ở chiến trường Lào để viết về “sự kiện” Tiểu đoàn 2 Pha-thét Lào vừa vượt vòng vây ở Cánh đồng Chum ra được vùng giải phóng. Nhà văn đó là ai, đi theo đường nào không ai rõ. Một năm sau thì thấy xuất hiện chùm bút ký Bun Chămpa, Giữa cánh đồng Chum... trên báo với tên tác giả là Thoong B.C.

Thoong B.C, ông là ai? Ông chính là nhà văn Ngọc Tự, con người của “phố nhà binh”, nguyên Trung tá, biên tập viên sách văn nghệ của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân; vốn là một chiến sĩ của Sư đoàn 316 từng chiến đấu ở chiến trường Lào từ những năm kháng chiến chống Pháp; với bút danh Hoàng Điệp từng đoạt giải nhất tại các cuộc thi truyện ngắn do Báo Vệ Quốc quân (nay là Báo Quân đội nhân dân) tổ chức những năm 1948, 1949 với các tác phẩm như Vết xe lăn trên tường, Quán nước bên đường.

Kể về lần được báo trao giải ấy, Ngọc Tự viết: “Tôi viết một truyện ngắn vỏn vẹn có một ngàn chữ, đầu đề là Quán nước bên đường. Truyện này được báo Vệ Quốc quân Trung ương tặng giải thưởng “mẩu chuyện hay nhất”. Hồi ấy, giải thưởng là 100 đồng, nhưng báo không trực tiếp gửi cho tác giả mà phải trải qua nhiều nấc. Từ tòa soạn, báo gọi dây nói cho Phòng Chính trị Chiến khu XII đề nghị phòng cho “mượn tạm” 100 đồng (khi nào lên Trung ương họp báo sẽ thanh toán sau). Từ Phòng Chính trị Chiến khu, công văn thông báo giải thưởng và tiền thưởng về trung đoàn. Tiếp đó, trung đoàn cử người báo về D110 là đơn vị của tôi. Đi lĩnh giải tôi toàn phải đi bộ”…

Nhà văn Ngọc Tự tên thật là Phạm Bang Cơ (bút danh: Sao Đỏ, Hoàng Điệp, Vũ Điệp, Thoong B.C) sinh ngày 28 tháng 12 năm 1926 tại Hà Nội, hiện ở số 6 - Phan Huy Chú - Hà Nội.

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945 ông hoạt động trong tổ chức Văn hóa cứu quốc, dạy học ở Bắc Giang; sau đó tòng quân làm Báo Bắc Sơn, Báo Vệ Quốc quân Liên khu I, Báo Quân Việt Bắc… rồi phụ trách Báo Chiến thắng (Đại đoàn 316). Sau năm 1954 về Hà Nội làm biên tập viên văn nghệ Nhà xuất bản quân đội nhân dân cho đến khi nghỉ hưu.

Ngọc Tự viết nhiều, viết đủ các thể loại, nhiều nhất là phóng sự báo chí được ông viết những năm làm báo trên chiến khu Việt Bắc. Ông đã in 10 cuốn sách, trong đó nổi nhất có các tập: Trạm phẫu thuật tiền phương, Bun Chăm-pa, Bão rừng, Núi rừng mở hội, Ngày ấy và những tập hồi ký, hồi ức như: Một lòng với Đảng, Lớn lên nhờ Cách mạng, Niềm tin không bao giờ tắt… Trong số này, tập Bão rừng năm vừa rồi (2010) được tặng Giải thưởng văn học Sông Mê-kông (Giải thưởng của Hội Nhà văn các nước Đông Dương) lần thứ ba. Cùng được Giải Sông Mê-kông với Ngọc Tự - Thoong B.C lần này có 3 nhà văn Việt Nam khác là: Tô Hoài (Giải đặc biệt cho các tập ký sự Thăm Campuchia, Luang Phabang), Phạm Quang Đẩu (với tiểu thuyết Một ngày và 10 năm) và Nguyễn Chiến Thắng – Thăng Sắc (với tập Chú Tư con là ai?). Điều thú vị là khi Bão rừng, cuốn tiểu thuyết viết về tình bạn chiến đấu Lào - Việt được giải thưởng, nhà văn Ngọc Tự - Thoong B.C đã 85 tuổi!

Văn phẩm của Ngọc Tự không đồ sộ như nhiều bạn viết cùng thời với ông, nhưng để có được những trang viết ấy ông đã phải gửi lại cả thời trai trẻ của một thanh niên trí thức Hà Nội nơi rừng núi đầy đạn bom, thiếu đói, chết chóc và bệnh tật. Ông kể, cái bút danh Hoàng Điệp của ông ký dưới hai truyện ngắn được “giải hay nhất” của Báo Vệ quốc quân năm nào chỉ có nghĩa là con bướm vàng, là người viết ốm yếu, có nước da vàng như nghệ. Chả là hồi ấy ông cũng như nhiều chiến sĩ Vệ quốc quân khác bị sốt rét và thiếu đói hành hạ, lại không có thuốc thang gì ngoài mấy viên ký ninh nên mặt người nào cũng vàng như nghệ rất đúng với câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết lúc bấy giờ: Giọt giọt mồ hôi rơi/ Trên má anh vàng nghệ/ Anh Vệ quốc quân ơi/ Sao mà yêu anh thế!. Có những khi ông lên cơn sốt, đồng đội ông không còn cách nào khác chỉ biết ôm giữ chặt lấy ông để ông khỏi “run bắn lên”… Thế nên có thể nói, những trang viết ấy không chỉ mang đậm “dấu thời gian” mà còn là bài học quý cho những người viết văn, viết báo quân đội hôm nay.

KIẾN VĂN