Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bàn góp với GS Cao Huy Thuần về viẹc người Nhật thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc

Hà Văn Thùy
Chủ nhật ngày 3 tháng 2 năm 2013 10:40 AM


                       
“Từ bao giờ và bằng cách nào người Nhật thoát ra khỏi quỹ đạo tư tưởng của Trung Quốc?” Dưới nhan đề trên, bài viết của Giáo sư Cao Huy Thuần gợi được sự chú ý của nhiều người đang bức xúc về hiện tình Việt Nam. Bằng cách điểm cuốn sách Luận về lịch sử tư tưởng chính trị tại Nhật của tác giả Masao Maruyama, Giáo sư đưa ra một đáp án, đó là sự hình thành tầng lớp thương nhân dẫn tới nhu cầu đổi mới của xã hội Nhật Bản trước khi tiếp xúc với phương Tây. Vì vậy, bài viết là thông tin bổ ích và mới mẻ với đa số người đọc Việt Nam, giúp cho có được tia nhìn mới về xã hội Nhật Bản.                                             Từ cách đặt vấn đề: “Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc không thua gì Việt Nam. Cũng như ở ta, Khổng giáo đã từng là khuôn vàng thước ngọc chính thống trong tư tưởng của nước ấy. Nhưng người Nhật đã sớm ra khỏi quỹ đạo tư tưởng của Trung Quốc. Họ bắt đầu giải phóng tư tưởng của họ từ bao giờ? Bằng cách nào? Do trường phái nào? Bằng lý luận gì,”  người đọc thấy rõ sự bức xúc của Giáo sư muốn tìm ra bài học cho Việt Nam.                                        
Thể theo nhã ý của Giáo sư đáng kính, tôi xin mạo muội đưa ra một vài ý tưởng góp phần bàn về những câu hỏi của ông.                                                         
Theo thiển ý, Giáo sư Masao đã đưa ra một đáp án đúng nhưng đó mới là ngọn mà chưa phải gốc. Nói cách khác, trong tương quan nhân quả thì những gì ông trình bày mới là quả chứ chưa phải nhân. Do vậy, nó cũng chưa thể lý giải tới căn để vấn đề của Nhật Bản nên người Việt cũng khó có thể rút ra bài học.                                                                                                                  Muốn trả lời những câu hỏi trên, điều tiên quyết là phải hiểu thấu đáo lịch sử Nhật Bản. Tiếc rằng cho đến nay người Nhật cũng chưa thực sự hiều lịch sự của họ! Ngoài việc tự nhận là con cháu Nữ thần Mặt trời huyền thoại, người Nhật chưa biết tổ tiên mình là ai. Ngay việc dân cư Nhật được hình thành như thế nào cũng đang là bận tâm của họ! Khi mà những vấn đề tiên quyết trên chưa sáng tỏ thì chưa thể nói gì về cội nguồn tư tưởng Nhật Bản.
Tham khảo công trình nghiên cứu rất giá trị Nguồn gốc người Nhật. Thực sự người Nhật là ai? Họ tới đây từ đâu và bao giờ? của Giáo sư Jared Diamond Đại học California kết hợp với khảo cừu riêng, tôi xin trình bày như sau.
I. Người Nhật và văn hóa Nhật.                                                                                    Từ cổ sử Trung Hoa, từ biên niên sử Nhật Bản, Triều Tiên, từ khảo cổ học, ngôn ngữ học và những nghiên cứu di truyền học mới nhất, bức tranh toàn cảnh lịch sử Nhật Bản được Jared Diamond mô tả như sau:
