TNc: Chiều 10-3-2012, chúng tôi đi thăm Biển Hồ (Ton-le-sáp) và ghé thăm Trường Việt Nam giữa bát ngát trời nước. Ngôi trường do người Việt lập ra dạy chữ Việt. Trường bây giờ đã khang trang vì có thêm nhà nổi do Quân khu 7 gửi tặng. Chúng tôi nghe thày Trần Văn Tư nói chuyện và tặng trường chút quà, người ít người nhiều góp đôi đồng để chăm nuôi các em.
Mời các bạn xem một đoạn clip do PV bản web thực hiện và đọc bài của nhà báo Xuân Nghĩa để hiểu thêm,
Trường Việt trên Biển HồGiữa khu dân cư người Việt sống lênh đênh trên mặt Biển Hồ ở tỉnh Siêm Riệp (Campuchia) mọc lên một ngôi trường bằng gỗ. Trên vách tường có tấm biển xanh, sơn dòng chữ “Trường học Việt Nam”. Có lẽ đây là nơi duy nhất giữa mênh mông xứ người còn lưu giữ tài sản cha ông để lại cho ngư dân Việt kiều tại Biển Hồ: chữ Việt.
Cụm dân cư trên Biển Hồ Tông - Lê - Sáp có khoảng 1.950 người, sống trên những chiếc nhà nổi giống như làng cá bè ở An Giang. Đó là những người Việt Nam dân tộc Kinh, lưu lạc từ bao đời nay, không giấy tờ tùy thân, không được thừa nhận ở xứ người và cũng không còn gốc gác ở quê nhà, sống quây quần bên nhau, tạo thành một xã hội Việt Nam thu nhỏ trên mặt nước. Cũng có cây xanh trên các cột chèo, cũng có nhà hàng phục vụ du khách đi lại với nhau bằng xuồng chèo hoặc thuyền máy. Tài sản trong mỗi gia đình không có món nào trị giá quá 20 USD, và đa số người lớn đều mù chữ Việt.
10 năm trở lại đây, nơi đây xuất hiện một ngôi trường dạy tiếng Việt cho con em kiều bào trên Biển Hồ. Gọi là ngôi trường chứ thực chất chỉ là một căn nhà bè nổi trên mặt nước. Bên trong ngôi trường chỉ vỏn vẹn 1 gian học, nhưng có đủ bàn ghế cho 40 em. Trường có 4 lớp học tiếng Việt, tương ứng với lớp 1, 2, 3, 4. Mỗi lớp các em học 2 tiếng rưỡi, chỉ gồm môn toán, văn và lịch sử.
Người có công xây dựng ngôi trường này là một Việt kiều tên Võ Văn Đầy (Sáu Đầy), nguyên là Chủ tịch Hội Việt kiều Ấp 7. Ông vốn sinh ra trong một gia đình ba đời người Việt sống trên mặt nước như bao người dân khác. Với niềm khao khát lưu truyền cội nguồn cho con cháu người Việt tại Biển Hồ, ông đã xin Lãnh sự quán Việt Nam tại Bát Tam Bang giúp đỡ kinh phí cất một chiếc nhà bè làm trường học. Nhờ đó, người Việt nơi đây đã có một ngôi trường học để lưu truyền cái mà họ quý nhất: chữ Việt.
Cũng không khác đồng bào trong nước ở những vùng sâu vùng xa còn nghèo khó, việc học hành đôi lúc cũng ảnh hưởng đến nồi cơm của gia đình. Nhiều gia đình khó khăn, không muốn cho con đi học. Chưa kể nhiều người cho rằng sống ở Campuchia không cần cho con học tiếng Việt. Ông Sáu Đầy đã nhiều lần phải tự mình chèo xuồng đi vận động cha mẹ các em cho các em đến trường. Ông cho rằng, người lớn mù chữ đã đành, trẻ con mù chữ đến bao giờ mới khá...
Bước vào lớp học, chúng tôi được các em đứng dậy chào rất ngoan ngoãn. Trên bàn các em là những quyển tập trắng do các đoàn du lịch tặng. Một thầy giáo già vội đặt quyển toán lớp 2 xuống bàn để cùng chào khách với các em. Quyển sách của Bộ Giáo dục - Đào tạo phát hành đã cũ nát được nâng niu như báu vật, vì đây là phương tiện giảng dạy quý giá của các thầy.
Tôi liếc nhìn lên tường, một chiếc khung hình treo một dòng chữ: “Tôi tên Trần Văn Tư, sinh năm 1937. Tôi tình nguyện sang Biển Hồ Campuchia để dạy học từ thiện cho con em Việt kiều, để cho con em nhớ lại nguồn gốc của cha ông chúng ta”. Đó dường như là lời thề của ông giáo già tên Tư, xuất thân từ tỉnh Tây Ninh. Ông sang đây đã nhiều năm, từ khi có trường học của ông Sáu cất trên Biển Hồ.
Chúng tôi còn ngưỡng mộ hơn khi biết, bên cạnh thầy Tư, còn một giáo viên trẻ tên Nguyễn Văn Minh, mới 23 tuổi, cũng tình nguyện từ Tây Ninh sang Biển Hồ giảng dạy miễn phí cho các em. Các thầy bảo kiều bào ở đây làm gì có tiền, một năm đánh bắt cá từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau, còn lại thì nghỉ ngơi để cá nó đẻ. Số cá đánh bắt được thì đem vào bờ bán, mua quần áo hay đồ dùng thêm cho gia đình.
Tôi hỏi các thầy dạy miễn phí lấy gì mà xài. Thầy Minh trả lời rất hóm hỉnh: “Nhờ bà con Biển Hồ nuôi. Sống trên mặt nước chỉ cần ăn cá Biển Hồ, uống nước Biển Hồ, ngủ nhà bè, áo đủ mặc là được rồi, đâu có nhu cầu thời trang hay xe cộ gì đâu”.
Chúng tôi rời Biển Hồ, mỗi người một suy nghĩ, nhưng có chung một băn khoăn: Bao giờ người Việt trên Biển Hồ mới được đổi đời? Có người cho rằng họ đã quen cuộc sống đó, chuyển đến một môi trường khác, chưa chắc đã thích nghi được. Dù thế nào, chúng tôi vẫn rất cảm động khi nhận ra, dù ở đâu, người Việt Nam mình vẫn sống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và luôn hướng về cội nguồn. Đó là đạo lý muôn đời của dân tộc Việt Nam.
XUÂN NGHĨA