Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lan man cuối năm

Nghiêm Lương Thành
Thứ sáu ngày 1 tháng 2 năm 2013 10:15 AM

 

Những ngày cuối Đông thường buốt giá, âm u và ảm đạm. Năm Thìn, thời gian trôi như rồng bay. Những việc riêng tư cần làm thì thành tựu theo kiểu mèo ọe, sên bò. Trong lòng chợt xôn xao cảm động, bi trào cảm khái, liền chép miệng sâu sắc: Thấm thoát, thế mà đã sắp sang năm mới. Nhìn qua khung cửa thấy cây lá vẫn một màu xanh, một màu xanh kém óng ả tươi tắn. Cây mọc ở xứ ta phần lớn là những loài thường xanh, lá không rụng theo mùa. Rồi lan man: Có thể vì thế, cảnh sắc thiên nhiên vàng rực cây lá, xanh ngắt nước trời về mùa thu ở xứ lạnh luôn làm cho những du khách nhiệt đới phải thảng thốt ngạc nhiên, sững sờ lặng ngắm.

*
Thập kỷ tám mươi thế kỷ trước là khoảng thời gian vàng son của công nghệ xây dựng gác xép, sản xuất cót ép và chế tạo giấy dầu. Đó cũng là những năm ăn nên làm ra của các loại công ty sổ số Kiến thiết, chẳng kể liên tỉnh hay đơn tỉnh. Các tỉnh thành, tiểu thị hực sốt trong cơn say đồng giữa vòng quay những con số. Sổ số, lô đề trở thành một hoạt động mang dáng dấp như một niềm tin về sự đổi đời thần bí đầy mê lực. Một năm, bỗng thấy thiên hạ kháo nhau: Sang năm là năm Canh Thân, khỉ, nhưng là khỉ vàng đấy. Rồi, những năm sau đó, cứ thế, sau con khỉ này, đám dân chúng đã cơ cấu nên một chuỗi những gà vàng, chó vàng, lợn vàng, chuột vàng ... nối đuôi nhau mà tô điểm cho niềm hy vọng no ấm an lành của họ.
Năm Nhâm Thìn có hàng Thiên can “Nhâm biến vi vương”, có hàng Địa chi ứng với một con vật trí tuệ vô song và sức mạnh phi phàm. Gớm ghê. Đó là năm của con rồng. Rồng không có thật. Không có thật nên phi phàm. Đã phi phàm đến mức ... phi phàm mà vẫn nhất quyết phải là rồng vàng mới yên. Sự phi phàm đó đã đưa rồng tiến thẳng lên hàng linh vật, đứng đầu nhóm tứ quý, biểu thị cho sự hiện tồn muôn đời của các bậc chí tôn được Giời giao nhiệm vụ chăm bẵm dìu dắt đám dân chúng tại các quốc gia và toàn Thiên hạ. Đứng trên quan điểm duy vật lịch sử, phải thừa nhận đây là một sáng tạo chất phác và thiên tài của nền chính trị phong kiến; bởi nếu không ấn quyết ra cái sự tượng trưng Thiên định ấy, sẽ chẳng có thảo dân nào chịu thần phục, chịu ủng hộ cho một người, một gia tộc chưa được họ chọn lựa để ăn trên ngồi trốc, tùy khẩu định ngôn, để được quyền sinh quyền sát với họ. Chẳng qua là họ vâng nhời ông Giời đấy thôi. Vậy thì, còn nghi ngờ gì nữa: Trong lịch sử nhân loại, sự tiến bộ không ngừng của khoa học nhân văn đích thực là kẻ nghịch thần không đội trời chung của các loại, các dòng vua chúa, những ông chủ sở hữu các nhà nước tư nhân. Nhưng có điều lạ: Dân tộc nào cũng vậy, nếu có kẻ ngoại bang nào đó, bất kể từ đâu tới, dù mạnh đến đâu, dù bạo đến chừng nào, nếu cứ xưng xưng Thiên tử với họ thì dù có bị nhục hình đày đọa, chém giết hung tàn hoặc phỉnh phờ biển lận, điều đó, vẫn tuyệt đối không bao giờ được chấp thuận và thê thảm, ê chề là kết cục tất yếu mà các “Xưng Xưng Thiên Tử” đó nhận được.
Năm Nhâm Thìn sắp kết thúc lượt bay, như người ta nói, là một năm dân số có tỷ lệ tăng ở mức gây nhiễu cho việc xử lý các số liệu thống kê trên các phần mềm điện toán. Lỗi là ở giấc mơ quyền lộc vàng son muôn thuở? Thực tế những gì đã xảy ra trong năm này, diễn đạt theo tinh thần thời ngôn một cách sang trọng, có thể nói là một năm có nhiều nỗ lực nhưng chưa vui lắm.
Năm tới sẽ là Quý Tỵ. Chữ Quý, theo từ điển Hán-Việt, chỉ là tên gọi của vị thứ 10 trong hàng Thiên can, không phải chữ Quý hàm nghĩa sang trọng danh lộc như không ít người vẫn tơ tưởng. Chữ Tỵ là vị thứ 6 trong hàng Địa chi, mang biểu tượng con rắn; một con vật xấu xí thường đem lại tâm trạng không vui mỗi khi người ta nghĩ đến. Tại sao không vui? - Vì nó là loài bò sát nhỏ bé xấu xí? Vì nó có thân mềm uốn lượn? Vì răng của nó có tuyến nọc độc chết người? - Nếu thế, liệu có thể nói con rắn của năm Quý Tỵ là rắn vàng được không? Sống trong một năm mang biểu tượng của một con vật thấp mọn như vậy liệu có thể hy vọng về những điều may mắn tốt đẹp?
Nếu hỏi Allbert Einstein, có lẽ cụ sẽ bảo: Nếu rắn không nhỏ bé, lấy gì làm cữ để bảo hổ gấu là to lớn? Nếu rắn không xấu xí, lấy gì làm đối lập để khen công phượng là đẹp? Không biết tục ngữ dân tộc của cụ có câu gì tương đương với câu “Sinh con rồi mới sinh cha” của ta không.
Rắn không thể đi vì không có chân, chẳng thể bay vì không có cánh. Để có thể di chuyển, cũng như mọi loài, về nguyên tắc, rắn phải tạo ra lực đẩy thân thể về phía trước. Và ở vị thế áp sát mặt đất, không còn cách nào khác hơn là buộc phải tạo ra một thế ngoằn ngoèo uốn lượn, tỳ bụng áp sườn lên mặt đất gồ ghề mà tạo nên lực đẩy đó. Một phương thức di chuyển có bản quyền, khiêm nhường và vô hại. Và điều này, ai cũng biết nhưng thường chẳng muốn nhớ: Chính các bậc tiền nhân của chúng ta đã chọn cái thân dài ngoằn ngoèo uốn lượn của con rắn làm cơ sở tạo nên thân hình cho con rồng.
Nhỏ bé thì, đương nhiên, luôn có xu hướng bị đè nén, ăn hiếp và dễ bị tổn thương. Vậy ai bảo vệ chúng? Không ai cả. Và Tạo hóa, vốn công bằng, đã tạo ban cho loài rắn một loại vũ khí là nọc độc để lấy đó mà tự vệ. Người miền rừng và người thôn quê ai cũng rất hiểu: Rắn chẳng bao giờ vô cớ tấn công loài nào, trừ khi nó bị tấn công hoặc bị uy hiếp tước đoạt môi sinh. Nếu quốc gia nào cũng sử dụng gươm súng theo cách của rắn thì có lẽ, chẳng mấy chốc, nền công nghiệp chiến tranh thế giới sẽ xập tiệm thê thảm. Các nhà máy chế tạo vũ khí sẽ chuyển sang làm dược phẩm, y cụ; sẽ chuyển sang sản xuất phân bón cây, thức ăn gia súc, thức ăn cho chim bồ câu; sẽ chuyển sang dệt vải, chế tác nhạc cụ, in sách, làm đồ chơi cho trẻ em ... và tạo ra những mỹ phẩm tuyệt vời nhất cho phụ nữ, những người giữ lửa cho hành tinh chúng ta.
Trong chuyện kể dân gian, trong văn chương bác học, hình ảnh con rắn thường được gán cho những kẻ lắt léo hiểm độc, cúi luồn nịnh bợ, mong hại người để được tiến thân, thèm chà đạp cốt mong đầy túi. Như vậy, vô tình, chẳng hóa chúng ta đã xúc phạm loài rắn và ban phát vinh dự cho lũ bất nhân thân mềm đó sao? - Nọc của rắn có thể cứu mạng sống. Nọc của bọn này chỉ nhăm nhăm hại người tử tế và sát phạt lẫn nhau.