Vào thời Băng Hà, mực nước biển thấp hơn hôm nay hơn 100 mét. Có những cầu bằng đất nối các đảo của Nhật Bản với nhau và với đất liền. Khoảng 30.000 năm trước, Nhật Bản đã có người sinh sống. Các nhà khảo cổ phát hiện tại di chỉ Jomon có tuổi 12.700 năm, trên bờ phía Bắc đảo Kyushu ở cực Nam Nhật Bản gốm văn thừng, được gọi là gốm Jomon. Và Jomon cũng được dùng đặt cho người Nhật cổ. Khảo sát hàng trăm di chỉ của người Jomon, các nhà khảo cổ học cho rằng họ là những người săn-hái và sống định cư, đánh cá bằng lưới, bắn thú bằng cung tên và đi săn bằng chó. Người ta cũng xác định được 64 loại thực vật ăn được trong rác của người Jomon. Trong thức ăn không có sự phân biệt rõ ràng giữa cây trồng và cây hoang dại. Điều này cho thấy ở người Jomon chưa biểu hiện rõ nét khả năng thuần dưỡng cây trồng. Khoảng 1000 năm TCN tới giai đoạn kết thúc của thời kỳ Jomon, vài hạt gạo, lúa mạch và cây kê là những ngũ cốc chủ yếu của Đông Á, bắt đầu xuất hiện. Những manh mối lờ mờ này có vẻ nói rằng người Jomon đang bắt đầu lối canh tác nông nghiệp trồng rẫy, nhưng rõ ràng còn làm một cách ngẫu hứng nên chỉ đóng góp phụ trợ vào khẩu phần của họ. Người ta đoán rằng, vào giai đoạn cao nhất, nhân số Jomon Nhật Bản có khoảng 250.000 người. Đó là một vũ trụ bảo thủ thu nhỏ mà sự thay đổi qua hơn 10.000 năm ít đến kinh ngạc.
 Khoảng thế kỷ IV TCN, một sự kiện quan trọng xảy ra trên đất Nhật, đó là việc người từ Triều Tiên tới, mang theo kiểu sống mới xuất hiện trên bờ biển phía Bắc đảo Kyushu ngang qua eo biển Nam Hàn. Lần đầu tiên thấy ở Nhật Bản những công cụ kim loại, đồ sắt, và nông nghiệp qui mô lớn. Đó là nông nghiệp với những ruộng lúa được tưới nước, những kênh đào, đập nước, bờ đê, thóc lúa và những phần còn lại của lúa gạo được phát lộ ra khi khai quật. Những nhà khảo cổ học gọi cách sống mới là Yayoi, sau khi một khu của Tokyo vào năm 1884 phát hiện được đồ gốm đặc trưng đầu tiên. Không giống đồ gốm Jomon, đồ gốm Yayoi rất giống gốm Triều Tiên cùng thời về hình dạng. Nhiều yếu tố khác của văn hóa Yayoi mới không thể lầm lẫn là từ Triều Tiên và trước đó từ nước ngoài đến với Nhật Bản, bao gồm những hiện vật đồng đỏ, đồ dệt, những hạt thủy tinh, và những kiểu công cụ và nhà cửa.
Trong khi lúa gạo là cây trồng quan trọng nhất, nông dân Yayoi giới thiệu 27 vật mới tới Nhật Bản và lợn được nhập tịch. Họ có thể đã canh tác hai vụ, với những thửa ruộng được tưới để trồng lúa trong mùa hè, rồi rút kiệt nước để trồng cây kê, lúa mạch, và lúa mì mùa đông. Tất yếu, hệ thống nông nghiệp thâm canh hiệu quả cao này thúc đẩy sự bùng nổ dân cư tức thời ở Kyushu.
Người Yayoi  trung bình cao hơn người Jomon một tới hai inchs, hố mắt hẹp, mặt cao và hẹp, mũi và chân mày phẳng. Đặc biệt đáng chú ý: một số bộ xương thời kỳ Yayoi có vẻ ngoài còn tựa như Jomon, khơi gợi hy vọng một giả thuyết nào đó về sự chuyển tiếp Jomon -Yayoi. Bởi thời kỳ kofun, mọi bộ xương Nhật ngoại trừ của Ainu (người thiểu số ở đảo Hokkaido phía bắc), tạo thành một nhóm tương đồng, giống với người Nhật và người Triều Tiên hiện đại. Một điểm quan trọng của toàn cảnh Nhật Bản là những đặc điểm về ngôn ngữ:  Mọi người đồng ý rằng tiếng Nhật không có quan hệ chặt chẽ với mọi ngôn ngữ khác trên thế giới. Đa số trường phái cho rằng nó là một thành viên cô lập của gia đình ngôn ngữ Altaic châu Á, có ngôn ngữ Turkic, Mông Cổ, và Tungusic. Tiếng Triều Tiên thường cũng được xem xét như là một thành viên cô lập của gia đình này (1).

