Trang chủ » Tin văn và...

Phạm Thanh Quy và những “triền đê” ngày càng lộng gió văn chương

Vương Quốc Hùng
Thứ hai ngày 21 tháng 5 năm 2012 8:39 PM


Tới dự buổi ra mắt có các nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội; PGS.TS Văn Giá, Trưởng khoa Sáng tác và Lý luận - Phê bình Văn học (Trường ĐH Văn hoá Hà Nội); bà Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng; nhà thơ Dương Thuấn; nhà văn Đặng Hiển; nhà lý luận phê bình văn học Chu Văn Sơn; PGS.TS Trần Thị Trâm… cùng gia đình tác giả, đông đảo bạn bè, và những người yêu mến văn chương.
Có lẽ với phần đông độc giả, khi nhắc tới cái tên Phạm Thanh Quy sẽ thấy bỡ ngỡ, thậm chí có phần xa lạ. Nhưng đối với những người thực sự quan tâm tới đời sống văn học Việt Nam đương đại đều biết tới một số truyện ngắn của chị từng xuất hiện trên các mặt báo, hay trong “Truyện ngắn Trẻ chọn lọc” (Nxb Hội Nhà văn, 1997) và “Truyện ngắn Trẻ chọn lọc” (Nxb Hội Nhà văn, 1999). Ngoài ra chị cũng đã in riêng hai tập truyện ngắn và ký là “Chuyện tình của mẹ” (Nxb Lao động, 2004) và “Miền đất lửa” (Nxb Hội Nhà văn, 2010). Thậm chí, chị còn là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, từng là đại biểu chính thức tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần VII. Tuy nhiên, phải tới tập “Triền đê lộng gió”, với 21 truyện ngắn mới thực sự đánh dấu bước trưởng thành mới của chị sau hơn 20 năm cầm bút.
“Truyện ngắn của Phạm Thanh Quy thường đề cập tới những con người bình dị và những điều bình dị trong cuộc sống thường nhật” (lời của nhà văn Dương Thuấn). Quả thật, những nhân vật của chị phần lớn đều “những con người nhỏ bé”, đa phần là phụ nữ, khi thì là một chị nông dân làm nghề trồng rau, bán rau, lúc lại là cô sinh viên, khi thì là một phụ nữ nông thôn, một quý bà thành thị. Trong tập truyện ngắn này chỉ có bốn truyện ngắn mà nhân vật chính là nam giới, nhưng lại là chàng sinh viên, hoặc là một người dở hơi hay người làm nghề bốc mả. Nhà văn Văn Giá gọi những nhân vật của Phạm Thanh Quy là loại nhân vật “thiên thiên bất túc”, nghĩa là những con người không thực sự toàn vẹn. Tại sao tác giả Phạm Thanh Quy lại tập trung vào loại nhân vật như vậy? Theo PGS.TS Trần Thị Trâm lý giải thì là do thiên tính nữ trong con người Phạm Thanh Quy. Còn nhà lý luận phê bình văn học Chu Văn Sơn, lại lý giải từ góc độ khác, đề cập tới xuất thân của một cô bé yêu văn và có năng khiếu văn chương tại huyện Phú Xuyên (tỉnh Hà Tây cũ) từ hơn 20 năm trước. Còn tôi, tôi tâm đắc nhất với nhận xét của nhà văn Văn Giá về sự hội tụ của phẩm chất con người, mà ở Phạm Thanh Quy chính là thiên tính nữ với sự từ tâm, khi cầm bút lại chính là cái tâm của người cầm bút. Chính những điều này đã tạo cảm giác ấm lòng độc giả khi đọc những trang văn của Phạm Thanh Quy. Ông đi sâu vào tính nữ của những người phụ nữ cầm bút, về vấn đề âm nữ và dương nữ. Dẫn ra hai trường hợp tác gia nữ lớn của Việt Nam cùng sống vào thế kỷ XVIII là Hồ Xuân Hương và Bà huyện Thanh Quan, ông cho rằng, Hồ Xuân Hương chính là tiêu biểu của nữ tính dương nữ, còn Bà huyện Thanh Quan là tiểu biểu của nữ tính âm nữ. Và Phạm Thanh Quy cũng có thiên hướng của nữ tính âm nữ, mặn mà, đằm thắm, dịu dàng trong đời thường và trên mỗi trang văn.
Mặc dù rất yêu mến tác giả, yêu thích những trang văn của Phạm Thanh Quy, nhưng cả nhà lý luận phê bình Chu Văn Sơn và nhà văn Văn Giá đều chỉ ra rằng tác giả trẻ này vẫn cần học thêm về chuyên môn, những kỹ năng sáng tác, đặc biệt là những “ngón nghề” văn chương. Nếu làm được điều đó, chắc chắn những trang văn của Phạm Thanh Quy dù không lựa chọn những đề tài thời thượng như sex, đồng tính… mà chỉ là những câu chuyện đời thường vẫn có thể viết được những trang văn mang đậm hơi thở đời sống, tạo được văn khí vang động, sẽ cắm thêm được những mốc mới trong hành trình sáng tạo văn chương.
Buổi lễ ra mắt tập truyện ngắn “Triền đê lộng gió” kết thúc trong không khí ấm cúng, vui vẻ bên những đoá hoa tươi thắm gửi tới chúc mừng Phạm Thanh Quy, cùng những lời chúc tốt đẹp - chúc cho những sáng tác sắp tới của chị sẽ thành công hơn nữa.
Vương Quốc Hùng