Trang chủ » Tin văn và...

CHI HỘI NHÀ VĂN SÔNG CHẢY TỔ CHỨC HỘI THẢO VĂN HỌC VỀ ĐỀ TÀI MIỀN NUI VÀ DÂN TỘC

Vũ Xuân Tửu
Chủ nhật ngày 31 tháng 5 năm 2009 7:20 PM


THAM LUẬN CỦA NHÀ VĂN VŨ XUÂN TỬU
 
Khai thác hiện thực cuộc sống miền núi dân tộc để làm nên tác phẩm văn học
Hội thảo Chi hội Nhà văn sông Chảy,
tại thị trấn Sa Pa, 5/2009.
 
 Sáng tác văn chương có cần thực tế không?
 Có người cho rằng, sáng tác văn chương thì không cần bám vào kiến thức thực tế cho lắm. Nhưng nhiều người viết văn lại thường đề cao vấn đề thực tế. Tại sao vậy?
 Vấn đề vốn sống thực tế là cần thiết, phục vụ cho sáng tác văn học. Nó là bột để gột nên hồ. Nó là bệ phóng cho những ý tưởng thăng hoa. Nhưng không thể biến nó thành hòn đá cột chặt nhà văn vào đó, khiến anh ta không cất cánh bay lên bầu trời văn chương và cũng không thể thoát xác ra được. Đó là hai mặt của một vấn đề.
Tôi chỉ xin trao đổi một khía cạnh thôi.
Triết học đã khẳng định, tư duy con người phản ánh hiện thực khách quan. Viết văn cũng không ngoài chân lý đó, nhưng có điều đặc biệt, tư duy nhà văn và sức tưởng tượng của nhà văn, từ hiện thực đó mà làm nên tác phẩm văn chương. Có khi tác phẩm gần với hiện thực như thể soi gương vậy, có khi lại như cánh diều bay cao, chỉ còn sợi dây mỏng manh bám vào hiện thực mà thôi, thậm chí, tưởng như phi lô-gic.
 Từ khi Liên Xô và Mỹ chưa phóng tàu vũ trụ, dân ta chưa hề biết khái niệm biển cạn trên mặt trăng, nhưng thấy vết đen lòng biển cạn giống như cây đa làng quê mình, liền tưởng tượng ra câu chuyện về chú cuội chăn trâu, ngồi gốc cây đa. Cái chuyện bịa đó rất ấn tượng, truyền từ đời này qua đời khác. Vậy, các cụ ta sáng tác có phi thực tế không? Tôi nghĩ là không. Bởi óc tưởng tượng ấy gắn với nền văn minh lúa nước của ta, nên có con trâu, có người chăn trâu, có đồng lúa, có cây đa như ở làng quê mình vậy. Rồi các cụ phóng chuyện đó lên mặt trăng bằng con tàu văn chương truyền khẩu, siêu bền, sử dụng đến bây giờ vẫn tốt.
 Tôi nghĩ, về chuyện này, người ta sẽ còn bàn nhiều, nhưng nói gần nói xa, chẳng qua nói bằng tác phẩm. Suy cho cùng, dù tranh luận gì gì đi chăng nữa, nhưng miễn tác phẩm hay là được.
*
 