Như công bố của vị giáo sư danh tiếng thì cho đến nay, nguồn gốc người Nhật vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, từ những tư liệu trên, kết hợp nghiên cứu riêng của mình, tôi thấy tình hình như sau:
1. Về người Jomon.
Theo khảo cứu của tôi, người Jomon là hậu duệ của hai đại chủng Mongoloid và Australoid từ châu Phi di cư đến thềm biển Đông của Việt Nam 70.000 năm trước. Vì vậy, trong mã di truyền của họ có cả gen Mongoloid và Australoid. Từ thềm Biển Đông (đồng bằng Hainanland), họ tới Nhật khoảng 30.000 năm trước. Đợt di cư sau cùng diễn ra vào thời kỳ biển tiến khoảng 18000 năm trước. Lúc này họ mang theo gốm văn thừng, loại gốm phổ biến trong các di chỉ khảo cổ Việt Nam. Khoảng 15000 năm trước, nước biển dâng cao bằng mức ngày nay nên đảo Nhật Bản hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài. Có lẽ do chỉ là người thừa hưởng mà không phải tác giả sáng tạo đồ gốm nên người Jomon không có sáng tạo thêm gì về gốm.(2)
2. Người Yayoi
Từ mã di truyền người Triều Tiên, Nhật bản hiện đại kết hợp với khám phá khảo cổ và ngôn ngữ học cho thấy, trong cộng đồng Yayoi có người Altaic châu Á, Turkic, Mông Cổ, và Tungusic. Đó là những tộc người du mục mà tổ tiên họ từng sống ở phía đông bắc châu Á. Điều này cũng phù hợp với truyền thuyết nói rằng “những người cưỡi ngựa, bắn cung đã qua Triều Tiên vào đất Nhật.” Tuy nhiên, nếu chỉ có người du mục thì không thể tạo nên diện mạo một đảo quốc nông nghiệp phát triển như được mô tả. Vì vậy, tôi cho rằng, thế kỷ IV TCN, vào thời Chiến Quốc, do loạn lạc, một số đông người Ư Việt cư trú ở duyên hải phía đông Trung Quốc đã chạy loạn qua Triều Tiên vào Nhật. Chính những nông dân gốc Việt này đã mang theo công cụ đồng, sắt và tiến bộ nông nghiệp. Người Ư Việt là bộ phận phân rã từ quốc gia của Kinh Dương vương huyền thoại. Thời Chu họ vẫn độc lập nên bị gọi là Đông Di. Khi sang Nhật, cùng với những công cụ kim khí và nông nghiệp phát triển cao, họ mang theo văn hóa nguyên thủy của tộc Việt. Đấy là văn hóa Việt nguyên thủy vì lúc này Hán nho chưa ra đời. Sau đó, do vị trí quốc đảo cách ly với lục địa nên người Hán ít di cư tới khiến người Nhật ít chịu ảnh hưởng văn hóa Hán.
3. Người Nhật hiện đại
Dựa vào bộ gen Mongoloid phương Nam của người Nhật hiện nay, có thể chắc chắn rằng, trên đất Nhật đã xảy ra hòa huyết giữa người Jomon mang gen Australoid với người Đông Di mang gen Mongoloid phương Nam và người du mục mang gen Mongoloid phương Bắc tạo ra người Mongoloid phương Nam, là tổ tiên trực tiếp của người Nhật hiện đại.
4. Văn hóa Nhật.
Do số đông và văn hóa cao, người nông dân Ư Việt làm nên chủ thể của văn hóa Nhật Bản. Đó là văn hóa nguyên thủy của Việt tộc hay nói như triết gia Kim Định, thì đó là Việt nho, kết tinh tốt đẹp nhất của văn hóa nông nghiệp tộc Việt sau 70000 năm sống trên đất Đông Á. Sau thời Tần Hán, khi Hoa lục bị Hán hóa, văn hóa Việt sa đọa thành Hán nho thì do biển ngăn cách, người Nhật ít nhiều chịu ảnh hưởng Hán nho qua sách vở. Việc nhập cảng Tống nho là yêu cầu của vương triều vì đó là tư tưởng thích hợp để củng cố vương vị. Tuy nhiên, Tống nho không tác động sâu vào dân chúng.
Dân cư Nhật vừa có nông dân vừa có dân du mục nên trong văn hóa Nhật vừa có văn hóa nông nghiệp của người Đông Di, vừa có văn minh du mục của người phương Bắc. Như Khổng Tử nói: “Khoan nhu dĩ giáo bất báo vô đạo, nam phương như cường dư…” thì Nhật Bản vừa cò cái mạnh của văn hóa phương Nam lại vừa có cái mạnh “Nhẫm kim cách, tử nhi bất yếm” của phương Bắc.

