Trang chủ » Tin văn và...

BỘ TRƯỞNG HỒ NGHĨA DŨNG ĐANG BUỘC MỌI NGƯỜI ĐẼO CHÂN CHO VỪA GIÀY

Phạm Viết Đào
Thứ năm ngày 28 tháng 5 năm 2009 3:18 PM
Trong mấy tuần qua dư luận thật sự ngán ngẩm về việc một số ông quan tại một số bộ máy công quyền của dân, do dân và vì  dân đã ứng xử với công việc, với các nhà khoa  học, với nhân dân giống như trong các câu chuyện Những người thích đùa của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin. Đó là các ông quan ở Bộ Công thương, Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; để cho đủ bộ tứ tử trình làng, chúng tôi đã sưu tập được thêm một ông đang là thành viên của nội các đương nhiệm, đó là ông Hồ Nghĩa  Dũng-Bộ Giao thông vận tải; ông này trong mấy ngày qua, chính xác hôm 26/5 đã trả lời phỏng vấn phóng viên Vnexpress với những giải thích rất chi là ngộ về phận sự của mình trong sự cố Cầu Đuống có nguy cơ sập...
Tôi còn nhớ hồi còn bé, do mải chơi, do lười, do ẩu tả nên thỉnh thoảng lại làm hỏng một số việc mà ông nội tôi sai; mỗi khi như thế do đang là trẻ con, sợ bị mắng, sợ bị ăn đòn nên đã tìm ra đủ mọi lý do, mồm năm miệng mười theo kiểu trẻ con để thanh minh để ông tôi bỏ qua...Mỗi lần như thế ông tôi đều cười ruồi về cái sự nói dối lòi đuôi của mình bằng câu: Mày thì đi đánh đĩ không nên lại đổ cho mồ mả...
Sự thanh minh, đổ quấy đổ quá cho những lý do không đâu vào đâu theo kiểu đánh đĩ không nên... của tôi hồi bé sao mà nó giông giống với sự thanh minh, giải trình của ông Bộ trưởng Hồ Nghĩ  Dũng với phóng viên Vnexpress về sự cố cầu Đuống đang có nguy cơ sắp sập? Trả lời nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trước việc Cầu Đuống một nút giao thông quan trọng của Thủ đô có nguy cơ bị sập, ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng hồn nhiên trả lời như đinh đóng cột:
 
Ông Hồ Nghĩa Dũng. Ảnh: Hoàng Hà.
Tôi khẳng định cầu Đuống vẫn đảm bảo an toàn nếu phương tiện lưu thông đúng tải trọng. Trách nhiệm để ôtô quá tải qua cầu thuộc về cảnh sát giao thông Hà Nội...Tôi xin khẳng định lại, cầu Đuống đảm bảo độ an toàn cho lưu thông với điều kiện các phương tiện đảm bảo tải trọng. Công trình nào cũng vậy, phải hoạt động đúng công suất thiết kế.
Trong khi đó thì theo ghi nhận của Vnexpress: Chiều 4/5, nhịp dầm số 4 của cầu Đuống - cây cầu nằm ở cửa ngõ thủ đô Hà Nội - xuất hiện vết lún rộng hơn 1m2, sâu 10-15 cm so với mặt cầu. Hai ngày sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Đường bộ cắm biển cấm xe tải nặng (xe trục đơn lớn hơn 10 tấn và xe có cụm trục kép, trục ba) qua cầu Đuống - cửa ngõ phía Bắc thủ đô...( Nguồn Vnexpress) ?!
Qua trả lời, giải thích của ông Bộ trưởng và qua ghi nhận của phóng viên, theo chúng tôi có mấy vấn đề cần lưu ý sau đây:
Thứ nhất, nếu cầu Đuống sập chết người, tổt thất tài sản thì trách nhiệm thuộc về Công an giao thông Hà Nội, Bộ Giao thông không chịu trách nhiệm gì hết ? Câu trả lời và cả bài phỏng vấn đã toát lên điều đó.
Thứ 2, theo cách trả lời của ông Bộ trưởng thì có thể suy ra như sau: Ông chỉ đóng đôi dày cỡ 36 và cho người có trọng lượng từ 30-50 kg, còn ai nặng gần tạ và có số đo chân cỡ 40-42 thì hoặc là gọt chân đi hoặc là đi cửa hàng khác? Liệu thế giới này có ông thợ giày nào lại hành nghề như ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng không nhỉ?
