Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NỖI BUỒN THẦY CHU

Vũ Bình Lục
Thứ hai ngày 26 tháng 12 năm 2011 12:23 PM

(về bài thơ MIẾT TRÌ của Chu văn An)
Lời bình của Vũ Bình Lục

Phiên âm:

Thuỷ nguyệt kiều biên lộng tịch huy,
Hà hoa hà diệp tĩnh tương y.
Ngư du cổ chiểu long hà tại,
Vân mãn không sơn hạc bất quy.
Lão quế tuỳ phong hương thạch lộ,
Nộn đài trước thuỷ một tùng phi.
Thốn tâm thù vị như hôi thổ,
Văn thuyết tiên hoàng lệ ám huy.

Dịch nghĩa: AO MIẾT TRÌ

Bóng mặt trời buổi chiều chập chờn bên cầu Thuỷ nguyệt,
Hoa sen, lá sen im lặng nương nhau.
Cá bơi ao cũ, rồng ở chốn nào,
Mây phủ đầy núi vắng, hạc không thấy về.
Hương cây quế già, theo gió đưa làm thơm cả lối đường đá,
Rêu non đẫm nước phủ lấp cả cánh cửa thông.
Tấc lòng vẫn chưa nguội lạnh như tro đất,
Mỗi lần nghe nói đến tiên đế, luống đau đớn gạt thầm nước mắt.

Dịch thơ:

Thuỷ nguyệt bên cầu ngắm bóng tà,
Hoa sen chen lá, lá chen hoa.
Cá bơi ao cũ, rồng đi vắng,
Mây phủ non không, hạc ở xa.
Quế lão gió đưa đường đá ngát,
Rêu non nước đẫm cửa thông hoà.
Tấc son nào đã như tro nguội,
Nghe nói tiên hoàng giọt lệ sa.
      Phan Võ dịch

