Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Gặp nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Phạm Hùng
Thứ năm ngày 15 tháng 3 năm 2012 9:58 PM
 
Tôi đến thăm anh một chiều mưa Huế. Trời xầm xì và mưa lách nhách. Lá cây ướt đầm.
Tôi được gặp anh lần đầu vào năm 1981, 1982 gì đó, tại Hội nghị khoa học về Vương triều Lý ở Hà Bắc. Khi đó tôi là người nghiên cứu trẻ, còn anh là nhà thơ chống Mỹ nổi danh, là một ông “quan văn nghệ”. Hình như lúc đó anh là Chủ tịch Hội văn nghệ Bình Trị Thiên. Gọi là biết, cũng chỉ thoáng qua, vì tôi làm văn học cổ, còn anh là nhà thơ hiện đại. Hình như có nói dăm ba câu xã giao.
Sau đó tôi được “gặp” anh nhiều lần, nhưng là qua màn hình ti vi. Tôi không có cơ hội, và cũng không có nhu cầu gặp anh, khi anh là một ông quan văn nghệ to.
Gần đây, khi anh trở về với cõi lặng của nhân gian, của đời người và của xứ Huế, nhân chuyến công tác Huế, tôi chợt muốn đến thăm anh, vô tư và đường đột như một kẻ qua đường chợt dừng chân dưới một vòm cây bên lữ quán, với tư cách một người đọc thơ anh, và anh, chỉ với tư cách một nhà thơ. Đơn giản thế thôi.
Tôi nhờ anh bạn trẻ người Huế hỏi thăm nhà, và chúng tôi cùng đến nhà anh.
Một chiều mưa Huế buồn và lặng lẽ. Một căn nhà có nhiều cây, yên tĩnh và thanh quạnh ở phường Vĩ Dạ. Bạn tôi đã điện thoại trước xin phép gặp anh. Và chúng tôi đội mưa đến. Anh đã tạo cho tôi một ấn tượng mạnh. Hai cánh cổng đã mở sẵn. Dắt xe vào sân, đã thấy chị người nhà đứng đón. Vào nhà, anh đã khăn áo chỉnh tề, chỉn chu, ngồi đợi với ấm trà pha sẵn.
Chỉ với thế thôi, lúc ấy, tôi chợt nghĩ, chẳng cần gì nữa, về cũng được rồi. Chỉ thế là tôi biết thế nào là Nguyễn Khoa Điềm rồi. Một Nguyễn Khoa Điềm bằng xương bằng thịt không có cái giàm danh bên mình, bình dị và gần gũi.
Và câu chuyện của chúng tôi cũng thật giản dị, vu vơ, chuyện đời, chuyện người, chuyện văn chương thế sự… Ngoài kia trời vẫn lách nhách mưa. Giọng anh nhỏ nhẹ và lành. Tôi chợt hiểu, thế nào là cõi lặng của anh.
Trong cái cõi lặng của Huế, của những mái chùa, của dòng sông Hương lặng lẽ chảy trôi, của những thân phận lam lũ bên phá Tam Giang, anh trở về cõi lặng của riêng mình và viết những vần thơ của cõi lặng đó. Tôi đã đọc thơ anh trong những tháng ngày oanh liệt trước đây, nó ám ảnh mãi thế hệ chúng tôi. Tôi đã đọc thơ anh trong những ngày anh làm ông quan văn nghệ to nhất nước, thú thực chẳng thấy hứng thú gì nhiều, vì mọi lẽ. Tôi đọc Cõi lặng của anh trong những ngày Huế thật buồn thật lặng giữa trời mưa thu se se và ẩm ướt.
Nhưng hình như,  tôi thấy cõi lòng anh chẳng vô ưu, vô sự chút nào.
Hình như trong cái Cõi lặng của riêng anh, hay Cõi lặng của đất nước và dân tộc này, vẫn xôn xao những điều chẳng bao giờ yên ả./.
NPH