II. Tình hình xã hội Nhật hiện đại.
 Xã hội Nhật là dân nhập cư do hai thành phần di dân nên mặc nhiên có hai thành phần văn hóa. Người du mục, không chỉ mang theo bản năng du mục “cưỡi ngựa, bắn cung, xung trận” mà còn mang theo nếp tư duy phân tích của cộng đồng du mục. Đó là nếp tư duy hình thành sau nhiều nghìn năm sống du mục, buộc con người phát triển khả năng phân biệt nhanh những nhân tố khác biệt của môi trường để tồn tại. Trong khi đó, người nông nghiệp, do sống định cư, phụ thuộc chặt chẽ vào thiên nhiên nên hình thành lối tư duy tổng hợp nhận biết nhanh những quan hệ giữa các yếu tố khác nhau của môi trường. Dù sống chung trong môi trường thiên về nông nghiệp thì những đặc trưng tư duy phân tích vẫn tồn tại trong máu huyết những người gốc du mục. Do bản năng văn hóa thúc đẩy, tới khi gặp điều kiện thích hợp, người gốc du mục chia hai: một bộ phận thành võ sĩ. Một bộ phận thành thương nhân. Lúc đầu, trong không gian tập quyền ảnh hưởng Tống nho, tầng lớp võ sĩ “lên hương”. Tới khi chế độ phong kiến tập quyền lỗi thời vì cản trở sản xuất thì tầng lớp thương nhân chiếm thế thượng phong. Cũng như xã hội phương Tây, người du mục sinh ra thương nhân rồi sinh ra tư bản thì tại Nhật, tầng lớp thương nhân phát triển đã tự nhiên đưa nước Nhật theo con đường tư bản. Đó là hệ quả tất yếu của xã hội Nhật Bản, dù có hay không tác động của bên ngoài. Việc gặp gỡ phương Tây giữa thế kỷ XIX chỉ là cú hích đẩy Nhật đi nhanh vào con đường tất yếu mà nó đã bắt đầu. Điều này cũng góp phần lý giải việc Nhật Bản trở thành quân phiệt phát xít hóa giữa thế kỷ XX: chính là cái “máu” du mục tồn tại trong huyết quản Nhật bản “Nhẫm kim cách, tử nhi bất yếm” do lịch sử tạo nên.