Có khi phải chờ dăm bảy cái xe lao xuống sông Đuống cũng với dăm chục mạng người thì may ra Bộ Giao thông mới lập dự án, mới cân đối, mới tổ chức khảo sát và tìm giải pháp khắc phục chứ cầu còn đang hiện trạng: mố cầu có rung rinh, lún nứt, sập vài ba mét do lỗi công an giao thông không chặn xe quá tải trên 10 tấn; vì thế nên ông Bộ trưởng vẫn cứ trả lời phỏng vấn phóng viên theo kiểu nửa đùa, nửa thật vậy thôi ?
Qua trả lời và cách giải thích của Bộ trưởng Hồ Nghĩ Dũng, chúng tôi thấy nổi lên mấy vấn đề sau đây:
1/ Về nguyên tắc: Cầu cũng như các các công trình quốc kế, dân sinh khi được đầu tư, thiết kế, xây lên phải đáp ứng các nhu cầu tối đa của khách hàng, nói theo ngôn ngữ thị trường, tức là Cung phải theo Cầu chứ không thế bắt Cầu sắp hàng theo Cung; Cầu nếu không chịu theo cung thì dùng công an, cảnh sát đứng ra lập trật tự hoặc bắt đẽo chân đi cho vừa dày là một quy trình ngược...
Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thì: Cầu Đuống (nối Hà Nội với Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn trên quốc lộ 1 và Thái Nguyên trên quốc lộ 3) được xây dựng lại năm 1981, với thiết kế ban đầu dành cho xe có tải trọng tối đa 30 tấn. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, bên cạnh việc lưu lượng xe tăng nhanh, cầu này còn phải gánh những xe tải cỡ lớn, xe container trọng tải từ vài chục đến cả trăm tấn. Giữa cầu là tuyến đường sắt...
Vậy thì xin hỏi ông Bộ trưởng: Cầu thiết kế cho tải trọng 30 tấn thế tại sao bây giờ lại cấm xe trên 10 tấn qua? Ở đây hoặc là thi công dối, ẩu, xuống cấp nhanh hoặc thiết kế sai một quy trình kỹ thuật nào đó nên cầu xây 1981, chưa đầy 30 năm mà đã xuống cấp đến mức xe trên 10 tấn không đi nổi là lỗi của ai?
 Ông Bộ trưởng cho rằng: Do cảnh sát giao thông không phân luồng, không xử lý quyết liệt để ngăn không cho xe trọng tải quá lớn qua cầu  dẫn đến cầu xuống cấp nhanh ư ? Qua giải thích này bạn đọc có thể hiểu: nếu cầu sập là  do Công an thành phố Hà Nội chưa hoàn thành trách nhiệm của mình chứ không phải lỗi của Bộ Giao thông Vận tải? Thật là ngộ và thật là kỳ!
 Tôi là người ngoại đạo ngành giao thông vận tải nhưng tôi biết trên thị trường Việt Nam xe có tải trọng lớn nhất và phổ thông nhất là loại xe container cũng chỉ từ 20-25 tấn; còn nếu có loại xe siêu trường, siêu trọng lên tới hàng trăm tấn thì tôi không tin là có nhiều. Về nguyên tắc kỹ thuật, cầu thiết kế tải trọng 30 tấn thì các giải pháp kỹ thuật phải được thiết kế đảm bảo dôi dư ra gấp đôi, gấp 3, không ai thiết kế thi công một chiếc cầu tải trọng 30 tấn mà khi xe 40 tấn đi qua sẽ đe doạ cầu; hơn nữa cầu  Đuống có đường sắt đi qua, tải trọng của đoàn tàu chắc là phải lớn chứ đâu có 20-30 tấn?
Hiện sử dụng chưa tới 30 năm mà cầu Đuống đã lung lay như răng bà lão, xe trên 10 tấn không  cho qua thì chỉ có thế có 2 khả năng: thiết kế sai và thi công không đảm bảo chất lượng nên mới dẫn đến nông nỗi này ? Như vậy lỗi này thuộc về ngành Giao thông vận tải không thể đổ lỗi cho Công an Hà Nội không hoàn thành nhiệm vụ được trong vụ để Cầu Đuống có nguy cơ sập, gây tai nạn?
