Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"CHI CẦN TRONG XE CÓ MỘT TRÁI TIM"

Lê Văn Vỵ
Chủ nhật ngày 4 tháng 12 năm 2011 2:21 PM
CH

Nhân ngày giỗ lần thứ 4 của Nhà thơ Phạm Tiến Duật (04-12-2007 -04-12-2011)
(Cảm nhận khi đọc “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật).
    Phạm Tiến Duật mở đầu bài thơ bằng một câu mộc, nôm, ít nhiều ỡm ờ và rối rắm: “Không có kính không phải vì xe không có kính”. Ba chữ “ không” hiện diện, chỉ “không’’đầu câu thơ là nguyên nghĩa, còn hai “ không” ở vế sau được hiểu ngược: “ không” mà “có”. Nghĩa là xe vốn có kính, nhưng:      “ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi!”. Đó là sự thực trần trụi, nhưng Phạm Tiến Duật đã tìm một cách nói vòng vèo, tưng tửng, pha chút đùa giỡn. Ai lại lái xe không kính bảo hiểm? Nhưng, hoàn cảnh chiến tranh, người lính không thể chờ đợi. Người lính không chấp nhận thụ động mà “ ung dung” đĩnh đạc trong tư thế đàng hoàng ra trận!
   Không có kính, người lính lái xe không cần lá chắn, không qua khúc xạ, có những khoảnh khắc hoà nhập với “ gió ‘, “ sao trời”, “ cánh chim”, con đường, bầu trời, mặt đất: “ như sa, như ùa vào buồng lái” . “ Buồng lái” trở thành một vũ trụ tí hon, hội tụ đất trời trong khoảnh khắc choáng ngợp. Người lái xe thăng hoa trong khoảnh khắc, tận hưởng những khoái cảm đích thực, mạnh mẽ, được sống, được nhìn tận mắt, được cảm giác trực tiếp; được rung động với những khoái cảm thẩm mỹ mà Đỗ Minh Tuấn  gọi là: “ Có tính mộng du” thường trực. Như vậy, người chiến sĩ lái xe đã biến “ không” thành “ có”. Và chỉ có ai trong chiến tranh cầm vô lăng trên đường Trường Sơn mới có được những phút giây thi vị như vậy! Còn gì sung sướng hơn là được sống giữa thiên nhiên, trời đất. “ Đường ra trận mùa này đẹp lắm!”.         Đường ra trận là đường hạnh phúc!
     “ Không có kính”, phải đối mặt với “ bụi”, “ mưa” : “ Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời”. Khó khăn ấy được khúc xạ qua ống kính vạn hoa của một tâm hồn trẻ trung, tinh nghịch, đùa giỡn, phớt đời với tư thế ; “ ung dung”, “ phì phèo châm thuốc”, “ cười ha ha!” vô cùng lạc quan!
     “ Không có kính” được “ gặp bạn bè”, trực diện “nhìn nhau”, “bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi” với những con người, khuôn mặt, nụ cười, lời chào cụ thể, trong những khoảnh khắc cụ thể. Phạm Tiến Duật đã biến con đường chiến tranh, gian khổ, bom đạn, chết chóc thành con đường hội ngộ bạn bè, với muôn vàn kỷ niệm cụ thể, được sống với nhau ngất ngưởng giữa đất trời, đạn bom trong khung cảnh của “tiểu đội”, “gia đình”,trong không khí bình thường về đời sống hằng thường tấp nập, rộn rịp đang nhen lên và sinh nở. Con người làm nên lịch sử “đi tới” hiện diện trong vóc dáng cụ thể, cảnh ngộ cụ thể, sống đích thực, lão thực với khoảnh khắc đã hoá thành vĩnh viễn. “Không có kính” mà hoá ra có tất cả!
   Đến đoạn kết “không” được liệt kê, tăng cấp: “ không có kính”, “không có đèn”, “ không có mui xe”...để cuối cùng tác giả đẩy tứ thơ lên: “Chỉ cần trong xe một trái tim!”. Cốt lõi bài thơ phát lộ. Tứ thơ được đẩy đến tận cùng. “ Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bỗng cả trái đất lên!”. Trái tim yêu nước, trái tim vì miền Nam ruột thịt, trái tim say mê lý tưởng là “điểm tựa” để Phạm Tiến Duật bẩy tất cả khó khăn gian khổ lên. Đó là phép mầu nhiệm để biến “ không” thành “ có”.
       Sự đối lập giữa “không” và “có” đã trở thành mạch vận động chính của bài thơ. Sự đối lập này tạo cho bài thơ có kết cấu chặt chẽ, trọn vẹn. Hơn nữa
“ không” và “có” đan xen, xâm lấn, chuyển đổi trong mối quan hệ vừa đối lập, vừa hài hoà với muôn vàn sắc điệu khác nhau, khi rõ ràng, xác thực, khi mờ ảo huyền hoặc. Mặt khác “không có” là cụ thể, xác thực có thể nhìn, đếm, liệt kê thì “có” vô cùng, vô tận: Có thiên nhiên, đất trời, nụ cười, bè bạn, gia đình, bếp lửa, có miền  Nam phía trước, có Tổ quốc, chínhmình...Tất cả cái “có” ấy nẩy sinh từ “Có một trái tim!”. Kẻ địch muốn biến ta từ “có” thành “không”; ta lại biến “không” thành “có” và luỹ thừa, cấp số nhân lên vô hạn. Điều kỳ diệu của con người Việt Nam trong thời chống Mỹ đã được Phạm Tiến Duật phát hiện.
      Trên trục “không” và “có”, Phạm Tiến Duật đã gọi về chất thơ của đời thường, ngôn ngữ đời thường với thể thơ trữ tình- điệu nói. Sự ùa vào của giọng điệu vừa trữ tình vừa tếu táo hồn nhiên, của ngôn ngữ vừa tinh lọc vừa nôm na, bụi bặm đã góp phần xác định vị thế tác giả- Người trong cuộc viết về chiến tranh. Cái rưng rưng trong mỗi câu, mỗi chữ không chỉ nhuộm đỏ bụi đường Trường Sơn, thấm mưa, nắng, khét lẹt mù bom, thuốc súng mà rưng rưng trong mỗi đường gân, thớ thịt, trong mỗi tế bào của tác giả! Có phải Phạm Tiến Duật đã một thời cầm vô lăng với “Tiểu đội xe không kính” nên “ Ân sủng của lịch sử dành cho thơ anh chỉ có một lần?” (Đỗ Minh Tuấn). Và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là trường hợp độc đắc!?

Lê Văn Vỵ
Email: levanvy123@gmail.com