Người đời tôn vinh Chu Văn An (1292-1370) vào bậc “Vạn thế sư biểu”, tức Người thầy của muôn đời. Ông học giỏi, nhưng không ra làm quan, ở nhà dạy học. Học trò ông nhiều người đỗ đạt cao, danh vọng lớn, như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát…Năm Khai Thái đời vua Trần Minh Tông, ông được mời ra làm quan, chức Quốc Tử Giám Tư nghiệp, dạy thái tử học. Đến đời Trần Dụ Tông, vua mải ăn chơi, bỏ bê chính sự, bọn tham quan ô lại nổi lên như ong, làm điên đảo cả chính sự. Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ”, xin chém bảy tên lộng thần, nhưng vua không nghe. Ông liền xin từ chức, về ở ẩn trong núi Phượng Hoàng, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, rồi mất ở đó.
 Căn cứ vào nội dung, có thể ước đoán rằng Chu Văn An viết bài thơ này khi đã về ở ẩn tại chân núi Phượng Hoàng, đọc sách, xa lánh việc đời, nên lấy hiệu là Tiều Ẩn, tức lão Tiều phu ẩn trong núi?  Miết trì là ao nuôi ba ba, có lẽ đã lấy làm tên riêng, nên bài thơ có tên là Ao Miết Trì. Nhưng cầu Thuỷ Nguyệt và ao Miết Trì ở đâu? Ở trong thành Thăng Long chăng? Nếu vậy thì đây là bài thơ Thầy Chu viết sau việc dâng sớ chém bảy tên gian thần, mà không toại nguyện. Ông chán nản buồn bã, đi dạo ngắm ao, ngắm cảnh, suy ngẫm việc đời, lòng ngổn ngang sầu muộn. Ít nhất thì bài thơ này có lẽ Thầy Chu viết trước khi quyết định từ quan, lui về ở ẩn? Mở đầu, tác giả viết:
  Thuỷ nguyệt kiều biên lộng tịch huy,
  Hà hoa hà diệp tĩnh tương y.
(Bóng mặt trời buổi chiều chập chờn bên hồ Thuỷ Nguyệt / Hoa sen lá sen im lặng nương nhau).
 Chỉ là tả cảnh. Rõ là cảnh mùa hạ, hoa sen đang nở. Hoa sen tựa vào lá sen, tựa vào nhau, lặng im không nói gì…Bóng mặt trời buổi chiều chập chờn bên hồ Thuỷ Nguyệt. Tả cảnh, có vẻ là cảnh tĩnh, nhưng bên trong vẫn có dấu hiệu của sự ba đào. Dẫu hoa sen, lá sen im lặng, nép vào nhau, nhưng bóng mặt trời buổi chiều thì lại đang chập chờn bên cầu Thuỷ Nguyệt. Tả cảnh thực, nhưng hình ảnh mặt trời đang chập chờn kia, liệu có thông điệp thầm kín gì chăng? Không phải một buổi bình minh tươi trong, mà là mặt trời đang sắp tắt, đang đi về hướng lụi tàn?...
 Đấy là không gian chung, rộng lớn. Bốn câu tiếp theo, vẫn là tả cảnh, nhưng trước hết là cảnh trong ao. Thầy Chu viết: Cá bơi ao cũ, rồng ở chốn nào? Ao cũ, tức ao Miết Trì đây, nhìn xuống thì thấy cá đang bơi. Có thể đây là ao nuôi ba ba và thả cá, vua và hoàng gia thường đi dạo ngắm chơi. Nếp ấy đã có từ lâu, nên mới nói là ao cũ. Ao cũ cá vẫn bơi lội tung tăng, chỉ là cá thường thôi, nhưng Rồng thì ở chốn nào? Rồng, tức biểu tượng của nhà vua, sao bây giờ chẳng thấy đâu? Thực ra, có thể vẫn có Rồng đấy, nhưng có mà như không, hoặc giả như chỉ là một thứ rồng rởm, chẳng giá trị gì, nên có mà không vậy! Tiên sinh Tiều Ẩn có thể đã gửi gắm tâm trạng thất vọng đau đớn của mình, trước việc nước suy đồi, mà ông đành bất lực, không sao chống đỡ được cơ nghiệp nhà Trần đang đến hồi mục ruỗng, vô phương cứu chữa.
 Lại còn Mây phủ đầy núi vắng, hạc không thấy về (Vân mãn không sơn, hạc bất quy). Tả thực, cái cảnh u ám mây phủ đỉnh núi kia, không bóng chim hạc bay về, nhưng cũng là ẩn dụ, ngầm chỉ tâm trạng u buồn của tiên sinh trước cảnh suy vong của triều đại mà ông đang phục vụ. Đúng hơn là thầy Chu đang thất vọng về người đứng đầu vương triều lúc ấy.
 Chỉ còn một chút hương của cây quế già theo gió đưa, làm thơm cả lối đường lát đá / Rêu non đẫm nước phủ lấp cả cánh cửa thông, như có thể an ủi phần nào tâm trạng u buồn của tác giả. Hương của cây quế già, có thực bên lối đi dạo lát đá trong hoàng thành, vốn có từ xưa, nhưng cũng có thể Thầy Chu lấy làm biểu tượng, ẩn dụ, về dư vị một thời đẹp đẽ vua sáng tôi hiền, như còn phảng phất đâu đây? Bởi vậy, hai câu kết bài thơ, tác giả viết:
 Tấc lòng son vẫn chưa nguội lạnh như tro đất
 Mỗi lần nghe nói đến tiên đế, luống đau đớn gạt thầm nước mắt
(Thốn tâm thù vị như hôi thổ / Văn thuyết tiên hoàng lệ ám huy).
 Tiên sinh vẫn khẳng định, rằng tấm lòng trung trinh trong sáng của ông, vẫn chưa nguội tắt như tro đất. Nghĩa là ông vẫn muốn đem sức tàn của mình phụng sự đất nước, nhưng tiếc thay gặp phải vua hèn. Không có cách gì chữa được căn bệnh sa đoạ, ngu tối của người cầm quyền tối thượng, tiên sinh hết sức đau buồn, nên Mỗi lần nghe nói đến tiên hoàng, ông lại thêm đau đớn gạt thầm nước mắt.
 Ao Miết Trì là một bài thơ buồn. Có cảnh, nhưng mà cảnh chỉ mang ý tưởng ẩn dụ. Thầy Chu muốn mượn cảnh để gửi gắm thâm sự thầm kín của mình, gửi gắm một nỗi thất vọng lớn về thời thế đổi thay, về vị vua hèn kém, mà ông được tiên đế uỷ thác giúp rập. Than ôi! Triều đại nào cũng hết thịnh đến suy, như một quy luật tất yếu về sự hoá sinh, sinh diệt của trời đất, không sao cưỡng lại được. Bậc trí giả nặng lòng thương đời, lo nước, chỉ còn biết nhớ về quá khứ xa xăm đẹp đẽ, mà tiếc thương, mà gạt thầm nước mắt, chứ biết làm thế nào?
      Hà Nội 13-9-2011