Tại sao ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải lại không nhận lỗi về mình để chóng tiến bộ; ngành ông vừa xảy ra vụ PU 18 còn đang chình ình ra đó; không riêng gì Cầu Đuống, cách đây mấy tháng tôi đã thấy trên Đài truyền hình đưa tin về một chiếc cầu vượt xây xong, các xe tải qua đây phải dỡ hàng xuống mới chui lọt ? Người ta đã phải tìm giải pháp cho hạ nền đường để cho xe con container có thể chui được qua cầu vượt ? Rồi vụ Cầu Văn Thánh, rồi cầu Thủ Thiêm, rồi Vụ PCI .v.v. Ông Bộ trưởng có nhận lỗi về ngành mình thì có đi đâu mà thiệt ? Hơn nữa cầu này xây từ năm 1981, ông mới nhận ghế Bộ trưởng có vài năm, thế sao ông không nhận trách nhiệm có oai hơn không, sạch sẽ và sòng phẳng hơn không, ai kỷ luật ông mà ông sợ?
Nếu ông có quy trách nhiệm cho Công an Hà Nội thì theo tôi ông có thể phê bình họ bây giờ không có các anh hùng như Tô Vĩnh  Diện, dám lấy thân chèn bánh pháo như trong trận Điện Biên Phủ; có lẽ tôi hiểu ý ông Bộ trưởng như sau: Công an Hà Nội phải cần thiết có những chiến sĩ cảm tử sẵn sàng lao vào những chiếc xe tải lớn đang tìm cách vượt cầu, phải dăm ba vụ như vậy, đám xe tải chạy ẩu mới khiếp không dám tìm cách qua cầu nữa và Bộ Giao thông Vận tải sẽ bảo vệ được thành tích thi đua ?!
2/ Vấn đề thứ 2 theo chúng tôi: không phải là nhận lỗi về ai cho nó đẹp đội hình mà vấn đề cấp bách phải khắc phục sự cố này để không xảy ra tai nạn; việc này thuộc trách nhiệm ngành giao thông chứ không thể là Công an Hà Nội ? Do vậy, chừng nào sự cố này chưa có giải pháp khắc phục, tai hoạ đang rình rập người đi đường thì chừng đó trách nhiệm vẫn còn thuộc về Bộ Giao thông Vận tải mà ông Hồ Nghĩa Dũng là người đứng đầu ? Ông không thể bắt công an Hà Nội ngày đêm mất ăn, mất ngủ, hít bụi canh giữ cầu cho các ông để ông lập thành tích ?!
Qua việc đổ quanh của ông Hồ Nghĩ Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trong vụ sự cố cầu Đuống có nguy cơ sập gây chết người, tôi lại liên tưởng tới vụ bauxite Tây Nguyên. Dự án khai thác bauxite Tây Nguyên theo nhiều chuyên gia nếu triển khai sẽ thiệt hại về kinh tế tức lỗ, gây huỷ hoại môi trường và đe doạ an ninh quốc gia; Hậu quả này là do dự án đã triển khai nhưng Bộ Công thương và Tập đoàn Than Khoáng sản đã không chấp hành và triển khai theo đúng quy trình của một dự án cấp nhà nước về khai thác khoảng sản; không căn cứ vào các luận chứng khoa học-kỹ thuật-kinh tế-môi trường mà rất nhiều chuyên gia đã tính giúp và khuyên can.
Để tránh phải nhận trách nhiệm về sai lầm về mình về sau này, Bộ trưởng Hồ Nghĩ Dũng chắc sẽ có chút ít kinh nghiệm truyền cho ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương! Đối với dự án bauxite Tây Nguyên sau này nếu có chuyện gì xảy ra các vị chỉ việc quy trách nhiệm và đổ cho gió Lào đã làm cho dự án của không đạt như ý, thua lỗ chứ không do sai lầm trong tính toán chủ quan của Bộ Công thương và Tập đoàn Than và Khoáng sản là xong ?!
Quy cho gió Lào là ổn nhất vì giải thích cách gì, kiểu gì cũng được về dự án bauxite Tây Nguyên mà lại không bị ai phản ứng; bởi vì Sec và Auxtralia làm gì có gió Lào, còn Tây Nguyên thì gió Lào vô khối...
P.V.Đ