III. So sánh với xã hội Việt Nam

1. Đặc điểm của xã hội Việt
Cho tới cuối thế kỷ trước, giới khoa học phương Tây đã buộc chúng ta tin rằng, năm 333 TCN, khi nước Sở diệt nước Việt của Câu Tiễn thì người Việt chạy xuống Việt Nam, trở thành tổ tiên chúng ta. Không những thế, tiếng Việt mượn 60% từ tiếng Hán!
Nhưng sang thế kỷ này, bằng những chứng cứ vững chắc nhất, khoa học cho thấy sự thực ngược lại: người tiền sử đã từ Việt Nam đi lên khai phá đất Trung Hoa. Khoảng 4000 năm trước người Việt đã xây dựng trên đất Đông Á nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ. (3) Sau trận Trác Lộc 2700 năm TCN, người du mục Mông Cổ vào chiếm cao nguyên Hoàng Thổ phía nam Hoàng Hà, lập vương triều Hoàng Đế. Từ cuộc xâm lăng này, do hòa huyết với người Việt, tộc Hoa Hạ ra đời, tiếp tục thể thống cha ông du mục, xây dựng những vương triều Hạ, Thương, Chu. Cho đến thời Tây Chu, về cơ bản, người Hoa Hạ vẫn thực thi văn hóa truyền thống nhận được từ tộc Việt “bên ngoại”. Nhưng từ cuối thời Tây Chu, do sự chuyển hóa của lịch sử, dòng máu du mục tham bạo “Nhẫm kim cách, tử nhi bất yếm: Bắc Phương chi cường dã, nhi cường giả cư chi” trong các thủ lĩnh Hoa Hạ khởi phát, đẩy Trung Hoa vào thời Chiến Quốc tàn khốc. Tiếp đó là thời Tần, Hán, những điều tốt đẹp nhất của văn hóa Việt nguyên thủy hay Việt Nho bị mai một, bị xuyên tạc thành Hán nho, Tống nho…
Là cội nguồn, là gốc của dân cư Đông Á nên di truyền học khám phá rằng, người Việt Nam có đa dạng di truyền cao nhất trong các sắc dân Đông Á, nghĩa là người Việt Nam cổ nhất, gần tổ tiên châu Phi nhất trong dân cư Đông Á. Vì lẽ đó, trong đất Việt cũng như trong văn hóa Việt lưu giữ bản gốc của Việt nho. Chính đấy là cái mà Khổng Tử, từ 2500 năm trước, bằng linh giác kỳ diệu đã nhận ra “Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo: Nam phương chi cường dã, quân tử Cư Chi. ”.
Do là gốc của Việt nho nên khi dung nạp nhiều người dân cùng trí thức Trung Quốc sang lập nghiệp, người Việt đủ bản lĩnh thâu hóa những điều tốt đẹp đồng thời hạn chế những “cường dư” nơi họ. Vì vậy, cho tới trước 1945 vẫn duy trì được những yếu tố nền tảng của Việt nho.
Cũng như người Nhật, ở Việt Nam, việc du nhập Tống nho từ Trung Quốc là việc của triều đình, muốn củng cố vương quyền. Nhưng nói chung, nó cũng không ảnh hưởng nhiều tới văn hóa truyền thống nơi làng xã.
Do xã hội Việt thuần nông, không có yếu tố du mục như Nhật Bản nên khó nảy sinh tầng lớp thương nhân. Khi đã không có người đi buôn thì làm sao có nhà tư bản? Điều này giải thích vì sao đến nay xã hội Việt chưa tự chuyển hóa để “đổi mới.”

2. Vấn đề trí thức Việt
Do hình thành từ cộng đồng nông nghiệp gốc nên xã hội Việt Nam là xã hội thuần nông. Vì vậy, kẻ sĩ của Việt Nam là văn sĩ chứ không phải võ sĩ như bên Nhật. Và cũng như truyền thống Trung Hoa, kẻ sĩ Việt Nam phụ thuộc chính quyền: đều đi học, đi thi, để tiến vi quan. Dù có đạt vi sư thì cũng lại tiếp tục đào đạo những sĩ tử mới và những quan lại mới. Có thể nói không sai là tất cả trí thức Việt thành danh đều từng làm quan. Hầu như không có ai không qua khoa cử mà thành trí thức. Điều này không lạ vì trí thức phương Đông chưa bao giờ là một giai tầng độc lập về kinh tế và chính trị. Đó là phương Đông nói chung. Ở Việt nam, tình hình lại đặc biệt hơn. Lịch sử Việt Nam là lịch sử bị băm nát bởi những cuộc xâm lăng, những năm tháng bị ngoại bang đô hộ. Vì vậy, thân phận người trí thức càng thê thảm hơn vì không có một truyền thống tự do và độc lập. Trước đây đã vậy, hơn nửa thế kỷ nay càng bi đát hơn: do nền chuyên chế thống trị nên chỉ duy nhất tồn tại trí thức với hộ khẩu, sổ gạo, tem thực phẩm và bảng lương. Không được tự do cư trú, tự do lo nồi cơm và tự do mở miệng thì làm sao có trí thức tự do? Không thể đặt nhiều hy vọng vào lớp trí thức tiên thiên bất túc như vậy.