 Thực tế miền núi dân tộc như thế nào?
Thời trước, các nhà văn đi thực tế Tây Bắc đã viết được nhiều tác phẩm văn học, mà nhiều thế hệ nhà văn tiếp bước còn phải học hỏi. Nhà văn Tô Hoài có Vợ chồng A Phủ, nhà văn Ma Văn Kháng có Đồng bạc trắng hoa xòe, nhà văn Nguyễn Tuân có tùy bút Sông Đà… Và cũng chính các nhà văn sở tại, hàng ngày sống với thực tế quê hương mình cũng đã làm nên tác phẩm văn chương: Hoàng Hạc với Ké Nàm, Pờ Sảo Mìn với Cây hai ngàn lá, Mã A Lềnh với Nàng Gua chàng Sóc, Ngọc Bái với trường ca Miền quê thao thức, Hà Lâm Kỳ với Con trai bà cháu Nả…
So với thực tế miền núi khi xưa, thì bây giờ đã khác nhiều lắm. Nếu thị thành đang đổi thay từng giờ, thì miền núi đổi thay từng tuần. Trong Hội nghị quốc tế nông dân họp ở Mát-xcơ-va, năm 1923, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu vấn đề, đại ý là, đối với các vùng nghèo khổ, chậm phát triển, thì vấn đề mở đường giao thông và các khu kinh tế tập trung là rất quan trọng. Qua gần một thế kỷ, thực tế miền núi đang chứng minh điều đó. Đường nhựa, đã đến từng huyện và nhiều xã, đường bê-tông đã đến với nhiều thôn bản, và các khu kinh tế, khu công nghiệp đang dần dần hình thành trên chặng đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bây giờ, đã có đường cho các nhà văn đi thực tế bằng xe máy, vào các thôn bản thuận tiện, thích đâu ghé đấy. Tôi vào một bản người Tày ở Chiêm Hóa, chống xe đứng ngắm con đường bê-tông. Một bà già hồ hởi khoe: “Nhờ Đảng, Chính phủ và Bác Hồ mà có đấy”.
*
 Có một nhà nghiên cứu nước ngoài nói rằng, điều căn bản làm thay đổi số phận một dân tộc là ngôn ngữ và tôn giáo. Đối chiếu vào dân tộc Mông chẳng hạn, ta thấy, sau hòa bình lập lại 1954 trên miền Bắc, từng bước, tiếng Kinh đã trở thành ngôn ngữ thứ hai, tương đối phổ thông trong các dân tộc, trong đó có người Mông, đã giúp đồng bào giao tiếp với các dân tộc khác và với cả nước một cách dễ dàng. Và từ năm 1990, đạo Tin lành truyền vào người Mông, qua đài phát thanh FEBC (Far East Broadcasting Corporation), tức là Đài phát thanh Viễn Đông, đặt tại Ma-ni-la (Phi-lip-pin), thì lập tức Chúa Trời được gắn với Vàng Chứ và người Mông đã tin theo, bỏ được rất nhiều phong tục, tập quán nặng nề, lạc hậu mà trước đây, công tác tuyên truyền nếp sống văn hóa mới chưa làm được. Người Mông đã hội nhập với thế giới. Đó là một thực tế sinh động và nhãn tiền mà người cầm bút không thể làm ngơ.
Nhưng theo tôi, ngoài ngôn ngữ, tôn giáo ra, thì để làm thay đổi số phận một dân tộc, còn phải kể đến vai trò của khoa học-công nghệ và văn học-nghệ thuật nữa. Đó là những công cụ quan trọng thúc đẩy sự tiến bộ đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Và một điều nữa, như tôi đã nêu ở phần trên, đó là vai trò của cách mạng xã hội. Chính điều này, các nhà văn thường phản ánh trong tác phẩm.
 Trở lại vấn đề trên, văn học “phản ánh” một cách sinh động thực tế, khi thực tế thay đổi thì “sự phản ánh” đó cũng thay đổi theo, đó là một tất yếu. Bây giờ, nếu cứ miêu tả phong cảnh núi rừng nguyên sinh, con người thuần phác đến mức ngô nghê thì rất vô lý và phi thực tế. Đài ra-đi-ô, ti-vi và in-te-nét đã nối mạng toàn cầu rồi, đồng bào đã và đang sử dụng như một công cụ để phát triển, nếu nhà văn không sớm hội nhập, có khi còn bị lạc hậu là đằng khác. Tôi đọc nhà văn Cao Duy Sơn, với tiểu thuyết Đàn trời, “phản ánh” về lớp trí thức trẻ là người dân tộc thiểu số ở Việt Bắc, rất đáng nể phục.
(Lưu ý, ở đây, từ PHẢN ÁNH, tôi đều dùng trong ngoặc kép).
 Từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, với chính sách khai hoang, nhà nước đã đưa hàng vạn người từ vùng xuôi lên miền núi, sống xen kẽ với đồng bào dân tộc. Nên bây giờ, rất nhiều thôn bản đa dân tộc. Đó cũng là một nguyên nhân làm cho cuộc sống cộng đồng pha tạp, không còn thuần chất nữa. Thậm chí, con em các dân tộc còn lấy nhau, sinh con đẻ cái, tạo ra một thế hệ mới, mà như tôi thấy, những đứa trẻ đó thường rất khỏe mạnh và thông minh.

