Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"CON CHIM TRỐN TUYẾT"

Nhật Tuấn
Chủ nhật ngày 4 tháng 12 năm 2011 2:22 PM
 
Có những bài thơ như nhạc cổ điển vậy, lâu lâu nghe lại vẫn thấy bồi hồi. Thơ Phạm Tiến Duật là thế - “Lửa đèn”,” Vầng trăng quầng lửa”…với nhiều bài trong đó đã trở thành “tiếng đàn muôn thủa” mà không phải ai cũng “tri âm”. Có trải qua những năm tháng Trường Sơn mới “thấm “ hết thế nào là “ Muỗi bay rừng già cho dài tay áo”,”Nước khe cạn bướm bay lèn đá”,” Hết rau rồi em có lấy măng không?”…
Cứ mỗi lần đọc lại thơ Duật, tôi thấy nghèn nghẹn trong lòng, dội lại cả một thời đã qua. Khoảng tháng 3 năm 1975, tôi gặp nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha ở sông A Vương (Quảng Đà) trên đường anh vào B. Tay bắt mặt mừng. Kha hỏi tôi có gặp Duật không ? Tôi bảo tuy cùng lính “ Năm năm chán” (559) nhưng Duật ở Cục chính trị mãi ngoài Vĩnh Mốc, còn tôi ở tiểu đoàn trinh sát tít trong này sao mà gặp ?
Mãi tháng 9 -1975 tôi mới ngồi xe commăngca , mặc đồ lính chạy vào Sàigon ở chơi ít ngày nhà ông anh là nhà văn Nhật Tiến tại Tòa soạn báo Thiếu Nhi phố Thiệu Trị.
Một buổi sáng có một cô gái xinh đẹp tới xin gặp . Áo dài trắng, người mình rây, tóc ngang vai…thoạt nom biết ngay là nữ sinh Sàigon.
Cô hỏi tôi có quay ra Hà Nội không ? Tôi bảo chắc chắn sẽ quay ra. Cô rụt rè :
“ Vậy thì anh chuyển giúp em cuốn sách này cho…nhà thơ Phạm Tiến Duật…”.
Tôi giật mình, hóa ra ông bạn vàng đã lẻn vào Sàigon trước tôi  và sau này nghe nói Duật phải kiểm điểm về tội bỏ đơn vị quá lâu .
Cô gái có vẻ buồn và ngơ ngác. Hóa ra cô nhờ tôi chuyển cho Duật cuốn “Con chim trốn Tuyết…” , truyện của Gallico viết về  Rhayader, một hoạ sĩ tật nguyền, phải tìm nơi ẩn dật ở một hải đăng hoang phế ven biển và chết bên dưới vòng cánh lượn đầy tình nghĩa của con chim trốn tuyết.
Nội dung cuốn truyện chẳng dính dáng gì tới Duật mà sao cô gái cứ khẩn khoản tôi chuyển cho anh. Bất ngờ, bằng những kinh nghiệm tình trường, tôi chợt nghĩ ra :
“ Phải tên cô là Tuyết không ?”
Cô gái gật đầu e thẹn :
“ Dạ vâng, em tên Tuyết…”
Tôi bật cười :
“ Con chim của Gallico thì trốn tuyết, còn Duật thì trốn…cô à ?”
Cô gái đỏ bừng mặt nhưng sự im lặng đã là câu trả lời. Ít lâu sau ra Hànội tôi nhắn Duật tới “nhận quà Sàigon”. Hồi đó dân gian có câu “ miền Bắc nhận hàng, miền Nam nhận họ”. Tất nhiên Duật không rơi vào trường hợp đó nên cứ thắc mắc không biết ai gửi quà cho anh ? Tôi đưa ra cuốn “con chim trốn Tuyết “ :
“ Sao ? Đã nhận ra ai gửi chưa ?”
Nhìn cái tựa sách, dường như Duật đã hiểu ra,  mặt đỏ bừng, buồn buồn. Tôi nhắc :
“ Thế nào…định  trốn …Tuyết à ?’
Duật khó khăn :
“ Cái gì đã qua thì thôi cho qua luôn…”
Hồi đó Duật vẫn đang ở với chị Vân, tôi giằng cuốn sách lại :
“ Thôi đừng cầm về…bà Vân biết thì rắc rối…”
Duật lắc đầu :
“ Không sao…không sao đâu…”
Anh vẫn cầm cuốn sách về , thẫn thờ như người mất hồn và không nói gì thêm. Nhiều năm sau gặp lại Duật ở phòng làm việc của Tùng Điển, Phó chủ tịch Hội liên hiệp VHNT. Thì ra Duật đã về tạp chí của Hội. Chẳng hiểu sao Duật cứ buồn buồn, tất nhiên không phải vì chuyện “con chim trốn Tuyết” – nghe nói cô gái đã định cư ở Mỹ. Thời gian này Duật đang làm MC trong tiết mục “Cây cao bóng cả” trên tivi. Nhìn vẻ mặt buồn và khắc khổ, tôi nhói lên thương anh. Bằng vào sự nghiệp thơ, lẽ ra Phạm Tiến Duật phải được cấp villa ven hồ Tây, phải được dựng tượng ở nghĩa trang Trường Sơn và đặt tên cho một phố lớn Hànoi.. Nhưng mà nghĩ lại , những cái đó để làm gì ?
“Anh cùng em sang bên kia cầu
        Nơi có những miền quê yên ả
        Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
        Quả cây chín đỏ hoe
        Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
        Trỏ lối sang mùa hè…”
Đọc lại dưng dưng muốn khóc. “Lửa đèn”, “ Gửi em cô thanh niên xung phong…” đó mới là “tượng đài” Phạm Tiến Duật.

3-12-2011