III Kết luận

1. Trước khi tiếp xúc phương Tây, xã hội Nhật đã chuyển mình sang trạng huống tiền tư bản là một nét mới mà Giáo sư Cao Huy Thuần giới thiệu với người đọc. Đó là đặc trưng riêng của Nhật Bản do lịch sử đem lại. Chính yếu tố du mục trong dân cư và văn hóa tạo cho người Nhật tính năng động, quyết liệt trong cuộc sống. Điều này giúp họ làm nên cuộc bứt phá canh tân giữa thế kỷ XIX nhưng đồng thời cũng dẫn tới nạn quân phiệt phát xít 100 năm sau. Khi văn hóa Việt nho giữ vai trò chủ đạo, tạo một xã hội hài hòa thì Nhật Bản phát triển tốt đẹp. Khi vì nguyên nhân nào đó, minh triết Việt nho mất quyền kiểm soát, yếu tố du mục tăng cường, sẽ dẫn tới tai họa.

2. Là cái nôi của con người và văn hóa phương Đông cho nên Việt Nam mang trong bản thân mình tất cả những yếu tố của nền văn hóa nông nghiệp nguyên sơ của tộc Việt. Do ngộ nhận về văn hóa Trung Hoa nên ta cho rằng nhiều yếu tố văn hóa của chúng ta là do nhận từ Trung Quốc. Vì vậy nhiều khi thật bi hài vì ruột bỏ ra, da ôm lấy hay mồ cha chả khóc lại khóc đống mối! Trong nền văn hóa hiện tồn của chúng ta, thật khó phân tách rạch ròi đâu Là Viết, đâu là Hán! Nhưng có điều chắc, cái riêng lớn nhất của văn hóa du mục Hoa Hạ là tham lam tàn ngược thì chúng ta đã nhận biết nên không học theo. Còn Tống nho thì nó cũng ra khỏi bộ nhớ dân tộc ta cùng với sự sụp đổ của các vương triều. Cái cơ bản văn hóa mà nhân dân chúng ta đang bảo tồn thì đó là của chúng ta, là bản chất, bản thể, bản ngã, bản lĩnh chúng ta, bền vững như một yếu tố di truyền. Con người làm sao thoát được máu xương cha mẹ sinh thành? Đáng tiếc là chúng ta chưa hiểu giá trị của văn hóa, minh triết Việt, một kho báu vô gía mà tổ tiên gầy dựng. Chúng ta cũng chưa nhận thức được rằng, chủ nghĩa tư bản đã mắc sai lầm nguy hiểm vì đưa nhân loại tới bờ hủy diệt. Chúng ta cũng chưa ý thức vì sao những trí giả phương Tây đang hành trình về phương Đông?
Vì lẽ đó, tôi cho rằng, ngoài cái gông ý thức hệ Mác Lê người ta cố quàng lên dân tộc thì chả có gì gọi là quỹ đạo Trung Hoa ràng buộc chúng ta cả!

                                                                    Sài Gòn, tháng Giêng 2013


Tham khảo:
1. Jared Diamond. Japanese Roots. Just who are the Japanese? Where did they come from, and when?
(http://www2.gol.com/users/hsmr/Content/East%20Asia/Japan/History/roots.html
2. Hà Văn Thùy. Tìm cội nguồn qua di truyền học. NXB Văn học, 2011
3. Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008