*

“Rắn già rắn lột, người già người chột vào xăng”.
Rắn già, rắn lột bỏ cái xác cũ để trẻ lại.
Sau hai mùa xuân hạ vươn lớn và cần mẫn tổng hợp chất hữu cơ nuôi cây, đến mùa thu, những phiến lá của rừng cây xứ lạnh bỗng chuyển mình tỏa sắc vàng rực rỡ, rồi vui vẻ chao mình rời cành, ủ ấm cho gốc cây trong suốt tiết đông giá lạnh. Và khi xuân về, chúng mủn ra, làm tăng độ phì cho đất, tiếp tục cống hiến sinh chất, bồi đắp cho cây mẹ mãi xanh lộc ngát hoa, trĩu cành quả mọng.
Một năm mới nữa lại sắp đến.
Chợt thấy vô cùng ngưỡng mộ những phiến lá bé nhỏ của rừng cây xứ lạnh mà sự tận tụy, hữu dụng của chúng đã vượt ra ngoài một vòng đời ngắn ngủi. Và thấy vô cùng cảm phục loài rắn bé nhỏ luôn biết cách tự làm mới, tự tiếp thêm sinh lực và sự tươi trẻ cho chính mình.
Ôi rắn bé nhỏ xấu xí, chúng tôi vui mừng đón chào bạn !

12/2012