      *

 Khai thác hiện thực miền núi dân tộc bàng cách nào?
 Tôi theo bố mẹ đi khai hoang ở từ thuở nhỏ, lại sống  trong vùng miền núi dân tộc, cùng ở một xã, cùng học một trường, lớn lên lại đi công tác trong vùng miền núi dân tộc, nên tất cả thấm vào mình, hình thành vốn sống và dụng công ghi chép lại, cách đây chục năm thì viết ra được tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết.
 Cuộc đời của mỗi nhà văn là một trường thực tế. Mỗi chuyến đi thực tế của nhà văn chỉ để làm phong phú thêm vốn sống mà thôi. Mỗi nhà văn có một tạng riêng, nên có khi cùng sống trong một hoàn cảnh thực tế, lại có cách “phản ánh” khác nhau.
 Để bổ sung một số vấn đề tác phẩm đặt ra, tôi có đi thực tế, nhưng thường chỉ đi mội vài người, có khi đi một mình. Khi chuẩn bị viết tiểu thuyết Chúa Bầu, tôi cùng nhà văn Phù Ninh đi xe máy đến vùng Phố Ràng (Lao Cai), lên núi Cao Biền (Yên Bái), rồi lại cùng nhà văn Đinh Công Diệp đi xe máy lên Sa Pa, xuôi Hòa Bình, về Nho Quan (Ninh Bình) theo con đường thượng đạo ngày xưa. Vừa qua, để bổ sung bản thảo trường ca Pây Nà Hang, một mình tôi đi xe máy vượt đèo Ái Au lên Thượng Lâm (Nà Hang)…
 Đi một mình hoặc vài người thì mục đích chuyến đi đã được chuẩn bị trước, không bị động và phân tán tư tưởng như đi theo đoàn đông người, nhưng phải tự túc ăn, nghỉ và phương tiện đi lại. Trước khi đi, tôi thường chuẩn bị chu đáo từ quần áo, giấy bút, la bàn, thước dây để phục vụ việc thu thập tư liệu và thuốc men, bông băng cá nhân, đề phòng tai nạn hoặc ốm đau. Đi một mình phải cẩn trọng, phòng bị nhiều bề, lo toan đủ thứ, nhưng vẫn phải đặt văn chương lên trên hết.

 Viết tác phẩm về miền núi dân tộc ra sao?
 Tôi viết các tác phẩm có nhiều chất liệu miền núi dân tộc, như mấy cuốn tiểu thuyết Nửa tỉnh nửa quê, Chúa Bầu, Chuyện trong làng ngoài xã, Cõi mê  và một số truyện ngắn, như: Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pì Lèng, Suối Miền Xía, Chuyện ở bản Piát, Cỏng Hò… Tôi xây dựng các nhân vật của mình trong vùng dân tộc miền núi có sự giao thoa về không gian văn hóa và ảnh hưởng tác động về nếp sống, sinh hoạt, tư duy…
 Khi viết truyện Cỏng Hò, tôi vào vùng đồng bào dân tộc Quần Trắng để tìm hiểu tình hình xuất khẩu lao động và hát Ai dủng (hát giao duyên). Có rất nhiều người chỉ biết hát, mà không dịch ra tiếng Kinh được. Tôi phải nhờ một cụ bà hát, rồi cụ ông ghi lại bằng chữ nho, trên cơ sở đó, cụ mới dịch ý ra tiếng Kinh. Khi cùng nhà văn Phù Ninh đến vùng Sán Dìu, nghe hát soọng cô (hát giao duyên) của người Sán Dìu ở chân núi Tam Đảo cũng phải làm các công đoạn như thế để đưa vào tiểu thuyết Cõi mê.
Thực lòng mà nói, trong việc sáng tác văn chương, tôi được hưởng lộc rất nhiều từ miền núi và đồng bào dân tộc.
        V.X.T